Trình độ học sinh 15 tuổi trong mỗi quốc gia hội viên (hay vùng lãnh thổ) được đánh giá qua cuộc khảo sát một mẫu nghiên cứu từ 4,500 đến ...
Hoàng Châu
Kỳ thi PISA (Program for International Student Assessment) tạm dịch là Chương trình Quốc tế Đánh giá Học sinh được tổ chức mỗi 3 năm một lần.
Trình độ học sinh 15 tuổi trong mỗi quốc gia hội viên (hay vùng lãnh thổ) được đánh giá qua cuộc khảo sát một mẫu nghiên cứu từ 4,500 đến 10,000 học sinh. Kết quả năm 2006 (lần cuối cùng) cho thấy trong số 57 quốc gia tham dự, học sinh Phần Lan đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ: hạng nhất về Khoa học và Toán, hạng nhì về Đọc hiểu. Ngay cả những hệ thống giáo dục nhiều ưu điểm nhất của thế giới như Đài Loan, Nam Hàn, Hồng Kông … cũng phải nhường bước.
I. Ưu điểm của nền giáo dục Phần Lan
Các em học sinh Phần Lan có trình độ khá đồng đều – bất kể xuất thân từ trường học hay địa phương nào. Sự thành công liên tục tại các kỳ thi PISA đã lôi cuốn chú ý của các nhà giáo dục quốc tế. Họ nghiên cứu chính sách giáo dục của quốc gia 5.3 triệu dân này và tìm thấy một số điểm đáng lưu ý đã đóng góp cho thành công của học sinh tại đó.
Sau đây là một số ưu điểm chính:
– Học sinh Phần Lan học chung một chương trình, nghĩa là không có lớp riêng biệt cho học sinh giỏi. Học sinh giỏi hay kém đều được học chung một lớp như nhau
– Ít bài tập về nhà (homework) hơn học sinh tại các quốc gia khác
– Phần Lan có rất ít các kỳ thi tiêu chuẩn
– Trẻ em chỉ được tới trường khi đủ 7 tuổi
– Trước khi bắt đầu bậc tiểu học các em được khuyến khích phát triển giao tiếp và vui chơi trong những sinh hoạt cộng đồng chứ không bị bắt buộc lao vào học tập. Sự tương quan và hợp tác giữa cá nhân và cộng đồng được nhấn mạnh trên sân chơi.
– Học sinh thường xuyên được đánh giá, nếu yếu kém sẽ được kèm cặp thêm tức thời. Không có sự xếp hạng trong lớp học và chỉ khi lên tới trung học thì mới “bị” chấm điểm mà thôi. Các em được giúp đỡ trên căn bản so sánh chính mình của ngày hôm qua với ngày hôm nay.
– Trọng tâm của giáo dục Phần Lan nhắm vào đào tạo thầy cô giáo. Phải có văn bằng Cao học (Master) để trở thành giáo chức và ngành giáo dục chỉ tuyển dụng 10% sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc nhất (top 10%) để đào tạo thành nhà giáo. Dạy học là một ngành nghề có giá trị cao kể cả về mức lương cũng như kính trọng xã hội.
– Phần Lan tập trung chú ý về nhân lực và tài chánh cho các trường trung học đệ nhất cấp hay còn gọi là trung học cơ sở (middle schools.) Họ coi đây là những năm tháng quyết định thành công của một học sinh. Sau thời gian đó, khoảng một nửa học sinh đi học nghề và một nửa khác lên trung học (high school) để được chuẩn bị kiến thức vào đại học. Sự phân chia này được đặt căn bản trên khả năng và ý thích. Những em học sinh vào trường nghề vẫn có thể theo học các đại học kỹ thuật sau này nếu muốn.
– Giáo dục tại Phần Lan hoàn toàn miễn phí, ngay cả sách giáo khoa và dụng cụ học sinh cũng được cung cấp không mất tiền.
II. Giáo dục Hoa Kỳ so sánh với Phần Lan
Nếu so sánh giáo dục đại học, Hoa Kỳ có nhiều ưu thế mà một dân tộc nhỏ bé như Phần Lan khó có thể so sánh được. Tuy nhiên, ở mức độ giáo dục mẫu giáo và phổ thông (K-12) Hoa Kỳ có những điểm phải nhìn về phiá Phần Lan để học hỏi.
– Về Khoa học: học sinh Hoa Kỳ chỉ đạt 489 điểm, so sánh với điểm trung bình là 500. Nếu tính theo số quốc gia thì học sinh Hoa Kỳ đứng hạng 29/57 tức là ngay ở vị trí giữa.
Một lưu ý nhỏ ở đây, Do Thái được đánh giá là dân tộc thông minh nhưng học sinh Do Thái chỉ đạt được 454 điểm và xếp hạng 39/57. Brazil hiện được coi như con rồng của châu Mỹ La tinh nhưng học sinh Brazil chỉ được 390 điểm và xếp hạng 52/57.
– Về Toán: học sinh Hoa Kỳ đạt 474 điểm so sánh với điểm trung bình là 498 và xếp hạng 25/57. Học sinh Do Thái đạt được 442 điểm và xếp hạng 42/57. Học sinh Brazil được 370 điểm và xếp hạng 54/57.
Câu hỏi được đặt ra là: Giáo dục Phần Lan có khả năng cung cấp những ý tưởng để cải thiện nền giáo dục phổ thông Hoa Kỳ không?
Thật ra giữa hai nền giáo dục có những khác biệt không thể áp dụng.
Dân số Phần Lan tương đối đồng nhất. Đa số học sinh nói tiếng Phần Lan ở nhà trong khi đó theo Bộ Giáo dục Hoa Kỳ có khoảng 8% học sinh Hoa Kỳ không nói tiếng Anh trong gia đình, phần lớn là di dân mới nhập cư. Ngoài ra, di dân vào Hoa Kỳ thuộc nhiều sắc tộc khác nhau và không đồng đều nên kéo điểm trung bình đi xuống.
Ngân sách giáo dục Phần Lan cũng tương đối ổn định. Tất cả những trường học tại đây nhận được một quỹ tài chánh dựa trên mỗi đầu học sinh giống nhau. Ngược lại, nguồn tài chánh cho trường học tại Hoa Kỳ khá phức tạp vì dựa trên nhiều yếu tố địa phương và do vậy tạo nên sự bất bình đẳng trong giáo dục. Điểm bất lợi đổ dồn vào những cộng đồng có thu nhập thấp và những gia đình nghèo muốn có một trường học tốt hơn cho con cái phải đi xa hơn hay phải sống trong những khu vực giầu có nơi mà cơ hội công ăn việc làm trở nên ít ỏi hơn.
Mục tiêu đầu tư cho giáo dục cũng khác nhau. Trong khi Phần Lan tập trung nỗ lực đào tạo nhà giáo thì trường học Hoa Kỳ tập trung vào các kỳ thi đánh giá để đứng vững trước đe doạ cắt giảm ngân sách. Và như vậy, so sánh với Hoa Kỳ, Phần Lan đã có sự lựa chọn khôn ngoan hơn.
III. Một cách nhìn khác
Nhiều nhà giáo dục quốc tế không coi Hoa Kỳ như một quốc gia có nền giáo dục giống nhau trên toàn quốc. Chính quyền tiểu bang đóng vai trò quyết định trong giáo dục mẫu giáo và phổ thông (K-12.) Thế là họ coi mỗi tiểu bang như một nhà nước độc lập trong giáo dục và xếp hạng theo tiêu chuẩn tiểu bang. Sau đây là một số quan sát được ghi nhận:
– Học sinh Massachusetts được xếp hạng cao nhất về giáo dục. Nhiều cha mẹ di dân đã vào làm những công việc nặng nhọc trong các trường đại học Massachusetts để con cái sau này được nhận vào học và được học bổng trong các trường đại học đó. Học sinh tiểu bang này rất giỏi, các em có số điểm Toán sánh ngang bằng với học sinh Nhật Bản.
– Về Khoa học, học sinh Massachusetts, Minnesota, Montana, New Hampshire, North Dakota, South Dakota, Vermont và Wisconsin chỉ thua học sinh Singapore và Đài Loan. Các em ở những tiểu bang trên có thứ hạng cao hơn các bạn cùng lứa tuổi ở 45 quốc gia khác.
– Học sinh ở Washington D.C và Alabama bị xếp hạng dưới trung bình.
Tuy giáo dục mẫu giáo và phổ thông (K-12) của Hoa Kỳ còn nhiều khuyết điểm, Diễn đàn Kinh tế Thế giới vẫn cho rằng nền giáo dục Hoa Kỳ nói chung vẫn dẫn đầu thế giới. Một thí dụ là cho dù Ấn Độ đã đào tạo được nhiều khoa học gia và kỹ sư nhưng vẫn thua Hoa Kỳ vì chỉ 40% thanh thiếu niên được vào trường trung học.
Mỗi nước có một mục tiêu giáo dục riêng mà một kỳ thi như PISA không thể đo lường hết được. Hơn nữa, không thể đánh giá cả một nền giáo dục chỉ bằng một kỳ thi như trường hợp của Do Thái hay Brazil đã chứng tỏ. Tuy nhiên giáo dục Phần Lan ít nhất cũng cho Hoa Kỳ hai bài học: muốn có một nền giáo dục phổ thông tốt, ngành giáo dục phải thu hút được những tài năng xuất sắc nhất và nên giảm bớt khối lượng các kỳ thi tiêu chuẩn hay đánh giá khá tốn kém cho ngân quỹ.
Vien Dong Daily News
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Giàu đổi bạn, Sang đổi vợ chứ làm gì có chuyện ly hôn vì không còn hợp
Hiện tượng một số người đàn ông thay đổi khi giàu có, hay cụ thể hơn là việc thiếu chung thủy, có thể đến từ một loạt các yếu tố ...
Tìm ra 2 vấn đề là nguyên nhân chính của xu hướng ly hôn ở người trẻ
Khám phá hai nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn và bí quyết duy trì hạnh phúc hôn nhân từ chuyên gia James Sexton.
Khi thằng chồng ngoại tình
Ngày đó chồng chị ngoại tình, chị từ bi lắm , cho họ toại nguyện bên nhao luôn, chị em bị chồng ngoại tình đừng khóc chi cho phí nước ...