Hôn Nhân, Cuộc Sống

Chồng già vợ trẻ: May mắn hay bất hạnh?

Sunday, 24/09/2017 - 10:32:45

McKinnish giải thích, "Nếu bạn nhìn vào cuộc hôn nhân theo thời gian, những người kết hôn với một người lớn tuổi hơn mình thường có khuynh hướng giảm sút sự hài lòng về hôn nhân so với những người có bạn đời cùng độ tuổi."

Bài ĐOAN TRANG

Theo chuyên gia người Anh James Preece: Nếu vợ chồng có khoảng cách tuổi tác quá lớn, hôn nhân của bạn sẽ gặp nhiều rủi ro vì cả hai có những điều muốn quá khác nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, cán cân hạnh phúc vẫn có thể cân bằng nếu cả hai sẵn sàng thỏa hiệp và học hỏi lẫn nhau. Mặc dù vậy, hôn nhân thành công nhất khi cả hai vợ chồng có chênh lệch tuổi tác ít nhất.


Những cặp vợ chồng gần tuổi thường dễ dàng vượt qua các cuộc khủng hoảng trong đời sống. (Getty Images)

Hạnh phúc hay sống trong sợ hãi?

Ông L.C. cư dân thành phố Westminster về hưu năm 65 tuổi. Buồn vì không vợ, không con, ông nghe bạn bè giới thiệu về Việt Nam lấy vợ, một cô gái chưa quá 30, nghĩa là nhỏ hơn ông L.C. gần 36 tuổi. Hơn một năm sau, bạn bè thấy ông quay lại Mỹ, cũng vẫn một mình.

Ông kể, “Cô ấy sanh cho tôi một đứa con rồi, nhưng tiền hưu ít quá, nuôi không nổi cô ấy và đứa con đỏ hỏn, tôi phải trở lại Mỹ đi làm, gửi tiền về Việt Nam, chờ ngày bảo lãnh cô ấy sang.”

Bây giờ ông L.C. có niềm vui là đi làm kiếm tiền nuôi vợ trẻ và con thơ. Ông khoe với bạn bè, “Tôi may mắn kiếm được cô vợ trẻ.”

Ông Q.N ở Stanton lập gia đình trễ với cô vợ nhỏ hơn khoảng 20 tuổi. Ông cho biết, “Vợ tôi rất bừa bộn, nhưng tôi thích thế, tôi tự giác phục vụ nàng vô điều kiện. Tôi đi chợ, nấu nướng và cùng nàng đi chọn mua những thứ nàng thích. Vợ kêu tôi chở đi đâu, tôi đi đấy, kể cả những nơi mà tôi rất ghét đến như Universal Studio, Disneyland. Cưới vợ trẻ, tôi hạnh phúc vì thấy mình cũng trẻ ra.”

Tuy vậy, không phải cuộc hôn nhân chồng già, vợ trẻ - như “đôi đũa lệch” - nào cũng hoàn hảo.
Mặc dù gia đình ngăn cản, ông J.D ở thành phố Garden Grove nhất quyết lấy cho bằng được cô H., người chỉ bằng tuổi con gái lớn của ông. Chỉ sau vài năm “cơm lành, canh ngọt,” một hôm, cô vợ trẻ tuyên bố, “Ông phải làm sao đi chớ, cứ súng ống đạn dược kiểu ấy, tui đi theo thằng khác đó.”

Hiện tại, ông sống trong sợ hãi, rằng một ngày nào đó cô vợ trẻ của ông sẽ “đi theo thằng khác.”
Nếu với ông Q.N., ông L.C., cưới được một cô vợ trẻ là may mắn, hạnh phúc, thì ông J.D. lại cho rằng mình bất hạnh trong cuộc hôn nhân “lệch tuổi” này.
 
Chỉ là quan điểm xã hội

Một nghiên cứu kéo dài 13 năm dựa trên cơ sở xem xét dữ liệu của 7,682 gia đình tại Úc với 19,914 người tham gia và tái khảo sát hằng năm với các câu hỏi về sự hài lòng đối với nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng các cặp đôi có tuổi tác càng gần nhau càng có các quyết định liên quan đến những vấn đề quan trọng của cuộc sống như con cái, thói quen chi tiêu tương đồng nhau. Điều này giúp họ vẫn tương thích với nhau qua một thời gian dài. Nghiên cứu cũng phát hiện ra những cặp vợ chồng gần tuổi thường dễ dàng vượt qua các cuộc khủng hoảng hơn, ví dụ khi một người mất việc, khi kinh tế gia đình suy thoái bất ngờ.

Cũng theo khảo sát này, những ông cưới được vợ trẻ hơn là những người cảm thấy hạnh phúc nhất.
 
Tuy nhiên, trên Independent, chuyên gia người Anh James Preececho biết, “Nếu vợ chồng có khoảng cách tuổi tác quá lớn, hôn nhân của bạn sẽ gặp nhiều rủi ro vì cả hai có những điều muốn quá khác nhau trong cuộc sống. Ví dụ một người muốn đi du lịch nhưng người kia đã làm điều đó từ lâu rồi. Mức độ trưởng thành khác nhau có thể tạo ra những khác biệt đáng kể trong quan điểm sống, từ đó những tranh cãi ghen tuông hay bất đồng về tài chính trở nên phổ biến."

Tuy nhiên, cán cân hạnh phúc vẫn có thể cân bằng nếu cả hai sẵn sàng thỏa hiệp và học hỏi lẫn nhau. Rõ ràng, cả nam lẫn nữ đều cảm thấy hài lòng hơn khi có người bạn đời trẻ hơn. Mặc dù vậy, hôn nhân thành công nhất khi cả hai vợ chồng có chênh lệch tuổi tác ít nhất.

McKinnish giải thích, "Nếu bạn nhìn vào cuộc hôn nhân theo thời gian, những người kết hôn với một người lớn tuổi hơn mình thường có khuynh hướng giảm sút sự hài lòng về hôn nhân so với những người có bạn đời cùng độ tuổi."

Một nghiên cứu của Viện Khoa Học Hàn Lâm Max Planck (Đức) cho thấy rằng khoảng cách về độ tuổi giữa những cặp vợ chồng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tuổi thọ của cả hai người. Cụ thể, các nhà khoa học đều đồng tình rằng hôn nhân giúp cải thiện tuổi thọ của con người nhưng nó chỉ áp dụng đối với những trường hợp nhất định, thậm chí là chỉ đối với đấng mày râu là chủ yếu.

Chuyên gia nghiên cứu Sven Drefahl - tác giả của dự án này - cho biết anh cùng các đồng nghiệp đã dựa vào hồ sơ bệnh lý của hơn 2 triệu cặp vợ chồng tại Đan Mạch và họ tập trung vào độ tuổi qua đời của những người đã chết, mức độ chênh lệch tuổi tác giữa vợ và chồng. Kết quả thu được, cho thấy đối với nam giới, nếu họ kết hôn với những phụ nữ trẻ hơn mình từ 7 đến 11 tuổi thì tỷ lệ tử vong giảm từ 9% đến 11% so với những người khác. Nhóm nghiên cứu cho rằng đàn ông lấy vợ trẻ hơn sẽ có cơ hội tăng tuổi thọ do nhận được sự chăm sóc của người vợ khi đến tuổi già.

Trước đó, suốt một thời gian dài các nhà khoa học cho rằng vấn đề "chọn bạn đời theo sức khoẻ" có vai trò quan trọng: những ai lấy vợ trẻ hơn mình đều bị chết sớm bởi thông thường đã trẻ hơn thì sống lâu hơn. Ngoài ra, nhiều người cũng đưa ra giả thiết là chồng hoặc vợ càng trẻ thì sẽ gây ra hiệu ứng tâm lý và xã hội tích cực đến người chồng hoặc vợ già hơn, chăm sóc đến chồng hoặc vợ tốt hơn và làm người bạn đời của mình sống thọ hơn.

Theo Drefahl, lý thuyết này cần phải xét lại khi mà "các nguyên nhân ảnh hưởng đến tuổi thọ xuất phát về sự chênh lêch tuổi tác giữa chồng và vợ hoàn toàn chưa rõ ràng và không đơn giản như vậy.”
Nói chi tiết hơn, Sven Drefahl đã nhận định rằng mối quan hệ xã hội giữa nam giới và nữ trong cuộc sống hàng ngày sẽ là yếu tố đầu tiên quyết định vấn đề này. Thông thường, phụ nữ thường sẽ có những tình bạn đặc biệt bên cạnh cuộc hôn nhân của mình, từ đó họ sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và đồng cảm từ phía bạn bè hơn là người chồng. Dĩ nhiên, nếu họ kết hôn với người cùng tuổi thì vấn đề này coi như đã được giải quyết.

Trong khi đó, nam giới lại không phải là những người có quá nhiều mối quan hệ kiểu bạn bè thân thiết như vậy nên anh ta sẽ có xu hướng quan tâm đến vợ của mình hơn. Đặc biệt, những người đàn ông kết hôn với phụ nữ trẻ thường có xu hướng gần gũi người phụ nữ của mình hơn vì họ thường có ý nghĩ về việc chiều chuộng và nâng niu phái đẹp. Điều này dẫn tới việc khi về già thì vợ sẽ có xu hướng chăm sóc chồng một cách chu đáo để anh ta sống được lâu hơn.

Tác giả Sven Drefahl cũng kết luận rằng nghiên cứu này không có mục đích chỉ trích những cuộc hôn nhân chênh lệch về tuổi tác, nó chỉ thể hiện ảnh hưởng của các quan điểm xã hội về hôn nhân sẽ có thể gây ra những hệ quả gì.

(Theo Familyshare, The Guardian)

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT