Một năm trôi qua, có vui, có buồn, có thành công, có thất bại… Hình như đó là những cái “có” chung của con người, làm người thì...
Những quầy bán đồ sida, đồ bành, secondhand ngày càng mọc nhiều hơn ở các vùng ven. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Bài NGUYÊN QUANG
Một năm trôi qua, có vui, có buồn, có thành công, có thất bại… Hình như đó là những cái “có” chung của con người, làm người thì ai cũng trải qua các trạng thái này. Thế nhưng hình như người Việt là một giống loài đặc biệt, bởi tính chịu đựng, thậm chí cam chịu của người Việt hình như là vô đối. Và một năm qua, người ta cũng dễ dàng nhận ra rằng tính lầy của người Việt rất cao. Nếu không tin, hãy nhìn lại.
Đầu tiên, theo thống kê của cục cảnh sát giao thông, có gần 11,500 vụ tai nạn giao thông, khiến hơn 6,384 người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam tính đến giữa tháng 12 năm 2022. Con số này dự tính sẽ còn phình to ra ở tháng 12 âm lịch bởi đây là tháng có nhiều đám cúng tất nhiên, tiệc tùng và giỗ chạp.
Con số 6,384 người chết vô hình trung gợi nhớ đến hơn 25,000 người chết trong đại phong tỏa tại Sài Gòn năm 2021 mà cho đến nay, người ta thử đặt giả định nếu như Sài Gòn đừng phong tỏa, chọt mũi hàng loạt và bắt bớ, ngăn sông cấm chợ thì có đến nỗi chết như rạ vậy không? Và hơn nữa, trong số 25,000 người chết được thống kê ấy, có bao nhiêu người chết vì suy dinh dưỡng, vì đói do thiếu lương thực, thực phẩm? Và, một vấn đề nhức nhối khác mà tình cờ, nó được nói ra từ miệng một đảng viên cao cấp rằng liệu con số 25,000 người có bị nói giảm xuống còn một nửa hay không, bởi con số thật sẽ rất cao, người ta chuyển qua thành chết do bệnh nền, mà chết do bệnh nền thì lấy đâu ra tự dưng chết hàng loạt sau khi phong tỏa như vậy? Nói cho cùng là con số thống kê chết chóc tại Việt Nam có gì đó không thật, nó chỉ là những con số chính trị, kể cả con số thương vong, nó cũng phải đáp ứng các điều kiện chính trị.
Những người kiếm cơm muôn năm cũ. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Thứ đến là con số hơn trăm người chết do sốt xuất huyết, đây là con số chưa đầy đủ, nhưng nó cũng cho thấy y tế cộng đồng của Việt Nam khác xa với những gì người ta tự hào, tự sướng trước đây. Trên thực tế, có thể nói rằng y tế cộng đồng của Việt Nam là cái gánh quá nặng trên đôi vai người dân, các trạm y tế xã/phường, thậm chí quận/huyện đóng vai trò biểu tượng bao cấp, nó như một kẻ gác cổng khó tính và kém hiểu biết của một bệnh viện hơn là nơi để chữa trị bệnh tật. Vì bất kì người dùng bảo hiểm y tế nào khi đến bệnh viện đều phải thông qua các trạm xã, phường, cần xác nhận của các trạm này, sau đó lên tuyến quận, huyện xác nhận thêm lần nữa rồi mới chữa trị, đều này gây trở ngại quá lớn cho người bệnh, bởi toàn bộ hệ thống này sinh ra để chứa những “bác sĩ,” “y sĩ” chuyên tu, tại chức, họ không có khả năng điều trị hay khám bệnh nhưng họ phải có chỗ ngồi để ăn lương nhà nước theo cơ chế.
Ông Cung, một bác sĩ về hưu, bức xúc, “Chính vì cái chỗ ngồi để ăn lương nhà nước theo cơ chế và kém năng lực nên mọi chính sách, dự án, đề án của các trung tâm y tế này đưa ra đều chậm so với thực tiễn, đặc biệt là nó trở nên buồn cười, khôi hài và không có chút hiệu quả nào. Bằng chứng lớn nhất là việc nó đã quá nhiệt tình trong hưởng ứng phong tỏa, cách ly, giãn cách mấy năm qua. Và gần đây nhất là dịch sốt xuất huyết, thay vì tổ chức bơm thuốc diệt muỗi, trừ lăng quăng, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bằng cách khử trùng các ổ dịch thì, không, ở đây người ta tổ chức từng đoàn cờ xí ồn ào, loa kèn rình rang chạy long nhong khắp xóm để thông báo có dịch số xuất huyết và bà con phải cẩn thận, không để ao tù nước đọng… Xin lỗi, cách làm này vừa ngu dốt vừa coi thường dân. Dân họ biết có dịch ngay từ đầu, vậy mà nửa tháng sau nhà nước mới đi kêu gọi phòng chống dịch. Thêm nữa, ai mà chả biết tránh ao tù nước đọng để phòng sốt xuất huyết chứ. Vấn đề là anh phải tiêu diệt muỗi.”
Chật vật kiếm chỗ làm kiếm tiền dịp cuối năm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Khi dịch đến, tôi có gọi điện thoại nhờ trạm y tế xuống bơm thuốc diệt muỗi trong vườn nhưng anh trạm trưởng trả lời không có thuốc, ông thấy chuyện này có kì cục không?”
“Đúng rồi, mấy năm trước chức năng phòng dịch giao cho y tế xã, phường, mấy năm gần đây, hết bao cấp, tức là không có phòng dịch miễn phí nữa, thôi thì lấy lui về cho quận, huyện, thị xã, y tế quận, huyện và thị xã sẽ làm dịch vụ phòng chống dịch, lấy tiền không thấp đâu nhé! Giờ có dịch sốt xuất huyết hoặc có người muốn thử máu, xét nghiệm tận nhà, chỉ cần gọi tới trung tâm y tế huyện hoặc bệnh viện tư thì có ngay xe cấp cứu tới nhà để xét nghiệm. Hai nơi này cạnh tranh với nhau nên khá là được lòng khách hàng.”
“Như vậy, các cơ quan y tế cộng đồng, theo ông, họ có thực hiện đúng chức năng của họ không?”
“Khi còn công tác trong lĩnh vực y khoa, nói chung là làm lãnh đạo bệnh viện, tôi từng đề nghị với các cấp là nên giảm bớt gánh nặng y tế cộng đồng, chỉ giữ lại các đội tiêm chủng mở rộng, chứ cán bộ y tế xã phường, quận huyện và thị xã họ chả làm được trò trống gì ngoài bám ghế chờ lên lương và chực hờ có miếng nào sơ hở là đớp. Cái gánh nặng y tế cộng đồng tại Việt Nam nó khiến cho mọi thứ trì trệ liên đới đấy, không đơn giản đâu!”
Những tiếng thở dài
Một mùa lúa mới với bao chi phí sau lưng, khó khăn trước mắt. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
An ninh và y tế chỉ mới là vài mảng rất nhỏ trong hàng chục mảng xám xịt tại Việt Nam trong thời gian qua, nếu như y tế với những vụ nổi cộm từ Bộ Trưởng Y Tế cho đến các giám đốc CDC các tỉnh đều toa rập với tư bản rừng rú để bóp cổ nhân dân thì hiện tại, người ta vẫn chưa thể nghĩ ra nguyên nhân và tiến trình của vaccine Nanocovax được tiêm tại Việt Nam mặc dù nó không được bất kỳ cơ quan y tế nào của thế giới công nhận về chất lượng, xem nó an toàn, thế nhưng chính ông Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam tình nguyện tiêm Nanocovax vào người và tuyên bố mình hoàn toàn khỏe mạnh sau khi tiêm. Người ta vẫn hỏi tại sao người tình nguyện thử nghiệm lại là tổng chỉ huy chống dịch lúc ấy? Và thực sự thứ nước đang tiêm vào người ông phó thủ tướng là vaccine hay một thứ thuốc bổ nào khác? Và giả sử đó là vaccine thì có gì để tin rằng đó là Nanocovax. Và, quan trọng nhất, là tại sao ông ấy quảng cáo cho thứ thuốc này?
Một bác sĩ khác tên Sĩ (tôi đã đổi tên gốc) hiện làm trưởng khoa ở một bệnh viện cấp tỉnh tại miền Trung, chia sẻ, “Vụ vaccine cho đến lúc này vẫn chưa thể nói là xong, nó còn quá nhiều vấn đề nhức nhối!”
“Theo bác sĩ, tại sao vẫn chưa xong?”
“Vì nó động chạm đến một thứ quan trọng nhất, đó là những thanh củi quá lớn, nó là một trong những cột chống chính trong căn nhà chế độ, giờ biến nó thành củi thì nhà cũng sập thôi!”
Giáo dục đã lắm chuyện để bàn trước khi thêm việc vaccine Covid-19 vào trường học. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Như vậy nghĩa là mọi thứ chìm xuồng?”
“Tôi không nghĩ rằng mọi thứ dễ chìm xuồng vậy đâu, bởi để cây cột đó lại, có khi lại nhanh sập nhà hơn vì nó đã rỗng ruột, tin vào nó là chết, bây giờ chỉ là lúc người ta tìm gỗ để làm cây cột mới mà thôi, có cột mới thay thế thì người ta mới dám bỏ đi cột cũ mà làm củi chứ (cười)!”
“Ngoài vụ y tế, bác sĩ có theo dõi vấn đề giáo dục không?”
“Giáo dục thì năm nào cũng bệ rạc chẳng kém năm nào. Năm nay lại có thêm những gì của dịch để lại nữa nên càng thê thảm hơn. Các bé mồ côi, thảm cảnh không đủ tiền cho con ăn học của gia đình dân tộc thiểu số, nạn bóc lột từ giáo viên dạy thêm, hễ cứ có đi dạy thì có dạy thêm, chưa nứt mắt đã đòi dạy thêm, chuyện dạy thêm tại Việt Nam trở nên nhức nhối và ghê tởm, rồi nạn quan chức giáo dục kiếm ăn trên bữa cơm của học sinh nghèo, rồi thêm chuyện cúng tình dục trong giới nhà giáo, thê thảm, quá thê thảm. Nhưng dù sao thì cũng đỡ hơn so với vụ ông Hội đồng ở Quảng Nam.”
Xếp hàng mua xăng chạy kiếm cơm trở thành nỗi ám ảnh mới của nhiều người trong năm qua. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Ý bác sĩ muốn nhắc đến Nguyễn Viết Dũng, tay hội đồng đã dùng gậy đánh golf phạng vào một phụ nữ đến gãy gậy?”
“Đúng rồi, thời xưa, hoặc thời nay cũng vậy, người có hiểu biết, cho dù nóng nảy đến cỡ nào vẫn không bao giờ tự cho phép mình xuống tay đánh phụ nữ, người già và trẻ em. Thế nhưng tay Hội đồng Dũng đã làm. Anh nên nhớ, xứ Quảng rất cá tính, nóng nảy, bộc trực, coi trọng chính nghĩa, do vậy mà thời nào cũng vậy, tuy nghèo nhưng luôn có chí sĩ, nhà yêu nước, nhà cách mạng. Thế mà đến thời này, lòi ra ngay một nhà đánh đàn bà, ngồi ngay trên ghế Hội đồng tỉnh mới là chuyện đáng nói. Đã vậy, còn đòi làm việc tất cả những tờ báo đã nêu sự vụ. Có thể nói rằng mức độ lộng hành của giới quan chức, nhà giàu Việt Nam đã vượt đến ngưỡng coi thường đạo đức, pháp luật và coi đảng Cộng sản cũng chả ra quái gì nữa rồi!”
Cuối năm, nếu chịu khó ngồi điểm lại một năm trôi qua, thật chẳng có chuyện nào vui để nói, với Việt Nam là vậy, trong lúc này!
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Anh Bảy Chà Và là ai và tại sao họ biến mất sau năm 1975
Người dân Sài Gòn, Chợ Lớn thường gọi với cái tên "Anh Bảy Chà Và". Anh là một phần không thể thiếu trong lịch sử Miền Nam Việt Nam
Mấy ông chồng Việt thường lưu tên vợ trong điện thoại là gì
Có muôn vàn kiểu đặt nick name, lưu tên vợ trong điện thoại của các ông chồng Việt, mỗi cái tên đều mang ý nghĩa và đặc trưng rất riêng.
Đểu Cáng trên con đường cái quan
Trên đường Cái quan. Cây cầu giữa Tuy Hòa và Đèo Cả, ảnh chụp năm 1898.Xưa, dường đi khó khăn, muốn đi từ tỉnh nọ đến tỉnh kia thường mất ...