Có thể nói rằng ở bệnh viện, ngoài mối tương giao giữa bệnh nhân và bác sĩ, y tá, hay nói khác đi là các tương tác giữa...
Lên đường hành nghề xuống sữa. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Bài NGUYÊN QUANG
Có thể nói rằng ở bệnh viện, ngoài mối tương giao giữa bệnh nhân và bác sĩ, y tá, hay nói khác đi là các tương tác giữa thầy thuốc và bệnh nhân, thì, có vẻ như còn một đời sống khác, ngấm ngầm nhưng rất mạnh mẽ và nó đã góp một phần không nhỏ vào không khí bệnh viện, mà cũng có thể nói rằng nó, chính cái đời sống ngầm vừa phong phú vừa phức tạp ấy đã làm bệ đỡ cho rất nhiều cuộc đời, rất nhiều mái ấm… Một đời sống chẳng kém gì các bến xe, ga tàu, bến thuyền… Một đời sống mà ở đó, luật giang hồ được sử dụng, con mạnh được, con yếu thua, con đẹp thành công, con xấu mất chỗ đứng, thậm chí mất mạng nếu không biết dừng đúng lúc.
Đời sống này ra sao?
Lẽ thường sau những đợt truy quét, khống chế, lùng sục người dương tính với Covid-19, màn này được dừng lại, tạm lắng xuống, người ta vào ra bệnh viện dễ hơn, hay nói khác là bình thường, việc thăm nuôi cũng dễ dàng hơn, thế nhưng hầu như các bệnh viện vẫn giữ nguyên không khí thời chống dịch (càng chống càng chết) mặc dù mọi thứ vẫn đang “bình thường mới”
Xuống sữa cho một người mẹ sau sinh. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Chị N., nữ bác sĩ ở một viện tim mạch tại thành phố Đà Nẵng, chia sẻ, “Mọi thứ vẫn như lúc chống dịch, có khác chăng là không phải đeo khẩu trang bắt buộc và xịt cồn ồ ạt như trước.”
“Thế nhưng chị cho rằng hiện tại vẫn như lúc chống dịch, tôi chưa được rõ lắm?”
“Thực ra, cái cơ chế này nó có từ lâu rồi, trong thế giới ngầm của nó, mình không nhìn thấy thôi, chứ có hết, và khi dịch tới, nó hoạt động mạnh hơn, mạnh cỡ bộ trưởng Long cũng ngồi tù là biết cỡ nào rồi. Nó có ăn chia, có thủ đoạn và có thanh trừng nhau cả đó. Cái thế giới ngầm này tồn tại từ rất lâu, có lẽ là từ khi ngành y tế trở nên béo bở. Ban đầu nó chỉ dừng ở nội bộ ngành, dần dần, nó thành một thứ bạch tuộc.”
Bán nước sôi để nguội, nước lọc. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Thực sự tôi không hiểu cái gọi là vòi bạch tuộc của ngành y?”
“Đó là thứ gì đó rất khó nói, nó có mặt thường trực, từ bữa cơm bệnh viện cho đến viên thuốc, chuyện đơn giản nhất, ví dụ ông A lên làm giám đốc bệnh viện thì các căn-tin (phòng ăn), các gói hợp tác xây dựng bệnh viện hoặc các gói thầu cung cấp thuốc, thiết bị y tế đều có liên quan đến người thân của ông A. Đó là chưa nói ông A được hưởng hoa hồng từ nhiều thứ, các loại thuốc, các loại thức ăn, các loại thiết bị y tế, đều có chiết khấu hoa hồng cho ông A, và đương nhiên những người đang chi tiền cho các ông lớn sẽ có cuộc cạnh tranh ngấm ngầm với nhau, cũng có lúc họ liên minh, cũng có lúc họ chiến với nhau, đủ các trò hết”
Eo sèo cơm áo chốn bệnh viện. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Xin chị cho ví dụ rõ nét hơn một chút ạ?”
“Anh thử để ý các căn-tin, thường thì một bệnh viện có chừng ba, bốn căn-tin, đóng ở các khoa khác nhau, các căn-tin này cũng ngấm ngầm cạnh tranh nhau, thậm chí cạnh tranh với các y tá, hộ lý nữa kia. Từ chuyện cho thuê chiếc giường xếp để người nhà bệnh nhân nằm ngủ qua đêm cho đến bán phích nước sôi, ca nước chè, họ cũng cạnh tranh, thường thì ngấm ngầm chơi nhau bằng nhiều kiểu, tuyệt đối không có gièm pha nhưng có kĩ thuật rao hàng và quảng cáo của mỗi người để lấy cho được khách của người kia”
Đời sống ngoài kia vẫn cứ mông lung. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Sao người ta không hành xử lành mạnh hơn, phần khoa nào khoa ấy cho thuê chẳng hạn?”
“Nếu vậy thì làm gì có chuyện để nói! Như cái vụ chống dịch, công ty bên ngoài vào đấu thầu cung cấp cơm cho bệnh nhân, nội bất xuất ngoại bất nhập, vậy là bệnh nhân và người chăm phải ru rú trong phòng, tới giờ thì công ty mang cơm tới và các điều dưỡng phải đi phát cơm cho từng người. Và đương nhiên suất cơm đó rất là mắc so với bên ngoài, tiếng là cơm theo tiêu chuẩn của người bị bệnh tim mạch nhưng kì thực ăn vào mặn chát, mà người bị tim mạch phải kiêng ăn mặn. Nhiều khi mình có cảm giác người ta lừa đảo nhau để kiếm sống ấy! Và cơm mắc không phải do giá thị trường tăng mà do phải chung chi khá nhiều trong mỗi dĩa cơm, từ giám đốc cho đến các loại khác, còn bác sĩ, khi người ta viết một cái đơn thuốc, loại gì thì mai mốt, nhà cung cấp thuốc phải trích hoa hồng cho họ, căn cứ trên đơn. Chính vì vậy, thuốc bệnh nhân đang uống không phải là thuốc tốt nhất để chữa bệnh mà là thuốc nào có trích hoa hồng tốt nhất. Nhìn chung, mọi thứ đều rất lộn xộn và manh mún, rất khó để tiến bộ!”
Như chốn giang hồ
Có lẽ, chuyện cơ quan công quyền có luật chơi giống như chốn giang hồ cũng không còn xa lạ gì với nhiều người, từ vụ chết vì “nhảy lầu” ở Bộ Giáo Dục cách đây không lâu cho đến chuyện thanh trừng trong các cơ quan, đầy rẫy ra, nhưng các trang báo nhà nước chẳng thể nào nói tới, cùng lắm thì chạy vài dòng tin về ông A, B, C nào đó đã không may từ trần vì lý do sức khỏe hoặc trầm cảm... coi như xong!
Bác sĩ xã hội chủ nghĩa luôn có những đặc trưng rất vật chất. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Hình ảnh các chủ căn-tin chửi nhau trong các bệnh viện, hình ảnh người đứng ngoài rào ngoắc lia lịa để người nhà bệnh nhân đến mua cơm hộp, những hộp cơm như vậy rất rẻ, và có thể là ngon hơn so với cơm của các căn-tin bên trong bệnh viện, nhưng, để có được chỗ đứng bên bờ rào bệnh viện để bán, cũng có lắm gian truân và khốc liệt, như lời chị Thảo, một giáo viên cấp trung học cơ sở, lương không đủ sống, cô bán thêm cơm những ngày cuối tuần. “Cũng phải gồng lưng lắm mới trụ lại được đó anh!”
“Tại sao phải gồng lưng vậy chị?”
“Không gồng làm sao có chỗ đứng! Bộ anh tưởng muốn ra đó đứng là ra được sao! Các căn-tin người ta cũng ngứa mắt lắm chứ, bởi vì người ta chung chi nặng nề rồi, nên họ cứ nhắm người bệnh mà lấy lại, giờ mình bán theo giá thị trường như vậy thì người ta bị mất một số khách, nên sẽ không chấp nhận mình.”
Ở phòng thanh toán viện phí của một bệnh viện. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Có lúc nào chị gặp khó khăn không?”
“Phải nói là thường xuyên ấy chứ, nhiều khi bị bảo vệ xua đuổi mặc dù mình đứng bên ngoài hàng rào bệnh viện, vẫn cứ bị đuổi như thường, ban đầu mình im lặng ra về, chấp nhận bỏ mấy hộp cơm, nhưng lần một, rồi lần hai, ba, bốn… Làm vậy là xem như úp nồi gạo của nhà mình, mình chống đối, cự lại, họ đòi đánh mình, mình gọi ông xã ra ứng cứu. May sao ông xã mình từng có thời đi bụi, cũng có số má, cộng thêm ông ấy là một võ sĩ, nhờ vậy mà yên được đôi chút, đời sống bây giờ khốc liệt quá anh à. Tôi từng phải tranh thủ đi xuống sữa, lại vấp!”
Nhân viên bảo vệ, một cái lưới lọc, cũng là đội ngũ dàn xếp luật chơi thế giới ngầm sau giường bệnh. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Xuống sữa là gì vậy chị?”
“Thường thì khi mới sinh con xong, người mẹ không có nhiều sữa, thậm chí chỉ có vài giọt sữa trong, còn gọi là sữa non, và các tuyến sữa bị đông cứng, hầu hết là vậy. Lúc bấy giờ, người mẹ nếu muốn có sữa cho con bú thì phải xuống sữa, cái này phải có một người chuyên nghiệp một chút làm mới được. Người ta xuống sữa bằng cách nấu xôi nóng, cho vào túi vải và túi nilon, sau đó dùng tay nắm lấy hai bọc xôi và xoa lên bầu sữa mẹ, làm thật nhẹ, sau đó mạnh tay dần cho các tuyến sữa bị tác động nhiệt, hâm nóng trở lại và hoạt động. Thường thì đánh chừng mười phút thì sữa ra rất nhiều, trắng đục.”
“Nghề này có vẻ hay quá chị há, chị cũng có lúc đi làm hay sao?”
“Có chứ, tước đây em đi làm, nhưng sau đó lại có cạnh tranh, em bị loại. Nhìn chung từ chỗ căn-tin cho đến cho thuê ghế ngủ hay xuống sữa đều bu bám và cạnh tranh dữ lắm. Nhưng đáng sợ nất vẫn là chỗ giữ xe và dân tài xế với nhau. Nhìn chung cũng có lúc họ liên minh, chơi thân, ăn nhậu với nhau, cũng có lúc họ quay sang đánh nhau, sứt đầu mẻ trán là chuyện bình thường ở chốn bệnh viện.”
Những hộp cơm như thế này thường ngon, rẻ bởi vì nó không gánh nhiều thứ phí chung chi để được lọt vào bệnh viện. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Chị nghĩ tình trạng này có thay đổi tốt đẹp hơn không?”
“Tôi không dám tin là nó sẽ thay đổi được, bởi vì muốn vậy, nó phải được thay đổi từ cao xuống thấp, đằng này càng cao, người ta càng hư hỏng và bất chấp thì làm sao bên dưới không loạn được chứ! Nghĩ mà chán!”
Tâm lý chán chường cũng là tâm lý chung của xã hội này, bởi đụng đâu cũng thấy gian manh và tiêu cực, thì cho dù có lý tưởng cỡ ào, có muốn biến nó thành tiên dược cũng rất khó chữa trị đối với tình trạng hiện nay!
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Anh Bảy Chà Và là ai và tại sao họ biến mất sau năm 1975
Người dân Sài Gòn, Chợ Lớn thường gọi với cái tên "Anh Bảy Chà Và". Anh là một phần không thể thiếu trong lịch sử Miền Nam Việt Nam
Mấy ông chồng Việt thường lưu tên vợ trong điện thoại là gì
Có muôn vàn kiểu đặt nick name, lưu tên vợ trong điện thoại của các ông chồng Việt, mỗi cái tên đều mang ý nghĩa và đặc trưng rất riêng.
Đểu Cáng trên con đường cái quan
Trên đường Cái quan. Cây cầu giữa Tuy Hòa và Đèo Cả, ảnh chụp năm 1898.Xưa, dường đi khó khăn, muốn đi từ tỉnh nọ đến tỉnh kia thường mất ...