Tiêu Thụ

Hiến tặng áo quần

Eric Trần/Viễn Đông Saturday, 29/12/2012 - 09:28:46

Đừng nghĩ rằng, mình cũng là người nghèo, có gì đáng để tặng cho người khác đâu! Không đúng, rồi bạn sẽ thấy bạn có nhiều thứ có thể cho đi được với những lời khuyên sau đây của các chuyên gia xã hội.

Eric Trần/Viễn Đông

Trong mùa lễ này, ngoài việc mua sắm được quảng cáo rầm rộ còn có một sinh hoạt bên lề cũng được thúc đẩy mạnh mẽ không kém: Đó là việc các tổ chức từ thiện quyên góp để có phương tiện giúp đỡ những thành phần yếu thế trong xã hội. Lần trước chúng ta có đề cập đến một vài điều căn bản cần biết – mà điều cần thiết nhất là hãy ý thức bổn phận của mình đối với chính xã hội mình đang sống, đừng một hai nghĩ rằng “Nước Mỹ đã giầu rồi, không phải đóng góp cho những người nghèo, những người yếu kém ở đất nước này”. Thực ra, nước Mỹ rất cần, và một trong những điều làm cho nước Mỹ trở nên đặc biệt, khác với nhiều phần còn lại của thế giới là sự rộng tay giúp đỡ những người chung quanh. Ngoài tiền bạc, chúng ta còn có thể giúp đỡ nhiều điều khác, hôm nay xin nói về việc giúp đỡ quần áo, vốn có quá nhiều trong ngăn tủ chúng ta mặc không hết, hoặc có thể mua về rồi quên ngay, không hề nghĩ tới. Cuối năm là dịp thuận tiện để chúng ta “thanh lọc” các closet để vừa dọn nhà, vừa làm việc bác ái.
Những tổ chức làm việc bác ái tại Hoa Kỳ ước tính mỗi người dân Mỹ liệng bỏ khoảng 68 pound quần áo vào… sọt rác hằng năm. Thật là quá phí phạm tài nguyên. Tại sao không bỏ ra một ít thời giờ để tặng lại cho một tổ chức từ thiện nào đó, hầu giúp đỡ những người thiếu thốn hơn mình? Sở dĩ nói để ra ít thời giờ là vì chúng ta cần phải sàng lọc, gói ghém và nếu cần thì chở đến cho họ. Nếu không được sàng lọc, có thể những món đồ chúng ta đưa đến sẽ bị cho ngay vào sọt rác. Đừng nghĩ rằng, mình cũng là người nghèo, có gì đáng để tặng cho người khác đâu! Không đúng, rồi bạn sẽ thấy bạn có nhiều thứ có thể cho đi được với những lời khuyên sau đây của các chuyên gia xã hội.

Thanh lọc closets và tủ áo quần
Hãy dành thì giờ mở cái Closet trong phòng ngủ nhà mình. Dù là nam hay nữ, bạn có để ý rằng mặc dầu khung treo đồ chật ních, hoặc oằn mình vì gánh nặng quần áo, nhưng chỉ có một số trang phục nào đó được ưa thích và sử dụng thường xuyên mà thôi. Còn những thứ khác thì dường như ít khi được chiếu cố. Vậy, bạn hãy tự hỏi mình những câu sau:
- Tôi có thực sự cần cái T-shirt đó, cái áo thung này, cái váy này… nữa không?
- Những món mà tôi coi như lỗi thời, hoặc không thích vì màu sắc, vì kiểu cọ, hoặc vì một lời bình phẩm nào đó…
- Những món đồ dành cho em bé, mà thực sự em bé đã lớn từ lâu…

Sửa soạn quần áo trước khi mang đi

Không nên dồn quần áo vào giỏ mà chưa làm những việc này:
- Kiểm tra tất cả những túi áo, túi quần: Không biết bạn có từng để quên thứ gì quí giá trong quần áo không, nhưng những nhân viên làm trong các tổ chức từ thiện cho biết họ thường tìm thấy tiền, vàng bạc, hoặc những món đồ quí giá bị bỏ quên. Mặc dầu những cơ quan đó vẫn tìm hết cách để hoàn lại đồ đạc cho chủ nhân, nhưng việc đó không khác gì như mò kim dưới đáy biển đấy. Bạn nên cẩn thận một chút, kiểm tra trước vẫn là thượng sách.
- Giặt quần áo, nếu có thể được: Dĩ nhiên, quần áo bẩn vẫn được chấp nhận, nhưng chắc chẳng phải nói ai cũng biết là quần áo bẩn có bán lại cũng không được giá như quần áo sạch. Còn nếu nhân viên từ thiện phải giặt lại thì mất thêm thời giờ. Bạn có thể cống hiến thời giờ bằng cách giặt lại cho sạch sẽ. Ngoài ra, quần áo dơ rất có thể bị liệng ngay vào sọt rác, mà không hề được xem đến giá trị. Vì thế, để cho tặng vật của chúng ta có cơ hội được dùng lại hoặc bán lại, chúng ta nên giặt giũ sạch sẽ, phơi, ủi và gấp lại tử tế… trước khi cho đi.
- Nên lịch sự với cơ quan từ thiện: Ngoại trừ một số ít người lạm dụng danh nghĩa để mưu lợi cá nhân, đa phần các cơ quan từ thiện đều được hình thành từ những tấm lòng tốt. Vì thế khi tặng dữ áo quần, chúng ta cũng nên nghĩ rằng mình đang giúp họ một tay, chứ không đơn thuần coi đây là những cái… bãi rác để chứa đồ phế thải. Những thứ quần áo nào quá cũ xấu, và không thể dùng được, thì đừng gửi đi. Là vì, tổ chức từ thiện lại mất công hoặc mất tiền mang đi liệng bỏ. Nếu không chắc chăn, bạn có thể gọi đến để hỏi trước là họ có nhận đồ rách hoặc đồ dơ hay không.

Còn những đồ có giá trị?
Không hẳn chỉ là đồ bỏ, đồ cũ, đồ phế thải! Tại sao chúng ta không bớt ra một vài món đồ nào đó còn giá trị, như quần Jean, đồ Denim, đồ veston, các đồ phụ tùng như dây nịt, đồ trang sức, vàng vòng, găng tay, mũ nón, ví bóp, giầy dép còn sử dụng được, hoặc thậm chí vẫn còn thời trang… Bạn có biết là ước tính 1,5 tỷ đôi giầy chưa đi, hoặc mới đi sơ sơ hiện đang nằm trong các tủ quần áo gia đình không? Nên lục soạn ra và đem cho đi nếu mình không hoặc chưa có cơ hội dùng tới.
Tặng khăn tắm, mền, tấm trải giường… có thể dùng để trải chỗ nằm cho chó mèo trong mùa đông giá, hoặc dùng để lau chùi, lót ổ cho chó mèo, chim chóc…

Phân loại và ghi tên
Nếu có nhiều đồ để tặng, chúng ta nên để chúng vào trong các túi giỏ phân biệt, có ghi chữ ở ngoài, thí dụ: Quần áo, giầy dép, chăn mền, đồ trải giường… Tiết kiệm thời giờ cho nhân viên từ thiện cũng chính là mình đang đóng góp thời giờ vào công việc bác ái đó.

Tìm một nơi để giao đồ

Có nhiều chỗ nhận đồ hiến tặng như các cơ sở bác ái, nhà thờ, nhà chùa. Thậm chí, nhiều tổ chức bác ái có lịch thâu gom đồ hiến tặng, thường gửi tới các tư gia một túi ni lông hoặc một tấm giấy ghi ngày nhân viên của cơ sở bác ái sẽ ghé qua để nhận đồ mang về. Chúng ta nên dành ra ít thời gian tiếp ứng với họ. Nếu có những món đồ nặng nề, như tủ giường bàn ghế… không thể tự mang đi được, chúng ta có thể gọi đến cho cơ sở từ thiện để họ đến chở đi.
Đây là những công việc có ý nghĩa cần làm trong tư thế một thành viên của xã hội, một người biết tiêu thụ và biết đóng góp.

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT