Hôn Nhân, Cuộc Sống

Điện thoại thông minh, tác nhân phá vỡ hạnh phúc gia đình

Sunday, 19/03/2017 - 09:10:27

Chính vì thế, ACWF đưa ra khuyến cáo rằng mọi người nên tắt các thiết bị điện thoại trong vòng một giờ đồng hồ mỗi đêm và dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.

Bài ĐOAN TRANG

Nên tắt các thiết bị điện thoại trong vòng một giờ đồng hồ mỗi đêm và dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.

Điện thoại thông minh, vật bất ly thân

Tuấn và Lan quen nhau được hai năm. Tháng 8 năm 2016, Lan quyết định “theo chàng về dinh.” Một trong những món quà cưới mà Tuấn và Lan nhận được là một cặp hai chiếc iPhone 7 mới tinh. Đây cũng là món quà hai bạn trẻ thích nhất, vì cả hai đều yêu “công nghệ.” Thời gian quen nhau, cả hai thường xuyên online để chat, hoặc nói chuyện tối ngày sáng đêm. Dùng smartphone này, họ đọc tin tức, lên Facebook xem “tình hình xã hội đang diễn ra như thế nào,” rồi check và trả lời email, xem phim, nghe nhạc,... Thói quen ấy không hề thay đổi khi họ trở thành vợ chồng.


Trung bình cứ 6 phút rưỡi người Mỹ lại kiểm tra điện thoại của mình một lần, hoặc khoảng 150 lần mỗi ngày.

Nhưng cuộc sống vợ chồng lại có sự thay đổi. Từ ngày lập gia đình, Tuấn phải đổi công việc mới để có lợi tức cao hơn thì mới đủ lo trang trải, nên không có thời gian online trong giờ làm.  Lan tuy vẫn giữ công việc văn phòng, nhưng do bị quản lý chặt về thời gian “lướt web” nên cô thường “để dành” việc ấy vào buổi chiều tối khi đã về nhà.

Cuộc sống của họ sau giờ làm việc gắn chặt hơn với... smartphone (điện thoại thông minh). Ngay cả khi đang ăn cơm tối cùng nhau, đi bộ cùng nhau và đi ngủ cùng nhau, cả hai đều không rời chiếc điện thoại của mình.

Một ngày nọ, chiếc điện thoại của Lan bị hư, phải đem đi sửa. Suốt ngày hôm đó, Lan “đứng ngồi không yên,” cáu gắt, bực bội với đồng nghiệp, rồi đem cả sự bực dọc ấy về nhà. Lan “giận cá chém thớt,” cãi vã với Tuấn. Từ ngày ấy, các cuộc cãi nhau thường xuyên xảy ra trong căn nhà của cặp vợ chồng mới cưới, nhất là những lúc điện thoại của một trong hai người bị trục trặc gì đó mà họ không thể sử dụng được. Đến lúc này Tuấn mới nhận ra rằng cả anh và Lan đều quá yêu, và chỉ yêu chiếc điện thoại, chứ không phải yêu người bạn đời của mình.

Trường hợp của Tuấn và Lan không phải là cá biệt. Kết quả một nghiên cứu mới đây cho thấy từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, cứ 6 phút rưỡi người Mỹ lại kiểm tra điện thoại của mình một lần, hoặc khoảng 150 lần mỗi ngày.

Đáng buồn thay, chiếc điện thoại thông minh ngày càng chiếm quá nhiều thời giờ của người sử dụng để nào là nói chuyện, gửi nhắn tin, chơi Facebook, Twitter, kiểm tra email, xem tin tức, điểm tin thể thao, coi phim, video, nghe nhạc, và các ứng dụng khác. Chiếc điện thoại lúc nào cũng ở bên chủ sở hữu của nó, ngay cả khi đang ăn, lúc đi bộ, shopping, đi leo núi, vân vân.

Thật ra chiếc điện thoại hoàn toàn vô tội, và việc sử dụng nó không hề xấu cho các cuộc hôn nhân.
Điện thoại có thể giúp các cặp vợ chồng kết nối suốt ngày với các tin nhắn, thậm chí có thể làm cho các cặp vợ chồng hạnh phúc và an toàn hơn.

Tuy nhiên, chính vì những tiện ích của các chiếc điện thoại thông minh, với các tính năng thu hút, hấp dẫn khiến người sử dụng đôi khi bỏ quên bạn đời của mình.

Quả thực, các nghiên cứu cho thấy hầu hết các cặp vợ chồng dành cho nhau trung bình chỉ đúng bốn phút mỗi ngày để trao đổi những chuyện cần thiết.

Vật vô tri vô giác không đáng được quan tâm

Theo báo cáo vừa đưa ra của Hội liên hiệp phụ nữ Trung Quốc (ACWF), các cặp vợ chồng sử dụng điện thoại vào buổi tối càng nhiều thì mức độ thỏa mãn với hôn nhân của họ càng thấp. Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại quá nhiều còn mang lại ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa cha me và con cái.
ACWF đã tiến hành một cuộc khảo sát, trong 31,344 người thì có 43% số người này sử dụng điện thoại trong giờ sinh hoạt gia đình. Vì vậy cũng không khó để nhận ra việc này đã ảnh hưởng đến hôn nhân của họ như thế nào: Thử nghĩ nếu một người chồng chỉ chăm chú vào điện thoại hơn là quan tâm đến vợ mình (hoặc ngược lại) thì cô vợ có cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc không?

"Chúng tôi muốn mọi người suy ngẫm lại về mối quan hệ của họ với những người xung quanh và với smartphone dưới một góc độ khác," Juggi Ramakrishnan, giám đốc sáng tạo của hãng dịch vụ thương mại và số hóa Ogilvy & Mather Shanghai, cho biết.

Cuộc vận động này được khởi xướng bởi Trung tâm nghiên cứu tâm lý Shenyang, một tổ chức chính phủ tập trung vào việc nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội. Việc mọi người coi những chiếc điện thoại thông minh là một trong những vật bất ly thân đang cho thấy một vấn đề đáng báo động của xã hội. Dường như những chiếc điện thoại đang dần thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày, thay thế dần mọi mối quan hệ giữa con người và con người.

Tuy nhiên sự thâm nhập này lại có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng tới những gia đình – một xã hội thu nhỏ. Việc cha mẹ bỏ quên con cái mà chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại hay máy tính bảng đang trở thành một thực trạng đáng báo động. Đáng buồn là trẻ con có thể cảm thấy mình không được bố mẹ quan tâm, chăm sóc.

 Ông Ramakrishnan cho biết, “Bọn trẻ cần được cha mẹ dỗ dành khi giận dỗi, buồn bã hay vui vẻ, nhưng giờ đây, chúng cảm thấy mình đang phải cạnh tranh với những chiếc điện thoại để có được điều đó. Xu hướng này có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Thậm chí, vấn nạn nghiện các thiết bị thông minh này còn có thể đe dọa tới hạnh phúc của chính bạn với người bạn đời của mình. Khi giữa hai người càng ít tương tác, ít chia sẻ cảm xúc, cảm xúc sẽ dần phai nhạt.”

Chính vì thế, ACWF đưa ra khuyến cáo rằng mọi người nên tắt các thiết bị điện thoại trong vòng một giờ đồng hồ mỗi đêm và dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.

“Qua cuộc vận động này, chúng tôi muốn nói một điều với các bậc cha mẹ rằng, hãy ngừng say mê với những chiếc điện thoại thông minh và dành chúng cho con cái, bạn bè và người thân của mình. Những người thân quanh ta mới đáng nhận được sự quan tâm chứ không phải những thiết bị vô tri vô giác kia. Loại bỏ chiếc điện thoại ra khỏi cuộc nói chuyện, cuộc sống của bạn giống như việc phá một bức tường gạch giữa những mối quan hệ quan trọng cần duy trì," đại diện của Trung tâm nghiên cứu tâm lý Shenyang nói.
(Theo: Focusonthefamily.com, Techinasia.com)


Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT