Hôn Nhân, Cuộc Sống

Khi chọn trường huấn nghệ

Sunday, 27/11/2011 - 10:47:22

Hãy xem những mục quảng cáo tuyển dụng để tìm những công việc mà bạn quan tâm, và gọi điện thoại cho người tuyển dụng để tìm hiểu xem loại kinh nghiệm nào là quan trọng đối với những chỗ làm như vậy.

Sau khi học xong bậc trung học, bạn có thể chọn lựa nhiều con đường khác nhau để tiếp tục việc học vấn. Một con đường là kiếm cho được một chứng chỉ, văn bằng từ một trường huấn nghệ hoặc một trường kỹ thuật sẽ dạy cho bạn một nghề nghiệp thiết thực. Những trường này đào tạo học viên trong những chức nghiệp kỹ thuật khác nhau, trong đó có kỹ thuật viên xe hơi, kỹ thuật viên điện toán, thợ uốn tóc, phụ tá y khoa, tài xế xe truck, và nhiều ngành nghề khác. Bất luận bạn mới gia nhập thị trường việc làm, hoặc đang tìm cách tăng cường những năng khiếu của mình, thì một trường huấn nghệ hoặc một trường hàm thụ đều có thể là một khởi điểm rất tốt cho việc tiến thân trong chức nghiệp của bạn. Sau đây là một số điều mách nước từ Ủy Ban Mậu Dịch Liên Bang (FTC), về cách thức chọn một trường dạy nghề.
- Hãy xem xét liệu bạn có cần thêm huấn luyện và học vấn bổ sung hay không, để kiếm được công việc mà bạn muốn làm. Có thể rằng bạn đạt được những năng khiếu mà bạn sẽ cần, bằng cách vừa học vừa làm. Hãy xem những mục quảng cáo tuyển dụng để tìm những công việc mà bạn quan tâm, và gọi điện thoại cho người tuyển dụng để tìm hiểu xem loại kinh nghiệm nào là quan trọng đối với những chỗ làm như vậy.
- Nghiên cứu về những phương thức huấn luyện thay thế, như các trường đại học cộng đồng. Học phí có thể thấp hơn so với các trường tư thục. Ngoài ra có một số hãng xưởng sẵn sàng cung cấp những chương trình giáo dục thông qua việc tập nghề hoặc vừa học vừa làm.
- So sánh các chương trình với nhau. Tìm hiểu những tin tức từ các trường khác nhau, để biết những điều kiện phải có để tốt nghiệp. Hãy hỏi xem khi ra trường thì bạn sẽ kiếm được gì – một chứng chỉ trong ngành bạn lựa chọn, hoặc hội đủ những điều kiện để đi thực tập nội trú hoặc thực tập bên ngoài ở những cơ sở khác? Những tín chỉ bằng cấp mà bạn kiếm được tại trường ấy có chuyển được hay không? Nếu bạn quyết định theo đuổi huấn luyện hoặc học vấn bổ sung, hãy tìm xem những trường đại học hai năm hoặc bốn năm có chấp nhận những tín chỉ từ trường huấn nghệ hay trường hàm thụ mà bạn đang xem xét hay không. Nếu những trường và đại học cộng đồng có uy tín nói rằng họ không chấp thuận, thì có thể đó là một dấu hiệu cho thấy rằng trường dạy nghề của bạn không được coi trọng cho lắm.
- Hãy tìm xem càng nhiều càng tốt về những cơ sở của nhà trường. Hãy hỏi thăm về những loại thiết bị, chẳng hạn như máy vi tính và dụng cụ, mà các học viên sử dụng cho việc huấn luyện, và những vật liệu và công cụ mà bạn, với tư cách là một học viên, phải được cung cấp. Hãy đến thăm ngôi trường, yêu cầu cho xem các phòng lớp và các xưởng tập nghề.
- Hãy hỏi về bằng cấp khả năng của những người phụ trách huấn luyện và kích thước của các lớp học. Hãy ngồi vào dự một lớp, để xem các học viên có dấn thân học tập hay không, giáo viên có thú vị hay không?
- Tìm cách có được ý niệm nào đó về tỉ lệ thành công của chương trình đào tạo. Hỏi xem có bao nhiêu phần trăm học viên hoàn tất chương trình. Một tỉ lệ cao của số người bỏ học có thể cho thấy rằng các học viên không thích chương trình ấy. Có bao nhiêu người tốt nghiệp kiếm được việc làm trong lãnh vực họ chọn? Lương khởi đầu trung bình là bao nhiêu?
- Xin một danh sách những học viên vừa mới tốt nghiệp. Hỏi vài người trong số ấy về kinh nghiệm của họ với nhà trường.
- Tìm hiểu xem chương trình huấn luyện sẽ tốn bao nhiêu. Sách vở, thiết bị, đồng phục và lệ phí phòng thí nghiệm có được bao gồm trong phí tổn tổng quát hay không, hoặc là phải trả riêng những lệ phí ấy?
- Nếu bạn cần trợ giúp tài chánh, hãy tìm xem nhà trường có cung cấp hay không, và nếu có, thì trường cung cấp những gì. Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ điều hành một số chương trình chính yếu tài trợ cho những người đi học, dưới những dạng như tiền trợ cấp, tiền cho vay, và những chương trình vừa học vừa làm việc. Khoảng hai phần ba trong tổng số các khoản tài trợ học hành đều phát xuất từ những chương trình ấy. Hãy gọi cho Trung Tâm Thông Tin Tài Trợ Đi Học ở số 1-800-4FED AID (1-800-433-3243) để biết thêm tin tức.
- Hỏi cho biết tên và số điện thoại của các tổ chức cấp giấy phép và giấy chứng nhận cho nhà trường. Liên lạc với những tổ chức ấy để biết rằng nhà trường có cập nhật hóa giấy phép và giấy chứng nhận của trường hay không. Việc cấp giấy phép mở trường là thuộc quyền của các cơ quan tiểu bang. Tại nhiều tiểu bang, các trường tư thục huấn nghệ đều được cấp giấy phép thông qua Bộ Giáo Dục của tiểu bang, Mặt khác, những trường dạy nghề lái xe truck có thể được Bộ Giao Thông của tiểu bang cấp giấy phép. Hãy hỏi nhà trường xem cơ quan nào của tiểu bang phụ trách cấp giấy phép cho trường. Việc chứng nhận thường được làm thông qua một cơ quan hoặc hiệp hội tư nhân, sau khi họ đánh giá nhà trường và chứng nhận rằng trường đáp ứng một số điều kiện qui định. Giấy chứng nhận có thể là một manh mối quan trọng cho thấy khả năng của một trường, trong việc cung cấp sự huấn luyện và giáo dục thích hợp – nếu cơ quan cấp giấy chứng nhận là một nơi có danh tiếng. Người cố vấn hướng dẫn bạn ở trường trung học, vị hiệu trưởng hoặc các thầy cô có thể nói cho bạn biết những cơ quan nào là có được những tiêu chuẩn xứng đáng trong việc cấp giấp chứng nhận.
- Kiểm tra lại với văn phòng Bộ Tư Pháp và cơ quan Better Business Bureau (Kinh Doanh Tốt Hơn) trong tiểu bang bạn cư ngụ và tại tiểu bang nơi có nhà trường, cũng như kiểm tra lại với cơ quan bảo vệ giới tiêu thụ của quận hạt hoặc của tiểu bang, để xem có những vụ khiếu nại nào chống lại trường ấy hay không. Một thành tích kiện cáo có thể cho thấy lề lối hoạt động khả nghi, nhưng chuyện không có khiếu nại kiện tụng cũng không nhất thiết có nghĩa là trường ấy không có vấn đề gì cả. Những cơ sở kinh doanh và giới làm ăn thường thay đổi danh xưng và địa điểm, để che giấu những vụ kiện cáo xảy ra trong quá khứ.
Một khi bạn quyết định về việc chọn trường, hãy xem lại những tài liệu mà nhà trường cung cấp cho bạn, trong đó có cả bản hợp đồng. Hãy tránh chuyện ký tên vào đó cho tới khi nào bạn đã đọc xong hồ sơ tài liệu một cách cẩn thận. Hãy coi lại bản hợp đồng để xem bạn có thể hủy hợp đồng trong vòng mấy ngày sau khi ký hay không, và nếu có như thế, thì xem bạn xúc tiến việc ấy như thế nào. Nếu nhà trường không chịu cung cấp hồ sơ tài liệu cho bạn trước, thì bạn nên chuyển sang trường khác. Việc từ chối cung cấp tài liệu như thế có thể là một dấu hiệu cho thấy rằng nhà trường không đáng tin cậy.
Nếu một viên chức của trường nói với bạn một điều gì khác với nhưng gì được ghi trong tài liệu hồ sơ của trường, thì bạn hãy yêu cầu nhà trường viết điều ấy ra. Nếu những lời hứa hẹn không được viết ra giấy trắng mực đen, thì nhà trường có thể phủ nhận chuyện họ đã làm như vậy.
Để kiếm tiền chi tiêu cho chương trình huấn nghệ của mình, bạn có thể nộp đơn xin trợ cấp tài chánh, thông qua chương trình tài trợ học hành của nhà trường. Nếu bạn vay một món tiền, hãy chắn chắn rằng bạn có đọc bản thỏa thuận và hiểu rõ những điều khoản về hoàn trả tiền vay, trước khi bạn đặt bút ký tên. Hãy biết khi nào bắt đầu phải trả nợ và mỗi lần sẽ trả bao nhiêu tiền. Đồng thời bạn cũng nên ý thức rằng bạn chịu trách nhiệm phải trả cho hết khoản nợ, dù bạn có hoàn tất chương trình đào tạo hay không. Nếu không trả hết nợ, bạn có thể gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng.
Nếu bạn không cảm thấy hài lòng với phẩm chất của việc giảng dạy hay huấn luyện, mà bạn nhận được từ một trường huấn nghệ hoặc một trường hàm thụ, thì bạn hãy nói chuyện với ban giám đốc hoặc những giới chức quản trị nhà trường. Nếu chuyện bạn không thấy mãn nguyện có liên quan tới bản hợp đồng của bạn với nhà trường, thì bạn hãy có gắng tìm cách giải quyết cuộc tranh cãi của bạn với nhà trường. Nếu việc này không đem lại hiệu quả, bạn hãy báo cáo cho văn phòng Better Business Bureau địa phương của bạn, cho văn phòng bảo vệ giới tiêu thụ của tiểu bang hoặc của địa phương nơi bạn ở, báo cho văn phòng Bộ Tư Pháp tiểu bang và cho Ủy Ban Mậu Dịch Liên Bang (FTC). Bạn có thể nộp đơn khiếu nại với FTC, bằng cách số điện thoại miễn phí 1-877-FTC HELP (1-877-382-4357), hoặc gởi đơn khiếu nại vào trang mạng www.ftc.gov, bấm vào mục “complaint form” (đơn khiếu nại).

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT