Bình Luận

Chính sách chiêu dụ của Mỹ

Monday, 11/04/2016 - 10:54:28

FBI bắt đầu theo dõi Adam sau ngày anh từ Cairo trở về Vùng Vịnh California; họ chứng kiến cảnh anh hướng dẫn hai đứa em, mặc quần áo lính, chạy quanh xóm và tập lăn, tập trườn trong một vũng nước của công viên.
Trong một cuộc điện đàm với một người bạn học, anh nhận định tổ chức al-Nusrah Front không khát máu quá đáng, và đứng đắn hơn một vài tổ chức IS khác. Câu chuyện nói qua điện thoại của hai cậu học sinh dài đến 79 phút, trong đó Adam chỉ trích ISIS là quá khát máu.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Chính phủ Mỹ đang áp dụng một chính sách chiêu dụ người Mỹ gốc Hồi Giáo, hơi giống như chính sách Chiêu Hồi của Việt Nam 50 năm trước -chỉ hơi giống, nhưng không thật đúng, và không thành công như Việt Nam.
Chính phủ kêu gọi những bậc cha mẹ người Mỹ gốc Hồi Giáo cộng tác với chính phủ trong nỗ lực ngăn cản không để con họ bị bọn khủng bố IS dụ dỗ theo chúng vào chiến trường Trung Đông, hoặc ở lại tại chỗ, thực hiện những công tác phá hoại, phục vụ chủ trương khủng bố của chúng.

Một số người Mỹ gốc Hồi, trong số đó có ông Sal Shafi -một doanh nhân khá thành công- tin tưởng và hưởng ứng lời kêu gọi này, nhưng hiện ông Sal đang hối hận vì đã cộng tác với Mỹ tạo ra nguy cơ tù tội cho con ông -cậu Adam Shafi. Adam bị truy tố ra tòa liên bang San Francisco ngày 18 tháng Chạp năm ngoái.

  

 
Adam Shafi

Dàn biện lý liên bang buộc Adam vào tội “toan tính đi Syria, để theo một tổ chức khủng bố tại đó.” Theo biên bản tòa, thì Adam đã bị biệt giam từ hai tháng trước vì anh bị bắt với một cuốn sổ tay, trong đó anh viết những điều có vẻ ủng hộ khủng bố.

Dàn luật sư biện hộ Adam kịch liệt phản đối việc một vài viên chức chính phủ đánh giá những dòng chữ vô hại đó là khủng bố. Họ cho là cảnh sát không có lý do gì để tịch thu rồi gửi quyển sổ tay của Adam cho FBI.
Adam bị bắt giam từ tháng Bảy 2015, và từ ngày 17 tháng Chạp, 2015, anh bị biệt giam. Một đại bồi thẩm đoàn buộc anh vào tội “yểm trợ nhân lực” cho al-Nusrah Front, một nhánh của Hồi Giáo Sunni có liên hệ với al-Qaeda.

Luật sư của Adam, ông Joshua Dratel, hỏi “nhân lực yểm trợ” gồm có những ai, và được trả lời chính Adam là nhân lực. Vài tuần trước khi bắt giam và truy tố Adam, FBI ghi âm được câu anh nói trong điện thoại với một người bạn, “Tôi cầu mong Allah đừng để tôi chết trước khi tôi được cống hiến Thượng Đế một, hai gallon máu của chính tôi để phục vụ Allah.”

Bênh vực anh, luật sư Dratel trình bày là anh chưa có một hành động phạm pháp nào để có thể bị truy tố; họ nói việc anh bay sang Istanbul, ở lại đó hai ngày để giúp đỡ người tị nạn, Là hành động không vi phạm luật lệ nào của Hoa Kỳ cả. Dratel còn nói FBI đã lục soát hành lý của anh hai lần tại phi trường và không tìm được tang chứng phạm tội nào cả.

Adam bị FBI để ý từ chuyến anh cùng gia đình đến thăm bà con tại thủ đô Cairo của Ai Cập; anh bỏ mọi người lại Cairo và tách đi riêng; ngày hôm sau anh text về cho Sal Shafi, ông bố anh, là anh cần đi để “bảo vệ Hồi Giáo.”

Ông Sal điện thoại cho tòa đại sứ Mỹ tại Ai Cập yêu cầu ngăn chặn, không cho anh ra khỏi Ai Cập. Anh Christopher Monika, nhân viên FBI nói ông Sal không muốn con ông đi theo IS. Nhưng vài ngày sau anh Adam trở lại Cairo với gia đình, rồi trở về California.

Monika viết trong một tờ tự khai là, “Bố anh Adam lo ngại vì anh thường quan tâm đến số phận của những người Hồi Giáo; ông còn lo hơn nữa vì anh bị ảnh hưởng bởi những tu sĩ quá khích, và vì bạn học của anh cũng cùng một tâm trạng với anh.”

FBI bắt đầu theo dõi Adam sau ngày anh từ Cairo trở về Vùng Vịnh California; họ chứng kiến cảnh anh hướng dẫn hai đứa em, mặc quần áo lính, chạy quanh xóm và tập lăn, tập trườn trong một vũng nước của công viên.
Trong một cuộc điện đàm với một người bạn học, anh nhận định tổ chức al-Nusrah Front không khát máu quá đáng, và đứng đắn hơn một vài tổ chức IS khác. Câu chuyện nói qua điện thoại của hai cậu học sinh dài đến 79 phút, trong đó Adam chỉ trích ISIS là quá khát máu.

Adam cũng chỉ trích phong trào thân Mỹ của Miến Điện (Myanmar); anh bảo bạn, “Họ đang chặt Hồi Giáo đứt thành từng khúc, từng đoạn.” Cậu bạn trả lời, "Nếu tình trạng này không làm chúng mình sôi máu lên, thì phải chờ đến tình trạng nào nữa."

Vài ngày sau, Adam ra phi trường San Francisco, nhưng chuyến bay của anh bị trễ; một hành khách báo cho nhân viên phi trường thái độ quái dị của anh: hai chân anh run rẩy, miệng anh lảm nhảm nói một mình, vài phút lại lấy kính đeo mắt xuống lau chùi. Adam bị đưa vào văn phòng, anh bảo nhân viên phi trường là anh không muốn sống tại Hoa Kỳ nữa.

Nhân viên an ninh đưa anh từ phi trường ra trạm xe lửa BART; tối hôm đó anh gọi một người bà con, kể lại chuyện anh bị bắt tại phi trường. Adam nói, “Họ hỏi tôi xem tôi có định đi Trung Đông để theo IS hay không. Câu hỏi thật là đần; họ chờ tôi trả lời xác nhận à?"

Nửa tiếng đồng hồ sau, Adam lại gọi người bà con thứ nhì, cũng để kể lại chuyến đi không thoát; cậu phê bình, “Nhân viên an ninh của Mỹ không thông minh gì lắm.” Nhưng rồi FBI tại thị xã Fremont, California cũng đến bắt Adam trước sự kinh ngạc của ông Sal, bố cậu; họ gõ cửa, vào nhà và hỏi ông, “Adam đâu?”

Run sợ ông Ali hướng dẫn nhân viên FBI lên lầu, rồi vào phòng ngủ của Adam, cậu con trai 22 tuổi của ông. FBI còng tay Adam và đưa anh đi. Đứng lại giữa phòng ngủ của con, ông Ali khiếp đảm rên rỉ, “Tôi hại con tôi rồi.”

 
Phòng ngủ của Adam

                                               Chân dung bà Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta E. Lynch

Ông ngỡ ngàng trước chính sách chiêu dụ của chính phủ mà ông đã hưởng ứng, để tố cáo tâm trạng thân IS của con ông; ông nhớ lời kêu gọi của bà Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta E. Lynch, “thà chấp nhận đôi chút xáo trộn còn hơn ân hận trọn đời.”

Ali không tín ngưỡng quá đáng; ông thường nói “đừng độc ác là đủ”, nhưng vẫn thấy chuyện con ông -anh Adam- gói sandwiches đem tặng người homeless là đáng khuyến khích. Ông trách những tu sĩ giảng đạo tại nhà thờ Hồi Giáo đã gây tinh thần chống Mỹ cho con ông; rồi ông lại tự trách tâm trạng thân Mỹ của ông, khiến ông đưa con vào vòng lao lý trong lúc nó chưa thực sự phạm tội như luật sư Dratel đang khẳng định trước tòa.
Trong tổng số 3.3 triệu người Hồi Giáo đang sống tại Hoa Kỳ có bao nhiêu người tin tưởng vào chính sách chiêu dụ của Mỹ như ông Ali, và bao nhiêu người đang bị IS chiêu dụ như Adam?

Chỉ cần hai anh em Dzhokhar Tsarnaev - Tamerlan Tsarnaev đặt bom trong cuộc chạy Marathon tại Boston, và hai vợ chồng Syed Rizwan Farook - Tashfeen Malik bắn giết tại San Bernardino cũng đủ tạo không khí bất an cho Hoa Kỳ.

Chính sách chiêu dụ người Mỹ gốc Hồi Giáo là giải pháp lớn cho tổng số trên 3 triệu người Mỹ gốc Hồi, trong lúc việc truy tố rồi bỏ tù anh Adam Shafi chỉ là một biện pháp rất nhỏ đối phó với một cá nhân -nếu có bị nhiễm độc tuyên truyền của IS, thì một phần cũng do lỗi của chính phủ Mỹ không ngăn cản, không giải độc những ngụy thuyết khủng bố.

Ngã ngũ tuyệt vời nhất để giải quyết tình trạng thất bại của chính sách chiêu dụ là đích thân bà Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta E. Lynch ra tòa ngày tòa xử anh Adam Shafi, và xin tòa quan tâm đến yếu tố ông bố của bị can đã cộng tác với chính sách chiêu dụ của chính phủ, để xét xử bị can với một quan điểm khoan hồng hơn. (nđt)
 
Kính thưa quý vị độc giả,
Nếu quý vị đánh giá bài báo này là “đọc được”, tác giả trân trọng mời quý vị đọc thêm 73 bài nữa được tuyển chọn và in trên 540 trang giấy vàng lợt, khổ 6x9, trình bày trang nhã, đầy đủ hình ảnh, sách đóng chỉ, bìa cứng, dưới tựa đề Bình Luận Thời Sự giá $30. Độc giả ngoài Hoa Kỳ xin giúp thêm $10 cước phí (trong tổng số trên $22)
Mua sách xin quý vị gửi chi phiếu về địa chỉ: Nguyễn Đạt Thịnh, 515 Crestwater Ct.
Houston, TX 77082.

 

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT