Bình Luận

Góc nhìn

Monday, 21/12/2015 - 09:40:55

Nhiều người đồng ý với CEP; ứng cử viên Donald Trump còn đi xa hơn nữa, với đề nghị cấm tuyệt đối, không cho một người Hồi Giáo nào được nhập cảnh vào Mỹ, dù họ xin chiếu khán dưới bất cứ hình thức nào, du lịch, hay theo học, liên hệ thương mại, hay liên hệ gia đình.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Mỗi diễn biến, mỗi sự kiện, mỗi nhân vật, đều có thể nhìn từ nhiều góc, hiểu qua nhiều cách khác nhau, lắm khi trái ngược hẳn với nhau. Một thí dụ: giáo sĩ Hồi Giáo Anwar al-Awlaki, cuộc sống, cái chết, và tác phẩm của ông ta, đang được người Mỹ tranh luận, vì họ có nhiều góc nhìn trái ngược về nhân vật này.
Nhiều người coi ông ta như một tội đồ -trong số những người này có cả Tổng Thống Obama; ngày 30 tháng Chín, 2011, ông ra lệnh dùng drone (máy bay không người lái) bắn hỏa tiễn Hellfire xuống khu rừng Al Jawf Governorate, nước Yemen, giết Awlaki.

Trong lúc đó, nhiều mạng truyền thông xã hội vẫn giữ những bản truyền giáo của ông trong hồ sơ cho độc giả tra cứu.

Hôm thứ Sáu 18 tháng Chạp, 2015, tổ chức Chống Cực Đoan -Counter Extremism Project (CEP)- trụ sở đặt tại Hoa Thịnh Đốn, lên tiếng kêu gọi mạng xã hội YouTube và những mạng khác vĩnh viễn loại bỏ những tác phẩm của Awlaki, nhất là những tài liệu khích động chống Mỹ, và hướng dẫn làm bom IED -improvised explosive device.


Bom tự chế có thể là những ống tubes


Bom tự chế có thể là cái nồi ninh

Mark D. Wallace, một thành viên của tổ chức CEP, nói, “Phải cấm phổ biến tư tưởng Awlaki như cấm phổ biến hình trẻ con khiêu dâm, vì cả hai cùng tạo ra những ảnh hưởng tai hại; hình ảnh dâm dục thiếu nhi tạo ra nhiều cuộc hiếp dâm trẻ con, trong lúc tác phẩm của giáo sĩ Awlaki tạo ra những hành động khủng bố rập khuôn theo những giáo điều Awlaki.”

Nhiều người đồng ý với CEP; ứng cử viên Donald Trump còn đi xa hơn nữa, với đề nghị cấm tuyệt đối, không cho một người Hồi Giáo nào được nhập cảnh vào Mỹ, dù họ xin chiếu khán dưới bất cứ hình thức nào, du lịch, hay theo học, liên hệ thương mại, hay liên hệ gia đình.

Nhưng số người không đồng ý với CEP cũng không ít; như luật sư Jameel Jaffer, thuộc Hiệp Hội Nhân Quyền Hoa Kỳ chẳng hạn. Ông phản biện lại, “Vài người cho là hễ xem video của giáo sĩ Awlaki là người xem tìm cách đi khủng bố, nhưng đa số người xem video với mục đích khác, hoàn toàn hợp pháp.”



Jameel Jaffer


Anwar al-Awlaki

Nói cách khác người Mỹ không cấm được việc Awlaki dạy người Mỹ gốc Hồi về nguyên nhân cần giết người Mỹ, và về cách làm bom giết Mỹ. Jaffer đem tu chính số 1 ra để bảo vệ quyền tự do tư tưởng của Awlaki, như chính khách Cộng Hòa đem tu chính số 2 ra bảo vệ quyền mua súng, giữ súng của mọi người.

Một trong những tư tưởng của Awlaki mà Jaffer bảo vệ là bài thuyết giảng “Why Muslims Love Death” (Lý do nào khiến người Hồi thích chết), nội dung bài giảng ca tụng những anh tài xế xe bom dám tự tử để giết người.

Không người Mỹ nào ngờ vực ý chí của người Hồi Giáo tình nguyện lái xe bom; họ biết không thiếu những người tài xế sẵn sàng chết trong công tác lái xe bom đâm vào siêu thị, vào sân banh hay rạp hát -hình thức tự sát của một người để giết nhiều người.

Nhiều tín đồ Hồi Giáo coi hành động tự tử để giết người, là tử vì đạo, do đó tài xế sẵn, xe cũng sẵn, chỉ thiếu yếu tố duy nhất là bom. Nếu người Mỹ gốc Hồi được tự do chế bom theo những công thức Awlaki dạy hàm thụ trên mạng, thì Hoa Kỳ sẽ phải ban hành lệnh báo động đỏ, vì có quá nhiều xe bom, với những tài xế tình nguyện tự tử để đánh phá hệ thống sinh hoạt dân chủ tại Hoa Kỳ -nơi mà mỗi trường học, mỗi sân vận động, mỗi rạp hát, mỗi con đường đều đông đúc, xứng đáng để trở thành mục tiêu tấn công bằng xe bom.

Một trường hợp mới xảy ra ngày Chủ Nhật 20 tháng Chạp, 2015 tại Las Vegas: một thiếu phụ dưới 30 tuổi, chở một đứa con 3 tuổi trên xe chạy lên lề đường trước cửa khách sạn Paris Hotel & Casino và Planet Hollywood, tại Las Vegas cán chết một khách bộ hành, và gây thương tích cho 36 người khác. Cảnh sát xác nhận, cô ta cố tình làm như vậy; nhiều người cho đó là một hình thức khủng bố bằng xe không bom.

Cảnh sát liên bang FBI đánh giá Awlaki là “nhà tuyển quân quan trọng nhất cho al Qaeda” và một tay khích động quần chúng tài ba. Truyền thông nhắc đến tên ông ta trong những vụ khủng bố xảy ra tại Hoa Kỳ, Anh, và Canada.

Một trong những vụ tàn sát do Awlaki khích động là vụ thiếu tá Nidal Malik Hasan nổ súng bắn vào binh sĩ tại Fort Hood, Texas, hôm mùng 5 tháng 11, 2009, giết chết 13 người, và gây thương tích cho trên 30 người nữa.

FBI tìm được tối thiểu 18 bức email trao đổi giữa thủ phạm và Awlaki từ tháng Chạp 2008 đến tháng Sáu 2009. Trong một email, Hasan viết, “Con nôn nóng muốn được sớm gặp Thầy trong kiếp sau.”


Thiếu tá Nidal Malik Hasan

Câu này được trung tá Tony Shaffer, một chuyên gia phân tách mật khẩu tại Center for Advanced Defense Studies diễn dịch là “tôi đã sẵn sàng hy sinh.”

Mười-bốn tháng sau vụ tàn sát tại Fort Hood, bố của Awlaki -ông Nasser al-Awlaki yêu cầu hai cơ quan Center for Constitutional Rights và the American Civil Liberties Union đứng ra kiện chính phủ Hoa Kỳ về việc ghi tên con trai ông -giáo sĩ Anwar al-Awlaki- vào danh sách những tội đồ cần hạ sát.

Luật sư Jameel Jaffer biện luận, “Hoa Kỳ không lâm chiến với Yemen, và cũng không ai cho chính phủ Mỹ quyền được tự ý giết những nghi can khủng bố tại một lãnh thổ hải ngoại.” Jaffer lên tiếng chỉ trích chính phủ Mỹ, trong lúc chờ những luật sư của tổ chức Specially Designated Global Terrorists xin giấy phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ để bênh vực ông Nasser al-Awlaki; ngày mùng 4 tháng Tám, 2010, họ được phép nhập cảnh.

Ngày 8/30/2010, họ chính thức kiện đích danh Tổng Thống Obama, giám đốc CIA Leon Panetta, và Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates về tội “targeted killing” -đích danh lùng giết người, và xin án lệnh ngăn cấm những bị can không được lùng giết Awlaki.

                                      Ba bị cáo Obama, Leon Panetta, và Robert Gates

Thẩm phán John D. Bates viết một bản tuyên án dài 83 trang quyết định miễn tố, vì hai lý do, MỘT là ông bố không đủ tư cách pháp lý để đứng đơn kiện, và HAI là cần có sự thẩm định về dụng tâm của Hiến Pháp Hoa Kỳ trong trường hợp chính trị này.

Quyết định miễn tố đó, giúp chính phủ trở lại truy tìm để giết Awlaki, ngày 5/5/2011 drone giết hụt Awlaki vì vào giờ chót, ông giáo sĩ này không lên chuyến xe ông định đi, khiến hỏa tiễn bắn xuống chỉ giết hai cán bộ al-Qaeda ngồi trên xe, tại Yemen; nhưng cuối cùng, Awlaki vẫn bị giết ngày 30 tháng Chín 2011 -4 tháng sau lần bị giết hụt.

Giáo sĩ khủng bố bị giết, nhưng drone không giết được những bài giảng khích động khủng bố; và tín đồ Hồi Giáo vẫn tìm đọc những tài liệu này trên nhiều mạng truyền thông xã hội của Mỹ. Chính quyền Mỹ cũng không có quyền ra lệnh cho những mạng truyền thông gỡ bỏ những tài liệu nguy hiểm đó; chỉ có một tổ chức tư nhân CEP -Counter Extremism Project- tổ chức Chống Cực Đoan, lên tiếng yêu cầu.

Tình trạng chính phủ bất lực như vậy không xẩy ra tại Việt Nam, Trung Cộng, hay Nga; sự thật đó không ai phủ nhận. Tuy nhiên cái cảnh bất lực đó tốt hay xấu lại tùy vị trí của người đứng ngoài nhìn vào.
Người Mỹ để mặc ông luật sư da đen Jaffer lớn tiếng chỉ trích chính phủ Mỹ vì họ thấy việc ông được tự do chí trích chính phủ ca tụng quyền lực mềm -sức mạnh to lớn của Hoa Kỳ.

Quyền lực mềm là quan điểm của giáo sư Joseph Nye -Harvard University- mô tả khả năng dẫn dụ và thuyết phục người khác mà không phải mua chuộc bằng quyền lợi hay ép buộc bằng sức mạnh.
Quyền lực mềm tạo ra sự lựa chọn của người khác bằng cách dẫn dụ qua văn hóa, qua những trị giá chính trị, và qua những chính sách nhân đạo. Quyền tự do chỉ trích chính phủ là một trị giá của nền chính trị Hoa Kỳ.

Và đó là góc nhìn của người Mỹ. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT