Hôn Nhân, Cuộc Sống

Làm gì để giúp con em sửa đổi khi chúng có hành vi sai trái?

TS. Nguyễn Hữu Phước/Viễn Đông Monday, 12/03/2012 - 01:05:13

Phụ huynh cũng cần biết là mỗi lứa tuổi, con em có cách riêng để trình bày ý nghĩ của con em.

TS. Nguyễn Hữu Phước/Viễn Đông

Chuyện đầu tiên là hằng ngày phụ huynh nên để ra một số thời gian để sinh hoạt với con em. Số thời gian nầy, tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình có thể từ mười đến hai mươi phút một lần, và vài ba lần trong ngày. Đây là giờ mà phụ huynh nhắc nhở con em những gì mà phụ huynh muốn con em thi hành để trở thành người tốt. Đây cũng là giờ giúp cho con em bày tỏ ý nghĩ của con em với phụ huynh, nhờ đó có sự tin tưởng lẫn nhau khi có vấn đề cần giải quyết. Phụ huynh cũng cần biết là mỗi lứa tuổi, con em có cách riêng để trình bày ý nghĩ của con em. Nói khác đi, phụ huynh cần có câu hỏi hướng dẫn con em bày tỏ ý nghĩ của con em tùy theo lứa tuổi.
Điều thứ hai cần làm khi con em phạm lỗi, là phụ huynh cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân của lời nói hay việc làm sai trái: Sự kiện gì đã xảy ra cho con em ngay trước khi có lời nói, hay hành vi không tốt?
Thí dụ, phụ huynh nghe con em chửi thề, hoặc dùng bạo lực với anh, chị, hay em nó. Chuyện gì đã xảy ra trong trường? Nó đã nghe ai dùng tiếng không tốt? Nó có hiểu tiếng nó vừa nói là một tiếng xấu, hay chỉ lập lại mà không hiểu nghĩa? Nó có bị các bạn trong trường đánh, hay có gây lộn với các bạn học trước khi về nhà? Anh, chị, hay em nó đã nói gì, hay làm gì khiến nó có hành vi trên. Khi các câu hỏi nầy được giải đáp, phụ huynh có thể bắt đầu giải thích những gì là tốt, xấu cho con em nầy biết. Chỉ cách cho con em dùng lời nói đúng để phản đối, hay để giải thích thay gì dùng phương cách đánh lộn. Chỉ cho con em cách phúc trình với thầy, hay cô giáo của mình, hay phúc trình với văn phòng về việc bị các bạn chế nhạo, hay bị các bạn học bắt buộc làm chuyện không tốt.
Điều thứ ba, khi ở nhà, tùy theo tuổi của con em, phụ huynh có thể dùng sự khen thưởng để khuyến khích những hành vi tốt, hay để ngăn ngừa những lời nói, hay hành vi xấu. Cả hai, sự khen thưởng hay sự phạt vạ một con em, đều giúp cho các con em khác trong nhà hiểu thêm về ý muốn dạy dỗ của phụ huynh trong nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hằng ngày.
Việc khen thưởng và phạt vạ phân minh, áp dụng liên tục và kiên trì, là một lối giáo dục tốt để con em trong gia đình biết rõ những gì mà phụ huynh chấp nhận hay không muốn xảy ra trong lời nói hay hành động của con em. Như đã nói bên trên, trong bất cứ tình huống nào, phụ huynh cũng phải tỏ ra bình tĩnh, nhỏ nhẹ trong lời nói, trong cử chỉ của mình.
Sau đây là những gì thực tế cần làm khi phát hiện ra lời nói hay hành vi sai của một con em:
- Tìm hiểu nguyện nhân như đã nói bên trên.
- Gọi con em nầy riêng ra bằng cách kêu đích danh nó, bảo nó đến gần phụ huynh, người đã phát hiện ra sự sai trái. Nói cho nó biết là phụ huynh nghe hoặc thấy có chỗ sai cần thảo luận với nó.
- Nói cho nó biết nó sai trái điều gì.
- Chỉ bảo nó sửa sự sai trái bằng những lời ngắn gọn, rõ ràng tùy theo tuổi. Không nên bắt đầu câu chuyện rầy la bằng những lời càm ràm, hay bằng một thái độ giận dữ ra mặt.
- Bảo nó lập lại những điều vừa chỉ bảo, nếu cần, để biết rõ là nó hiểu ý muốn của phụ huynh. Tuổi càng nhỏ thì con em càng cần sự lập đi lập lại của phụ huynh.
- Phụ huynh cần tóm tắt lại, nếu thấy lời giải thích của mình quá dài.
- Ra lệnh cho nó thi hành sự phạt vạ một cách nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết. Thí dụ: Hôm nay con đánh em con, như vậy là một hành vi không đúng. Ba (hay mẹ) phạt con như sau: Con vào phòng con, ngồi yên nơi bàn viết mười lăm phút. Khi nào hết giờ phạt con mới được ra đây chơi game (hay coi TV) tiếp.
- Khi nó thi hành xong, phụ huynh hỏi lại một lần nữa: Con có biết tại sao ba (hay mẹ) phạt con không?
- Sau khi nó nói lý do mà nó bị phạt, người cha (hay mẹ) nên bảo con em: Con phải nói xin lỗi (hay nói sorry) trước khi bắt đầu tiếp tục chơi game.
- Cho nó biết là nếu tái phạm thì sẽ bị phạt như thế nào.
Một lần nữa: Trẻ con càng nhỏ tuổi thì càng dễ tái phạm lỗi cũ vì trẻ em nhỏ tuổi không nhớ lâu. Phụ huynh cần nhắc lại ý muốn, lời dạy dỗ của phụ huynh nhiều lần, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác.
Một điều rất quan trọng là khi phạt, chỉ một trong hai phụ huynh, hoặc người cha, hay người mẹ, thi hành chuyện giải thích và việc phạt vạ mà thôi. Đây là quy ước mà hai phụ huynh cần thỏa thuận với nhau trước, để tránh chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Khi một phụ huynh đang bắt đầu việc phạt vạ, nếu phụ huynh kia dù không đồng ý, cũng nên giữ im lặng. Sau đó tìm cách gặp riêng phụ huynh kia để bàn luận lại cách phạt mà cả hai phụ huynh đều đồng ý để áp dụng về sau. Như vậy mới tránh được sự tranh chấp giữa hai phụ huynh trước mặt con em, vì sự tranh chấp này đưa tới hậu quả tai hại là con em sẽ biết cách dùng sự bất đồng của cha mẹ, để tránh né phạt vạ, và sẽ tiếp tục có hành vi xấu.
Hình phạt mà đa số phụ huynh ở Hoa Kỳ thường dùng cho con em dưới mười hai tuổi là hình phạt “cấm túc”: Bảo con em rời khỏi các anh em, hay rời khỏi trò chơi, hay cách giải trí mà con em đang chơi, đi vào phòng và ở đó trong một thời gian do phụ huynh định, ngắn hay dài tùy theo lỗi đã phạm. Cách phạt này gọi là phạt “time out”.
Có một số hình thức phạt vạ khác được thi hành, như rút quyền lợi của con em, không cho chơi game điện tử trong hai ngày; hoặc không được xem phim trên TV trong một tuần vào ngày thường lệ mà con em thích; hoặc không cho qua nhà bạn chơi cờ hay chơi các trò chơi khác vào cuối tuần, v.v.
Điều cần nhớ là không bao giờ dùng phạt vạ có hại đến an sinh của con em như cấm không cho ăn buổi chiều, hoặc bắt đứng ngoài nhà khi trời lạnh, mà con em lại không có đủ áo ấm; hay hình phạt làm con em bối rối, xấu hổ như phạt quỳ gối ngoài sân, nơi trẻ em hàng xóm nhìn thấy.
Một số nhỏ phụ huynh dùng hình phạt roi vọt. Ở Hoa Kỳ, lối phạt nầy là lối phạt đầy tranh luận giữa những nhà giáo dục, tâm lý, và còn có sự can thiệp của các nhà làm luật, cảnh sát, cơ quan bảo vệ trẻ, và tòa án. Chúng ta sẽ tìm hiểu về hình phạt roi vọt trong một bài khác. - (NHP)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT