Pháp Luật

Family Medical Leave Act và quyền lợi của nhân viên

Thursday, 30/09/2010 - 07:33:01

Với mục đích giúp cho những nhân viên có thể thích ứng với những biến chuyển của công ăn việc làm và đời sống  gia đình, và cũng nhằm tạo ...

Luật Sư Trần Khánh Hưng/Viễn Đông

Đời sống gia đình cũng được quan tâm rất nhiều trong môi trường làm việc tại nước Mỹ.

Với mục đích giúp cho những nhân viên có thể thích ứng với những biến chuyển của công ăn việc làm và đời sống  gia đình, và cũng nhằm tạo sự quân bình giữa nam và nữ nhân viên, đạo luật Family Medical Leave Act (FLMA) đã được ra đời từ năm 1993. Luật FMLA đòi hỏi một số hãng, cho phép nhân viên hằng năm được quyền nghỉ bệnh, hay vì lý do gia đình, không ăn lương mà công việc vẫn được bảo vệ. Trong thời gian nghỉ bệnh, bảo hiểm sức khỏe của nhân viên vẫn được duy trì.  
Luật FLMA được áp dụng cho tất cả những cơ quan chính quyền, những trường học công hay tư, và những cơ sở tư nhân trong lãnh vực thương mại (commerce) có mướn 50 nhân viên trở lên. Những cơ quan hay công ty này có nhiệm vụ phải cho nhân viên của mình được nghỉ không ăn lương tối đa là 12 tuần cho một năm, cho những lý do sau đây:
+ Chính nhân viên cần nghỉ vì đang mang bệnh trầm trọng (serious health condition).
+ Để lo cho thân nhân ruột thịt (vợ chồng, con cái hay cha mẹ) đang mang bệnh trầm trọng (serious health condition).
+ Nếu nhân viên sanh con hay phải lo cho con sơ sinh.
+ Nếu nhân viên cần nghỉ để nhận con nuôi.

* Nếu cả hai vợ chồng làm chung một hãng, mà cả hai cần nghỉ việc tạm thời để lo cho gia đình thì sao?
Trong trường hợp cả hai vợ chồng làm chung một hãng, mà cả hai cần nghỉ việc tạm thời theo luật FMLA, cả hai vợ chồng có quyền xin nghỉ việc đồng thời gian theo những yếu tố nêu trên. Trong một số trường hợp, nhân viên có thể xin nghỉ việc trong những thời gian gián đoạn, thay vì cùng một lúc, để lo cho sức khỏe của mình hay cho thân nhân ruột thịt. Ngoài ra, nhân viên có quyền nghỉ việc bằng cách là xin bớt giờ làm việc hằng ngày, miễn là tổng số thời gian nghỉ việc chỉ là 12 tuần cho một năm. Điều cần lưu ý là sự ghỉ gián đoạn trong nhiều thời gian khác nhau của nhân viên không được cản trở đến guồng máy làm việc (operation) của hãng.
Trong trường hợp nhân viên sanh con, cần lo cho con sơ sinh hay vì lý do con nuôi, nhân viên phải xin nghỉ việc và hoàn tất công việc gia đình trong thời gian 12 tháng kể từ ngày có con. Tuy nhiên, nếu muốn xin nghỉ việc trong những khoảng thời gian khác nhau để lo cho con, nhân viên cần phải có sự đồng ý của hãng của mình.

* Thế nào gọi là bệnh trầm trọng (serious health condition)?
Những bệnh trầm trọng được định nghĩa là những thương tích, bệnh tật, đau yếu của thể xác, hay tinh thần, làm cho nhân viên mất đi khả năng làm việc hay làm những công việc hằng ngày (activities of daily living), mà cần phải nằm bệnh viện một thời gian, hay là những sự chữa trị sau thời gian nằm bệnh viện.  
+ Nếu là thương tích hay bệnh tật, thời gian điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện phải kéo dài hơn 3 ngày;
+ Nếu nhân viên có thai hay vì dưỡng thai, nhân viên không cần phải chứng minh là đang đi bác sĩ;
+ Nếu nhân viên có những chứng bệnh nặng kéo dài trong nhiều năm tháng (suyễn, tiểu đường, v.v... ) và cần phải điều trị trong nhiều giai đoạn, nhân viên không cần phải chứng minh việc đi bác sĩ để xin nghỉ việc;
+ Nếu nhân viên có mang những chứng bệnh nan y, mà sự chữa trị chỉ tạm thời chứ không dứt bệnh (Alzheimer’s, tai biến mạch máu não, ung thư trong thời kỳ cuối), nhân viên không cần phải chứng minh sự chữa trị thường xuyên (active treatment);
+ Nếu nhân viên cần nghỉ để chữa trị những bệnh tật mà có cơ nguy trở nên trầm trọng hơn, làm cho nhân viên bị mất khả năng làm việc, hay phải nằm nhà thương hơn 3 ngày nếu không chữa, thí dụ như làm chemotherapy hay radiation thepary cho ung thư.

* Trong thời gian nghỉ bệnh theo luật FLMA, tôi có được giữ bảo hiểm sức khỏe hay không?
Những chủ nhân của công ty tư nhân hay chính quyền phải cho nhân viên tiếp tục được hưởng trong thời gian nghỉ bệnh, cũng giống như nhân viên vẫn còn đang đi làm bình thường. Tuy nhiên, nhân viên có thể sẽ phải trả tiền bảo hiểm sức khỏe trong thời gian nghỉ bệnh. Nếu chủ nhân trả tiền bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên trong thời gian nghỉ bệnh theo luật FLMA, và sau đó nhân viên không quay lại hãng làm tiếp tục, chủ nhân có quyền đòi nhân viên hoàn trả lại số tiền bảo hiểm sức khỏe này.

* Sau khi nghỉ bệnh theo luật FLMA, tôi có thể trở lại làm công việc cũ của tôi không?
Khi nhân viên trở lại làm việc sau thời gian nghỉ bệnh, nhân viên phải được làm trở lại công việc cũ hay là những công việc khác đồng hạng với cùng mức lương, quyền lợi và điều kiện giống như trước khi nghỉ việc.
Trong một số trường hợp đặc biệt, khi nhân viên nghỉ bệnh là những người mang chức vụ tối quan trọng và có lương cao, chủ nhân có quyền từ chối việc nhân viên trở lại công việc cũ, nếu điều này sẽ làm cho công ty bị tổn thất kinh tế nặng nề, hay làm cho guồng máy làm việc của hãng bị đình trệ. Tuy nhiên, chủ nhân cần phải báo cho nhân viên biết trước về vai trò tối quan trọng của nhân viên, khi nhận yêu cầu xin nghỉ bệnh theo luật FLMA; phải cho nhân viên biết lý do hãng sẽ không nhận lại làm việc trong chức vụ cũ, và cho nhân viên cơ hội trở lại làm việc thay vì nghỉ bệnh.

* Tôi cần phải thông báo cho hãng của tôi như thế nào để xin nghỉ theo luật FLMA?
Luật FLMA đòi hỏi nhân viên phải thông báo cho hãng của mình về yêu cầu nghỉ bệnh trước 30 ngày, trừ những trường hợp cấp bách ngoài dự tính.  Sau đó, hãng có quyền yêu cầu nhân viên cung cấp những dữ kiện y tế hay giấy bác sĩ chứng nhận bệnh tật của mình. Ngoài ra, hãng cũng có quyền yêu cầu nhân viên đi khám bác sĩ do hãng chọn và đài thọ để xác định mức độ bệnh tật của nhân viên trước khi nghỉ hay trong thời gian điều trị.

* Nếu hãng của tôi vi phạm luật FLMA thì tôi phải làm sao?
Bạn có quyền nộp đơn khiếu nại với Bộ Lao Động, the U.S. Department of Labor’s Employment Standards Administration, Wage and Hour Division.  Nếu những vi phạm của hãng không được giải quyết thỏa đáng, Bộ Lao Động có thể sẽ kiện hãng để bắt sửa đổi. Ngoài ra, chính nhân viên cũng có quyền kiện hãng ở tòa dân sự vì những vi phạm này.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về đạo luật Family Medical Leave Act, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT