Tiêu Thụ

Bảo hiểm y tế Mỹ đi về đâu?

Friday, 06/10/2017 - 08:15:28

Đối với giới tiêu thụ: Họ sẽ có nhiều chọn lựa từ nhiều mặt hàng hơn. Những người khỏe mạnh, ít cần tới dịch vụ y tế, có thể chọn mua bảo hiểm của một công ty ngoài tiểu bang với giá rẻ, chỉ để sử dụng khi thật cần thiết.

Bài ERIC TRẦN

Trong mấy tuần gần đây, hay nói rộng hơn, trong vài tháng gần đây, giới tiêu thụ toàn quốc không thể nào bỏ qua một đề tài rất nóng: Cải tổ thị trường bảo hiểm y tế, cụ thể là bãi bỏ Obamacare, chương trình bảo hiểm y tế đại chúng mới áp dụng được khoảng ba năm nay. Mặc dầu có một số đột phá quan trọng, Obamacare càng lúc càng lộ rõ nhiều khuyết điểm, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều giới liên quan. Các công ty bảo hiểm ngao ngán, giới thầy thuốc không mặn mòi, người tiêu thụ sợ hãi khi nghĩ đến đau bệnh mặc dầu có bảo hiểm. Obamacare chỉ mang lại một lợi ích hạn chế là mở rộng Medicaid (MediCal) để “tặng không”cho một số người trước đây không đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ y tế miễn phí này. Đổi lại, chính phủ phải chi thêm rất nhiều tiền, đưa đến thiếu hụt và nợ nần trầm trọng trên bình diện quốc gia. Dù đứng ở góc cạnh nào đối với Obamacare, chúng ta cũng không thể bỏ qua những diễn tiến chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới rất, rất nhiều người.


Đạo luật Affordable Care Act, đưa đến bảo hiểm Obamacare, được áp dụng ba năm qua, nhưng sợ rằng không đứng vững vì bảo phí tăng nhanh trong khi nhiều hãng bảo hiểm vẫn than lỗ, còn giới thầy thuốc thì không mặn mòi.

Trong khoảng nửa năm vừa qua, các vị dân cử Hoa Kỳ ít nhất đã ba lần cố gắng bãi bỏ Obamacare, mà thất bại vì không qui tụ được đủ đa số phiếu nhắm tới mục đích này. Nay Tổng Thống Donald Trump và các cố vấn của ông phải nghĩ tới cách dùng sắc lệnh hành pháp (executive order) để khai sinh một biện pháp cải tổ, mà theo ông sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa những công ty bán bảo hiểm, từ đó có thể đưa đến giá hạ ảnh hưởng tới hàng triệu người trong giới tiêu thụ. Trong cuộc họp báo hôm 27 tháng Chín, Tổng Thống Trump đã hé lộ hai điểm chính trong kế hoạch cải tổ y tế của ông như sau:

1. Cho phép người tiêu thụ được vượt ranh giới tiểu bang để mua bảo hiểm của các công ty vốn không hoạt động tại tiểu bang của mình.


TT Donald Trump (trái) và Nghị Sĩ Cộng Hòa Rand Paul vừa hé lộ một giải pháp cải tổ tạm thời nhằm mở rộng cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm y tế.

2. Cho phép cá nhân người tiêu thụ được lập nhóm để mua bảo hiểm theo giá rẻ hơn.
Cả hai điều trên hiện chưa được phép thực hiện. Chiếu theo luật hiện nay, người tiêu thụ chỉ có thể mua bảo hiểm từ những công ty có ghi danh kinh doanh trong tiểu bang nơi mình sinh sống; đổi lại, công ty chỉ có thể bán bảo hiểm cho cư dân ở một tiểu bang đó; Muốn có khách hàng ở tiểu bang khác, họ phải đăng ký thêm tại đó, và chấp hành luật lệ có thể khác hẳn nơi tiểu bang đó; Cũng trong điều kiện hiện nay, cá nhân người tiêu thụ chưa thể tự liên kết để mua bảo hiểm nhóm theo giá rẻ hơn, giống như những người cùng làm trong một hãng xưởng được.

Nghị Sĩ Rand Paul, thuộc tiểu bang Kentucky, rất mặn mòi với kế hoạch này. Ông cho rằng tình trạng mở cửa biên giới tiểu bang sẽ tạo ra một thị trường lớn, có nhiều cạnh tranh, từ đó đẩy giá bảo hiểm xuống. Nó cũng sẽ mang lại sự bảo vệ đúng nghĩa cho những người có cảm giác bị bỏ rơi (hoặc có bảo hiểm Obamacare nhưng không bao giờ “dám” bệnh!)

Kế hoạch này sẽ có ảnh hưởng thế nào?

Đối với giới kinh doanh: Với sắc luật mới, các công ty có thể bán bảo hiểm cho khách hàng ở những tiểu bang khác, nhưng chỉ cần đáp ứng điều kiện ở tiểu bang nơi họ đăng ký kinh doanh. Kết quả: Các công ty sẽ chọn đăng ký nơi một tiểu bang có luật lệ “dễ thở,” để có thể đưa ra bảo phí giá hạ, vừa túi khách hàng nay là cả nước chứ không hạn chế trong một tiểu bang.

Đối với giới tiêu thụ: Họ sẽ có nhiều chọn lựa từ nhiều mặt hàng hơn. Những người khỏe mạnh, ít cần tới dịch vụ y tế, có thể chọn mua bảo hiểm của một công ty ngoài tiểu bang với giá rẻ, chỉ để sử dụng khi thật cần thiết.

Đó là những thuận lợi. Nhưng những người chống đối lại nêu lên rằng thị trường khi đó sẽ chia thành hai nhóm rõ rệt: Những người khỏe mạnh, ít bệnh tật sẽ đổ xô đi mua những chương trình bảo hiểm đơn giản, để lại những người ốm đau phải dính với các chương trình nhiều quyền lợi, khiến cho giá cả rốt cuộc cũng sẽ tăng lên. Một điểm bất lợi khác khiến chính các hãng bảo hiểm cũng ngần ngại là khi bán bảo hiểm trên nhiều tiểu bang, họ sẽ phải đồng thời thiết lập nhiều mạng lưới y bác sĩ và bệnh viện trên toàn quốc, một điều có thể khó khăn hơn so với hiện nay. Sau cùng, một khi đạo luật ACA, tức Obamacare vẫn còn hiệu lực thì sự qui định về bảo hiểm gần như đồng nhất trên toàn quốc, và sự khác biệt giữa tiểu bang này với tiểu bang khác không là bao nhiêu.


Từ từ giới tiêu thụ mới nhận ra Obamacare là một mũi chích “đau thật đấy!”

Sắc luật của TT Trump, như được gợi ý hôm 27 tháng Chín, nếu có được ban hành, cũng chỉ là tạm thời. Giải pháp tối hậu mà chính quyền TT Trump muốn có là một đạo luật y tế, thay thế hẳn Obamacare, nhằm thiết lập lại cạnh tranh trong thị trường tự do, cân bằng cung cầu, giảm bớt bảo phí, và giảm thiểu gánh nặng cho ngân quĩ quốc gia. Nhiều người hiện đang có Medicaid (MediCal) sợ rằng bãi bỏ Obamacare, họ sẽ mất đi cái chương trình y tế miễn phí vốn được hưởng trước nay.

Thực ra, Medicaid (MediCal) đâu phải là chỉ có từ ba năm nay, hoặc do Obamacare thiết lập. Đây là những quyền lợi y tế dành cho người nghèo, người bệnh đã có từ bao đời tại Hoa Kỳ, ngay cả khi ông Obama chưa chào đời. Những người có Medicaid (MediCal) từ trước chắc chắn sẽ vẫn giữ được nó. Chỉ những người có Medicaid (MediCal) sau này, qua tiêu chuẩn quá rộng rãi của Obamacare mới có thể bị mất mà thôi. Thành phần này không nhiều, và thực ra, họ vẫn có thể bươn chải để tự mua bảo hiểm được.
Một sự cải tổ sâu rộng về y tế chắc chắn phải xảy ra.

Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT