Người Việt Khắp Nơi

Đại lễ Ngày Tây Sơn / Kỷ Niệm Chiến Thắng Đống Đa

Thursday, 02/02/2023 - 09:26:02

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức rước Quốc, Quân Kỳ vào vị trí hành lễ do toán quân danh dự gồm các sĩ quan xuất thân từ trường...


Quang cảnh uy nghiêm trong lễ chào cờ trong đại lễ Ngày Tây Sơn năm 2023. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE / Sáng Chủ Nhật, ngày 29.01.2023 (mùng 8 Tết năm Quý Mão 2023) Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định do Bác Sĩ Nguyễn Chí Vỹ làm Hội Trưởng đã long trọng cử hành Đại lễ “Ngày Tây Sơn,” tưởng nhớ công đức Vua Quang Trung và kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, đánh tan 20 vạn quân Thanh cách nay 234 năm. 

Buổi lễ được tổ chức trước tượng đài Vua Quang Trung, 14291 N. Euclid St, Garden Grove. Ngoài Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Vua Quang Trung, Ban Tổ Chức, Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định, còn có sự tham dự của Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, Viện Chủ Tổ Đình Minh Đăng Quang, Santa Ana; Nghị Sĩ Janet Nguyễn; các Nghị Viên Kimberly Hồ (Westminster); Ted Bùi (Fountain Valley); Cindy Trần (Garden Grove); Thái Việt Phan (Santa Ana); Kim Bernice Nguyễn (Garden Grove); Charlie Nguyễn Mạnh Chí (Thị Trưởng Westminster); Phái đoàn Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới với các Võ sư Lý Hoàng Tùng, Thảo Ly Võ và Phillip Hoàng Phong; Liên Trường Trung Học Qui Nhơn; Cộng Đồng Người Việt San Diego; Hội Bà Triệu; Gia Đình Lại Giang; nhà biên khảo Phạm Trần Anh; ông Trần Văn Hoạch (Hội Trưởng Hội Đền Hùng San Diego); Dược Sĩ Nguyễn Đình Thức; Liên Đoàn Hướng Đạo Lam Sơn; cùng khá đông đồng hương và các cơ quan truyền thông. Buổi lễ do Tiến Sĩ Cai Văn Khiêm, cố vấn Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định làm Trưởng Ban Tổ Chức.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức rước Quốc, Quân Kỳ vào vị trí hành lễ do toán quân danh dự gồm các sĩ quan xuất thân từ trường Võ Khoa Thủ Đức đảm nhiệm dưới sự điều khiển của KQ Nguyễn Văn Chuyên. Mọi người cùng nghiêm chỉnh chào cờ và phút mặc niệm. Sau đó, Trưởng Ban Tổ Chức tuyên bố ba lý do tổ chức Ngày Tây Sơn: Một là dâng hương tôn vinh Đại Đế Quang Trung và nhà Tây Sơn, hai là nêu cao tinh thần yêu nước và sự đoàn kết của toàn dân, một lòng đánh đuổi quân xâm lược và ba là cơ hội để ban tổ chức chúc Tết đồng hương.


Ban tổ chức dâng hương trước bàn thờ Vua Quang Trung. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Tiếp theo là phần dâng hương tế lễ, các thành viên Ban Nghi Lễ mặc quốc phục khăn đóng áo dài tươm tất, thành khẩn vái lạy Vua Quang Trung, xin phù trợ cho dân tộc Việt Nam bảo toàn được lãnh thổ, thoát khỏi sự xâm lăng của phương Bắc. Nhà văn Lê Tâm Anh (Lê Anh Dũng) đã phụng soạn và đọc bài Văn Tế với ý nghĩa thâm sâu:

TRỘM NGHĨ: Nhân dân Việt ngàn năm tưởng nhớ / Đất Quy Nhơn hào kiệt dấy binh / Trời Việt Nam muôn thuở kiêu hùng / Nơi linh địa Tây Sơn dựng nghiệp.

NHỚ LINH XƯA: Non Tây áo vải / Trời Việt khí thiêng / Ngọn Cờ Đào gió thuận lòng dân / Mối ly loạn dẹp yên Trịnh, Nguyễn / Thanh kiếm báu chớp ngời thế trận / Họa xâm lăng quét sạch giặc Xiêm, Thanh / Đài vinh quang rạng rỡ giống nòi / Nền độc lập vững bền tổ quốc.

NHƯNG THAN ÔI: Tấm thân rèn đá chửa vá xong / Đỉnh Ngự mây chìm /Rồng thiêng vội khuất /Trăng hào kiệt dù đã lu mờ / Gương sử sách cháu con đời đời thờ phượng.

ÔI THÔI: Giặc Cộng Sản rước voi dày mả tổ / Hèn với giặc Tàu, ác với nhân dân trầm luân cơ khổ / Mảnh giang san lại nhiều lần phong ba bão tố / Khiến con dân ly tán khắp bốn phương trời.

CHÚNG CON NAY: Tỵ nạn Việt tha hương rải rác khắp nơi / Cùng với con dân Tây Sơn Bình Định / Nhớ ơn Vua Quang Trung xả thân đánh Nam dẹp Bắc / Căm thù lũ Việt gian Cộng Sản bán nước cho Tàu / Nơi hải ngoại nhớ công đức cha ông / Chung lòng nhau xây Tượng thờ Ngài oai dũng / Nơi đất Hoa Kỳ tượng đồng uy lực đứng hiên ngang / Trên lưng ngựa kiếm thiêng hờn quân giặc.

XIN MỘT LÒNG: Noi chí anh hùng Quang Trung Đại Đế / Quyết một dạ đoàn kết toàn dân / Xóa sạch nội thù / Quét tan giặc ngoại xâm / Dưới chân tượng Ngài hát vang bài ca cứu nước / Dân Việt Nam trong ngoài quyết diệt trừ bạo ngược / Giữ vững giang san gấm vóc ông cha / Đem tự do độc lập hạnh phúc nước nhà / Kính xin Ngài hiển linh ban phước / Vĩnh viễn trời Việt Nam ngời sáng muôn đời / Xin linh thiêng phù trợ lớp hậu sinh một lòng thề phục quốc! THƯỢNG HƯỞNG.


Một số vị trong ban tổ chức với quốc phục chỉnh tề. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Sau bài Văn Tế, Ban tổ chức mời quý vị dân cử và đồng hương lên dâng hương. Sau đó, BS Nguyễn Chí Vỹ, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định có lời phát biểu. Trước hết ông ngỏ lời cám ơn quý vị dân cử, quan khách, các cơ quan truyền thông và đồng hương đã đến tham dự đại lễ “Ngày Tây Sơn” để cùng tưởng nhớ công ơn Vua Quang Trung.

Ông cũng không quên cám ơn các thành viên Ban Tổ Chức, các hội đoàn đã tham dự và đóng góp cho việc tổ chức đại lễ cũng như xây dựng Tượng Đài Vua Quang Trung, để mọi người khi đi trên con đường Euclid này đều nhìn thấy tượng đài Vua Quang Trung sừng sững, oai nghiêm trên lưng ngựa sắt; đó là một sự may mắn và niềm hãnh diện cho Hội và cho cộng đồng chúng ta.

BS Nguyễn Chí Vỹ mong rằng các thế hệ sau này hãy nhớ những gì thế hệ người Việt tỵ nạn đã làm ở hải ngoại để tiếp tục gìn giữ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của tiền nhân để lại. 

Sau bài phát biểu của BS Nguyễn Chí Vỹ, Liên trường Qui Nhơn, Hội Bà Triệu và Cộng Đồng Người Việt San Diego hợp ca nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. 


Bác sĩ Nguyễn Chí Vỹ, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định, phát biểu trong buổi lễ. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Tiếp đến, ban tổ chức mời Hòa Thượng Thích Minh Tuyên và các vị dân cử phát biểu. Các lời phát biểu đều có cùng mục đích ca ngợi tinh thần yêu nước và thiên tài cầm quân đánh giặc của Đại Đế Quang Trung. Một số dân cử đã trao tặng Bằng Tưởng Lục cho Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định và cho Ban Tổ Chức.

Một tiết mục quan trọng trong buổi lễ, là phần nói về “Ý Nghĩa Ngày Đại Lễ Tây Sơn” do nhà biên khảo Phạm Trần Anh, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam trình bày. Bài phát biểu được soạn rất công phu, đầy đủ để những ai, nhất là thế hệ trẻ biết về những chiến công oanh liệt đánh đuổi ngoại xâm của tổ tiên chúng ta, đặc biệt của Đại Đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. 

Trong bài, nhà biên khảo Phạm Trần Anh trước hết đề cập đến những anh hùng liệt nữ của Việt Nam đã đứng lên chống quân xâm lược, đánh tan những đạo quân Nam Hán, quân Trung quốc, quân Mông Cổ, quân Nguyên Mông và cuối cùng đến Đại Đế Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789.

Sau khi nêu danh những anh hùng hào kiệt của nước Nam, nhất là của Vua Quang Trung, sử gia Phạm Trần Anh ngậm ngùi nói, “Thế mà, lịch sử thế giới không ghi chép gì về chiến công oanh liệt của một nước Đại Việt nhỏ bé, trong khi đó ca tụng một Đại Đế Alexandre, một Đại Đế Napoleon là những thiên tài quân sự, một nhà lãnh đạo lỗi lạc trong các cuộc chiến Phi Nghĩa xâm chiếm các nước khác, trong khi Danh tướng Nguyễn Huệ, Đại Đế Quang Trung là người anh hùng dân tộc trong cuộc chiến Chính Nghĩa để bảo vệ đất nước với chiến thắng Rạch Gầm, chiến thắng Đống Đa năm Kỷ Dậu 1789 mới chính là Thiên Tài lỗi lạc về quân sự. 

Nhà biên khảo Phạm Trần Anh đã chứng minh nhiều chi tiết về hai Đại Đế Alexandre và Napoleon là những người đi xâm chiếm nước khác và đã từng bị thua trận, bị bắt đi đày và chết trong ngục tù. Nhưng Đại Đế Quang Trung của Việt Nam chỉ đơn thuần cầm quân đánh lại quân xâm lược, “Đại Đế Quang Trung của chúng ta không được huấn luyện đào tạo từ một trường, một học viện quân sự nào nhưng mới 18 tuổi đã chỉ huy một đạo quân và suốt 20 năm chinh chiến, đánh trận nào cũng thắng nên mới chính là một thiên tài quân sự, một Danh Tướng bất khả chiến bại.”


Dân cử và đồng hương tham dự. (Thanh Phong/ Viễn Đông)


Cuối bài phát biểu, sử gia Phạm Trần Anh nói, “Chiến thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 của Hoàng Đế Quang Trung đã chấm dứt cái họa Bắc thuộc của triều đại phong kiến. Đại Đế không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là một vị vua đức độ, thương dân và trân trọng bảo lưu truyền thống văn hiến của Việt tộc....Chính vì vậy, Đại Đế Quang Trung chính là người anh hùng của cả dân tộc, là niềm hãnh diện tự hào của cả dân tộc Việt Nam.”

Phần cuối của buổi lễ là chương trình văn nghệ do một số hội đoàn trình bày. 

Tại khu Little Saigon, Nam California, cộng đồng Người Việt tỵ nạn đã xây dựng được hai tượng đài; một là tượng Đức Trần Hưng Đạo trên đại lộ Bolsa và tên đường Bolsa cũng được ghi thêm là đại lộ Trần Hưng Đạo. Hai là Tượng Đài Vua Quang Trung do Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định xây dựng trên một địa điểm rất đẹp, thuận tiện cho việc tổ chức các buổi lễ như đại lễ Ngày Tây Sơn và bên cạnh tượng đài, một con đường ngắn cũng được đổi tên thành “Emperor Quang Trung.” Cả hai tượng đài chống quân xâm lược đều nhắc nhở người Việt và các thế hệ mai sau biết đến công cuộc bảo vệ Tổ Quốc của tiền nhân cam go như thế nào để tiếp tục gìn giữ mảnh đất thân yêu cha ông để lại.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT