Hôn Nhân, Cuộc Sống

Dù vô hại, đừng nên nói dối

Monday, 22/01/2018 - 09:53:24

Các hành động khác liên quan đến khuôn mặt cũng cho biết người đó có nói dối hay không. Ví dụ một người đang nói bỗng dừng một chút gãi tai, gãi đầu. Đó có thể là những dấu hiệu cho thấy đối tượng đang không nói thật, ngoại trừ trường hợp bỗng nhiên họ bị ngứa ở tai hay đầu.

Bài ĐOAN TRANG

Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều từng nói dối. Cũng có thể lời nói dối vô hại, nói dối để khuyến khích, hay để an ủi người khác với một ý tốt. Nhưng một khi bạn trở thành một kẻ nói dối thường xuyên, coi chừng lòng tin của mọi người đối với bạn sẽ biến mất ngay lập tức.


Một người nói dối, chỉ trong tích tắc thôi cũng sẽ thể hiện sự day dứt trên khuôn mặt. (Getty Images)

Vợ chồng chị Helen L. sống với nhau gần 20 năm nhưng không có con. Sợ bạn bè dèm pha “gái độc không con,” khi dời nhà từ Texas về California, chị Helen L. luôn nói với mọi người rằng chị có một thằng con trai, dù đó chỉ là “con đỡ đầu” của chị mà thôi. Thấy mọi người “tin sái cổ,” chị tiếp tục thường xuyên nói quá về đứa con đỡ đầu. Nói dối quen miệng, cho đến khi mọi người dần dần phát hiện ra sự thật, chị bị đổi tên thành “kẻ dối trá,” cho dù bản chất của chị không phải như thế.

Có thể phát hiện người nói dối

Trong cuộc sống, bạn không thể nào tránh khỏi những lúc bị đánh lừa bởi những lời nói dối. Tiến sĩ Leanne ten Brinke - nhà tâm lý học tại trường Haas thuộc ĐH California (Mỹ) từng chia sẻ với mọi người những cách để có thể phán đoán được ai đang nói dối bạn.

Những thay đổi trên khuôn mặt: Nếu bạn thấy một người nào đó đột nhiên có sự biến chuyển trên khuôn mặt khi trả lời một câu hỏi trực tiếp, rất có thể họ đang nói dối bạn đấy! Thường thì đó chỉ là những biểu hiện rất nhỏ, diễn ra nhanh nhưng lại thể hiện cảm xúc thật của một người.

Một người nói dối, chỉ trong tích tắc thôi cũng sẽ thể hiện sự day dứt trên khuôn mặt. Điểm đặc trưng của sự day dứt này là trán hơi nhăn, hoặc xuất hiện nếp nhăn ở đầu lông mày. Đầu của người nói dối có thể cúi xuống hoặc nghiêng sang một bên. Điều này là do họ đang cố suy nghĩ một câu chuyện để đối phó với câu hỏi của người đối diện.

Các hành động khác liên quan đến khuôn mặt cũng cho biết người đó có nói dối hay không. Ví dụ một người đang nói bỗng dừng một chút gãi tai, gãi đầu. Đó có thể là những dấu hiệu cho thấy đối tượng đang không nói thật, ngoại trừ trường hợp bỗng nhiên họ bị ngứa ở tai hay đầu.

Thỉnh thoảng, những người nói dối sẽ lấy tay che miệng họ như muốn che giấu cảm xúc, ngăn chặn lời nói dối sắp bật ra. Đôi khi, họ còn mím chặt môi khi nói dối. Đặc biệt hơn, người nói dối cũng rất hay đặt tay lên mũi, gãi mũi, vì khi đang “bịa chuyện,” nhiệt độ của mũi và miệng sẽ tăng cao. Hiện tượng này là do vùng não có tên gọi vỏ não thùy đảo bị biến đổi khi con người nói dối về cảm xúc của mình. Vùng vỏ não thùy đảo tham gia việc phát hiện và điều phối nhiệt độ cơ thể, làm tăng nhiệt phần miệng và mũi khiến cho người nói dối vô tình đưa tay lên gãi.

Hơi thở không bình thường, thiếu tự nhiên: Khi ai đó đang nói dối bạn, hởi thở của họ bắt đầu thở nhanh, gấp hơn. Nguyên nhân là do khi nói dối, thần kinh của một người bình thường sẽ căng thẳng, khiến cho nồng độ adrenalin trong máu tăng cao. Adrenalin là một chất trung gian thần kinh khiến cho sức co bóp của tim tăng. Khi nhịp tim đẩy lên cao, khí quản giãn ra, lồng ngực co rút khiến cho hơi thở gấp gáp hơn.
Khi đang nói thật, mọi người thường hay kết hợp ngôn ngữ cơ thể để thể hiện điều mình nói. Nhưng khi nói dối, họ sẽ có những cử động rất thiếu tự nhiên như để cố gắng che giấu bí mật đang được hỏi tới.

Hãy để ý xem, người đối diện đang nói chuyện với bạn tự nhiên với hai tay để ra sau lưng, chân đứng bắt chéo khó khăn, liên tục di chuyển, hoặc đặt tay ở những vị trí không thoải mái như sau đầu, dựa vào tường. Những động tác này giúp cơ thể người nói dối giảm đi sự căng thẳng, nhưng lại vô tình tố cáo họ đang nói điều gì đó có vẻ như không đúng sự thật.

Khi đang nói chuyện bình thường, bỗng nhiên ai đó cung cấp cho bạn quá nhiều thông tin và được mô tả một cách chi tiết, bạn nên cẩn thận bởi rất có thể người đó đang cố lừa phỉnh bạn đấy!

Rõ ràng nhất là việc người đó kể lan man, nói quá dài dòng, không mạch lạc. Điều này cho thấy, người bạn đó đang cố gắng biến câu chuyện của mình trở nên tin cậy hơn bằng cách thêm thắt chi tiết vụn vặt.

Thông thường, một người nói dối sẽ không nhận ra họ đang lặp lại những cụm từ hoặc sự kiện nào đó. Đôi khi, họ nghĩ rằng, những lời mình nói dối sẽ vô cùng thuyết phục nên nhấn mạnh hơn nữa. Đây còn là cách để người nói dối trì hoãn thêm thời gian nhằm suy nghĩ và bịa ra một câu chuyện nào đó.

Người trung thực thường nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi nói chuyện. Khi nói dối, con người rất sợ giao tiếp bằng mắt. Vì thế, nếu ai đó thường không nhìn thẳng vào mắt bạn khi nói chuyện, điều đó chỉ ra rằng họ đang nói dối.

Nhưng nếu đó là người “nói dối cao thủ,” họ sẽ lợi dụng điều này để “bịa chuyện.” Ví dụ, họ sẽ cố gắng tiếp xúc bằng mắt nhiều hơn, họ nhìn liên tục vào mắt bạn nhằm mục đích kiểm soát và điều khiển bạn tin theo. Cùng với đó, ánh mắt nhìn bạn sẽ có phần lạnh như để đe dọa người đối diện.

Một điểm đáng chú ý nữa là khi một người nói dối, họ thường nhắm mắt lâu hơn khi chớp mắt. Tất nhiên, điều này không phải ai cũng nhận ra được bởi thời gian đó là rất ngắn. Nhưng nếu bạn chú ý một chút, bạn sẽ nhận ra được điểm khác biệt. Nháy mắt liên tục cũng là dấu hiệu quan trọng khác cần lưu ý. Đó là dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng đang tăng lên. Con mắt của người đang nói quay về hướng nào khi đang trả lời cũng giúp bạn nhận ra kẻ nói dối.

Hầu hết những người thuận tay phải nhớ lại một sự kiện nào đó họ đã trải qua thường sử dụng phần não bên trái và nhìn sang phía bên phải. Khi họ bịa chuyện, họ sẽ sử dụng phần não bên phải và nhìn sang bên trái. Nói cho dễ hiểu hơn, nếu người nói dối thuận tay phải sẽ nhìn sang bên trái, người nói dối thuận tay trái sẽ nhìn sang bên phải.

Những người nói dối thường có thái độ phòng thủ hay thù địch cao. Họ thậm chí có thể đả kích, buộc tội bạn nói dối hay có một số hành vi sai trái khác. Một người đang nói dối bạn sẽ tránh trả lời trực tiếp các câu hỏi và cố gắng lái cuộc trò chuyện theo hướng khác, có lẽ đến những khuyết điểm của bạn. Bên cạnh sự không hợp tác trong việc trả lời câu hỏi, khi nói dối, người ta có xu hướng dễ nổi nóng.

Hãy làm người trung thực

Nghiên cứu của Đại học London (Anh) cho thấy, nếu chúng ta nói dối một lần thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba... Bộ não con người sẽ tự động thích nghi với sự “leo thang” này, khiến việc nói dối ngày càng trở nên dễ dàng.

Các nhà nghiên cứu của đại học này đã làm một thí nghiệm với 80 người. Tấc cả họ được nhìn thấy hình ảnh bình chứa đầy đồng xu. Một người sẽ tư vấn cho người chơi cùng - partner (người cũng đã nhìn vào bức ảnh nhưng ảnh nhòe hơn) rằng nên đoán có bao nhiêu tiền trong bình.

Dựa trên lời khuyên đó, partner đánh giá tiền trong bình càng cao thì phần thưởng cho người tư vấn càng lớn. Vài biến thể của thí nghiệm cũng được thực hiện. Một là, người tham gia được biết họ và người tư vấn sẽ chia đôi tiền thưởng. Lúc này, khả năng nói dối của partner tăng cao. Hai là, người tư vấn sẽ được nhiều tiền thưởng hơn partner. Khi đó, cường độ nói dối càng tăng lên.

Kết quả quét não bằng MRI 25/80 người tham gia (chọn ngẫu nhiên) khi họ đang ước tính cho thấy cách chúng ta quen với việc nói dối: Điều này giống như việc một người không còn nhận ra mùi nước hoa của chính mình theo thời gian nên sử dụng nhiều hơn. Hình ảnh quét não cho thấy hạch hạnh nhân (nằm ở tâm não, là nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc) trở nên bão hòa hoặc trợ giúp cho sự không trung thực.

Đây là nhóm nghiên cứu đầu tiên chứng minh bằng thực nghiệm rằng càng nói dối nhiều thì con người càng nói dối trắng trợn. “Giống như bạn đang ở một con dốc trơn trượt. Một khi đã nói dối, dần dần bạn sẽ trở thành người không trung thực. Việc nói dối thường xuyên tiềm ẩn mối nguy hiểm vì chẳng mấy chốc bạn sẽ trở thành kẻ dối trá” - Neil Garrett - tác giả nghiên cứu nói.

Trung thực là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Vì thế hãy làm người trung thực, đừng nên nói dối, dù là lời nói dối vô hại.

(Nguồn Familyshare, Business Insider, Psychology Today, How Stuff Works, Neuroscience)

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT