Du Lịch

Không gian và gạch đá ở Prague

Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông) Friday, 05/08/2011 - 07:41:14

Một thân hữu của nhật báo Viễn Đông vừa đi du ngoạn ở Đông Âu, ghé thăm thủ đô Prague, nước Tiệp, trong tháng Bảy 2011

LTS: Một thân hữu của nhật báo Viễn Đông vừa đi du ngoạn ở Đông Âu, ghé thăm thủ đô Prague, nước Tiệp, trong tháng Bảy 2011. Xin giới thiệu cùng quý độc giả những bài viết và hình ảnh của tác giả Anvi về Prague. 


Một lần đến Prague (kỳ 1)

Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

Mùng sáu tháng Bảy, bốn giờ chiều, xe lửa đến nhà ga chính Praha hl.n. Tôi bắt đầu đi bộ về phía công trường chính. Các con đường nhỏ lát đá tôi đi qua thật là xinh, và hoàn toàn vắng lặng, như thể mọi người đang nghỉ trưa. Không gian yên ắng đến nỗi một vài khách du lịch như tôi chỉ thầm thì mà khen các tòa nhà cổ hai bên đường, và nhẹ nhàng chụp hình, không dám lớn tiếng, như sợ đánh thức mọi người. Thế là ngoại trừ tiếng xì xầm của khách du lịch, hầu như không có tiếng động khác thường nào khác. Khi băng qua đường và rẽ vào con hẻm Karlova, là một trong những con hẻm chính dẫn ra công trường, bất thình lình và không một điều gì báo trước, tôi bước chân vào một thế giới khác. Trước mặt tôi, người ta đi đông như kiến. Thật đấy, vai đụng vai mà len qua con hẻm để đi ra công trường chính. Chào mừng mọi người đến Prague vào cao điểm mùa du lịch!

 
Nhà thờ Đức Mẹ góc đông công trường chính ở Thị Trấn Cũ - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

* Đá và kiến trúc

So với các thành phố khác ở Châu Âu, Prague không xưa bằng. Thành phố bắt đầu thành hình từ thế kỷ thứ 9. Thế kỷ thứ 10, Bohemia (tên gọi cũ trước khi Tiệp Khắc trở thành nước độc lập vào năm 1918) nằm trong Thánh Chế La Mã (Holy Roman Empire)*. Năm 973, địa phận của Giám Mục đặt ở Prague. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặc đầu tiên trong lịch sử của thành phố khi mà nhiều nhà thờ, nhà thờ lớn, và tu viện bắt đầu được xây dựng. Đến thế kỷ 13, quyền lực của Bohemia đã lan rộng tới Ý. Theo đà phát triển này, năm 1344 Charles IV tìm cách nâng cấp Prague lên thành địa phận của Tổng Giám Mục. Năm 1346 Charles IV trở thành Vua của xứ Bohemia và ông bắt đầu công cuộc xây dựng và phát triển Prague cho lên đúng tầm cỡ của nó. Tham vọng của ông là biến Prague thành một “Rome thứ hai”. Ông lập ra trường đại học Charles, là trường đại học đầu tiên ở Trung Âu vào năm 1348. Rồi cho xây lại cây cầu Judith mà về sau được đổi tên thành cầu Charles. Thị Trấn Mới cũng được xây dựng dưới thời Charles IV. Năm 1355, Charles IV được chọn lên ngôi Hoàng Đế của Thánh Chế La Mã. Prague trở thành thủ đô của cả vương quốc, và rồi nhanh chóng phát triển thành một thành phố quan trọng, lịch lãm, và là trung tâm văn hóa quốc tế cho đến tận thế kỷ 20 (1).

Điều may mắn của Prague là trung tâm thành phố không bị đánh bom hồi Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai. Đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa, việc phát triển và xây dựng lại tập trung ở vùng ven thành phố và thôn quê là chính. Vậy nên trung tâm thành phố được bảo tồn và được UNESCO ghi nhận là khu phố lịch sử. Khách du lịch đến Prague thường tập trung về đây. Khu phố lịch sử bao gồm năm khu vực: phía Tây của sông Vltava là Lâu Đài Prague (Prague Castle/Hradcany) và Thị Trấn Nhỏ (Lesser Town/Mala Strana), phía Đông của con sông là Thị Trấn Cũ (Old Town/Stare Mesto), Thị Trấn Mới (New Town/Nove Mesto), và Vysehrad. Có thể nói rằng các kiến trúc cổ hiện diện khắp nơi ở khu phố lịch sử của Prague là tồn tại qua hơn mười một thế kỷ cho đến ngày nay. Các kiến trúc này rất phong phú, bao gồm các kiểu baroque, romanesque, gothic, renaissance, v.v.. Kiến trúc hào nhoáng, quyến rũ, và đậm đà đến nỗi khách du lịch dễ dàng thả hồn đi ngược thời gian về thế kỷ 13, 14 mà rong chơi - đặc biệt là lúc đi bộ trong những con hẻm nhỏ vắng người, hay đứng trong công trường rộng mở.

 
Một ngõ hẻm bình thường ở Thị Trấn Cũ - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)
 
Tất nhiên là tôi mê Prague rồi, giống như hàng triệu khách du lịch khác. Đứng giữa công trường mà nhìn quanh, 360 độ, góc cạnh nào cũng đẹp. Vẻ trang nghiêm sáng sủa của kiến trúc, cái đẹp của cách bố trí không gian, cái xa xỉ của vật chất làm tôi cảm thấy như mình lạc vào thế giới huyền ảo của thời kỳ Trung Cổ. Phân tích ra, cảm giác này do từng chi tiết nhỏ tạo ra. Nhìn xuống đất, tôi đang đứng trên mặt đường lát đá. “Đá và kiến trúc – hai từ này hầu như đồng nghĩa với nhau” (3). Tôi hoàn toàn đồng ý. Bước ra khỏi nhà ga, bàn chân tôi chạm ngay vào mặt đường lát đá này. Từ đây, cảm giác trang nghiêm và mầu nhiệm bắt đầu lan tỏa theo từng bước chân tôi bước.

 
Một ngõ hẻm bình thường ở khu phố lịch sử - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

Tôi đi bộ từ đông sang tây, từ nam xuống bắc trong khu phố lịch sử ở Prague. Ước chừng diện tích của khu vực này là hơn 800 hecta. Tôi đi vào các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo và nhìn vào từng ngóc ngách. Leo lên các con dốc và các bậc thang dẫn tới lâu đài. Nơi nào, các vỉa hè và mặt đường đều được lát đá granite. Những con đường lát đá này bắt đầu được xây dựng từ đầu thời kỳ Trung Cổ, và đến bây giờ vẫn còn nguyên, không mấy hư hại hoặc thay đổi. Tự nhiên, đá đã có sức hấp dẫn của riêng nó – cho dù nhìn bằng mắt, hoặc chạm vào tay. Ở đây, khi đá được dùng để trang trí trong nhà, trang trí mặt trước nhà, điêu khắc, hoặc lát đường, bề mặt nhám của đá tạo ra sự tương phản nghệ thuật với bề mặt nhẵn trắng và đường nét mềm mại của vôi vữa. Ánh sáng và bóng nắng lại nhảy múa lấp lánh trên mặt đá nhám, chứ không trượt tuột qua. Hình thể sau cùng mà người thợ đá tạo ra như thế nào là tùy thuộc vào sức nặng và độ cứng rắn của từng khối đá. Những đặc điểm này góp phần quan trọng vào việc tạo ra các kiến trúc để đời (3).

Đi trên đường lát đá với sắc màu đậm đà, bụng thì đói mà mắt thì tự nhiên no đầy niềm vui, đầu óc cũng mở rộng sẵn sàng đón nhận vẻ đẹp không giới hạn của thiên nhiên. Báo hại tôi, đi đến ngõ ngách nào, nhìn trước nhìn sau, nhìn trên nhìn dưới, chỗ nào cũng đẹp, cứ phải dừng lại chụp hình: con đường hẻm đá với tòa nhà kiểu baroque, con đường hẻm đá với tháp chuông đồng, bậc thang đá với mái nhà gạch đỏ, v.v.. Chụp cả mấy trăm tấm, chỉ muốn “chụp” lại cái cảm giác mê ly mà mắt mình thu được. Tất nhiên
là tôi không thành công.


 
Một đường phố lớn ở khu phố lịch sử - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

* Không gian công cộng

Nhưng bù lại, trên đường leo bậc thang tới Lâu Đài Prague, mỗi lần dừng chân nghỉ, mắt tôi lại được chiêu đãi nhiều chầu no nê. Mái nhà bằng gạch nung đỏ trên các tòa nhà và lâu đài nổi bật lên trong bức tranh toàn diện nhìn từ trên cao của Prague. Đó là một bức tranh kẻ sọc nhiều tầng, tùy theo cách gạch được lợp như thế nào và tùy theo chiều cao khác nhau của từng tòa nhà. Có mảng thì sắc cạnh, có mảng thì cong mềm mại. Hình ảnh mái ngói đỏ này là một ví dụ đặc biệt về kiểu kiến trúc baroque ở Prague. Có người còn cho rằng không có nơi nào ở Châu Âu có được bức tranh toàn diện với mái ngói đỏ đẹp như
Prag
ue.

 
 

Prague nhìn từ trên đồi trong khu Lâu Đài Prague - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

 

Prague nhìn từ trên đồi trong khu Lâu Đài Prague - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)


Đi bộ mỏi chân, đến chiều tôi dừng lại ở công trường chính ở Thị Trấn Cũ (Old Town Square). Ở đây và khu Lâu Đài Prague (Prague Castle) là hai điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất. Mọi người tụ tập ở công trường vì nhiều lý do khác nhau. Từ “công trường” trong tiếng Việt không diễn tả đầy đủ ý nghĩa và chức năng của “square” nhưng cứ tạm thời dùng chữ công trường vậy. Theo nghiên cứu thì công trường là phát minh có một không hai của Châu Âu. Ở Trung Quốc hoặc Ai Cập, thành phố có từ lâu nhưng không gian mở và công trường ở đây lại được dùng để tách các tòa nhà khỏi nhau, hoặc được dùng làm sân khấu biểu diễn quyền lực. Ngược lại, công trường ở Châu Âu là dành cho mọi người, để buôn bán, gặp gỡ, chuyện trò, hội hè, giải trí. Cho dù gọi bằng nhiều từ khác nhau như agora, forum, piazza, plaza, platz, rynek, hoặc marketplace, công trường là một nét đặc trưng của các thành phố ở Châu Âu hơn hai ngàn năm nay. Công trường xuất hiện sớm nhất là vào thế kỷ thứ 7 trước công nguyên. Vào thế kỷ 11, 12, 13 có hàng trăm công trường là trung tâm của thành phố được thành lập ở các thành phố mới khắp Châu Âu như Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Romania, v.v.. Từ đó tới nay, ý nghĩa và chức năng của công trường vẫn được duy trì (2).

Công trường giống như là trường học cho trẻ con. Chúng đến đây tự do chơi đùa, quan sát cách người lớn nói chuyện và cư xử, và tập nói chuyện với nhiều người đến từ khắp mọi nơi. Chợ công trường lại là nơi nhiều nhóm người khác nhau từ văn hóa, cách ăn mặc, đến cách cư xử chung sống hòa bình với nhau. Người ta đến công trường cũng để gặp gỡ nói chuyện với bạn bè, người quen cho vui, chứ không có ý đồ cầu mong thăng tiến. Khi gặp gỡ tận mặt hàng ngày như thế, mọi người ai cũng biết nhau và tinh thần gắn bó cộng đồng phát sinh (2).

 
Nhà thờ Thánh Nicholas ở góc tây bắc công trường chính Thị Trấn Cũ
- ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

Đồng thời, người ta có thể tìm thấy ở công trường không khí bình đẳng bởi vì tất cả mọi người đều có quyền đến công trường, không cần biết là người giàu hay nghèo. Người ta cũng cảm thấy thoải mái khi ra công trường là vì bố cục không gian hài hòa ở đây. Kiến trúc sư đã nghiên cứu mối liên hệ giữa chiều rộng của công trường và chiều cao của các tòa nhà. Kết quả là nhà thờ thì nên xây ở khúc hẹp của công trường, còn các tòa nhà thấp hơn và có chiều ngang rộng thì đặt ở nơi công trường rộng nhất. Tuy nhiên, nhà cũng chỉ nên cao tối đa là sáu tầng lầu vì đây là bố cục mà không gian và gạch đá còn “trò chuyện” được với con người (2). Và như vậy, với không gian mở chính giữa, sàn lát đá, nhà khối với kiến trúc mê người vây xung quanh, người ta bước vào trong công trường như bước vào trái tim của thành phố, bầu trời là trần nhà, mùi thơm từ hàng hóa của chợ, nỗi vui mừng gặp gỡ bạn bè, câu chuyện khôi hài đó đây - người ta cảm thấy như mình bước vào nhà.


 
Góc đông nam công trường chính ở Thị Trấn Cũ - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

Từ năm 1990, khách du lịch đến Prague càng ngày càng đông. 22 tiếng một ngày, công trường chật đầy khách du lịch và hàng quán phục vụ khách. Để có thể cảm nhận không những vẻ đẹp của kiến trúc cổ ở đây mà cả không gian lịch sử của nó, tôi phải chịu khó. 6 giờ sáng tôi chạy ra công trường. Hàng quán chưa mở, vài khách du lịch đi lại, không gian yên ắng, không khí còn đọng ít sương, nghe se se. Niềm tự hào của thành phố hiện rõ ràng trên đường nét điêu khắc và những khuôn mặt bức tượng điêu khắc bên ngoài các tòa nhà. Đứng giữa công trường, dựng cổ áo và dang tay, ngẩng mặt nhìn trời, tôi quay một vòng tròn. Chào mừng mọi người đến thành phố Trung Cổ Prague mùa hè!

Ghi chú:
(1) Stephen Brook. Philip's Prague: Architecture, History, Art. Photography by Joe Cornish. London: G. Philip. 1992.
(2) Suzanne H. Crowhurst Lennard, Henry L. Lennard. Genius of The European Square – How Europe’s traditional multi-functional squares support social like and civic engagement. A guide for city officials, planners, architects and community leaders in North America and Europe. Carmel, CA: Gondolier Press. 2008. Printed in China.
(3) Milan Pavlík & Vladimír Uher. Prague Baroque Architecture. Amsterdam: Pepin Press. 1998.
 
* Thánh Chế La Mã - Holy Roman Empire - tồn tại từ thế kỷ 10 đến 19. Địa phận bao gồm các khu vực mà ngày nay là Đức, Áo, Cộng Hòa Czech, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Bỉ, Luxembourg, Slovenia, Hà Lan, một phần Pháp, bắc Ý, đông Ba Lan.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT