Chuyện Nước Pháp

Hội chợ năm nay 2018, sử liệu hy hữu nhất (kỳ 1)

Monday, 14/05/2018 - 11:50:20

Dấu vết danh dự hành chính của Việt Nam Cộng Hòa xưa ở hải ngoại, Pháp: nước thực dân chiếm đóng đất VN 100 năm, nay đã hoàn toàn mai một.

Bài NGỌC DIỄM

Xuân đến, hoa đào nở rộ nơi tôi ở và hội chợ lại trở về mở cửa cho dân chúng địa phương vui chơi cùng là thưởng thức nhiều món ăn ngon đặc biệt. Nơi chọn lựa hàng năm vẫn là công trường Carnot, tên của một danh nhân Pháp. Khắp nơi trên nước này, từ thủ đô Paris cho đến các tỉnh lớn nhỏ đều có tên ông cũng như tên họ của nhiều danh nhân khác. Việt Nam ta cũng theo vậy, chế độ nào cũng đặt tên đường hay công trường, công viên, đài kỷ niệm v.v. cho các danh nhân có công lớn cho tổ quốc.

Ông Sadi Carnot vốn là tổng thống -TT- Pháp sinh năm 1837 ở tỉnh nhỏ Limoges, nơi có lai rai một số sinh viên Việt Nam du học trước 75. Hiện giờ, chỉ còn những tổ chức của chính phủ Pháp ủng hộ và giúp đỡ nước Việt Nam sau 75 như hệ thống bệnh viện CHU Limoges (Le Vietnam à Limoges). Dấu vết danh dự hành chính của Việt Nam Cộng Hòa xưa ở hải ngoại, Pháp: nước thực dân chiếm đóng đất VN 100 năm, nay đã hoàn toàn mai một.

Trở lại với viên TT Carnot, vốn là một vị TT tài đức vẹn toàn sẽ được đề cập chi tiết về sau. Ông cầm quyền được hơn sáu năm, sau hai lần bị ám sát hụt bởi những kẻ quá khích vô chính phủ, lần thứ ba ông tử thương vì vậy. Kẻ sát nhân là người Pháp gốc Ý tên Caserio dùng dao nhọn đâm trúng bụng ngay buồng gan khi ông đã tách ra đám đông ngồi xe ngựa đi vào lối nhỏ.

Thật không ngờ, vì lúc ấy ông vừa dự tiệc chiêu đãi buổi chiều tối xong trong cuộc triển lãm quốc tế thực dân ở tỉnh lớn Lyon. Được đưa gấp đến cấp cứu ở phủ tỉnh trưởng vùng Rhône, ông mất ba giờ sau lúc đêm về. Câu chuyện lịch sử này thật ly kỳ và đến nay vẫn còn là đề tài cho sinh viên Y khoa làm luận án ra trường vì rất đặc biệt. Sự kiện xảy ra trong khung cảnh khá náo loạn của quốc gia Pháp đang ở giai đoạn chưa củng cố vững chắc được, sau cuộc cách mạng lật đổ vua chúa năm 1789.

Dù thời gian qua đi đã hơn 100 năm, 1789-1889, thời đại vẫn là thế kỷ thứ XVIII-XIX (cách viết số La Mã về thế kỷ, cách viết chữ thay số cho đến 10 trong cung cách báo chí với vài điểm phá luật nếu cụm từ có nhiều dãy số ghi lại cho đồng dạng dễ hiểu). Văn minh thế giới hãy còn nhiều sơ hở về an ninh chính trị và xã hội.
 

Góc nhỏ hội chợ giữa những gian hàng khác nhau nơi công trường Carnot. (Ngọc Diễm/Viễn Đông)

 

Góc phố vuông Victor Basch, hội trưởng của hội đoàn Nhân Quyền (Ngọc Diễm/Viễn Đông)

Vào ngày hè 24 tháng Sáu, 1894, Tổng Thống Pháp Sadi Carnot đến thăm viếng cuộc triển lãm quốc tế thực dân tổ chức ở thành phố Lyon. Người mời ông là bác sĩ Gailleton cũng là tỉnh trưởng kiêm nhiệm thời đó. Cái tên Sadi nghe rất Trung Đông kiểu Á Rập không sai, có nguồn gốc từ đó. Số là Sadi, tên được đặt cho ông chú của tổng thống nói trên, do ông ngoại của gia tộc quá ngưỡng mộ thi sĩ gốc persan (xứ Iran) Saadi de Shiraz chọn. Thi sĩ người Iran nổi tiếng khắp thế giới trong thế kỷ thứ VII, ông còn là văn sĩ, tư tưởng gia sáng chói.

Thế rồi, người cha của ông Sadi Carnot đặt tên con như vậy vì đến phiên ông quá kính phục em trai của mình. Số mệnh giống nhau, ông chú Sadi học hành tinh thông uyên bác nhưng lại không có con nối dõi. Đứa cháu Sadi thứ nhì trong dòng họ cũng giỏi không kém người chú, mà còn yêu thích làm chính trị nên đã dần dần lên chức cao nhất quốc gia. Ông được bầu làm tổng thống nước Pháp năm 1887 khi vừa vào tuổi 50. Ông và người chú cùng tên đều tốt nghiệp đại học Bách Khoa thời đó.

Thật ra, truyền thống gia đình và sự tự do theo ý muốn của phụ huynh Pháp là đặt nhiều tên cho con, TT Sadi Carnot có ba tên nguyên vẹn là Marie-François-Sadi ghi thật đúng với những gạch nhỏ chia ra viết chữ thường (minuscule); họ là Carnot. Sáu mẫu tự Carnot thường là chữ viết hoa ngày xưa để phân biệt thành chữ in lớn ngày nay (majuscule, CARNOT). Hơn một nửa dân số Pháp có tên kép hay tên ba, luật pháp cho phép tự do và thường ghi trên giấy tờ tên đầu tiên mà thôi.

TT Carnot lại được gọi là Sadi, tên thứ ba. Chắc chắn vì người chú Sadi được ông ngưỡng mộ, từ cha ông truyền lại. Người chú tài giỏi vốn là vật lý gia Carnot với nguyên lý thứ hai trong ngành Nhiệt Động Học (Thermodynamique). Một trong những chi tiết lý thú liên quan đến danh từ quan trọng S (Entropie, sự phân phát năng lượng đồng đều trong một hệ thống cô lập với bên ngoài) do Carnot phát minh là ứng dụng về dầu nhớt làm trơn máy vận chuyển.

Lúc vận chuyển, đa số máy móc bị cọ sát rất nhiều lập đi lập lại làm mất năng lượng, dầu trơn chận bớt phần nào điều này. Máy càng nóng càng mau hư vì dòng năng lượng phát ra bên ngoài càng nhiều làm kiệt quệ sức làm việc. Sinh viên trong ngành này ai cũng biết nguyên lý mang tên tác giả phát minh ra nhưng hầu như mù tịt về gia thế của ông. Khoa học gia Carnot mất sớm hưởng dương 36 tuổi, theo lịch sử ghi lại vì ông bị bệnh dịch tả và chưa hề lập gia đình.

Chúng ta trở lại với chuyện đặt tên của người Pháp. Các nhà xã hội học giải thích rằng theo truyền thống gia đình và cách cư xử cá nhân, những ông bà đỡ đầu cho em bé được đặt tên cho chúng nó. Rồi càng về sau, càng tự do theo ý muốn. Có cha mẹ đặt tên con giống tên mình luôn thể, có khi đặt tên danh nhân vì muốn chúng nó được vậy.
 

Một gian hàng trò chơi quay vòng cho trẻ em với chú Rồng vui vẻ. (Ngọc Diễm/Viễn Đông)

Khổ thay cho người Việt bên đây, chúng tôi bị người Pháp đổi thay tên họ theo cách viết hành chính. Lúc trước, những chữ Nguyễn đều bị tách chữ N ra riêng rồi đặt dấu phẩy trên cao chia làm hai phần -NGuyen- cả chục năm không ai dám phản đối. Gần đây nhất họ tiến bộ và kính trọng nên mới có chữ Nguyen dính liền, nhưng phần tên kép của riêng tôi bị viết thành Thi-Ngoc, Diem. Tôi đến phản đối nhưng không tới đâu cả vì họ làm theo kiểu Tây và lười sửa lại giấy tờ cho đúng theo luật lệ Việt. Lại bắt tôi phải nộp giấy khai sinh chứng minh, OK, mang tới thì ngâm dấm luôn không nhúc nhích cục cựa gì cả.

Dân Việt bên Tây cứ thế mà chịu trận sự quan liêu hành chính, đành trông cậy vào những “dãy số” dành riêng cho từng người nhằm nhận ra hồ sơ. Cãi cọ với nhân viên cấp dưới gần như là điều vô ích, nhưng chúng tôi vẫn phải tỏ ý phản đối cách đối xử tùy tiện theo thói quen làm mất đi điểm đặc biệt của dân Pháp thiểu số. Cư ngụ lâu năm trên đất Pháp, các dân tộc thiểu số nói chung đều nắm rõ hành vi thông thường của bộ máy quan liêu hành chính Pháp là sự trì trệ giấy tờ lỉnh kỉnh.

Một đặc điểm khác của tính tình cá nhân người Pháp là hành vi cứng nhắc khi làm sai trái, có phản đối họ mới sửa đổi. Đối với người ngoại quốc nhập cư, càng có sự bực dọc rõ rệt vì gây nhiều khó khăn phải chú ý hơn về lỗi chính tả. Tôi nhớ đến nhà ái quốc Trần Văn Thạch, quyển sách vô giá về cách cư xử của ông đối với thực dân Pháp mà thêm kính phục đấng tiền nhân (ái nữ của ông và nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến cùng tác giả). (Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT