Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Chiều ra mắt sách nhạc Phạm Đình Chương và Toàn Bộ Sáng Tác

Băng Huyền/ Viễn Đông Saturday, 27/04/2013 - 08:30:03

Trong tổng cộng 50 ca khúc trong toàn bộ sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ông Phạm Thành đã giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu trong chương trình phụ diễn văn nghệ, được chia thành 3 giai đoạn sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Băng Huyền/ Viễn Đông

Buổi chiều ra mắt sách nhạc “Phạm Đình Chương và Toàn Bộ Sáng Tác” đã diễn ra trong không khí thân mật, cảm động, bởi sự giao hòa và đồng điệu giữa cõi nhạc- cõi thơ, ca sĩ và khách tri âm, gợi nhớ những hoài niệm xa xôi một thời đầy cảm xúc, tại hội quán Lạc Cầm vào 2 giờ chiều Chủ Nhật, 21-4-2013 vừa qua, do ông Phạm Thành, trưởng nam của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương tổ chức, kiêm vai trò dẫn dắt chương trình.
Buổi ra mắt như sợi dây vô hình kết nối cảm xúc của mọi người yêu nhạc về cố nhạc sỹ Phạm Đình Chương. Đó là những người bạn, người thân của nhạc sỹ Phạm Đình Chương lúc sinh thời, nhắc lại những kỷ niệm từng có với ông. Tài tử Kiều Chinh (thân hữu của gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương) đã có đôi lời về tiểu sử của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991), cũng là Hoài Bắc trong vai trò ca sĩ với tiếng hát vang danh một thời trong ban hợp ca Thăng Long, được xem là ban hợp ca nổi tiếng nhất tại Sài Gòn trước năm 1975, gắn liền với phòng trà Đêm Màu Hồng. Nhà thơ Trần Dạ Từ cũng có vài phút tâm tình về duyên thi ca với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, qua bài Người Đi Qua Đời Tôi (Thơ Trần Dạ Từ, nhạc Phạm Đình Chương) và giới thiệu cuốn sách nhạc.



                      Ông Phạm Thành (trưởng nam của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và danh ca Khánh Ngọc)
                                                         gửi lời tri ân khán giả.

Chương trình phụ diễn đặc sắc

Có lẽ chờ đợi nhiều nhất vẫn là chương trình phụ diễn, giới thiệu một số sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Chương trình tăng thêm giá trị vì nó không còn đơn thuần là giai điệu ca khúc, là sự tinh tế, nhạy cảm của người nhạc sĩ trong lời ca, mà chính là chuyện của ngày xưa soi lại những buồn vui, những tâm trạng của mỗi người. Dường như nhạc sĩ Phạm Đình Chương hiện diện đâu đó trong tâm trí mỗi người, như đang trầm tư lắng nghe cuộc hạnh ngộ này, mặc dù cố nhạc sĩ đã đi xa hơn 20 năm trước.
Nhịp nhàng theo lời ca của các ca sĩ thân hữu, dìu dặt trong tiếng đàn dương cầm của Quốc Vũ, Sĩ Dự, vĩ cầm Hoàng Thy Thao, tất cả đã thả hồn mình trong tận cùng chia sẻ. Người hát, người nghe như gần nhau hơn, mọi thứ cứ thấm vào lòng của mọi người một cách mộc mạc, tự nhiên, để giải tỏa, để sẻ chia.
Trong mạch cảm xúc êm dịu, có khi trầm buồn, thổn thức, lúc lại bay bổng, rộn ràng qua những cảm nhận về đời sống, về tình yêu của tiếng tơ lòng tinh tế mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã đem đến cho người thưởng thức trong từng tác phẩm, để có những giây phút lắng đọng, để buồn cho hết nỗi buồn, nhớ cho hết nỗi nhớ, trùng xuống cho hết cái thinh lặng.
Trong tổng cộng 50 ca khúc trong toàn bộ sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ông Phạm Thành đã giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu trong chương trình phụ diễn văn nghệ, được chia thành 3 giai đoạn sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Phần 1 “Tuổi Trẻ và Miền Nam” tập hợp những sáng tác của thập niên 1950, khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ mới ngoài 20 tuổi. Phần 2 “Giai Đoạn Thập Niên 1960 và Phòng Trà Đêm Màu Hồng.” Đây là giai đoạn khá đặc biệt. Phạm Đình Chương cho ra đời những ca khúc thơ phổ nhạc nổi tiếng như “Nửa Hồn Thương Đau,” “Đôi Mắt Người Sơn Tây,” “Người Đi Qua Đời Tôi”, và Phần 3 “Giai Đoạn Hải Ngoại” là giai đoạn cuối cùng từ khi ông vượt biên đến đoàn tụ với gia đình vào năm 1979 tại Hoa Kỳ đến khi qua đời vào năm 1991. Giai đoạn này phần lớn là phổ thơ.

Những giọng ca đẹp chuyển tải tiếng lòng của người nhạc sĩ

Tiếng hát của Bích Liên, Mộng Thủy, Lê Hồng Quang, Phạm Đăng Khoa, Phạm Thành thực sự ấn tượng qua giai điệu tươi thắm, rộn ràng của ca khúc “Đất Lành” (nhạc và lời Phạm Đình Chương), bài hát mở màn báo hiệu một chương trình đầy cảm xúc. Đỗ Vinh thật sâu lắng và thuyết phục khi thể hiện ca khúc “Đợi Chờ” (Phạm Đình Chương viết chung với Nhật Bằng), Bích Huyền với “Lá Thư Mùa Xuân” (Phạm Đình Chương). Ca sĩ Mai Hương (cháu gọi nhạc sĩ Phạm Đình Chương bằng chú) sau vài lời tâm sự nhắc về kỷ niệm một thời bà cùng hát chung với nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong ban hợp ca Thăng Long hải ngoại, đã đem lại nhiều hoài niệm đẹp cho khán giả khi cùng song ca với Phạm Thành ca khúc “Thuở Ban Đầu” (nhạc và lời Phạm Đình Chương). Ca khúc “Tiếng Sông Hương” trong trường ca Hội Trùng Dương (nhạc và lời Phạm Đình Chương) được Bích Liên hát thật nồng nàn, da diết, mang sắc thái âm điệu thổ ngữ miền Trung.


                                           Màn hợp ca “Ly Rượu Mừng” kết thúc chương trình.


Nữ danh ca Kim Tước thể hiện ca khúc “Mộng Dưới Hoa” (thơ Đinh Hùng) bằng chất giọng dù đã ở vào tuổi thất thập nhưng vẫn còn truyền cảm, phần nào minh chứng được thành công của tiếng hát “vang bóng một thời.” Ca sĩ Minh Phượng với chất giọng khàn, lạ, vừa tự đệm đàn dương cầm cho mình, vừa thể hiện trọn vẹn âm điệu chậm, buồn, nét u sầu, hoài niệm, khắc khoải qua ca khúc “Người Đi Qua Đời Tôi” (thơ Trần Dạ Từ). Bản lĩnh và tài năng cộng với kinh nghiệm của ca sĩ Mộng Thủy đã thể hiện đơn ca hoàn hảo ca khúc “Màu kỷ niệm” (thơ Nguyên Sa), song ca cùng Phạm Thành bài “Khúc Giao Duyên” (Phạm Đình Chương).
Chất giọng trầm ấm, đầy tự sự, lên bổng xuống trầm của Phạm Đăng Khoa đã chuyên chở thật trọn vẹn những thổn thức của cõi nhạc Phạm Đình Chương qua “Ta ở trời Tây” (thơ Kim Tuấn).
Những nốt láy, những dấu nhấn, những lên cao và xuống thấp thành òa vỡ cảm xúc giàu rung cảm trong ca khúc nhiều tự sự “Nửa Hồn Thương Đau” (thơ Thanh Tâm Tuyền) đã được giọng hát của ca sĩ Bích Vân truyền đến người nghe thật tuyệt vời. Chậm rãi và ngân nga, Bích Vân trau chuốt và nâng niu mỗi chữ lời hát . Nhờ thế, cái tình đã đọng lại trong lòng người nghe thật đậm đà.


                  Tiếng hát “vang bóng một thời” của nữ danh ca Kim Tước, trình bày ca khúc “Mộng Dưới Hoa.”


Những ca khúc còn lại là “Hạt Bụi Nào Bay Qua” (thơ Thái Tú Hạp) do Lê Hồng Quang ca. “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” (thơ Du Tử Lê), Hồ Kim Hiếu trình bày. Hợp ca “Ly Rượu Mừng” (Phạm Đình Chương).
Và có lẽ đem lại nhiều tình cảm cho khán giả hơn cả chính là tiếng hát của Phạm Thành, trưởng nam của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và nữ danh ca Khánh Ngọc. Bà đến tham dự, ngồi lặng lẽ một góc, để ủng hộ tinh thần con trai mình, ủng hộ việc làm thật đẹp khi con trai dày công thực hiện quyển sách nhạc cho cha và tổ chức buổi ra mắt giới thiệu “Phạm Đình Chương và Toàn Bộ Sáng Tác” đến với người mộ điệu.
Giọng ca tài tử của Phạm Thành khi thì hợp ca cùng các ca sĩ thân hữu, khi thì song ca thật truyền cảm với Mai Hương, với Mộng Thủy. Chất giọng trầm, ấm của ông thật đẹp thể hiện từng chữ của bài hát, chữ nào nhấn nhá, chữ nào ngắt câu, được ông ca rất đặc sắc. Đặc biệt là màn song ca của ông cùng cha mình. Khán phòng dường như lặng yên rồi vỡ òa những tràng pháo tay, khi nghe lại giọng hát của danh ca Hoài Bắc- Phạm Đình Chương được phát ra từ CD bài “Đôi Mắt Người Sơn Tây” (Thơ Quang Dũng), tiếng hát như rút ruột rút gan, bởi tiếng hát mang theo cả những nỗi niềm riêng không thể khỏa lấp trong tâm hồn người nhạc sĩ, khiến mọi người như lặng đi để nghe giọng hát xa xăm và da diết của người nhạc sĩ thuở còn sinh thời, phát ra từ CD và cùng song ca với con trai Phạm Thành. Màn song ca của hai cha con qua “Đôi mắt người Sơn Tây” đã khiến nhiều người cảm động và rơi lệ.

Tiếng hát của Bích Liên, Mộng Thủy, Lê Hồng Quang, Phạm Đăng Khoa, Phạm Thành để lại đầy ấn tượng qua giai điệu tươi thắm, rộn ràng của ca khúc “Đất Lạ,” bài hát mở màn trong chương trình.


Chương trình phụ diễn văn nghệ trong buổi giới thiệu sách nhạc đã kết thúc, nhưng những âm giai của tiếng lòng người nhạc sĩ như vẫn còn đọng lại với người nghe. Quý vị nào muốn lưu giữ tuyển tập nhạc giá trị này, hãy liên lạc với ông Phạm Thành tại địa chỉ phamthanh@phamdinhchuong.com, sẽ được hướng dẫn cách trả chi phiếu, giá tiền 20 mỹ kim một cuốn, cước phí 5 mỹ kim. (BH)

 

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT