Chân Dung Việt Nam

Lại chuyện rau sạch ngày Tết

Friday, 13/01/2023 - 02:35:01

Nói tới rau sạch, có lẽ là câu chuyện bốn mùa, nhưng người ta nói về rau sạch ngày Tết nhiều nhất, bởi đây là dịp đáng tin cậy...


Dĩa rau sống không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người Việt. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 

Bài NGUYÊN QUANG

Nói tới rau sạch, có lẽ là câu chuyện bốn mùa, nhưng người ta nói về rau sạch ngày Tết nhiều nhất, bởi đây là dịp đáng tin cậy nhất khi nói về rau sạch, từ thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết cho đến con người, nhu cầu và cả động lực đều dồn vào mùa này. Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện của vài mươi năm trước, chứ với hiện tại, rau sạch ngày Tết, nghe ra có vẻ khó nói, rất khó nói, bởi thật giả lẫn lộn, bởi không có nền tảng sạch, bởi cơ chế…

 

Thật giả lẫn lộn

 

Anh Cường, chủ một doanh nghiệp vận tải khá lớn ở miền Trung, cũng là đơn vị cung cấp và vận chuyển rau xanh cho hầu hết các siêu thị, buồn bã, “Hầu như bậy giờ rất khó để tìm rau sạch, nếu có sạch thì cũng sạch sạch vậy thôi, không có sạch hoàn toàn đâu!”


Tự trồng rau sạch để ăn là lựa chọn của những gia đình có điều kiện trồng. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh dựa trên cơ sở nào để khẳng định không có rau sạch?”

“Nguồn tôi vận chuyển, hầu như cao nhất là rau trồng trong nhà kính, mà ai nói rau trong nhà kính là rau sạch? Rau trong nhà kính, về bản chất nó cũng giống như gà công nghiệp, nuôi có qui trình. Đương nhiên gà công nghiệp bên Tây họ nuôi thì khác, qui trình của họ bảo đảm sạch, chứ gà của Việt Nam nuôi công nghiệp dựa trên quy trình của Trung Quốc thì sạch cái nỗi gì!”

“Vậy theo anh, rau sạch là rau như thế nào?”

“Trước tiên, rau sạch phải là rau trồng sạch sẽ, tức là rau trồng hữu cơ, đất được xử lý tự nhiên, không có tác động chất hóa học lên đó, ít nhất là phải như vậy trước khi trồng, và khi trồng cây, tuyệt đối không dùng thuốc kích thích sinh trưởng và các loại thuốc, phân hóa học khác. Với tiêu chuẩn này, rau thủy canh, rau nhà kính không bao giờ chạm tới được, bởi mấy ai dám khẳng định rằng nước trong việc trồng rau thủy canh và chăm sóc rau nhà kính là không dùng phân và thuốc hóa học!”


Rau củ mang nhãn mác Đà Lạt nhưng chất lượng không biết ra sao. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Ngoài các nguồn anh vừa nói, theo anh, có còn rau sạch thực sự theo cách nghĩ của anh?”

“Vẫn còn chứ, nhưng hiếm hoi lắm, vì những người trồng rau sạch thực sự hoặc là bỏ nghề, hoặc là đã chết. Bỏ nghề tức là không trồng rau sạch nữa, những người lập nghiệp, nuôi ước mơ trồng rau sạch, tạo ra không gian sạch thì rất khó sống trên đất nước này, cơ hội sống sót thấp lắm. Bởi vì họ cạnh tranh không nổi với rau trồng theo kiểu hiện tại, tức là bạ đâu bơm đó, dùng thuốc hóa học vô tội vạ. Và khi kinh doanh, họ bị hầu hết các gian thương chặn đứng, không có đường sống, cả ngàn người mới có vài người bỏ tiền mua rau sạch với giá cao, chứ còn lại, người Việt dường như thích rau nhìn đẹp mắt, thế là đủ”

“Vậy rau sạch ở các siêu thị thì sao?”

“Anh thử ăn thịt gà sạch ở siêu thị và so sánh chất lượng, mùi vị của nó với những con gà thả vườn thực thụ, không cho ăn cám tăng trưởng chẳng hạn. Rau cũng vậy thôi, đó là rau sạch trồng ở nhà kính, mà trồng ở nhà kính thì ai nói là rau sạch chứ tôi không cho rằng đó là rau sạch. Bởi vậy, Đà Lạt mới có chính sách phá bỏ nhà kính, trồng rau sạch, giữ môi trường thiên nhiên xanh, sạch, đẹp… Hiện tại, rau ở các siêu thị đâu chỉ riêng rau trồng nhà kính từ Đà Lạt, nói xin lỗi, rau trồng tại các vườn ở quê, người ta bơm thuốc hà rầm, các đầu mối chở tới bỏ cho siêu thị đầy rẫy ra đó!”


Đậu tây xào cà rốt, món xào phổ biến của người Việt dịp cuối năm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh cũng là người cung cấp phương tiện vận chuyển?”

“Thỉnh thoảng thôi, chứ tôi cung cấp rau củ quả từ Đà Lạt, Gia Lai và Đắk Lắk. Còn rau từ chợ đầu mối thì có một người, cô đó chuyên cung cấp, bây giờ giàu sụ, bởi có thứ nào nhanh giàu hơn cung cấp rau bẩn để bán giá rau sạch chứ. Nhìn chung là vậy!”

“Theo anh, cái này do đâu? Lương tâm, cơ chế, hay là đạo đức xuống cấp?”

“Tôi không nhìn nhận vấn đề sâu xa và cao siêu như vậy, tôi thấy đơn giản là thuê mặt bằng kinh doanh bây giờ cao quá, mà nếu không mua bán trá hình, xảo quyệt thì nhà buôn sẽ chết, thua lỗ là cái chắc. Nên chi bây giờ khó nói lắm.”

 

Thiếu một nền tảng sạch

 


Lựa chọn siêu thị rau sạch để mua cũng là vấn đề đau đầu của người nội trợ bởi thật giả lẫn lộn. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Theo nhận định của một bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, không muốn nêu tên, chia sẻ, thì, “Người Việt mình thiếu một nền tảng sạch ngay từ đầu, nên sẽ khó và thậm chí không có bất kì thứ gì sạch đâu!”

“Xin bác sĩ mở rộng vấn đề ra một chút cho dễ hiểu hơn ạ?”

“Anh thử nghĩ xem, từ thời phong kiến, người nghèo bị bóc lột, người giàu, chức quyền thì ăn trên ngồi trốc, có cái chức, vị cũng chưa chắc là thật, nhiều người bỏ tiền ra mua rồi nghênh nghênh tự đắc với cái chức, cái vị đó. Nghèo cứ mãi miết nghèo. Ôm cái nghèo chưa xong, chuyển sang thời kỳ tập trung bao cấp. Từ anh tổ trưởng sản xuất cho đến anh chủ nhiệm hợp tác xã, anh nào hạch sách người ta bao nhiêu thì hả hê bấy nhiêu. Phần dân thì đôi khi nhịn ăn để nuôi con heo, con gà, đến lúc giết thịt thì phải lén lút, ăn đồ của mình làm ra mà phải dấm dúi, gặp cán bộ thì như gặp cọp. Con người đôi khi đâm ra…”


Thêm một kiểu rao bán rau sạch theo lời của người đăng bài. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Trồng rau thì liên quan gì ạ?”

“Anh thử nghĩ, từ việc cân kí lúa, con heo, người ta đã phải dấm dúi, nhiều khi phải cậy bà con hoặc đút tay cán bộ, quan chức. Riêng giới cán bộ quan chức thì theo kiểu cha truyền con nối, con ông cháu cha, mua bằng bán chức thì phải bóc lột lại dân hoặc cấp dưới để bù vào khoản tiền đã chi ra, rồi phải còn có lãi để rồi lại chung chi… Thử hỏi, với cái nền tảng đó thì dễ gì làm gì cho sạch được. Giáo dục thì mang tình dục đổi điểm, hiệu trưởng thì mang học sinh đi bán dâm. Giao thông, công an thì vỗ ngực xưng danh rồi phạm luật. Như ngành y tế của tôi, không ít bác sĩ nhận tiền lót tay của bệnh nhân, rồi buôn bán thuốc giả… Trồng rau cũng không ngoại lệ. Trước không ít người dùng nước tiểu, phân tươi để tưới rau xanh, tốt. Người ta bảo đó là rau tự nhiên, rau sạch. Giờ thì cũng có nhiều người trồng rau sạch đó nhưng sạch được bao nhiêu phần trăm, rồi những lái buôn, nhà phân phối, họ trộn lẫn trong đó bao nhiêu rau ngoài luồng? Đến các siêu thị, không biết nhân viên có mua đồ ngoài chợ để thi thoảng trộn lẫn vào bán không. Như trường hợp này nhà tôi gặp hoài, mua đồ siêu thị rau thịt sạch, đến lúc về chế biến, phát hiện các tua nhôm trong miếng rửa nồi dính vào thịt, rau thì thi thoảng chai ngắt như rau Trung Quốc. Chẳng biết đường nào mà lần. Đó là chưa nói đến cơ chế.”


Những chuyến xe ngược xuôi, rau củ vẫn ế và hàng Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường Việt. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Cơ chế thì sao thưa bác sĩ?”

“Riêng việc trồng rau củ thôi, người ta phải làm sao để kiếm cho được cái nhãn Vietgap, tức là đủ tiêu chuẩn rau sạch để rồi bán được giá cao hơn. Nhiều nhà vườn bỏ tiền ra mua cho được cái nhãn này sau đó lại trộn lẫn rau nhà vườn khác vào với rau mình để bán ra ngoài. Rau sạch theo tiêu chuẩn của các ông không bao gồm việc đất sạch hay không sử dụng phân thuốc mà là ở một mức độ cho phép. Tôi hỏi anh, đài báo mới đưa tin thời tiết thất thường khiến rau xanh hư hại, khan hiếm, vậy mà mới nắng lên có một hai ngày, rau mang nhãn xanh sạch được bán khắp các siêu thị, chưa kể đến những facebooker rao “giải cứu rau sạch” giúp bà con được mùa mất giá. Hàng trong nước thì vậy, hàng ngoài thì rau Trung Quốc vẫn tràn ngập các chợ. Nếu các ông có một cơ chế quản lý tốt, từ khâu hướng dẫn chọn giống, điều tiết lượng phân bón Trung Quốc nhập vào, điều tiết giá, thị trường thì đâu đến nỗi một đất nước đa phần diện tích để trồng trọt lại thiếu rau sạch để ăn, rau Trung Quốc thì tràn ngập và rau dân trồng thì cứ trồng ra rồi đổ bỏ, kêu giải cứu?”


Có hay không rau sạch thực sự ở những gian hàng bày bán. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

 

Đó là lời của một vị bác sĩ, còn theo lời của bà Hai, nông dân ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi thì, “Tết này cô trồng được hai vườn rau, một vườn rộng khoảng 100 mét vuông thì chỉ trồng những thứ rau nhà mình ăn và tặng bà con ăn Tết. Một vườn rộng khoảng 500 mét vuông thì chủ yếu trồng cải, xà lách để bán.”

 

“Rau để ăn và rau để bán khác nhau thế nào cô?”

“Rau ăn thì mình cuốc đất, phơi ải dài ngày hơn, trồng nhiều loại như xà lách, ngò, tàn ô, cải… đủ hương vị ngày Tết. Bón thì mình bón phân chuồng, trồng mình cũng trồng thành từng đợt để ăn không thiếu mà cũng không thừa, cô trồng tới cả trăm mét vuông để lỡ có rau hư, sâu thì mình bỏ bớt. Còn rau bán thì cô chỉ trồng mỗi xà lách và cải thôi, mùa này hai loại này tiêu thụ mạnh. Rau này mình cần chạy đua với thời vụ nên cô dùng phân hóa học, cộng thêm lúc bị nấm, sâu thì mình phải chấp nhận bơm thuốc, chứ nếu không là cả mùa Tết đổ sông đổ bể, coi như không có Tết.”


Rau sạch, vấn đề nhức nhối... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Tết đã cận kề, những chuyến xe chở rau vẫn tấp nập ngược xuôi Nam Bắc. Tết này bán được bao nhiêu tiền từ rau, lời bao nhiêu từ buôn rau, hay Tết này mua rau ở đâu…vẫn là câu hỏi với nhiều người. Một cái Tết ấm áp bên mâm cơm rước ông bà thơm mùi Tết với cúc tần, tàn ô, vạn thọ… không còn xa. Thế nhưng rau sạch vẫn là câu chuyện không chỉ riêng ai, bởi thói quen trồng ‘rau ăn, rau bán’, bởi thật giả lẫn lộn… Chỉ cầu mong rằng, một, hai hay vài năm nữa, đây sẽ không còn là câu chuyện để bàn!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT