Hôn Nhân, Cuộc Sống

Khi "người ấy" của bạn bị trầm cảm

Thursday, 30/08/2018 - 08:24:06

Khi một ai đó bị trầm cảm, cô ta/anh ta sẽ rất thụ động, vì vậy bạn không nên trông mong họ làm những điều họ thích thú trước đây.


(Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Tim và Sandra ngồi sát nhau, tay trong tay trên ghế xích đu. Thật khó để tin rằng chưa đầy một năm trước, họ đã từng thảo luận bán nhà, chia tài sản, và chia quyền nuôi ba đứa con nhỏ. Cả hai đã trải qua một thời khủng hoảng vì Sandra mắc phải một căn bệnh phổ biến – tram cảm- đã gần như phá hủy cuộc hôn nhân 12 năm hạnh phúc của họ.

Tim kể, “Tôi nhớ ngày đầu tiên phát hiện vợ mình... có vấn đề là vào buổi sáng, khi bước vào phòng tắm, tôi thấy cô ấy ngồi bệt dưới sàn, trên người vẫn mặc áo tắm, và mắt thì sưng húp lên.”

Khi Tim hỏi chuyện, Sandra nói với anh rằng cô thực sự không biết chuyện gì đã xảy ra. Cuộc sống của họ khi đó rất tốt, không gặp khó khăn về tài chính hoặc gặp vấn đề gì với lũ trẻ. Sandra nói, cô không có bất cứ lý do gì để khóc, nhưng những giọt nước mắt cứ tuôn rơi. Rồi cô bặt đầu thiếu tập trung, cảm thấy chán nản, chán đời, chán luôn công việc mà cô rất yêu thích. Cuối cùng, Tim buộc vợ phải đi gặp bác sĩ.

Sau nhiều lần kiểm tra, bác sĩ của Sandra nói với Tim, vợ anh đang bị rối loạn trầm cảm. Ông giải thích rằng cơ thể chúng ta cần duy trì mức độ ổn định của serotonin để hoạt động bình thường - nhưng các thụ thể trong não của Sandra đã chặn dòng chảy đến các khu vực nhất định. Khi bác sĩ đề nghị Sandra thử một loại thuốc chống trầm cảm để kích hoạt sự hấp thụ serotonin thích hợp, cô từ chối.

Sandra cố gắng giấu những đứa con về tình trạng sức khỏe của mình, nhưng những biểu cảm của cô đã lọt vào sự chú ý của lũ trẻ. Chúng sợ hãi và bắt đầu thắc mắc và truy hỏi chuyện gì đã xảy ra với mẹ của chúng.
Tim cho rằng anh đã bất lực dù rất cố gắng làm mọi điều tốt đẹp cho Sandra. Tim nói, “Tôi đã hỏi cô ấy nhiều lần rằng tôi đã làm điều gì sai, nhưng cô ấy luôn im lặng. Nhiều lúc tôi nổi cơn tam bành vì đã làm hết sức nhưng hoàn toàn thất bại. Càng ngày chúng tôi càng cảm thấy xa cách. Chúng tôi đã tính đến chuyện ly dị, chia tài sản, chia quyền nuôi con, nhưng sau đó tôi đã bình tĩnh lại, tìm hiểu về bệnh tình của vợ, và...”

Một kết cục tốt đẹp cho vợ chồng Tim-Sandra, nhờ tình yêu, lòng kiên nhẫn, cùng với sự hỗ trợ của trung tâm y tế, Tim đã kéo Sandra trở về cuộc sống thường nhật.

Câu chuyện của Tim và Sandra có thể đúng với nhiều cặp vợ chồng. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH), cứ năm người trưởng thành ở Mỹ, có một người bị rối loạn tâm thần. Phụ nữ phải đối diện với những căn bệnh này gấp đôi so với nam giới, nhưng thống kê cho thấy số nam giới mắc bệnh trầm cảm cũng rất cao, có điều họ không sẵn sàng thừa nhận mình đang mắc chứng bệnh này.

Sự kỳ thị và quan niệm sai lầm thường ngăn cản những người bị bệnh trầm cảm (thường bao gồm lo âu và hoảng sợ) tìm đến nơi chuyên môn để được điều trị.

Một vài dấu hiệu trầm cảm chính là: Buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày, có hành vi bồn chồn, lo lắng hoặc cáu kỉnh; khó tập trung hoặc hay quên; mmệt mỏi và thờ ơ; ngủ hoặc ăn quá nhiều hoặc quá ít; đau nhức mà không biết vì sao bị đau; người nặng hơn sẽ luôn suy nghĩ đến cái chết và muốn tự tử.
Nếu bạn nhận ra bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này của chồng/vợ/hoặc người thân yêu của mình kéo dài trong trong hơn một vài tuần, hãy hỏi ngay bác sĩ gia đình của bạn.

Vượt qua căn bệnh trầm cảm là điều hết sức khó khăn. Khi một ai đó, đặc biệt là người “đầu gối tay ấp” của bạn bị trầm cảm thì mọi thứ trở nên thật khắc nghiệt, bạn cần dũng cảm hơn để vượt qua hoàn cảnh này. Hãy xem đó là thử thách cho cả hai, điều quan trọng là bạn cũng cần phải khỏe mạnh để luôn bên cạnh chồng mình. Sau đây là 5 điều các chuyên gia của Magforwomen khuyên người vợ nên làm để giúp chồng đối phó với bệnh trầm cảm:

Kiên nhẫn

Khi trầm cảm, vợ/chồng bạn thích ở một mình và thờ ơ với mọi thứ. Điều bạn cần nhớ là phải kiên nhẫn. Thật vô ích nếu bạn nổi đóa, la hét hoặc quá cương quyết trong những lúc như thế. Hãy nhớ, trầm cảm là bệnh kinh niên đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc thật nhiều. Bạn cần hiểu những điều mà vợ/chồng mình đang nói hoặc làm là vì bị bệnh nên đừng trách cô ấy/anh ấy.

Chăm sóc bằng tình yêu thương

Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm, bạn cần có những bước đi đúng đắn để giúp vợ/chồng thoát khỏi căn bệnh này. Hãy tìm một nơi có phương pháp trị liệu tốt và đưa vợ/chồng bạn đến đó. Đừng giao cho cô ấy/anh ấy bất kỳ việc gì đòi hỏi phải động não nhiều trong thời gian này, vì cô ấy/anh ấy có thể làm mọi thứ rối tung lên hoặc không làm gì cả khiến bạn cảm thấy thất vọng. Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động đưa vợ/chồng đi khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa, đừng để cô ấy/anh ấy phải đi một mình.

Khi một ai đó bị trầm cảm, cô ta/anh ta sẽ rất thụ động, vì vậy bạn không nên trông mong họ làm những điều họ thích thú trước đây. Bạn chỉ nên khuyến khích vợ/chồng từ từ làm những điều mà cô ấy/ anh ấy đã từng thích, nhưng đừng bao giờ thúc giục. Có thể bắt đầu bằng việc đi bộ cùng nhau, kể những câu chuyện hay và truyền cảm hứng, cố gắng tìm những thứ sẽ làm cô ấy/anh ấy cười hoặc xem lại những tấm hình ngày xưa để khơi gợi cảm xúc tích cực.

Đừng làm ngơ với những câu nói về tự tử
Ở bất kỳ thời điểm nào, nếu vợ/chồng bạn bắt đầu đề cập đến việc tự tử, không nên xem nhẹ chuyện này. Ngược lại nếu vợ/chồng bạn tỏ ra sợ sệt, sợ nguy hiểm cũng đừng làm ngơ. Nên báo ngay với bác sĩ về việc này. Đừng để cô ấy/anh ấy ở một mình trong nhà. Bất kỳ sự thay đổi nào trong thái độ như thể hiện tình yêu với bạn nhiều hơn, viết chúc thư, hay giải quyết những vấn đề về tài chính có thể là dấu hiệu cho thấy ý định tự sát, bạn nên lưu tâm.

Cần sự hỗ trợ
Dù hiện tại vợ/chồng bạn được đặt dưới sự giám sát của một bác sĩ chuyên khoa, nhưng bạn cũng cần hỗ trợ cô ấy/anh ấy. Hãy tìm đến những người bạn thân, các thành viên trong gia đình, người có thể lắng nghe để được giúp đỡ trong thời gian khủng hoảng này. Có những lúc bạn sẽ cảm thấy thất vọng hoặc chán nản, nhưng việc có người luôn ở cạnh bạn sẽ giúp bạn tiếp tục làm việc và chia sẽ nỗi lo lắng sẽ giúp bạn thư giãn thoải mái hơn. Bạn cũng cần ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý để có đủ sức khỏe chăm sóc khi vợ/ chồng bị bệnh.
Các chuyên gia về bệnh tram cảm khuyên, “Thật khó khăn khi thấy người yêu mình gặp rắc rối và thậm chí điều đó có thể lấy đi niềm vui của bạn. Nhưng nếu bạn có cách chăm sóc tốt, biện pháp điều trị hiệu quả, sự hỗ trợ, tính kiên nhẫn, bạn có thể giúp vợ/chồng mình tìm lại cuộc sống tốt đẹp ngày nào.”
(Theo Focusonthefamily, Magforwomen)

 

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT