Cuộc chiến gay gắt trên thị trường bán lẻ: Ai là người thiệt hại?
Friday, 03/11/2017 - 08:28:04
Những bàn chân bị dẫm nát chính là những cửa hàng nhỏ, không trường vốn. Không có nghĩa là "cửa hàng" phải tuyệt đối nhường cho "online"! Trái lại, bên nào cũng cố gắng bành trướng sang sân nhà của đối phương.
Bài ERIC TRẦN
Người ít quan tâm nhất cũng biết rằng cách thức mua sắm trong thị trường ngày nay đã thay đổi. Với sự vươn lên mạnh mẽ của ngành bán lẻ trên mạng (online shopping), điển hình qua Amazon.com, nhiều cửa hàng trên phố của các tên tuổi đã sống qua nhiều thế hệ cũng phải đóng cửa. Bên cạnh đó là những chiêu đòn cạnh tranh thí mạng giữa hai khủng long trong ngành là Walmart và Amazon.
Amazon, công ty bán hàng trên mạng, đang tràn xuống phố bằng cách mua lại 460 ngôi chợ rau tươi của Whole Foods.
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho dòng thương mại online về việc những cửa hàng trên phố theo nhau đóng cửa. Bởi vì, giới tiêu thụ, xưa nay vốn chỉ là những người móc hầu bao làm giầu cho thiên hạ, lúc này không là nhân tố thụ động, trái lại chính là một sức mạnh lớn, có giá trị quyết định về sự sống còn của giới bán hàng.
Ông Neil Stern, chuyên viên nghiên cứu thuộc công ty tham vấn thị trường McMillan Doolittle, nhận xét, "Sự cạnh tranh rất gay gắt. Nhưng không phải vì dòng thương mại trên mạng đưa đến sự lụn bại của nhiều tên tuổi lớn như Saks Fifth Ave, Lord & Taylor, Aann Taylor, Gymboree, Payless Shoes, Kmart, Sears. Lý do khiến họ phải đóng cửa là vì khách hàng bỏ họ do phục vụ kém, không hoàn hảo, so với các đối thủ cạnh tranh: Customer service yếu, hàng hóa kém phẩm chất, xếp đặt không hợp lý, không dễ dàng cho khách hàng chọn lựa…. Có cả lô lý do khiến họ mất khách."
Người tiêu thụ là sức mạnh quyết định sự sống còn của giới bán hàng.
Tình trạng đó không chỉ làm thiệt hại doanh thu của giới chủ, mà còn tác động thiết thực đến đời sống, đến bữa ăn của giới thợ thuyền bình dân. Nha Thống Kê Lao Động Hoa Kỳ ước tính rằng số nhân viên làm việc tại các cửa hàng lớn đang giảm với mức trung bình 13,000 người một tháng trên toàn quốc. Với tổng số nhân viên trong ngành bán lẻ hiện nay tại Hoa Kỳ là 14.8 triệu người - chiếm 10% tổng số lao động toàn quốc - thì tỷ lệ mất việc như vậy sẽ là một trở ngại lớn trong kế hoạch phục hồi kinh tế của Tổng Thống Donald Trump.
Làm sao tìm kiếm được một dấu hiệu cho thấy khuynh hướng suy thoái này đảo ngược? Dường như con đường phát triển chỉ còn lại một chiều, đến nỗi những cơ sở bán hàng trên phố, nay đang phải tìm cách bán bớt hàng hóa tồn kho qua... Amazon.com.
Nhưng liệu những dấu hiệu đó có phải là "điềm gở" dẫn đến dấu chấm hết của các cửa hàng bán lẻ trên phố hay không? Chúng ta hãy quan sát diễn tiến cuộc tranh bá đồ vương giữa Walmart và Amazon.
Ông J. Rogers Kniffen, một chuyên viên phân tích thị trường, nhận xét, "Walmart là sự đe dọa lớn nhất của Amazon, cũng như Amazon là mối đe dọa lớn nhất của Walmart. Khi hai con voi quần thảo, chắc chắn có nhiều bàn chân bị dẫm nát."
Những bàn chân bị dẫm nát chính là những cửa hàng nhỏ, không trường vốn. Không có nghĩa là "cửa hàng" phải tuyệt đối nhường cho "online"! Trái lại, bên nào cũng cố gắng bành trướng sang sân nhà của đối phương.
Walmart không bỏ lỡ bất cứ một dịp nào có thể mở rộng chiến tuyến trên mạng. Sau khi bỏ ra $3 tỷ đô mua lại thương hiệu Jet.com, Walmart còn mua thêm nhiều công ty online khác nữa, như các cửa hàng quần áo Bonobos and ModCoth, Shoebuy.com, và Moosejaw... Rõ ràng đây là một bước đi đúng đắn, vì thương vụ trên mạng của Walmart đã tăng 63% trong tam cá nguyệt đầu tiên của năm 2017, sau khi đã tăng được 29% trong tam cá nguyệt cuối cùng của năm 2016. Lấn đất trên thị trường ảo, Walmart vẫn không quên củng cố vị trí vững vàng của mình qua các cửa hàng trên phố. Bước vào chiến trường từ năm 1988, doanh số trên phố của Walmart vẫn là lớn nhất trong ngành, chiếm tới 22% của tổng doanh số trên thị trường thực phẩm toàn quốc.
Cuộc so găng gay gắt của 2 "đô vật" sừng sỏ: Walmart và Amazon.
Amazon, dĩ nhiên không thể tọa thị, hoặc ngủ quên trên ngai vàng của thế giới ảo (online). Ông Trùm Jeff Bezos, tổng giám đốc Amazon, chắc hẳn xốn xang trong lòng, "Coi kìa, thằng Walmart nó xâm chiếm đất online của mình. Tại sao mình không tràn vào đất chợ của nó?" Nghĩ là làm, ông Trùm Bezos liền xuống tay, mua lại 460 ngôi chợ rau tươi trên phố, trước nay vẫn mang tên Whole Foods.
Nếu có sự trao đổi như vậy - Walmart khai thác thế giới online, còn Amazon tràn xuống phố - thì giới lao động có gì đáng lo lắng? Thực tế, sự trao đổi không cân bằng. Vì, Amazon là một ông chủ rất giỏi tận dụng Robot, và các kỹ thuật phục vụ tự động: Trong khi các cơ sở kinh doanh khác phải mướn tới năm nhân viên, Amazon chỉ cần mướn... một; phần còn lại đều do Robot làm cả.
Đối với giới tiêu thụ, chắc chắn đây là cơ hội cho phép chúng ta thưởng thức một màn song đấu ngoạn mục nhất trong lịch sử bán lẻ. Phía nào thắng chăng nữa cũng không thành vấn đề, giới tiêu thụ vẫn là "ngư ông hưởng lợi." Ngành bán lẻ - dù trên mạng hay trên phố - cũng không bao giờ chết; "ngày tận thế" sẽ không bao giờ xảy ra.
Vậy ai mới là người bị thiệt hại? Chắc chỉ có... Tổng Thống Trump! Vì sẽ có nhiều người buộc phải bỏ ngành bán lẻ: Số thất nghiệp tăng lên, thì hào quang trong những báo cáo phục hồi kinh tế của chính quyền chắc chắn phải rơi rụng ít nhiều.
Erictran216@yahoo.com
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Cảnh báo ứng ụng mua sắm trực tuyến TEMU thật sự nguy hiểm và không an toàn?
Người dẫn chương trình trò chuyện trên đài phát thanh, Kim Komando, đã tìm hiểu kỹ về TEMU và đây là những gì cô ấy tìm thấy!
Đơn vay tiền mua nhà giảm trong tình trạng thất nghiệp gia tăng
Sau sự tăng đột biến đơn mượn nợ nhà chỉ vài tuần trước, các doanh nghiệp cho vay nợ nhà gặp sóng gió tiếp tục vào tuần trước
Fed cắt giảm lãi suất nhằm cứu vãn nền kinh tế
Trong tuần này, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (Fed) đã thông báo cắt giảm lãi suất, do lo ngại sự lây lan của coronavirus sẽ gây ảnh ...