Đời Sống Việt

Dàn dựng vở opera Thị Kính (kỳ 9)

Anvi Hoàng/Viễn Đông Thursday, 22/08/2013 - 09:06:03

Pisano là giáo sư, chủ nhiệm Chương trình Thiết Kế Trang Phục tại trường đại học Indiana University, với nhiều năm kinh nghiệm và đã nhận được nhiều giải thưởng chuyên nghiệp.

Câu chuyện trang phục và màu sắc trong “Chuyện Bà Thị Kính” với Linda Pisano

Anvi Hoàng/Viễn Đông

Vở opera lớn (grand opera) “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014.
“Chuyện Bà Thị Kính” là vở opera lớn về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt, được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ, do đó Viễn Đông sẽ tường thuật những diễn biến này tới độc giả.
Việc dàn dựng đã bắt đầu “chuyển động” từ nhiều tháng nay và đang đến hồi hấp dẫn. Đạo diễn sân khấu, nhạc trưởng, nhà soạn nhạc đã được phỏng vấn. Bài kỳ này là cuộc phỏng vấn với nhà thiết kế trang phục Linda Pisano trước khi cô trình làng các bức vẽ thiết kế với màu sắc đầy đủ. Pisano là giáo sư, chủ nhiệm Chương trình Thiết Kế Trang Phục tại trường đại học Indiana University, với nhiều năm kinh nghiệm và đã nhận được nhiều giải thưởng chuyên nghiệp.

VĐ: Khi chọn vải cho vở opera “Chuyện Bà Thị Kính”, cô chú ý đến những điều gì?
Linda Pisano: Vào thời điểm này, tôi chưa vẽ mẫu, tuy nhiên trong lúc làm nghiên cứu tôi phát hiện ra một vài điều. Thứ nhất là: điều chúng tôi quan tâm không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là loại trang phục đã được dùng trong sân khấu chèo ở miền Bắc. Theo như tôi thấy thì chúng có nhiều mảnh ghép lại, và tính đặc trưng của mỗi nhân vật tùy thuộc vào màu sắc trang phục của họ, loại vải và cách may. Tìm hiểu cặn kẽ chuyện này sẽ là một điều thú vị đây, và có phần phức tạp nữa.
Thứ hai: mình vải đa dạng và có hoa văn. Thứ ba: đạo diễn sân khấu Vince Liotta muốn bảo đảm rằng chúng tôi phải phân biệt màu sắc mang tính Việt Nam với màu sắc Trung Quốc. Vì vậy chúng tôi chú ý nhiều đến màu vàng thay vì là đỏ, và các tông màu vàng. Trên sân khấu, màu sắc sẽ tươi sáng lắm. Tất nhiên có nhiều đoạn trong câu chuyện buồn và ảm đạm, lúc đó màu sắc sẽ nhẹ nhàng hơn, nhưng không phải là u ám. Nhưng cũng có những đoạn màu sắc rất rực rỡ.

VĐ: Khi nói đến tính chính xác trong trang phục thì chúng ta nói đến những chuyện gì đây?
Pisano: Đầu tiên là qua trang phục chúng tôi muốn kể một câu chuyện. Do đó, có thể là chúng tôi cho nhân vật mặc màu khác đi một chút, bởi vì một màu nào đó mang một ý nghĩa trong một nền văn hóa, nhưng lại mang một ý nghĩa khác đối với khán giả Mỹ.
Ví dụ người Mỹ thấy màu trắng thường nghĩ đến đám cưới, đến mùa hè, hoặc sự kiện mang tính tôn giáo như Lễ Rửa Tội. Nếu họ thấy màu đen thì nghĩ đến đám ma hoặc sự ảm đạm. Những điều này ở một đất nước khác có thể có ý nghĩa ngược lại. Ví dụ người Ấn Độ xem màu trắng là màu tang tóc. Do vậy, đôi khi chúng tôi giữ đúng văn hóa, đúng màu sắc, đúng biểu tượng văn hóa, nhưng đôi khi chúng tôi phải thay đổi một chút để chúng thích hợp với khán giả Mỹ hơn. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn giữ nguyên là cách kể chuyện và nền văn hóa nơi câu chuyện ra đời vì điều này rất quan trọng.
Cho nên nói đến tính xác thực thì chúng tôi muốn theo đúng nhà soạn nhạc, và theo đúng ý tưởng nhằm sáng tạo lại câu chuyện. Chúng tôi làm cho nó hiện đại hơn một chút về mặt cấu trúc để kể đúng câu chuyện về văn hóa Việt Nam.

VĐ: Niềm vui và khó nhọc trong dự án này là gì?
Pisano: Điều mang đến cho tôi niềm vui và khó nhọc là cùng một thứ. Tôi chưa từng thiết kế cho một tác phẩm Việt Nam bao giờ. Và giống như nhiều người Mỹ khác, điều không may đối với tôi là kiến thức về lịch sử Việt Nam của tôi dừng tại cuộc chiến tranh Việt Nam.
Nhiều người trong chúng tôi không biết đến sự tồn tại của một nền văn hóa Việt Nam phong phú. Chúng tôi chỉ biết đến mối liên hệ giữa Việt Nam và Mỹ qua cuộc chiến tranh Việt Nam, và tôi xấu hổ nhận rằng đó là cách nhiều người trong chúng tôi được dạy dỗ. Điều tôi khám phá ra trong lúc làm nghiên cứu là tôi đang học về một thế giới mà trước kia tôi chưa từng biết đến, tôi học về kiến trúc, về các tác phẩm nghệ thuật, về lối sống, về cách kể chuyện, về sân khấu. Và tất cả những điều này phản ánh con người Việt Nam.
Vậy cho nên điều khó nhọc là tôi có quá nhiều điều để mà học. Tôi tự giáo dục mình lại hoàn toàn về vấn đề Việt Nam. Bên cạnh đó, niềm vui chính là những hiểu biết về nền văn hóa tôi chưa biết tới. Bây giờ tôi biết những câu chuyện mới, kiến trúc mới. Tôi bắt đầu có thể nhìn và phân biệt được sự khác nhau tinh tế giữa các bộ phận khác nhau trong nền văn hóa này. Thật là thú vị. Điều khó nhọc cũng là tôi chưa biết đủ. Tôi phải làm việc cật lực để giáo dục lại mình, và đó cũng là niềm vui – cái quá trình học hỏi ấy.

VĐ: Thiết kế của cô sẽ trông ra sao nhỉ?
Pisano: Tôi đã có một vài ý tưởng, nhưng ông đạo diễn sân khấu chưa xem qua. Một vài ý tưởng đó là những bức phác thảo bằng bút mực. Đối với một nhân vật, tôi có thể có tới 10 hoặc 12 bức thảo bằng mực để chúng tôi có thể xem qua và thấy được căn bản các trang phục sẽ nhìn như thế nào.
Hiện tại, tôi đang nghiên cứu đến cuộc tiến hóa của màu sắc cho toàn bộ vở diễn để kể câu chuyện. Tôi đang nghiên cứu những bộ trang phục truyền thống đơn giản có những chi tiết thú vị đính kèm để phân biệt nhân vật này với nhân vật kia. Ví dụ các nhân vật có tầng lớp xã hội khác nhau. Vì vậy một số sẽ có trang phục sặc sỡ và một số thì trang phục rất đơn giản.
Tôi muốn bảo đảm rằng các chi tiết sẽ thống nhất cho một bức tranh toàn diện. Cho nên khi tôi và các đạo diễn nghiên cứu quá trình dàn dựng, chúng tôi muốn đó là một câu chuyện phương Đông chứ không phải là phương Tây.

VĐ: Kế hoạch làm việc sẽ như thế nào?
Pisano: Tôi đã và đang nghiên cứu rất nhiều và đã có một vài bức thảo. Tôi sẽ trình bày các bức vẽ có màu sắc và phần lớn nghiên cứu của mình vào tháng 7. Sau đó tháng 9 thì đi mua vải.

VĐ: Cô có thể nói về việc thiết kế cho một vở opera được dàn dựng lần đầu tiên không?
Pisano: Thiết kế cho một vở opera được dàn dựng lần đầu tiên là điều thú vị vì thường khi đối với những vở opera hoặc vở kịch lâu đời, người ta không có nhà soạn nhạc hoặc tác giả bên cạnh. Do đó phải dựa vào sự diễn giải của đạo diễn sân khấu. Còn nếu nhà soạn nhạc hoặc người viết tuần bản có mặt thì mình có nguồn trợ giúp, họ có thể giải thích cho mình những điều có thể mình không thể biết được nếu không có họ bên cạnh.
Nói chung dàn dựng một vở gốc lần đầu rất thú vị vì chưa có ai từng thấy nó trước đó. Đến thời điểm này, việc diễn giải tác phẩm đã đến từ mọi người trong nhóm dàn dựng, và vở opera giống như đã trở thành công trình của một nhóm các nghệ sĩ đang sáng tạo ra nó.

VĐ: Trong lúc nghiên cứu, cô chỉ cần đọc tóm tắt câu chuyện chứ không cần đọc nhạc, đúng không?
Pisano: Tôi không đọc nhạc nhưng tôi nghe nhạc. Điều thú vị là khi tôi nghe nhạc thì nó giúp tôi lựa chọn màu sắc. Tôi không biết có phải là một vấn đề sinh lý học hay không khi mà âm nhạc ảnh hưởng đến cảm nhận về màu sắc của tôi, hoặc chỉ là tôi bị hấp dẫn bởi một số âm điệu nào đó và nghiêng về một số màu nhất định. Nhưng tôi rõ ràng là “nghe” thấy màu sắc. Nên khi tôi nghe nhạc, đôi khi sự lựa chọn màu sắc của tôi thay đổi.

VĐ: Cô phải để ý đến yếu tố hình thể khác nhau của các ca sĩ như thế nào?
Pisano: Các diễn viên, ca sĩ có thể mập hoặc ốm, nhưng trên sân khấu khi mình cần vẽ một bức tranh thì mình phải linh hoạt một chút, nhất là đối với một vở opera có hai suất diễn viên khác nhau. Do đó không những tôi phải may hai bộ trang phục khác nhau mà đôi khi còn phải thiết kế chúng khác nhau.
Nếu bạn xem màn trình diễn vào một đêm, và đêm sau là suất diễn viên khác thì bạn sẽ thấy những điều chỉnh trong trang phục, là bởi vì chúng ta muốn giữ cho người ca sĩ những đặc điểm tốt nhất. Nếu nhân vật là nhỏ nhắn nhưng ca sĩ thì không nhỏ nhắn thì tôi phải điều chỉnh thiết kế sao cho người ngoài nhìn vào có ấn tượng là người ca sĩ có vẻ nhỏ nhắn hết sức.
Tuy nhiên, thông thường thì tôi cố gắng làm đẹp cho tất cả các hình thể khác nhau. Các ca sĩ rất có ý thức về hình thể của họ và sẵn sàng nghe theo những điều làm họ nhìn đẹp nhất.

VĐ: Cô từng gặp vấn đề kỹ thuật với trang phục chưa, ví dụ có gì rơi rớt chẳng hạn?
Pisano: Ban cắt may ở trường rất tuyệt. Trong tất cả các vở tôi từng làm, chưa có cái gì được may cẩu thả cả. Tất cả đều được may rất cẩn thận. Thường thì nhóm lo về hóa trang, hoặc các diễn viên không biết nên mặc đồ như thế nào thì mới có thể có chuyện. Ví dụ trong vở Akhnaten, phải mất vài buổi diễn tập thì người diễn viên mới biết phải đội cái mũ như thế nào. Chứ còn về mặt cắt may thì chưa có gì xấu xảy ra.
Đối với vở “Chuyện Bà Thị Kính”, sẽ rất thú vị bởi vì một trong những đặc trưng của trang phục phương Đông là sự đơn giản. Vải được dệt khổ nhỏ so với loại vải hiện đại, nên chúng ta có những thước vải hẹp và đẹp, và trang phục được may một cách đơn giản tùy thuộc vào khổ vải nhỏ. Từ đó chúng ta có những trang phục đẹp. Đôi khi, tạo ra những điều đơn giản còn khó hơn là là ghép các mảnh phức tạp lại với nhau cho nó khít. Có thể nói tìm thấy sự đơn giản là điều khó làm.


VĐ: Trong lúc làm nghiên cứu, có điều gì làm cô ngạc nhiên không?
Pisano: Có rất nhiều điều ngạc nhiên, nhưng tôi đoán trước sẽ có ngạc nhiên. Ngạc nhiên nhất là văn hóa Việt Nam phong phú đến thế mà tôi biết ít đến vậy về nó. Tôi buồn vì khi chúng tôi học về văn hóa châu Á mà không học gì nhiều về văn hóa Việt Nam.
Tôi lo ngại về việc hầu hết kiến thức về lịch sử Việt Nam của chúng tôi bị mắc kẹt với cuộc chiến tranh Việt Nam, và chúng tôi thật ra đã không được học gì về văn hóa Việt Nam qua kiến trúc của Việt Nam, qua nghệ thuật, những câu chuyện như câu chuyện này chẳng hạn, về cách sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam.
Có lẽ điều làm tôi ngạc nhiên nhất là sao mà tôi biết ít đến thế về một nền văn hóa phong phú đến thế, phong phú với tư cách là văn hóa Việt chứ không phải là văn hóa châu Á chung chung.

VĐ: Loại vải cô dùng không nhất thiết phải hoàn toàn giống như hồi xưa người ta dùng trong hát chèo chứ?
Pisano: Không. Chúng tôi không mua nổi như thế đâu. Nhưng sẽ có nhiều lụa (silk) và lanh (linen) - đó là theo cách nhìn của tôi. Trong một số trường hợp chúng tôi sẽ dùng tơ nhân tạo (rayon) vì chúng rẻ hơn và trên sân khấu thì nhìn giống lụa. Để có những trang phục nhìn nhẹ nhàng mềm mại, chúng tôi sẽ dùng lụa, tơ (raw silk), và lanh.

VĐ: Ngày nay người ta dệt polyester cũng mềm và mướt như lụa vậy. Liệu cô có dùng nó không?
Pisano: Đương nhiên rồi. Chúng tôi dùng nó thay cho những trang phục khó giặt như lụa, vì lụa thì phải giặt tay hoặc giặt khô. Và chúng tôi cũng dùng polyester cho những trang phục cần phải bền, bởi vì các diễn viên có thể toát mồ hôi như tắm ấy.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT