Đối với các em thanh thiếu niên và phụ huynh, tuổi vị thành niên là giai đoạn hạnh phúc và khó khăn. Đây là thời gian các em từ bỏ ...
Hoàng Châu
Chúng tôi lược dịch bài “Active Listening: A Communication Tool ” của hai Tiến sĩ Daniel F. Perkins và Kate Fogarty. Công trình nghiên cứu được sự đồng bảo trợ của Đại học Florida (Khoa Gia đình, Tuổi trẻ & Khoa học Cộng đồng) và Viện Khoa học Thực phẩm, Nông nghiệp xuất bản tháng 12/1999. Chú thích theo yêu cầu bản quyền của tác giả.
Đối với các em thanh thiếu niên và phụ huynh, tuổi vị thành niên là giai đoạn hạnh phúc và khó khăn. Đây là thời gian các em từ bỏ thế giới trẻ thơ nhưng lại vẫn giữ một số hành vi của thời kỳ này. Nhiều bậc làm Cha Mẹ cảm thấy con cái mình nói một ngôn ngữ hoàn toàn khác. Tuy vậy, lắng nghe con cái là điều quan trọng vì đây là thời điểm thiết yếu để chúng tạo lập cá tính và thành hình những giá trị và niềm tin riêng.
Lắng nghe tích cực là một phần quan trọng trong vai trò làm Cha Mẹ. Đây là công cụ giao tiếp giúp phụ huynh và các em nói và hiểu được nhau. Lắng nghe tích cực tập trung vào người nói. Đầu tiên, với vai trò là Cha Mẹ, phụ huynh nên tự huấn luyện phương thức đặt câu hỏi sao cho con cái cảm thấy thoải mái trả lời bằng chính ngôn ngữ của chúng. Kế tiếp phụ huynh nên lập lại những gì nghe thấy để biết chắc chắn rằng mình hiểu những gì con cái định nói. Cuối cùng nên dùng thời gian xem xét kết quả cuộc nói chuyện qua ánh mắt các em để thông cảm và hiểu rõ được tình huống của con cái.
I. Đặt câu hỏi
Có những loại câu hỏi cưỡng chế người nghe và dồn họ vào chân tường phải trả lời theo ý mình. Nếu phụ huynh hỏi ý kiến con về một cuốn phim như, “Con không thích cuốn phim đó phải không?” Điều này rõ ràng cho thấy Cha hay Mẹ em không thích cuốn phim đó và em cảm thấy mình phải tự vệ khi nói ngược lại. Dĩ nhiên một câu hỏi như, “Con nghĩ sao về cuốn phim?” dễ dàng cho em trả lời hơn. Và một khi con cái đã đưa ra ý kiến, phụ huynh thay vì đưa ra nhận xét thì nên đặt thêm những câu hỏi khác cho chúng trả lời.
Lắng nghe tích cực đòi hỏi người nói nhìn vào ý nghĩa ẩn dấu đằng sau câu hỏi. Nhiều người thường đặt những câu hỏi khiến cho người nghe cảm thấy gượng ép khi phải trả lời đúng. Thí dụ, các em không cảm thấy thoải mái khi một người có quan hệ gần gũi hỏi, “Cháu có thấy cô mập lên không?” Những câu hỏi loại này có khuynh hướng đặt người nghe vào tư thế tự vệ. Và do vậy, nó đặt các em phải lẩn tránh câu trả lời để tự bảo vệ chính mình (khỏi làm tổn thương người khác).
Phụ huynh nên lắng nghe một cách chân thành. Và ý định đằng sau câu hỏi là để hiểu biết hơn là khuyên nhủ, phê bình. Sau đây là một số hướng dẫn:
- Đừng nghĩ rằng chúng ta hiểu những gì con cái ngụ ý nói.
- Xác minh lại khi cần thiết, “Con nói rằng cô ta điên, con ngụ ý gì khi nói “ điên”?”
- Giọng nói chân thành: Khi nói chuyện với con cái, giọng điệu, cảm giác và điệu bộ nên biểu lộ sự chân thành. Thí dụ, giọng nói của phụ huynh có thể bị hiểu là nóng giận nhưng thật ra là do quá lo lắng và quan tâm đến chúng. Các em thường trở nên tự vệ khi Cha Mẹ nóng giận nên đưa tới kết quả là chúng lớn tiếng cãi lại hoặc không nói chuyện tiếp tục nữa.
- Hãy hỏi câu-hỏi-mở, nghĩa là câu hỏi dành chỗ cho sự trả lời. Đừng hỏi: “Đi học về con qua nhà bạn Hai phải không?” mà nên hỏi “Đi học về con đi đâu vậy?”
- Biểu lộ sự quan tâm bằng cách nói, “Hãy kể thêm cho Mẹ về Kim” hay “Nói tiếp đi, Ba đang theo dõi con nói.”
- Đừng cho lời khuyên khi chưa hỏi ý kiến của con cái về trường hợp bàn cãi. Một số câu mẫu nên được dùng, “Theo con, giải pháp cho trường hợp này là gì?” hoặc “Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra?”
II. Lập lại những gì con cái có ý nói
Đây là công cụ được dùng để xác dịnh rõ ý của con cái. Nhiều khi phụ huynh không thực sự hiểu rõ ý con mình và các em cũng không hiểu hoàn toàn ý của Cha Mẹ muốn nói.
Thí dụ: một em học sinh lớp 9 về nói với Mẹ, “Con ghét Toán và ghét cả cô giáo, chẳng học được gì hay ho cả.” Thật ra em không ghét cô giáo, em chỉ gặp vấn đề với môn Toán mà thôi. Lúc đó phụ huynh có thể hỏi lại, “Dường như con bị khó khăn với môn Toán và môn đó làm con chán nản phải không?”
Bằng cách lập lại những gì con cái muốn nói, phụ huynh có thể rút tỉa thêm vài thông tin khác. Cũng nhờ vậy, các em cảm thấy phụ huynh muốn lắng nghe ý kiến của chúng. Đây cũng là dịp để các em sửa chữa ý tưởng nếu chẳng may bị hiểu lầm.
Sau đây là một thí dụ đàm thoại giữa người Cha và con gái về một buổi party.
– Ba muốn con về nhà lúc 1 giờ sáng sau buổi party.
– Không được, 2 giờ sáng mới xong và con phải ở đó cho tới hết.
– Dường như buổi party này rất quan trọng và con phải ở đó cho tới hết.
– Bạn trai con cũng ở đó, lại có nhạc sống, tất cả bạn con đều ở đó. Ba nên để con ở đó tới 2 giờ.
– Con rất vui với buổi party và con muốn chơi với các bạn của con đúng không?
– Con không thể về trước 2 giờ sáng.
– Ba nghĩ rằng buổi party đi này rất có ý nghĩa với con và Ba cũng quan tâm về sự an toàn của con. Vậy thì hãy đi vào thêm chi tiết để hai Cha Con mình đi tới đồng thuận chung.
III. Thông cảm
Thông cảm là đặt mình vào trường hợp của tuổi thanh thiếu niên. Để có thể làm được việc này phụ huynh nên từ bỏ thành kiến và chấp nhận tình cảm, ý nghĩ riêng của con cái. Chúng ta có thể nhìn thấy ý nghĩ và phản ứng của con cái qua ánh mắt của chúng.
Thông cảm không có nghĩa là đồng ý hay đầu hàng để tránh đối đầu. Thông cảm có nghĩa là phụ huynh không nên giả định trước rằng những điều con cái nói là sai lầm hay xuẩn ngốc. Sự chấp nhận lắng nghe tư tưởng, tình cảm của chúng gia tăng cơ hội cho giới trẻ nghe lời phụ huynh thảo luận về những vấn đề mà chúng đang đối diện.
Sự thông cảm được biểu lộ bằng cử chỉ, giọng nói và điệu bộ. Tất cả cũng đồng thời nói lên ý nghĩa rằng Cha Mẹ đang tập trung lắng nghe, xem xét những gì con cái nói theo quan điểm của chúng. Việc thông cảm trong lắng nghe đòi hỏi phụ huynh không nên áp đặt tình cảm, ý nghĩ của mình trong khi đàm thoại và cũng nên cố gắng không đưa ra lời khuyên ngay sau khi con cái nói. Sự kiên nhẫn này đòi hỏi nhiều cố gắng. Hãy tự hỏi mình có đưa ra lời khuyên này với một người lớn khác không? Nếu câu trả lời là không thì phụ huynh cần suy nghĩ kỳ trước khi đưa ra lời khuyên cho con cái mình.
Lắng nghe tích cực đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên tâm thực hành khiến người lớn khó có thể thấy ngay kết quả. Thông thường chúng ta sẽ chỉ thấy những nỗ lực được đền bù mỗi khi Cha Mẹ và con cái nói chuyện được với nhau. Và do vậy cuộc đàm thoại trở nên dễ dàng, cởi mở hơn cho chính phụ huynh cũng như con cái trong gia đình. Với vai trò là người lớn, phụ huynh nên mở đầu việc lắng nghe tích cực để con cái biết vâng lời Cha Mẹ và học hỏi phương cách giao tiếp này khi chúng trở thành người lớn.
Vien Dong Daily News
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Giàu đổi bạn, Sang đổi vợ chứ làm gì có chuyện ly hôn vì không còn hợp
Hiện tượng một số người đàn ông thay đổi khi giàu có, hay cụ thể hơn là việc thiếu chung thủy, có thể đến từ một loạt các yếu tố ...
Tìm ra 2 vấn đề là nguyên nhân chính của xu hướng ly hôn ở người trẻ
Khám phá hai nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn và bí quyết duy trì hạnh phúc hôn nhân từ chuyên gia James Sexton.
Khi thằng chồng ngoại tình
Ngày đó chồng chị ngoại tình, chị từ bi lắm , cho họ toại nguyện bên nhao luôn, chị em bị chồng ngoại tình đừng khóc chi cho phí nước ...