Khi mùa thu tới, lá vàng bắt đầu rơi, học sinh sẽ khăn gói lên đường tựu trường, một thay đổi tâm lý lớn lao không những tác động đến các ...
Hoàng Châu
Sau những tháng ngày làm việc mệt nhọc ở trường trung học nay các em học sinh sắp sửa rời khỏi tổ ấm bay đi một phương trời mới – đó là đi học đại học. Nếu cha mẹ có thể chuẩn bị tài chánh đủ cho con cái theo học thì điều đó thật tuyệt vời! Nhưng có lẽ sẽ hữu ích hơn nếu tạo ra một môi trường khuyến khích con quyết tâm đạt được một nền giáo dục cao.
• Biểu lộ tình cảm:
Lúc học sinh vào đại học năm thứ nhất, cha mẹ thường có một tâm trạng lẫn
lộn. Vui vì con cái đang đi tới một đỉnh cao mới; buồn vì phải xa vắng con. Dĩ
nhiên phần lớn cha mẹ không biết con cái sẽ đáp ứng với môi trường mới lạ như
thế nào.
Xin đừng quá lo lắng! Đây là đất Mỹ, mọi thứ sẽ đâu vào đó. Ngày xưa
chúng ta đi học xa, cha mẹ chúng ta cũng lo âu nhưng chúng ta vẫn nhẹ nhàng vượt
qua. Các tân sinh viên sẽ được những chuyên gia nhiều kinh nghiệm của trường chăm
sóc. Hơn nữa, chắc chắn cha mẹ không muốn con cái ở mãi với mình. “Ở nhà với mẹ
biết ngày nào khôn.” Thế thì khi chúng lớn lên sẽ phải ra riêng và cách ra
riêng tuyệt vời nhất là vào đại học.
Hãy tâm sự với những bậc cha mẹ khác, nhất là những người có con học
chung trường với con mình. Giữ liên lạc tốt như vậy sẽ giúp biết được những chương
trình tốt, thông tin về lớp, về giáo sư và nhất là có thể chia nhau đi chung xe
vừa vui vừa tiết kiệm.
• Ngồi xuống nói chuyện:
Trước khi con đi đại học, hãy tìm thời giờ thong thả nói chuyện. Luôn tỏ
ra tin cậy rằng chúng sẽ chọn những quyết định khôn ngoan. Trước hết, cha mẹ
nên bày tỏ sự ủng hộ con, chứng tỏ rằng mình quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ
chúng. Xin nói cả những chi tiết nhỏ, chẳng hạn nếu cần mẹ đánh thức dậy cho
khỏi trễ lớp thì cứ phone về nhờ mẹ hoặc nếu máy tính hư thì gửi về ba sẽ (mang
ra tiệm) sửa cho.
Sau đó nên tạo cơ hội cho con nói về những cảm nghĩ của nó. Đồng thời nếu
đó là con út, hãy nói về kế hoạch và những việc muốn làm của cha mẹ khi con cái
rời tổ ấm. Có nhiều em trước khi đi còn khuyên ngược lại cha mẹ, “Mẹ ở nhà đi
chạy bộ nhớ thoa kem chống nắng, ba ở nhà đừng làm thêm giờ (over time) nữa.”
• Giữ liên lạc nhưng đừng nhiều quá:
Các sinh viên có một thời khoá biểu bận rộn, đại học nhiều bài phải làm,
nhiều sách phải đọc. Đôi khi khó mà tiếp xúc. Tuần lễ đầu chúng sẽ gọi về nhà
nhiều nhưng sau đó sẽ giảm dần dần. Đừng ngạc nhiên nếu chúng không trả lời
email hay không trả lời điện thoại. Giờ giấc cũng vậy, có thể chúng học bài tới
3,4 giờ sáng.
Xin đừng chất thêm lên vai con những chuyện tiêu cực, không vui vẻ. Đại
học căng thẳng và nhiều lo nghĩ. Nếu thấy cần phải cho chúng biết tin tức gì
thì nên kèm theo một thái độ lạc quan. Thí dụ ba mới thất nghiệp nhưng chắc sẽ
xin được việc làm nay mai, hãng A hãng B đang nhận đơn nhiều lắm. Hãy định ra
một lượng thời gian mỗi lần tiếp xúc. Nếu chúng không gọi về thì cha mẹ nên chủ
động gọi trước và nhớ hỏi xem chúng có thấy thoải mái khi cha mẹ gọi không?
• Xin đừng chú trọng quá vào điểm:
Khi vào đại học, vì đã 18 tuổi nên cha mẹ không thể hỏi điểm của con. Văn
phòng nhà trường sẽ từ chối. Nếu con thành công với điểm cao nó sẽ khoe ra, nếu
con im lặng thì .. phải đoán. Sinh viên thường coi điểm như một thứ thuộc phạm
vi riêng tư không ai có quyền hỏi.
Đừng khoe hay so sánh điểm của người khác trước mặt chúng. Hãy hỏi thích
giáo sư hay môn học nào, bạn mới ở trường ra sao và giải trí cách nào.
Tóm lại hãy hỏi chuyện gì mà con vui vẻ nói. Chuyện gì con ngần ngại thì đừng
ép buộc. Cha mẹ hãy có một quan hệ giữa người lớn với người lớn, đừng coi con
như một đứa bé.
• Giúp con hiểu về những khó khăn trước mặt:
Sẽ không có chuyện lấy một điểm A dễ như ở trung học nữa đâu. Được tuyển
vào đại học thường đã là những học sinh thông minh, siêng năng chịu học. Ngày xưa
trong lớp ở trung học chỉ có vài học sinh giỏi, nay ở đại học thì hầu như ai
cũng giỏi hết. Vào một lúc nào đó, sớm hay muộn, chắc chắn chúng sẽ lãnh một
con C. Hãy giúp chúng đừng có cảm giác của kẻ thất bại và nên nói rằng điều
quan trọng là làm việc hết sức mình.
Nếu cha mẹ nói con phải chăm học hơn, con phải làm thế này thế kia chúng
sẽ không nghe theo, đơn giản là những lời khuyên đó chúng đã nghe đi nghe lại
nhiều lần. Trước khi khuyên gì hãy nghĩ xem chúng có nghe theo không, nếu không
thì tại sao không dùng cách khác? Hãy cho chúng biết ngày xưa chúng ta cũng vấp
ngã và chúng ta đã đứng lên thế nào.
Nên biết rằng các môn khoa học tự nhiên (Sciences) tại Mỹ rất khó, nhất
là Lab (thí nghiệm.) Phải đọc trước khi làm Lab cần chuẩn bị gì, trong khi làm
Lab sẽ theo các giai đoạn ra sao, máy móc xếp đặt và sử dụng thế nào và cuối
cùng tính toán kết quả. Quá trình này lấy hết cả thời gian quý báu mà sinh viên
dự định làm cho các môn khác.
• Tìm hiểu các văn phòng khi thăm trường:
Phải tới thăm ít nhất 2 chỗ, văn phòng Financial Aid và Counselors.
Hãy giả sử nếu chúng học không thành công thì tìm sự trợ giúp từ đâu? Các
trường tại Mỹ nổi tiếng về những trợ giúp này. Có thể từ văn phòng giáo sư, văn
phòng cố vấn (counselors) hay từ những chương trình dạy kèm của các sinh viên
lớp trên.
Cuối cùng, cha mẹ hãy lo toan cho chính mình. Con cái đi học đại học cũng
giống như một con diều bắt đầu cất cánh lên bầu trời xanh, con diều đó sẽ cần
nhiều gió, sẽ cần một bầu trời rộng rãi hơn, thoáng đãng hơn để tung bay cao hơn.
Đừng để những suy thoái tình cảm, tâm lý u buồn quá đáng xảy ra. Trường hợp này
tiếng Anh gọi là “empty-nest syndrome” nghĩa là “hội chứng tổ trống” – diễn tả
khủng hoảng tâm lý của "chim me, chim cha" khi không có “chim con.”
Con em chúng ta không thể yên tâm học hành nếu chẳng may cha mẹ có vấn đề.
Việc học hành của con cái sẽ bị ảnh hưởng nếu "tổ ấm" biến thành
"tổ lạnh." Hãy làm những gì mà trong quá khứ cha mẹ mong muốn nhưng đã
không có thời gian và điều kiện để làm. Có thể theo học cắm hoa, làm công tác
thiện nguyện trong chùa hay nhà thờ. Đây là một thời điểm đầy lo lắng nhưng
cũng thật tuyệt vời cho cả cha mẹ và con cái.
Copyright © 2006 by VienDongDailyNews
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Vợ chồng cần quý trọng nhau vì lý do này
Vợ chồng đang yêu luôn nhìn nhau với ánh mắt ngưỡng mộ và bước vào thế giới mơ hồ, ngọt ngào, ấm áp của họ.
Gia đình và điều đáng sợ nhất
Một gia đình đáng sợ nhất là gì, không phải là không có tiền, không phải là bệnh tật, mà việc các thành viên trong gia đình, không thể nói ...
Có một kiểu Tình Yêu như thế
Năm đó, mẹ của bà ấy chê tôi là một kẻ nghèo nàn, nên đã chia rẽ chúng tôi…Tôi cũng chỉ có thể đau lòng mà rời đi.