Đời Sống Việt

Chiều Nhạc ‘Sàigòn Niềm Nhớ Khôn Nguôi’

Thursday, 13/04/2023 - 10:37:45

Ban Hợp Xướng Trưng Vương trở lại lần thứ nhì và cũng kết thúc phần 1 của chương trình với hai nhạc phẩm “Tìm Đâu” của Nguyễn Hiền và “Đất Lành” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương qua sự điều khiển của ca trưởng Như An

Saigon

WESTMINSTER – Chiều Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023 một buổi nhạc mang chủ đề “Saigon Niềm Nhớ Khôn Nguôi” do các cựu nữ sinh Trưng Vương tổ chức tại nhà hàng Bleu, Westminster đã thu hút rất đông đồng hương đến tham dự để nhớ về Saigon, thủ đô yêu dấu của miền Nam Việt Nam.

Sau ngày miền Nam Việt Nam bị cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm cách nay gần nửa thế kỷ, những người Việt sống lưu vong tại hải ngoại vẫn không bao giờ quên Saigon với những kỷ niệm đầy ắp trong tim, trong đó các cựu nữ sinh Trường Trung Học Trưng Vương, một thời tung tăng đến trường với tà áo dài trắng phất phơ trong gió, những tà áo dài đi giữa hàng cây trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã làm bao chàng nam sinh Võ Trường Toản ngân ngơ….

Các cựu nữ sinh Trưng Vương thuở ấy giờ đây đã là những bà nội, bà ngoại, những Bác sĩ, Nha, Y, Dược Sĩ, những nhà văn, nhà báo, chủ nhân các cơ sở thương mai nhưng “Saigon” vẫn là niềm nhớ khôn nguôi trong lòng họ, và Tháng Tư là thời điểm gợi nhớ Saigon nhất.

Nhiều nhạc sĩ như Phạm Đình Chương, Nguyễn Đình Toàn, Ngô Thụy Miên, Trầm Tử Thiêng, Nam Lộc v.v. đã sáng tác những nhạc phẩm diễn tả tâm tư của người dân miền Nam khi phải vĩnh biệt Saigon, khi Saigon đã bị thay tên đổi họ như nhạc phẩm ‘Saigon Ơi Vĩnh Biệt’ của nhạc sĩ Nam Lộc: “Saigon ơi! Tôi đã mất người trong cuộc đời / Saigon ơi! Thôi đã hết thời gian tuyệt vời / Giờ còn đây những kỷ niệm sống trong tôi, những giọt lệ ôi sầu đắm…”

Không chỉ nhạc sĩ Nam Lộc nhỏ lệ nhưng hàng vạn người Việt cũng nhỏ lệ khi nghe ông diễn tả đúng tâm tư của họ.

Với niềm hoài vọng ấy, trong buổi nhạc ‘Saigon Niềm Nhớ Khôn Nguôi,’ khán phòng của nhà hàng Blew đã không còn chỗ trống, và chương trình bắt đầu đúng giờ như đã phổ biến. MC Bích Trâm duyên dáng trong tà áo dài tha thướt bước ra sân khấu giới thiệu tiết mục mở màn cho chương trình “Ghé Bến Saigon” do Ban Hợp Xướng Trưng Vương trình bày. Các cựu nữ sinh Trưng Vương trong ban hợp ca tiến ra sân khấu, người đi sau cùng là ca trưởng Như An (BS Nguyễn Thị Nhuận, Chủ nhiệm báo Viễn Đông).

Sau khi cúi chào khán giả, ca trưởng đề nghị mọi người cùng hát theo vì theo bà, có lẽ không ai không biết nhạc phẩm này, và qua tiếng đàn dương cầm điêu luyện của nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vũ, ca trưởng Như An bắt nhịp, toàn ban cất cao bài hát “Ghé Bến Saigon” của nhạc sĩ Văn Phụng.

Tiếp theo, Nhóm Sóng Xanh với nhạc phẩm vui “Saigon đẹp lắm Saigon ơi” rồi đến ca sĩ Hoàng Hưng đơn ca nhạc phẩm “Áo Lụa Hà Đông” thơ Nguyên Sa, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc. Nhóm Mây Hồng diễn tả tâm tư của nhạc sĩ Phạm Đình Chương – Hoàng Anh Tuấn khi phải rời Hà Nội vào Saigon năm 1954 qua nhạc phẩm “Mưa Saigon, Mưa Hà Nội.” Cựu nữ sinh Mai Khanh đơn ca “Saigon Niềm Nhớ Không Tên” của Nguyễn Đình Toàn và Nhóm Sóng Biếc hợp ca “Giọt Mưa Trên Lá” sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy.

Ca sĩ Phi Khanh được MC Bích Trâm giới thiệu là cô chủ nhà hàng Bleu và cũng là cựu nữ sinh Trưng Vương. Phi Khanh ngỏ lời cám ơn BS Nhuận và Ban Hợp Xướng Trưng Vương đã chọn nhà hàng Bleu để tổ chức chương trình ca nhạc đặc biệt này, cám ơn quý khán giả đã đến Bleu tham dự và Phi Khanh đơn ca hai nhạc phẩm “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” một nhạc phẩm mà không nữ sinh Trưng Vương nào không biết.

Sau đó cô hát nhạc phẩm Cô Đơn. Dứt hai nhạc phẩm, tiếng vỗ tay rào rào, trong hàng khán giả có người, chắc hẳn là cựu nữ sinh Trưng Vương nói “Phi Khanh làm tôi chảy nước mắt qua Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu.

Ban Hợp Xướng Trưng Vương trở lại lần thứ nhì và cũng kết thúc phần 1 của chương trình với hai nhạc phẩm “Tìm Đâu” của Nguyễn Hiền và “Đất Lành” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương qua sự điều khiển của ca trưởng Như An. Tiếng vỗ tay vang dội, nhiều người thốt lên “Cám ơn Trưng Vương, cám ơn BS Nhuận.”

Sau 15 phút nghỉ giải lao, chương trình bước vào phần 2 với Ban Hợp Xướng Trưng Vương qua nhạc phẩm “Tiếng Hò Miền Nam” của Phạm Duy. Tiếp theo là tiếng hát của Kim Oanh qua nhạc phẩm “Miên Khúc” của Ngô Thụy Miên, Kim Nhung – Tố Loan song ca “Bóng Người Đi của Văn Phụng.”

Ca sĩ Ngọc Sương đơn ca “Tôi đi giữa Hoàng Hôn” sáng tác của Văn Phụng. Giáng Tuyết trình bày nhạc phẩm “Đêm Nhớ Về Saigon của Trầm Tử Thiêng. Nhóm Mây Hồng trở lại với bản hợp ca “Tình Khúc Chiều Mưa” của Nguyễn Ánh 9.

Nhạc phẩm “Em Còn Nhớ Mùa Xuân” của Ngô Thụy Miên qua giọng hát của Phú Cường. Kim Phượng và Giáng Tuyết song ca 2 nhạc phẩm “Yêu Em và Yêu Em và Như Mây Như Mưa của Phạm Anh Dũng và Lê Tín Hương.

Tiết mục thứ 19 trong chương trình và cũng là tiết mục cuối cùng với hai nhạc phẩm “Lữ Hành” của nhạc sĩ Phạm Duy và “Anh Về Thủ Đô” của Y Vân do Ban Hợp Xướng Trưng Vương trình bày. Sau những tràng pháo tay thật lâu, mọi người rời nhà hàng Bleu vừa mãn nguyện với một chương trình ca nhạc thật tuyệt vời, làm tâm tư thổn thức trong nỗi nhớ Saigon da diết “Saigon ơi! Tôi đã mất người trong cuộc đời…”

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT