Mẹo Vặt

Cần thử để xem đất vườn nhà mình tốt đến mức nào?

Thursday, 09/11/2017 - 08:50:40

Nói tóm lại, thử đất không phải chỉ để biết đất có đủ NPK, hay bất cứ một thứ dưỡng chất nào khác dành cho loại cây mình định trồng, mà thử đất còn để biết đất có độ pH thích hợp, giúp cây hấp thụ những dưỡng chất cần thiết đó không.

Bài VŨ HẰNG


Làm vườn là một niềm vui hấp dẫn nhiều người. Nếu bạn cũng nằm trong số đó, chắc bạn phải luôn tìm cách để cho cây tươi, hoa đẹp, rau xanh, trái lành. Vậy ra bạn giống Hằng: Lúc nào em cũng suy nghĩ về mấy cái cây trong vườn, cứ y như lúc còn nuôi con thơ. Nhưng khác với những "hoàng tử, công chúa" kia, những đứa "con thơ" này không bao giờ làm khổ mình. Chúng cho mình niềm vui khi săn sóc và nhìn thấy chúng lớn lên. Có băn khoăn, lo lắng thì cũng chỉ là tìm cách cho chúng phát triển tươi tốt hơn, chứ không bao giờ mình phải đau khổ khi chúng trở thành gai nhọn chọc vào ruột mình, hoặc thậm chí phản bội mình… như một vài "công chúa, hoàng tử" bất hiếu đâu!


Làm vườn là niềm vui dành cho những người bình dân, mà cũng là một khoa học lớn

Vậy hôm nay, Hằng đề nghị với bạn một điều mà ít khi dân làm vườn a-ma-tơ nghĩ tới: Thử đất! Hay là, xét nghiệm đất. Dĩ nhiên, đây là công việc của các thầy cô trong phòng thí nghiệm. Nhưng nếu không muốn "làm lớn chuyện," chúng ta vẫn có thể tự lo được ở nhà. Mà không làm thì uổng lắm, các bạn. Nếu chúng ta chỉ nhắm mắt rải phân mà không biết đất vườn nhà mình thiếu thừa cái gì thì liệu "con cái" mình có tận dụng được ích lợi gì không?

Cần thiết phải thử đất

Thử đất là xét xem các dưỡng chất cần thiết để nuôi cây, tức NPK, đã có sẵn ở mức độ nào? Thừa, thiếu bao nhiêu? Có thích hợp với loại cây mà mình sắp trồng hay không?


Thử đất là việc làm công phu do các nhà khoa học thực hiện trong phòng thí nghiệm

Nhưng nếu đất đã có sẵn dưỡng chất cần thiết, mà cây lại không thể hấp thụ được, thử hỏi có ích lợi gì không? Có phải là "cám treo heo nhịn đói" như mấy ông hay than thở đó không? Hằng không biết con heo nhịn đói sẽ khổ đến mức nào, nhưng cứ tưởng tượng đang ngồi trước mâm cơm ngon lành mà không ăn được, bởi vì cổ họng bị sưng thì đúng là… tức chết được. Đừng để cho "con thơ" của chúng ta rơi vào tình trạng ấy nhé.

Nói tóm lại, thử đất không phải chỉ để biết đất có đủ NPK, hay bất cứ một thứ dưỡng chất nào khác dành cho loại cây mình định trồng, mà thử đất còn để biết đất có độ pH thích hợp, giúp cây hấp thụ những dưỡng chất cần thiết đó không.

- Quá nhiều dưỡng chất này hoặc quá ít dưỡng chất kia là không được. Giống như con người cần sự cân bằng thực phẩm thì mới khỏe mạnh, cây cối cũng vậy thôi. Thí dụ: Quá nhiều Nitrogen sẽ làm cho lá lên xanh tốt, nhưng cây sẽ ít trổ hoa và quả èo uột thì chủ vườn cũng đâu có hãnh diện gì.

- Không có độ pH thích hợp, cây sẽ không hấp thụ được dưỡng chất: Như các bạn hẳn còn nhớ, độ pH của đất được tính từ số 1 tới 14, với số trung bình là 7. Trong khi đa số cây trồng cần độ pH trung bình thì có loại thích hợp hơn với độ pH dưới 7, loại khác lại cần pH trên 7. Không thử làm sao chúng ta biết được pH đất vườn nhà mình là số mấy, làm sao có thể điều chỉnh thích ứng. Nếu chủ vườn không thể gia giảm để tạo ra con số pH thích hợp thì dù đất có dưỡng chất, mà cây không hấp thụ được, dưỡng chất sẽ theo nước tưới trôi đi, vừa phí của mà lại vừa làm cho môi sinh mất thăng bằng….


Nếu vườn rộng, bạn phải lấy mẫu đất từ nhiều khu vực khác nhau….

Các phương pháp thử đất

Như trên đã nói, chúng ta có hai cách thử: Gửi đến phòng thí nghiệm, hoặc tự làm lấy.
Gửi mẫu đất đến phòng thí nghiệm: Tuy đây là chuyện lớn, nhưng nếu có nhiều đất và muốn làm ăn chuyên nghiệp, bạn không thể nào không "suy nghĩ lớn." Qua công việc các thầy cô làm trong phòng thí nghiệm, bạn sẽ có một bản phân tích đầy đủ, để từ đó phác thảo những chương trình làm ăn to tát. Nhưng kết quả thí nghiệm có đầy đủ hay không lại tùy thuộc vào những công việc nhỏ bé bạn phải làm. Đó là công việc chuẩn bị mẫu đất, mà ngoài chủ vườn thì không ai khác có thể hoàn thành được.
Sau đây là những việc bạn phải làm để lấy mẫu đất:

1. Khoét một mảng đất từ trong vườn, sâu chừng 4 tới 6 inches, rồi cho vào một cái tách. Đây mới chỉ là một mẫu đất.

2. Chọn từ 6 tới 8 vị trí khác trong vườn, từ mỗi vị trí lấy một ít đất cho vào một tách khác.

3. Cuối cùng, bạn sẽ có 8 mẫu đất, chứa trong 8 tách, lấy từ 8 vị trí khác nhau.

4. Hòa chung tất cả 8 mẫu đất ấy chung với nhau, rồi phân chia thành hai tách lớn hơn, đậy nắp, bỏ vào trong bịch plastic.

5. Đó là mẫu đất mà bạn sẽ gửi đến cho phòng thí nghiệm.
Xong việc ấy, bạn chỉ việc ngồi chờ. Các thầy cô sẽ làm xét nghiệm, rồi gửi cho bạn một bản báo cáo về thành phần dưỡng chất và độ pH hiện tại của vườn nhà bạn như thế nào.
Đó là chuyện lớn. Còn nếu bạn chỉ muốn dùng mẹo vặt tại nhà thì cũng xin có ngay. Hẹn bạn lần sau nhé.
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT