Hôn Nhân, Cuộc Sống

Chế ngự tính giận hờn của các em bé

Wednesday, 21/01/2009 - 03:09:12

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Con gái tôi thường có thói xấu lăn quay ra đất giận hờn, quăng ném đồ vật, dùng chân đá vào tường ...

Hoàng Châu

 

Thỉnh thoảng trên trang internet người ta vẫn thấy những kinh nghiệm thực hành do các bà Mẹ chỉ bảo cho nhau. Những hướng dẫn này không được giải thích tại trường lớp cũng như không phải do các nhà tâm lý học, giáo dục học nên các tác giả thường ghi chú: Tôi làm vậy thấy có hiệu quả, bạn thử làm theo coi kết quả ra sao?



Câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Con gái tôi thường có thói xấu lăn quay ra đất giận hờn, quăng ném đồ vật, dùng chân đá vào tường và khóc thét lên mỗi khi không đồng ý điều gì. Ai có kinh nghiệm xin làm ơn giúp đỡ chỉ bảo dùm. Cám ơn”

 

Sau đây là vài câu trả lời:

 

1. Bà thứ nhất: Hãy bắt chước y hệt hành vi của con

À, tưởng việc gì chứ việc này tôi cũng đã từng bị. Tôi chỉ cho bà cách này để bà thử coi xem sao nhé!

Một ngày kia đứa con gái của tôi lăn đùng ra đất giãy dụa khi tôi không dẫn đi chơi. Vốn không phải đối phó với hoàn cảnh như vậy lần nào nên tôi bối rối lắm. Cuối cùng, ma quỷ đưa lối thế nào mà tôi lại nẩy ra một sáng kiến bắt chước nó cũng lăn ra đất đập tay đập chân méo miệng khóc (nhưng chẳng có tí nước mắt nào!!!) Vì chẳng có ai ở chung quanh nên tôi cũng giả vờ làm đủ trò như nó, và rồi tôi cảm thấy lăn quay ra nền nhà gào to lên cũng có cái hứng thú khi phải tức giận ai về điều gì.

Thế là đứa con gái ngừng khóc và bắt đầu cười. Nó bảo tôi đừng làm như thế. Tôi nói với nó tôi sẽ không làm vậy nữa nếu nó ngưng cái trò giận hờn cỏn con kia.

Bạn à! Tôi đã làm như vậy 2 lần và tôi cảm thấy tôi thắng được nó dễ dàng, khỏi phải đuổi nó về phòng hay là phết nhẹ vào mông nó mấy cái.

Tôi chẳng hiểu tại sao nó lại có kết quả nhưng sự thật là như vậy.

Bạn bè đã cười rũ rượi khi tôi kể chuyện này nhưng sau đó họ bảo với tôi rằng nằm lăn quay ra đất ăn vạ một con bé cũng thích thú vô cùng và xả được bao nhiêu căng thẳng của đời sống.

Đây có thể không phải là lời khuyên tốt nhất nhưng kinh nghiệm này cũng vui và hay lắm. Tôi làm vậy thấy có hiệu quả, bà thử làm theo coi kết quả ra sao?

Chúc bà may mắn!

 

2. Bà thứ hai: Hãy tỉnh bơ coi như không có chuyện gì

Mấy đứa con nít bây giờ khôn ghê gớm bà ơi! Không biết khi còn nhỏ mình có lanh như chúng không? Gì mà mới ba bốn tuổi đầu đã giận hờn. Các cháu ma mãnh lắm. Chúng hiểu rất nhanh chóng rằng: nếu khóc gào đủ lớn, đủ mạnh, đủ dài, chúng sẽ đạt được điều mong muốn. Chẳng cần nhiều thời gian để chúng học được kinh nghiệm này. Tôi không biết ngày xưa khi còn bé tôi có biết điều này hay không nữa?

Khi nó ăn vạ bà hãy “bơ” đi! Đừng thèm chú ý đến nó nữa. Khóc là quyền của nó. “Bơ” là quyền của bà. Nếu cháu muốn một điều không được phép nhưng rồi dùng giận hờn, gào thét để chống đối lại thì hãy để mặc kệ nó xem coi ai thắng ai?

Có đứa còn tinh ranh hơn, nó không thèm ăn vạ tại nhà mà thường lăn quay ra khóc nơi công cộng. Nó biết rằng nó thường chiến thắng trong những trường hợp như thế nên hay lạm dụng.

Thằng con trai tôi có lớn lao gì đâu, mới 24 tháng tuổi vậy mà rất hay lăn quay ra đất khóc nhè rồi đập chân đập tay. Tôi để ý rằng nếu tôi để mặc kệ nó kêu gào thì chỉ 5 phút nó sẽ ngừng nhưng nếu tôi chú ý và vỗ về thì nó càng làm tàng và phách lối thêm. Dĩ nhiên cơn giận hờn thường lâu gấp nhiều lần hơn so với để mặc kệ nó.

Với tôi, muốn nằm khóc ăn vạ thì cứ làm thoải mái đi! Không có gì phải ầm ĩ cả. Bây giờ nó không còn thói xấu đó nữa. Không biết vì nó đã lớn hay là vì tôi tỉnh bơ không dỗ dành nó. Tôi làm vậy thấy có hiệu quả, bà thử làm theo coi kết quả ra sao?

 

3. Bà thứ ba: Làm cho con chú ý tới một hoạt động khác

Khi con tôi nằm quay ra đất ăn vạ thì tôi tìm cách làm cho nó chú ý tới một hoạt động khác. Vì cháu là đứa thích chơi game nên tôi mở computer và thử chơi game, tôi bấm lung tung hết vì tôi có biết gì đâu. Tôi nhớ những câu nó hay la hét khi chơi game để bắt chước gào to lên cho giống nó.

Thế là nó chạy lại, dạy dỗ tôi cách chơi hay rủ tôi chơi với nó. Tin tôi đi. Nó sẽ ngưng khóc và trở nên bình tĩnh. Tôi làm vậy thấy có hiệu quả, bà thử làm theo coi kết quả ra sao? Làm Mẹ thì phải biết con mình thích gì và ghét gì mới dạy được con chứ phải không?

 

4. Bà thứ tư: Tiên đoán tình huống và dặn dò trước để chuẩn bị tinh thần

Thằng con trai 5 tuổi của tôi cũng là một cây giận hờn. Nó chỉ làm thế mỗi khi có mặt người khác, không phải người trong nhà. Tôi thường phải ghi nhận và tiên đoán những nơi, những lúc nó hay ăn vạ để đề phòng. Một trong những chỗ nó hay mè nheo nhiều nhất là tại tiệm ăn.

Trước khi tới tiệm ăn, tôi dặn dò nó những việc nên làm và không nên làm rồi buộc cháu lặp lại.

“Chúng ta sắp đi ăn tiệm. Đó là nơi cộng cộng nên con phải ăn nói nhỏ nhẹ, đàng hoàng. Không được la hét, gào khóc hay lăn quay ra đất. Điều này làm người khác phiền lòng.”

Sau đó, tôi hỏi lại nó:

- Con có nói năng nhỏ nhẹ không?

- Có.

- Con có hỏi Mẹ trước khi đòi ăn thứ gì không?

- Có.

- Con có la hét, quăng ném đồ vật không?

- Không.

- Con có lăn quay ra đất khi không được như ý không?

- Không.

- Tốt. Chúng ta sẽ đi ăn vui vẻ. Khi vào tiệm Mẹ sẽ mua cho con món yougurt mà con vẫn thích.

Nhờ vậy sau này cháu càng ngày càng bớt giận hờn. Tôi làm vậy thấy có hiệu quả, bà thử làm theo coi kết quả ra sao?

 

Cuối cùng là lời khuyên của những nhà chuyên môn: khi các em lăn quay ra đất ăn vạ thì đừng tìm cách trừng phạt hay hứa hẹn cho cái này cái kia để dỗ dành. Trừng phạt, la hét các em chỉ làm cho tình hình xấu hơn. Khi các em lăn quay ra đất nghĩa là đã mất hết kiểm soát thì người thân phải bình tĩnh. Hãy để mắt tới sự an toàn của các em vì có nhiều em bỏ chạy ra ngoài đường giao thông đầy xe cộ mỗi khi giận hờn. Cuối cùng, đừng để những hành vi bênh đỡ (từ người thân như ông bà nội, ngoại…) khiến cho các em phát triển thêm tính khó trị.

 

Vien Dong Daily News

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT