Hôm Nay Ăn Gì

Cá gỗ trong tủ đông: Vịt nấu mẻ riềng sả đậu phụng

Thursday, 26/03/2020 - 05:16:37

Có thể nói đây là món ăn khá thú vị và hội tụ được văn hóa ẩm thực cả ba miền. ...

(Tom/ Viễn Đông)

Vịt nấu mẻ riềng sả đậu phụng

Bài TOM

Có thể nói đây là món ăn khá thú vị và hội tụ được văn hóa ẩm thực cả ba miền. Nó khiến cho người miền Nam hay miền Trung, miền Bắc đều thích ăn. Bởi món ăn này vừa dung chứa khẩu vị bình dân nhưng cũng rất đỗi sang chảnh, dường như nó có đủ các yếu tố của âm dương ngũ hành, hay nói khác đi, đây là món ăn thuốc Nam, cường dương bổ thận và giúp chống cúm. Nói nghe tưởng đùa nhưng thực sự, đây là một trong những món ăn mà Hải Thượng Lãn Ông đã nghĩ ra trong quá trình chữa bệnh cho một vị quan huyện thời đó.
Cũng xin nói thêm, nói về thuốc Nam, đây là một triết lý của Hải Thượng Lãn Ông, ông là một đệ tử của một thầy thuốc Bắc nhưng cũng chính ông luôn chủ trương Người Nam Dùng Thuốc Nam, bởi theo ông, chỉ có đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và địa trạch của miền Nam (đứng trên biên kiến Việt – Trung) mới phù hợp với cơ địa của người Nam (Việt) và người Nam vốn bận rộn, khó khăn, đời sống nghèo khổ, cơ hàn, không phải ai cũng có thể ngồi cả ngày bên ấm thuốc để sắc một thang thuốc bổ mà uống, nên cách hay nhất là chuyển hóa thuốc vào món ăn hằng ngày và chính món ăn hằng ngày sẽ thẩm thấu dần vào cơ thể, giúp cho cơ thể có đủ thời gian để thấm thuốc và đánh tan bệnh tật hoặc tăng cường sức khỏe.

Trở lại món vịt nấu mẻ riềng sả đậu phụng, có thể nói đây là món hết sức phù hợp với thời kỳ chúng ta dùng cá gỗ trong tủ đông. Bởi lẽ, muốn nấu món này ngon, người xưa phải chờ đến mùa đông, khí hậu lạnh lẽo, sau đó tìm một hồ nước thật lạnh để gói thịt vịt vào một cái túi chống thấm (không biết hồi đó có túi nhựa chưa, và người ta gói bằng loại chất liệu gì để chống thấm?) rồi vùi xuống ao nước cho cái lạnh của ao nước ngấm vào thịt vịt. Ngày hôm nay nhận xuống ao nước thì ngày mai hoặc mốt mới mang vào nấu. Còn bây giờ, ngay trong lúc này, tủ đông gia đình chúng ta có miếng thịt vịt nào đang đông cứng thì quá tuyệt, chỉ cần mang ra rã đông. Sau đó bắt tay chế biến.

Nguyên liệu chế biến món này tùy hứng, căn bản là phải có thịt vịt được rã đông. Nếu có vịt xiêm thì quá tuyệt, vịt ta cũng không sao, vịt ta nấu nhanh chín hơn vịt xiêm nhưng thịt không săn chắc như vịt xiêm và mùi thơm cũng không đậm bằng. Ngoài thịt vịt thì phải có đậu phụng hạt chưa rang, ngũ vị hương, củ riềng, củ sả, muối, bột nêm (nếu có thói quen dùng bột nêm, nếu không có thì thay thế bằng đường cát), một chút nước mắm và mẻ rượu. Trong trường hợp không có riềng thì dùng gừng thay thế, không có mẻ thì cho một chút bia (chừng 30% chai 300ml) và một ít dầu phụng sống hoặc dầu me, dầu xà lách…
Đầu tiên là rửa thịt sạch sẽ, để ráo một chút rồi chặt thành miếng vừa, ước chừng 3cm x 4cm. sau đó cho thịt vào nồi, cho một chút nước mắm vào trộn đều, sau đó, cho ngũ vị hương vào trộn, tiếp tục cho các gia vị khác như gừng giã nhỏ hoặc riềng giã nguyễn và mẻ hoặc bia vào và trộn đều lần nữa cùng với dầu phụng hoặc dầu mè, dầu xà lách và đầu phụng hạt chưa rang. Trừ củ sả ra, chưa cho vào thịt vịt lúc này. Trộn xong thì để chừng 15 phút cho các gia vị và dầu ăn ngấm vào thịt vịt.


(Tom/ Viễn Đông)


Trong lúc đợi các loại gia vị ngấm vào thịt vịt thì lấy các củ sả ra, đập hơi dập một chút và sắp thành một lớp dưới đáy nồi, sau đó sắp các các miếng thịt vịt lên trên sả, đổ đậu phụng hạt và nước còn lại trong bát lên trên thịt vịt. Và công việc tiếp theo là đậy nắp nồi cho kín, bắc lên bếp, bật lửa gas thật nhỏ, nếu lười biếng thì có thể bỏ vào nồi cơm điện để nấu nhưng chắc chắn là nồi cơm điện nấu sẽ không ngon bằng nấu lửa gas và mùi thịt, sả, ngũ vị… sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến ít nhất cũng 5 lần nấu cơm sau khi nấu món này.
Đây cũng là món vừa nấu vừa chatweb bình thường. Bởi vấn đề quan trọng nhất là lửa gas thật nhỏ, nhỏ gần với mức min và khi hơi có mùi thơm thì vặn hẳn về mức nhỏ nhất để chừng 10 phút thì mở hơi to chừng 30 giây, sau đó mở nắp, cho thêm khoảng 200ml nước nóng, tiếp tục nhỏ lửa, ninh tiếp khoảng 20 đến 30 phút nữa tùy loại vịt. Xin nhấn mạnh là món này không chịu lửa lớn, ngọn lửa phải nhỏ và thời gian nấu kéo dài chừng 30 đến 40 phút, không dưới 30 phút và không quá 40 phút nếu là vịt ta, trường hợp vịt xiêm thì không quá 60 phút. Chỉ với thời lượng đó mới đảm bảo vị thịt ngon, không quá nhừ và cũng không quá hắc mùi sả.
Một món ăn có đầy đủ các yếu tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ và ngũ vị, vừa có thịt vịt, thuộc âm tính lại có đậu phụng sống và sả thuộc dương tính, trong đó, thịt vịt là món thuộc nhóm “uyên ương thục” giúp tăng cường khí huyết, cường dương. Trong đó, đáng nói là vị riềng hoặc vị gừng giúp thông khí huyết, tạo giấc ngủ êm cho người già. Khi món này bày lên bàn ăn thì mùi thơm của nó rất kích thích, giúp người già ngon miệng, người trẻ cũng ngon miệng, trẻ con cũng thấy ngon miệng nốt. Đây là món ăn rất bắt cơm. Và chắc chắn rằng đây là món ăn giúp người ta có một đêm ngủ ngon sau khi có một chút trằn trọc và cuối cùng giải tỏa sự trằn trọc ấy đi bằng cách riêng của từng cặp đôi. Với người già và trẻ em thì ăn vào sẽ ngủ ngon giấc, không phải lo trằn trọc điều gì.
Trong mùa cách ly tránh dịch, chắc tủ đông sẽ có miếng thịt vịt nào đó, và các loại gia vị đi kèm, có lẽ cũng không quá khó để kiếm. Nói chung, đây là món ăn giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, trên hết là nó khá ngon miệng. Xin chúc mọi người có bữa cơm ngon và một đêm ấm áp!

 

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT