Đời Sống Việt

Giám đốc xưởng vẽ Mark Smith và trợ lý Gwen Law vẽ cảnh Niết Bàn

Wednesday, 18/12/2013 - 09:41:52

Vở opera lớn (grand opera) “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014.

Anvi Hoàng



Một góc phông trên sàn nhà.
 
Vở opera lớn (grand opera) “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014.

“Chuyện Bà Thị Kính" là vở opera lớn về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ, do đó Viễn Đông sẽ tiếp tục tường thuật những diễn biến này tới độc giả. Việc dàn dựng đã bắt đầu “chuyển động” từ nhiều tháng nay và đang đến hồi hấp dẫn. Đạo diễn sân khấu, nhạc trưởng, nhà soạn nhạc, nhà thiết kế trang phục, Giám đốc Kỹ thuật, thợ mộc sân khấu, nhà thiết kế phông cảnh đã được phỏng vấn. Bài kỳ này là cuộc phỏng vấn với Giám Đốc và Trợ Lý Xưởng Vẽ.

Có thể mô tả Giám Đốc Xưởng Vẽ, Mark Smith, và Trợ Lý của anh, Gwen Law, là những người nghề gì cũng biết. Xưởng sơn nơi họ làm việc giống như một kho hàng khổng lồ đầy màu sắc và chất liệu. Điều khác biệt là, mỗi đồ vật ở đây do họ tạo ra cho sân khấu đều có một câu chuyện riêng của nó.

Để chuẩn bị cho các màn trình diễn ra mắt lần đầu của vở opera Chuyện Bà Thị Kính, sàn nhà đã bắt đầu trải đầy vải vóc dùng để làm phông, tường đang được hoàn tất. Một không khí huyền hoặc ở khắp mọi ngõ ngách.

Anh Mark dành thời gian nói về việc tạo dựng sân khấu cho Chuyện Bà Thị Kính như sau.

Hỏi: Công việc dựng sân khấu ở đây khổng lồ ngoài sức tưởng tượng của tôi và rất khó mà bắt đầu hỏi anh từ đâu. Anh có thể nói chung về công việc của mình?

Mark: Tôi chịu trách nhiệm về việc tạo ra hình thể sau cùng cho sân khấu, kể cả việc trang trí sân khấu, bàn ghế, v.v... Có hàng mớ thứ liên quan. Đồ dùng sân khấu thì bao gồm những thứ bạn có thể nghĩ ra và cả những thứ bạn không thể tưởng tượng ra. Cho nên công việc rất thú vị nhưng cũng nhiều thách thức. Chúng tôi dùng những vật liệu thông thường như gỗ, nhựa xốp (styrofoam) để tạo ra bề mặt như đá chẳng hạn.

Hỏi: Đối với anh, Chuyện Bà Thị Kính là câu chuyện nước ngoài, vậy nó có gì mới?

Mark: Trước hết, đó là một câu chuyện tuyệt hay. Về mặt phông cảnh, Chuyện Bà Thị Kính nằm ngoài phương Tây nên văn hóa hoàn toàn khác. Kiểu kiến trúc cũng khác. Chúng tôi dùng loại vật liệu mới như tre. Phông và bàn ghế cũng khác. Có 3 bức tượng Phật cần điêu khắc, và chúng tôi phát hiện ra là 3 bức tượng đó không giống nhau hoàn toàn. Vì vậy thật là kỳ thú khi biết đến những điều tinh tế như thế, những điều mà người phương Tây không thể biết đến.

Hỏi: Vật liệu để điêu khắc tượng là gì?

Mark: Đương nhiên là nhựa xốp. Chúng tôi mua nó ở tiệm, rồi dán nó thành một khối lớn và dùng cưa hoặc cưa điện đẽo nó.

Hỏi: Tôi thấy ngoài kia có nhiều tre, anh sắp dùng chúng làm gì phải không?

Mark: Chưa bao giờ chúng tôi dùng tre với với quy mô thế này. Một điều thú vị về tre là chúng vẫn tiếp tục giãn nở như một vật thể sống khi nhiệt độ thay đổi. Thỉnh thoảng chúng nổ tách một cái. Thông thường chúng tôi dùng những thứ mua ở tiệm như ống nhựa PVC. Lần này, một phần tre chúng tôi dùng là ở ngay Bloomington.

Có một cô nhân viên làm việc ở đây, sau vườn nhà mẹ cô đầy tre. Bà trồng chúng cách đây nhiều năm và bây giờ chúng mọc tràn lan. Bà đã có ý định đốn bỏ bớt chúng đi. Chúng tôi nói chuyện và đề nghị mua lại một số tre từ vườn của bà. Chúng tôi sẽ thử nghiệm với chúng, sẽ sơn bảo quản chúng sao cho chúng giữ được màu xanh tươi mà không khô héo đi. Chúng tôi sẽ không dùng những lá tre thật vì chúng sẽ khô và úa nâu. Chúng tôi sẽ dùng lá bằng lụa. Vậy cho nên thân tre thì sẽ là thật nhưng phần lá phía trên là nhân tạo.

Hỏi: Về mặt cấu trúc, xây một bức tường Việt Nam có khác những bức tường anh đã từng tạo ra?

Mark: Cấu trúc cơ bản thì cũng giống như đóng mộc sân khấu bình thường. Sơn phết sau cùng thì có phần khác.

Hỏi: Còn cánh cổng chùa ngoài kia thì sao?

Mark: Về mặt kiến trúc nó cong hơn. Nói chung mọi thứ đều tạo ra cảm giác Á Đông, bởi vì chúng không có vẻ nặng nề như một kiến trúc châu Âu.

Hỏi: Anh được tự do nghệ thuật đến mức nào trong việc trang hoàng sân khấu?

Mark: Không nhiều về mặt hình thể. Nhà thiết kế cảnh là người thiết kế chúng như thế. Tôi có tự do trong việc biến thiết kế trên giấy đó thành hiện thực. Ở mỗi vở diễn mình cần dùng một ít kiến thức mình thu thập được trong quá khứ, nhưng cũng cần thử nghiệm những cái mới. Có nhiều cách sơn phết để đạt được hình thể sau cùng như mình mong muốn.

Hỏi: Phông cảnh như thế nào thì được gọi là thành công?

Mark: Nói đến vấn đề thiết kế, thành công là khi nó hỗ trợ cho câu chuyện và âm nhạc, phông cảnh khán giả thấy trên sân khấu cần phải là yếu tố hỗ trợ khi câu chuyện và âm nhạc diễn ra trên sân khấu. Phông cảnh cũng nên làm cho khán giả có sự kết nối tốt hơn với các nhân vật và câu chuyện đang diễn ra trên sân khấu.

Hỏi: Có khi nào anh nhìn lại những sản phẩm sân khấu mình đã tạo ra và nghĩ “Tôi vẫn thích nó” hoặc “Tôi không thích nó nữa”?

Mark: Đôi khi chúng tôi lôi phông cảnh cũ trong kho ra, những thứ tôi vẽ cách đây 5, 10 năm, và nghĩ: “Nhìn cũng được... nhưng có thể tốt hơn thế này”. Giống như bất kỳ nghệ sĩ nào, mình thay đổi và hy vọng rằng với kinh nghiệm, mình càng ngày càng làm tốt hơn.

Hỏi: Dựng phông cảnh căng thẳng đến mức nào? Anh dùng động từ nào để nói về phông cảnh: sơn, dựng, sáng tạo?

Mark: Làm phông cảnh không chỉ là dựng và sơn, nên có thể dùng từ ‘sáng tạo’ ở đây bởi vì nó liên quan đến nhiều thứ. Đây cũng là một trong những chuyện cực nhất trong nghề. Thông thường, chúng tôi làm nhiều dự án cùng một lúc cho nên vấn đề chủ yếu là phải sắp xếp thời gian. Chúng tôi có không gian lớn trong xưởng nhưng cái chính là phải bảo đảm sao cho đủ chỗ và đủ thời gian để hoàn tất một dự án rồi lấy chỗ và thời gian làm dự án tiếp theo.

Một điều khác có thể kể đến là chúng tôi không chỉ làm cảnh do xưởng gỗ đóng, mà còn phải lo đến những tấm phông nữa, là những tấm vải được treo trên trần. Chúng tôi phải làm nhiều tấm phông như thế cho vở diễn. Nhiều tấm là những bức vẽ có tính cách điệu, ví dụ phông mùa xuân, phông mùa thu, phông cảnh kết. Những tấm phông này có màu rực rỡ. Cũng có một loạt phông có bề mặt đặc biệt, như giấy dán tường. Những tấm phông chiếm nhiều chỗ trên sàn nhà của xưởng vì vậy tôi phải làm sao hoàn tất mấy bức tường đá ngoài kia vào một thời điểm nhất định để còn bắt tay vào làm những tấm phông nữa.

Tất cả các tấm phông đều được may ở đây, tôi và Gwen đều may được. Chúng tôi may phông và may màn nữa. Đây là một kỹ năng khác rất có ích trong nghề. Chúng tôi thì nghề nào cũng biết một ít. Điều tôi thích về công việc này là chúng tôi biết mỗi thứ một ít. Nếu có gì tôi không biết thì tôi đi thư viện tìm hiểu hoặc tra trên mạng. Nói chung, phần nhiều công việc là quá trình thử nghiệm. Do đó, thách thức và sự đa dạng là chuyện vui trong nghề. Thỉnh thoảng cũng làm đi làm lại những cái cũ nhưng thường thì tôi dựng cảnh mới.

Hỏi: Một người nghệ sĩ dựng sân khấu giỏi cần như thế nào?

Mark: Biết mỗi thứ một ít. Cần có thái độ tích cực vì nhiều khi bực bội lắm. Phần lớn công việc là tìm cách giải quyết vấn đề. Có thể bạn gặp một vấn đề. Có thể tìm sách để tra cứu, nhưng không phải vấn đề nào cũng có cách giải quyết tức thì. Vì vậy mình cần lục lọi kinh nghiệm cũ, những gì mình thấy người khác làm, những sản phẩm mình thấy trong tiệm. Tập hợp tất cả kinh nghiệm cũ như thế để tìm một giải pháp cho vấn đề trong hiện tại của mình.

Hỏi: Nếu nói rằng phần việc mang tính nghệ thuật nhiều nhất trong công việc của anh là sơn, là lúc anh dùng đến trí tưởng tượng về màu sắc và hình thể, thì như thế có đúng không?

Mark: Tôi cho rằng phần nào trong công việc cũng có tính nghệ thuật theo cách của nó. Đôi khi tôi nói rằng sân khấu là sự dối trá bởi vì nó đánh lừa bạn. Những gì bạn thấy trên sân khấu không hẳn là thật như thế. Chúng tôi dùng đủ thứ vật liệu khác nhau để làm cho nó nhìn giống như thế, cho dù đó là cảnh bầu trời hay là bàn ghế. Việc của chúng tôi là tìm giải pháp cho những vấn đề khác thường. Vì vậy, mọi thứ đều mang tính nghệ thuật theo nghĩa đó. Nói cách khác, trong mỗi đồ vật đều mang sẵn trong nó một thách thức nghệ thuật ẩn trong chất liệu của nó.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT