Các thầy cô trong Trung Tâm Nghiên Cứu Toàn Quốc thuộc tổ chức Consumer Reports đã phỏng vấn 1,004 người nội trợ từ nhiều nơi trên đất Mỹ, và nhận thấy rằng 92% mong muốn thực phẩm bán ở chợ phải được dán nhãn GMO nếu đã được biến đổi di truyền.
Bài VŨ HẰNG
GMO là thành quả khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp: Bằng cách thay đổi cấu tạo di truyền của nông phẩm, người trồng trọt có thể gia tăng sản xuất, thu hoạch được nhiều hơn mà tốn kém ít hơn. Và cũng từ đó, giới tiêu thụ được hưởng rau trái ngon hơn mà giá rẻ hơn.
Bịch cereal này có ghi rõ “not made with genetically modified ingredients” là cũng có ý khoe “tôi không dính dáng gì với GM đâu nhé!”
Lẽ ra với những thành quả như thế, sản phẩm GMO phải được đón nhận nhiệt tình mới đúng. Nhưng không, hiện nay thì chỉ những người chưa biết rõ mới có thể tỏ ra nhiệt tình được thôi. Nhiều người khác, tuy không công khai tẩy chay nhưng tỏ ra dè dặt khi chọn lựa thực phẩm với câu hỏi cụ thể: Bó rau, nải chuối, miếng thịt này... có phải là sản phẩm GMO không?
Câu hỏi cứ mỗi lúc một lan truyền đến nỗi dân chúng nhiều nơi đã vận động chính quyền ra luật buộc nhà sản xuất phải ghi rõ GMO trên nhãn hiệu, nếu đó là sản phẩm đã biến đổi di truyền. Đó là chuyện nhiều nước Âu Châu đã làm. Còn ở Mỹ thì chưa, chính vì thế mà thực phẩm GMO còn được lan tràn khá tự do. Có phải vì người dân Mỹ thờ ơ? Hoặc, ý thức về an toàn thực phẩm không cao bằng người dân Âu Châu?
Thực ra không phải thế. Các thầy cô trong Trung Tâm Nghiên Cứu Toàn Quốc thuộc tổ chức Consumer Reports đã phỏng vấn 1,004 người nội trợ từ nhiều nơi trên đất Mỹ, và nhận thấy rằng 92% mong muốn thực phẩm bán ở chợ phải được dán nhãn GMO nếu đã được biến đổi di truyền.
Còn bịch “chip” này, do Pepsi Cola chế tạo, nghe nói là Non-GMO, không biết có thực không?
NON-GMO là gì?
Trong khi chính quyền chưa đáp ứng nguyện vọng đó thì nhiều nhà sản xuất đã nhìn ra được một nhu cầu mới trong dân chúng và tìm cách đáp ứng nó, đó là tự ý dán nhãn NON-GMO cho những thực phẩm nào mà cấu tạo di truyền KHÔNG bị thay đổi. Thì “tốt đẹp khoe ra” mà, thấy thiên hạ e ngại GMO thì mình phải nói to: Lại đây nè, tôi không có GMO đâu. Vậy các bạn cũng đừng ngạc nhiên khi khi đi chợ chỉ thấy NON-GMO mà không thấy GMO nhé.
Về phía chính quyền Hoa Kỳ, mà cụ thể là sở quản lý thực phẩm dược phẩm liên bang FDA (Foods and Drugs Administration), thì họ không nghĩ rằng là cứ lờ đi nguyện vọng của dân chúng mà xong được. Các vị sư phụ này cũng khôn ngoan lắm, họ trả lời rằng: Người nào muốn dán nhãn NON-GMO thì tôi đây không cấm, nhưng tôi không đòi buộc ai dán nhãn GMO hết á; Làm như vậy vừa tốn tiền, lại vừa gây ra sự hiểu lầm! Hiểu lầm? Có gì mà hiểu lầm?
Những hộp sữa bột Similac này còn ghi rõ ràng hơn: Non-GMO
Theo các vị sư phụ ở FDA thì sự hiểu lầm là thế này: Dân chúng sẽ so đo giữa hai cái nhãn, và có thể đi đến kết luận rằng thực phẩm GMO kém cạnh hơn NON-GMO, một sự đánh giá mà các thầy cô FDA cho rằng lẩm cẩm, vẩn vơ, chưa bao giờ được khoa học chứng minh. Là cơ quan có trách nhiệm về sự an toàn thực phẩm cho cả nước, FDA chỉ ra luật dán nhãn đối với những sản phẩm nào có thể tạo ra những thay đổi đáng kể nơi người sử dụng mà thôi, chẳng hạn như qui định về dán nhãn đậu phọng vì nó có thể gây ra phản ứng mạnh với những người vốn bị dị ứng. Còn với sản phẩm GMO thì FDA vẫn cho rằng sự thay đổi cấu tạo di truyền của nông phẩm không tác hại tới sức khỏe người sử dụng, nên việc dán nhãn là không cần thiết.
Hơn nữa, việc đáp ứng đòi hỏi dán nhãn, theo FDA, lại có thể mở ra một tiền lệ dẫn đến nhiều đòi hỏi vô lý, khó đáp ứng khác trong tương lai. Chẳng hạn, nhỡ mai kia có người lại đòi phải ghi rõ là nông phẩm này do lao động của các em nhỏ dưới 14 tuổi, hay là do người lớn trồng trọt và thâu hoạch, v.v. và v.v. thì sao?
Đúng là chúng ta không thể cãi lại được các vị sư phụ, nhưng trong thực tế, nhu cầu đối với sản phẩm NON-GMO mỗi ngày một tăng vọt. Tổng kết của tạp chí dinh dưỡng Nutrition Business Journal cho biết tổng lượng sản phẩm NON-GMO bán được trong năm 2013 đã tăng lên 80% so với 5 năm trước đó.
Trước khuynh hướng của giới tiêu thụ hướng về sản phẩm Non-GMO, nhiều công ty thực phẩm lớn tại Hoa Kỳ đã phải suy nghĩ lại. Chả nói đâu xa, ngay cả Pepsi Cola, tác giả của những chai nước ngọt và những bao “chip” ngậy bùi hấp dẫn rất đắt hàng trên toàn thế giới, đã bắt đầu sử dụng nông phẩm NON-GMO để làm thành những bịch “Stacy Simply Naked Bagel and Pita Chip”; Hãng General Mills cho ra đời những bao Cheerios với những hạt cereal Non-GMO.
Mặc dầu khuynh hướng chung của giới tiêu thụ là như vậy, nhưng bạn đừng nên cầu kỳ kén chọn quá kẻo mà... đói meo. Bởi vì, muốn tìm thực phẩm hoàn toàn Non-GMO tại Hoa Kỳ cũng vẫn là chuyện khó khăn đó.
Vuhang231@yahoo.com
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Nhớ 7 cách này có thể giúp save tới 80% income hàng tháng
Có thể bạn đã cảm thấy mình đã đạt đến giới hạn, nhưng trên thực tế, nếu thay đổi suy nghĩ và điều chỉnh tâm lý một chút, bạn có ...
Loài gặm nhấm sẽ chạy khỏi khu vườn nếu quý vị trồng 3 loại cây này
Chuyên gia kiểm soát dịch hại đã chia sẻ 3 loại cây có tác dụng xua đuổi loài gặm nhấm như chuột khỏi khu vườn nhà.
Chiêu đãi viên hàng không kỳ cựu tiết lộ bí quyết để có được bữa ăn ngon nhất trên máy bay: Hóa ra thực sự có sự khác biệt
Chất lượng bữa ăn mà bạn sẽ thưởng thức trên chuyến bay có thể khác biệt với hành khách khác, phụ thuộc vào nhiều yếu tố.