Pháp Luật

L-1: Chiếu khán làm việc tại Hoa Kỳ

Thursday, 05/05/2011 - 08:50:54

* Có những loại L-1 visa nào?L1-A: Dành cho những nhân viên có chức vụ cao trong ban lãnh đạo hay quản trị (executives or managers), phải có kinh nghiệm ...

LS. Trần Khánh Hưng/Viễn Đông

Ngoài những loại chiếu khán như là H1-B visa dành cho người nước ngoài có khả năng cao (skilled worker) trong một số ngành nghề đặc biệt (specialty occupation) để vào Mỹ làm việc, còn có loại chiếu khán khác dành cho những công ty có chi nhánh tại Hoa Kỳ muốn điều phái những nhân viên lãnh đạo hay có kiến thức chuyên môn để làm việc tại Hoa Kỳ, đó là chiếu khán L-1.


* Có những loại L-1 visa nào?
L1-A: Dành cho những nhân viên có chức vụ cao trong ban lãnh đạo hay quản trị (executives or managers), phải có kinh nghiệm tối thiểu là một năm trong lãnh vực làm việc của công ty, trong vòng 3 năm trước khi nộp đơn.
L1-B: Dành cho những nhân viên chuyên môn kỹ thuật của công ty (specialists) trong những ngành vi tính, kế toán (computer programmers, accountants), v.v..

* Thời hạn làm việc tại Hoa Kỳ cho những nhân viên theo chương trình L-1 visa là bao lâu?
Sở Di Trú chấp thuận cho nhân viên làm việc theo dạng L-1 visa được làm việc tại Hoa Kỳ trong thời hạn là 3 năm. Sau đó, những nhân viên làm việc theo dạng L-1A có quyền nộp đơn xin gia hạn thêm hai kỳ (mỗi kỳ là 2 năm) để có thể ở Hoa Kỳ làm việc trong thời gian tối đa là 7 năm.  Những nhân viên làm việc theo dạng L-1B cũng có quyền nộp đơn xin gia hạn thêm một kỳ (2 năm) để có thể ở Hoa Kỳ làm việc trong thời gian tối đa là 5 năm.

* Nếu tôi nộp đơn xin L-1 visa, tôi có thể xin cho vợ con tôi đi chung với tôi không?
Được. Nhân viên làm việc theo dạng L-1 visa có quyền xin cho vợ và con cái (dưới 21 tuổi) đi theo mình dưới dạng L-2 visa. Khi qua Hoa Kỳ, người phối ngẫu của nhân viên L-1 visa có thể xin Sở Di Trú (USCIS) cho đi làm tại Hoa Kỳ. Con cái của nhân viên L-1 visa thì không được quyền đi làm tại Hoa Kỳ, nhưng được quyền đi học.

* Trong thời gian đang nộp đơn xin L-1 visa, tôi có thể xin qua Hoa Kỳ theo chương trình du lịch rồi ở lại làm việc theo diện L-1 visa không?
Trong thời gian nộp đơn theo diện L-1 visa, người nộp đơn nên tránh du lịch hay qua Mỹ theo chương trình visa khác, để tránh trường hợp Sở Di Trú sẽ tình nghi là hồ sơ gian lận, hay thiếu thành thật. Trong trường hợp nhân viên đang ở Mỹ trong lúc nộp đơn xin L-1 visa, nhân viên có quyền xin điều chỉnh chương trình visa của mình cho hợp lệ theo dạng L-1 visa.  Sau khi đơn xin L-1 visa được chấp thuận và trong thời hạn hiệu lực của L-1 visa, nhân viên vẫn có quyền rời và quay lại nước Mỹ.

* Tôi qua Mỹ theo diện L-1 visa, tôi có quyền chuyển qua chi nhánh khác của công ty không?  
Nếu công ty bảo lãnh cho nhân viên có những chi nhánh khác hay là những công ty phụ thuộc (subsidiary or affiliated companies), nhân viên có quyền xin thay đổi công việc để làm cho những chi nhánh khác hay công ty phụ thuộc. Nhân viên L-1 visa cần phải thông báo cho Sở Di Trú biết về sự thay đổi này, trừ trường hợp khi công ty của mình xin đơn L-1 visa theo hình thức blanket L-1 visa.  

* Nếu tôi muốn làm cho công ty khác có được không?
Nhân viên L-1 visa chỉ được quyền làm cho công ty bảo lãnh mình chứ không được quyền làm cho những công ty khác.

* Trong thời hạn làm việc theo chương trình L-1 visa, tôi có thể nộp đơn xin thẻ xanh không?
Nhân viên làm việc theo dạng L-1 visa có quyền xin thẻ xanh Hoa Kỳ.  Những nhân viên lãnh đạo hay quản trị (executives or managers) theo dạng L-1A sẽ được sắp hạng nhân viên ưu tiên (priority workers) và sẽ được quyền xin thẻ xanh mà không cần thủ tục xin labor certification.

* Thủ tục nộp đơn xin L-1 visa như thế nào?
- Công ty phải nộp đơn xin non-immigrant visa cho nhân viên theo mẫu đơn Form I-129 và nộp cho Sở Di Trú Hoa Kỳ tại Hoa Kỳ.  
- Công ty phải nộp đơn xin L-1 visa cho từng nhân viên, trừ khi xin đơn L-1 visa theo hình thức blanket L-1 visa.
- Công ty phải viết thư xác nhận việc làm, chức vụ và thời gian mà nhân viên làm cho công ty, cũng như vai trò và trách nhiệm của nhân viên khi qua Hoa Kỳ làm việc.
- Sau khi đơn L-1 visa được chấp thuận, nhân viên phải xin visa tại nước địa phương, và phải bổ túc thêm những giấy tờ như là thư xác nhận việc làm, chức vụ và thời gian làm việc của những công ty trước đây mà nhân viên đã từng làm việc, bằng cấp hay chứng chỉ chuyên môn của nhân viên.
- Sau khi nộp đơn xin L-1 visa, nhân viên có quyền nộp đơn xin L-2 visa cho người phối ngẫu và con cái của mình.

* Thời gian xin L-1 visa có lâu không?
Thông thường, đơn xin L-1 visa sẽ được Sở Di Trú Hoa Kỳ duyệt xét trong thời gian từ 2 đến 4 tháng. Bạn có thể đóng thêm lệ phí ưu tiên (premium processing) để được Sở Di Trú Hoa Kỳ duyệt xét gấp.  Trong trường hợp công ty mà bạn làm việc đã được Sở Di Trú Hoa Kỳ chấp thuận cho blanket L-1 visa, thời gian xin visa cho nhân viên sẽ chỉ là vài tuần mà thôi.  

* Những trường hợp nào thì đơn xin L-1 visa bị từ chối?
Sở Di Trú Hoa Kỳ hiện thời không có giới hạn trong việc cấp L-1 visa hằng năm. Tuy nhiên, một số đơn xin L-1 visa sẽ bị từ chối vì những lý do sau đây:
- Sở Di Trú Hoa Kỳ không công nhận công ty nộp đơn xin non-immigrant visa cho nhân viên.
- Sở Di Trú Hoa Kỳ không công nhận chi nhánh của công ty, hay công ty phụ thuộc hay liên đới mà nhân viên sẽ làm việc tại Hoa Kỳ.
- Chi nhánh mới của công ty tại Hoa Kỳ không thể bảo đảm việc làm cho nhân viên theo diện L-1A trong thời hạn 1 năm tối thiểu.   
- Những hồ sơ khai man hay tình nghi là gian lận để xin nhập cảnh Hoa Kỳ.  
- Nhân viên nộp đơn L-1 visa không hội đủ điều kiện vì vi phạm luật di trú Hoa Kỳ trước đây.  

* Những công ty nào có quyền xin blanket L-1 visa?  
Chỉ những công ty lớn hội đủ những điều kiện sau đây mới có quyền xin blanket L-1 visa cho nhân viên của mình.  
- Những công ty Hoa Kỳ có chi nhánh, công ty phụ thuộc hay liên đới (subsidiaries or affiliated companies) ở nước ngoài mà thường hay gửi nhân viên qua Mỹ làm việc.
- Công ty Hoa Kỳ phải có tối thiểu là 1.000 nhân viên.
- Công ty Hoa Kỳ đã nộp đơn và được chấp thuận 10 đơn xin L-1 visa cho nhân viên trong thời hạn 1 năm vừa qua.   
- Tổng số thu nhập tài chánh của công ty và những chi nhánh của công ty hằng năm phải không dưới 25 triệu Mỹ kim.  

* Thủ tục nộp đơn xin blanket L-1 visa như thế nào?
Công ty phải nộp đơn xin blanket L-1 visa cho nhân viên kèm theo những giấy tờ sau đây:
- Hồ sơ lý lịch của công ty (bảng báo cáo hằng năm, brochures, quảng cáo, website, v.v.).
- Mã số thuế của công ty tại Hoa Kỳ, kèm theo tổng kết tài chánh và chi thu, và báo cáo về các nhân viên đang làm việc tại Hoa Kỳ.  
- Tên và địa chỉ của tất cả những chi nhánh, hay công ty phụ thuộc hay liên đới trên toàn cầu. Công ty phải liệt kê tối thiểu là 3 cơ sở khác trên toàn cầu trong đơn xin blanket L-1 visa.
- Bằng chứng về hoạt động của công ty và những công ty phụ thuộc hay liên đới trên toàn cầu trong thời gian tối thiểu là 1 năm vừa qua.  

* Tôi qua Mỹ làm việc theo chương trình L-1 visa mà bị sa thải, tôi có quyền ở lại nước Mỹ không?
Nếu bạn bị mất việc khi chưa có thẻ xanh, bạn phải tìm một sở làm khác bảo trợ cho bạn và nộp đơn xin với Sở Di Trú Hoa Kỳ, hoặc bạn phải đổi visa của bạn qua một chương trình khác. Nếu không, bạn phải trở về nguyên quán. Sở Di Trú chưa có con số rõ ràng rằng bạn có thể ở lại nước Mỹ thêm bao lâu sau khi bạn mất việc. Thông thường bạn có thể ở lại vài tuần vẫn hợp pháp.

Đây chỉ là một số kiến thức tồng quát về vấn đề bảo lãnh theo chương trình đi làm, L-1 visa, không phải cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng luật sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay Email davidtran@dktran.com, hoặc gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst Street, Westminster, CA 92683.

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT