Pháp Luật

Cấp dưỡng con cái sau khi ly dị

Thursday, 23/06/2011 - 07:02:12

Khi hôn nhân chấm dứt , vấn đề thăm nuôi và cấp dưỡng con cái còn kéo dài có thể rất lâu sau khi thủ tục ly dị hoàn tất. ...

LS. Trần Khánh Hưng/Viễn Đông



Khi hôn nhân chấm dứt , vấn đề thăm nuôi và cấp dưỡng con cái còn kéo dài có thể rất lâu sau khi thủ tục ly dị hoàn tất. Nếu bạn muốn lập gia đình lại sau khi ly dị, hay nếu bạn muốn lập gia đình với người đã ly dị và có con cái, việc thăm nuôi con cũng như trách nhiệm cấp dưỡng cho con cũng là một vấn đề phải suy nghĩ. Trong số báo này, chúng tôi sẽ đề cập đến những trách nhiệm cấp dưỡng, và tài sản nào của người phụ huynh có thể bị ảnh hưởng cho việc nuôi con sau này.

* Sau khi ly dị, tài sản chung hay hay tài sản cá nhân của hai người có thể dùng trong việc cấp dưỡng hay không, trong trường hợp người phụ huynh kia đã lập gia đình lại hay qua đời?
Theo luật gia đình của tiểu bang California, toà án có quyền dùng một phần những tài sản chung hay riêng của người phụ huynh cho việc cấp dưỡng cho con cái.   
 
* Trách nhiệm nuôi con đến lúc nào sẽ chấm dứt?
Con cái sẽ còn tuổi vị thành niên cho đến lúc đúng 18 tuổi. Vì thế, trách nhiệm nuôi con của phụ huynh sẽ tiếp tục đến khi con đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, trách nhiệm nuôi con hay cấp dưỡng con cái có thể sẽ kéo dài đến khi con 19 tuổi, nếu con của mình vẫn còn học trung học cho đến khi 19 tuổi, và vẫn không có khả năng tài chánh tự lập.

* Khi ly dị cha mẹ có thể thoả thuận trách nhiệm nuôi con sẽ tiếp diễn đến khi con 21 tuổi được không?
Luật California không cấm phụ huynh thoả thuận việc cấp dưỡng con cái ngoài khoảng thời gian luật pháp quy định. Nếu những điều khoản quy định này được liệt kê trong phán quyết ly dị, sau này toà án có thể sẽ không thay đổi phán quyết nếu một trong hai người phụ huynh thay đổi ý định.

* Những tài sản có được sau khi lập gia đình lại với người khác sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong việc nuôi con?
Nếu người phụ huynh có trách nhiệm cấp dưỡng cho con riêng của mình trước khi lập gia đình với người khác, những trách nhiệm đó sẽ được coi là trách nhiệm tiền hôn nhân (premarital debt), ngay cả trong trường hợp có những án lệnh thay đổi số tiền cấp dưỡng sau ngày cưới. Những tài sản riêng và chung của người phụ huynh mang trách nhiệm sẽ bị ảnh hưởng như sau:
- Nếu là tài sản riêng, chỉ có những tài sản riêng của người phụ huynh mang trách nhiệm bị ảnh hưởng mà thôi. Những tài sản riêng của người phối ngẫu mới sẽ không bị ảnh hưởng cho việc cấp dưỡng cho con riêng của mình.
- Nếu người phụ huynh mang trách nhiệm có những tài sản chung với người phối ngẫu mới sau này, phần tài sản chung của người phụ huynh mang trách nhiệm sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những lợi tức hay thâu nhập do sức lao động (earnings) của người phối ngẫu mới thông thường sẽ không bị ảnh hưởng cho việc cấp dưỡng, nếu người phối ngẫu để những tài khoản này trong một trương mục riêng, không chung chạ với những trương mục chung của vợ chồng, và người phụ huynh mang trách nhiệm không có quyền rút tiền ra. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, hay tối cần thiết khi người phụ huynh mang trách nhiệm không có lợi tức hay tài sản, toà án có thể sẽ dùng một phần lợi tức của người phối ngẫu mới cho việc cấp dưỡng con cái.
- Nếu có những thay đổi trong vấn đề thăm nuôi con mà toà án cần phải định lại tiền cấp dưỡng cho con cái, toà án sẽ phải xem xét lợi tức của cả hai phụ huynh của các em, nhưng sẽ không dùng lợi tức của người phối ngẫu mới.

* Nếu người phụ huynh mang trách nhiệm cấp dưỡng con qua đời khi con còn nhỏ thì sao?
Một khi đã có phán quyết của toà án cho việc cấp dưỡng con cái, trách nhiệm của người phụ huynh sẽ tiếp tục khi con cái đến tuổi trưởng thành, cho dù là người phụ huynh mất đi khi con còn thơ. Trong những trường hợp này, những di sản của người phụ huynh quá cố sẽ được dùng trong việc cấp dưỡng cho con, kể cả tiền còn dư trong quỹ hưu trí, hay tiền an sinh xã hội để tiếp tục cấp dưỡng cho con theo án lệnh ly dị.  Ngoài ra, việc thành lập living trust của người phụ huynh quá cố cũng sẽ không có công hiệu bảo vệ tài sản đối với trách nhiệm cấp dưỡng.      

* Nếu tôi làm living trust để lại tài sản cho con riêng của tôi trong trường hợp tôi mất đi khi con còn thơ thì sao?
Trong những trường hợp này, bạn sẽ cần bổ nhiệm người quản trị viên dự bị (alternate trustee) để có thể quản lý tài sản trong thời gian con bạn còn nhỏ. Bạn có thể để những điều khoản về vấn đề cấp dưỡng hàng tháng cho con theo án lệnh, hay là ấn định số tuổi trưởng thành của con để được lãnh nhận di sản của bạn. Người quản trị viên dự bị sẽ giúp bạn lo lắng cho con về mặt tài chánh, ngay cả những phí tổn hàng tháng hay tiền học phí của đại học. Trong trường hợp số tiền bạn chia cho con không đủ để trả tiền cấp dưỡng cho con đến tuổi thành niên, toà án gia đình vẫn có quyền dùng những di sản khác để đắp vào.

* Nếu tôi là người phụ huynh giữ con thì tôi cần phải làm gì để đòi tiền cấp dưỡng của người phụ huynh quá cố?

Nếu trách nhiệm cấp dưỡng con được nêu rõ trong phán quyết ly dị, bạn sẽ trở thành người chủ nợ của di sản của người phụ huynh quá cố (deceased parent’s estate). Bạn cần phải thông báo cho người quản lý di sản (trustee) biết, và nếu cần nộp đơn với toà án probate để đòi nợ. Toà án probate sẽ không có quyền thay đổi số tiền cấp dưỡng đã được toà án gia đình quy định. Trong trường hợp cần thiết, bạn có quyền mang người quản lý di sản ra toà án gia đình, để xin án lệnh thi hành những điều khoản cấp dưỡng cho con cái. Ngoài ra, nếu người phụ huynh quá cố có nợ những cơ quan chính phủ tiền cấp dưỡng con cái, những cơ quan này cũng có quyền đòi trả nợ từ những di sản còn lại của người quá cố.

* Ngoài việc đòi di sản cho con, tôi còn có cách nào khác để bắt người phụ huynh kia bảo đảm việc cấp dưỡng cho con không?
Trong lúc kết thúc việc ly dị, bạn có thể thoả thuận dùng một phần tài sản của người phụ huynh kia để trả trước cho việc cấp dưỡng con cái, nếu bạn lo ngại người đó sẽ rời khỏi nước Mỹ, không chịu trả tiền cấp dưỡng cho con cái. Cách thứ hai là bạn có thể yêu cầu người phụ huynh kia mua bảo hiểm nhân thọ, và để tên con cái là người thừa kế khi người phụ huynh kia mất đi. Số tiền bảo hiểm nhân thọ phải đủ để trang trải chi phí cấp dưỡng cho con, và sau đó thì toà án sẽ không đụng đến những di sản của người phụ huynh quá cố.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về vấn đề cấp dưỡng cho con cái, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT