Paris có gì lạ không em? Câu thơ này tôi thuộc từ khuya, từ những năm 14, 15 tuổi, mơ mộng thấu trời.
Chateau Amboise
Bài NGUYỄN THỊ NHUẬN
Paris có gì lạ không em? Câu thơ này tôi thuộc từ khuya, từ những năm 14, 15 tuổi, mơ mộng thấu trời. Nhưng mơ gì thì mơ, thuở đó tôi không hề mơ được đến Paris xem nó có gì lạ không như kiểu nhà thơ Nguyên Sa hỏi. Chẳng là vì tôi cũng biết thân biết phận con nhà nghèo lắm lắm nên không hề mơ những chuyện mình biết là không làm được. Cho đến bây giờ, trên đầu đã hai thứ tóc, tôi mới mơ đến Paris và cuối cùng cũng thấy được “nó”.
Trên đường từ phi trường De Gaulle về thành phố, tôi ngồi dán mắt lên cửa kính xe hơi để nhìn trời đất Pháp quốc. Mưa bụi bay giăng giăng, trời buổi sáng mà sao mờ mờ. Xe chạy trên xa lộ, nhìn ra chỉ thấy đất một mầu nâu, thỉnh thoảng điểm vài bụi cây. Xa lộ thì cũng nhiều lằn xe chạy (lanes) y hệt bên Mỹ. Tôi phát biểu ý kiến đầu tiên với anh bạn “chủ nhà”:
- Nhìn vầy thì thấy chẳng khác gì Mỹ. Thế mới biết xứ văn minh thì đâu cũng giống nhau. Có lẽ chỉ có cái khác là xe cộ bên này nhỏ hơn thôi.
Tôi nhớ lại thời gian chờ đợi ở phi trường, thấy cũng giống giống mấy phi trường lớn tân tiến ở Mỹ. Chắc cái khác là chuyện mình nói cái gì ra cũng không ai hiểu và đi đổi tiền thì thấy rất hao. Thêm một cái “thú vị” khác là hưởng mấy phút căng thẳng khi có hành lý ai đó không biết để nằm bơ vơ trên đường đi, báo hại dân chúng bị lùa vào một chỗ, rồi có cả chục anh lính Tây trẻ măng vác súng đi rảo rảo trông ghê bỏ xừ. May quá, sau đó mình được ra xe yên ổn chẳng có gì xảy ra thêm cả. Cũng có cái đáng nói là Tây nó không xét hành lý kiếm cây cỏ, trái cây, hột giống gì cả nên ra khỏi quan thuế rất nhanh, không như ở Mỹ mặt mấy ông quan thuế trông rất kinh, nhìn ai cũng ra kẻ phạm tội.
Đi thăm lâu đài
Chateau Amboise
Sau hơn một tuần ở Paris lo công việc, tôi được làm một chuyến du ngoạn ngắn, thăm những lâu đài miền thung lũng sông Loire, cách Paris độ hơn 3 tiếng lái xe. Trên đường đi, tôi bắt gặp một khung cảnh quen thuộc: những cánh đồng hoa vàng ngút ngàn như những tấm thảm rực rỡ trải dài hai bên đường. Chẳng biết đó là hoa gì nhưng tôi cứ nói:
- Tôi nghi đây là những cánh đồng hoa mù tạt tức cây cải bẹ xanh già ra ngồng hoa mầu vàng chóe. Chắc họ trồng để làm mù tạt (?)
Phải chăng tôi bị ám ảnh bởi hiệu mù tạt Dijon của Tây thường quảng cáo trên TV tôi coi lâu lắm rồi? Tôi không biết phải tra cứu ở đâu để biết rõ những cánh đồng hoa vàng đó là hoa gì. Xa lộ nào ở Pháp cũng có những cánh đồng hoa vàng hai bên đường này cả.
Chateau Amboise
Về sau hỏi bạn ở Pháp thì được cho biết: Các đồng hoa vàng chóe trên đường đi là "colza”, một loại hoa như hoa hướng dương, để làm dầu ăn. Bây giờ nghiên cứu cho thấy có thể chế thành dầu để cho vào xe hơi chạy, nên các đồng colza lại càng nhiều hơn, đến nỗi bỏ cả đồng lúa mì để trồng colza.
Cảnh vật hai bên đường từ Paris về miền sông Loire rất là xanh tươi, thỉnh thoảng lại thấy những cánh rừng dầy đặc. Sách du lịch cho biết: nước Pháp có nền nông nghiệp rất phát triển, đa số đất đai của họ là dùng trong nông nghiệp. Có lẽ vì thế mà khoảng trống và xanh của họ rất nhiều, ngay cả nơi những đô thị.
Anh Bình, một dân hướng đạo từ nhỏ và bây giờ là huynh trưởng hướng đạo, hôm nay là hướng dẫn viên cho chúng tôi. Anh vừa lái xe vừa nói chuyện thật vui. Anh cho biết thích đi thăm lâu đài cổ nước Pháp và có nghiên cứu nhiều về đề tài này. Tiếc thay, tôi ngồi đằng sau, buồn ngủ vì mấy hôm nay thức khuya dậy sớm hơi nhiều nên theo dõi câu chuyện chữ được chữ mất. Tuy nhiên tôi cũng còn nhớ sơ sơ những điều anh nói:
Chateau Amboise
- Sông Loire là một trong 5 fleuves, khác với rivières là nó chảy ra biển trong khi rivière đổ vào một rivière khác hay đổ vào fleuve, của nước Pháp, dài nhất, nhưng cũng hiền hòa nhất, đổ ra Océan Atlantique. Dòng vua lớn nhất của Pháp khởi thủy từ Orléans, nên chung quanh sông Loire rất nhiều château, lớn nhỏ đủ cỡ. Là miền thấp, nhiều đồng ruộng trù phú và rừng, để săn bắn.
- Thung lũng sông Loire là nơi phát xuất nhiều dòng vua. Rất nhiều ông vua đã khởi nghiệp từ đây. Lên làm vua rồi thì ông nào cũng muốn xây lâu đài bự cả. Bởi vậy vùng này có rất nhiều lâu đài, khoảng hơn 300 cái. Quan cũng xây lâu đài nhưng thường nhỏ hơn của vua.
- Từ sau cách mạng 1789, nhiều vua quan mất đầu, lâu đài bỏ hoang, bị hư hại, vật dụng bên trong bị lấy mất hết. Thời Thế Chiến I và II, nhiều lâu đài được sử dụng như tổng hành dinh quân đội, bây giờ một số vẫn còn được sử dụng như vậy.
Chateau Amboise
- Hiện nay, nhiều lâu đài được trùng tu, biến thành nhà ở hay khách sạn. Trừ những lâu đài tư nhân, một số lớn các lâu đài do chính quyền địa phương cai quản, một số do chính quyền quốc gia, biến thành những địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách.
- Muốn mua lâu đài làm của riêng cũng được nhưng ít ai dám mua vì luật nhà nước bắt buộc mua rồi thì phải bảo trì, phải sử dụng những vật liệu y như lâu đài nguyên thủy khi trùng tu. Mà những thứ này rất đắt, thí dụ viên ngói lát mái nhà là loại đá núi lửa đặc biệt có từng lớp mỏng được cắt thành viên ngói, không viên nào giống viên nào vì là thiên nhiên.
- Cái đặc biệt của tất cả các lâu đài này là không có cầu tiêu nhà tắm. Trả lời câu hỏi vậy người xưa bài tiết ở đâu, anh nói: vô rừng.
- Chung quanh mỗi lâu đài thường là cả một cánh rừng để vua quan ra săn bắn. Có lẽ vì thế mà đất Pháp nhiều cây, nhiều rừng vô số kể (chứ không phải rừng chỉ là chỗ cho họ ra giải quyết nhu cầu!)
Chateau Amboise
Bạn sống ở Pháp cho biết thêm:
- Không có cầu tiêu nhà tắm là đúng, nhưng đi "vô rừng" thì chắc không dám đâu, mùa đông lạnh lắm. Lúc bé thế nào các bạn chẳng đi ... vào "bô". Ta bị Tây đô hộ nên nhiều chữ VN do tiếng Pháp đọc trại ra. "Bô" là do chữ "pot" của Tây. Họ đi vào đó, và đem đi đổ. Château de Versailles mới hơn nên đã có cầu tiêu, nhưng vẫn tắm trong bồn. Các bồn tắm đẹp lắm nhưng để giữa nhà chứ không xây như bi giờ! Để giữa nhà để người đứng chung quanh kỳ cọ hộ. Vua chúa mà. Còn không có bồn thì tắm nước hoa! Vì thế nên kỹ nghệ nước hoa rất phát triển.
Lâu đài Clos Lucé và lâu đài Ambose
Lâu đài đầu tiên chúng tôi viếng là nhà ở cuối đời của Leonardo da Vinci, tên là “Chateau du Clos Lucé”. Lâu đài này thì chỉ lớn bằng một tòa biệt thự nhỏ nhưng cũng có vườn cây cảnh chung quanh rất rộng và xanh mát mắt, như một cánh rừng nhỏ. Anh Bình chỉ cho thấy cái “triện” của vua Francois đệ nhất trên mặt tiền lâu đài. Có cái triện đó là biết chắc đây là nhà của Francois, dành cho da Vinci ở. Lâu đài nào cũng có triện của chủ cả.
Chateau Amboise
Nhà có 2 tầng và 1 tầng hầm, cách trưng bày đơn sơ, kiểu một nhà giàu hạng trung, có đủ phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, phòng ngủ. Đồ đạc trông rất là “antique”, cũ kỹ, phai mầu, nhưng không hiểu là đồ cổ thật hay mới được cho vô sau này. Có rất đông người đến viếng, một số lớn là các em học sinh được thầy cô dẫn đi. Các em này thật có phước, được thấy tận mắt những di vật lịch sử cổ xưa đã được giữ gìn tới ngày nay. Đi trong căn nhà cổ này, tưởng tượng hình dáng lụm khụm (vì là cuối đời) của Leonardo da Vinci đi qua đi lại, ngồi ở những chiếc ghế, bước lên bước xuống thang lầu, cũng thấy đáng đồng tiền bát gạo. Họ không cho chụp hình trong nhà nên khó có hình cho độc giả ngắm. Một điều tôi nhận xét thấy là chiếc giường rất ngắn, giống như cho đứa bé 11 tuổi nằm, dù cũng khá rộng. Tôi hỏi:
- Bộ hồi xưa dân Pháp, Ý lùn vậy sao cà?
Anh Bình cười:
- Không phải đâu. Họ cũng cao lớn như bây giờ vậy. Nhưng hồi xưa người ta tin rằng nằm thẳng cẳng ra ngủ thì có thể chết luôn. Vì thế họ nằm đầu cao hẳn lên, do đó, cái giường ngắn lại.
Chateau Amboise
Cũng hay! Học được một cái mới. Thảo nào mà đầu giường kê những chiếc gối cao nghều nghệu.
Xuống tầng hầm, ta sẽ được thấy mẫu hiện thực những sơ đồ của Leonardo vẽ từ mấy trăm năm trước. Đủ cả: cầu treo, xe tăng, xe đạp, cầu nổi..., chỉ ở dạng thu nhỏ. Quan sát những vật dụng này mới thấy tài nghệ của ông da Vinci, một thiên tài bao trùm nhiều lãnh vực khoa học và nghệ thuật. Thời xưa sao quá nhiều thiên tài, bây giờ họ ở đâu? Một chuyện mình có thể thấy được trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, từ Đông sang Tây: nghệ sĩ, thiên tài không bao giờ giầu cả. Lúc nào họ cũng phải tùy thuộc vào những ông nhà giầu hoặc những ông vua. Ông nào có con mắt tinh đời, hiểu biết một chút thì trọng vọng, nuôi nấng thiên tài. Gặp nhằm người “thiếu văn hóa” thì thiên tài dễ thành thiên tai, qua đời sớm. Được một cái là thời bây giờ những nhân tài (chưa cần là thiên tài) cỡ Yo Yo Ma, Steven Spielberg, Bill Gates..., đều có thể “cash in” cái tài của họ và trở thành tỉ phú được, không như thời xưa.
Chateau Clos Luce
Tòa nhà nhỏ kế bên có “gift shop” bán đủ thứ hầm bà lằng kể cả sách, đa số có liên hệ tí ti tới Leonardo và đều có in khuôn mặt râu ria rậm rạp của ông. Tôi mua mấy miếng magnet để gắn lên tủ lạnh, có khắc những câu danh ngôn của ông.
Rời lâu đài Clos Lucé, chúng tôi đi viếng lâu đài Amboise, cách đó không xa. Lâu đài này trông không lớn lắm, có giả thuyết cho rằng đây chỉ là một phần nhỏ, lâu đài nguyên thủy to gấp 10 lần hơn nhưng đã sụp đổ không còn dấu vết, chỉ còn lại phần nhỏ như ta thấy đây. Nơi đây xưa kia là chỗ ở của rất nhiều vị vua với những dạ tiệc khiêu vũ hóa trang xa hoa, có cả đốt pháo bông do chính Leonardo da Vinci chế. Ông đến vùng Amboise này năm 1516, làm họa sư, kỹ sư, kiến trúc sư cho nhà vua. Nhờ ông đem theo nhiều bức tranh trong đó có bức Mona Lisa nên khi ông chết, tài sản thuộc về vua Francois và mặc nhiên nước Pháp được hưởng bức tranh nổi tiếng nhất thế giới này đem về treo ở viện bảo tàng Louvre. Chắc nước Ý phải tiếc hùi hụi vì da Vinci là dân Ý.
Chateau Chenonceau
Sau những dâu biển, trong đó có thời gian lâu đài bị dùng làm nhà tù (sao lâu đài nào cũng bị dùng làm nhà tù vậy cà, làm tôi nhớ tới lâu đài “Đíp”, nơi nhốt anh Dantes, trong truyện “Bá tước Kích Tôn Sơn” đọc thuở nào) và thời gian mặt tiền của nó treo hằng trăm xác chết của những kẻ dám làm cách mạng, lâu đài vẫn còn đứng vững với những tháp canh, những mái nhà cầu kỳ có những chiếc ống thoát nước hình những con quỷ. Hào sâu chung quanh đã cạn nước, nhiều nhà được xây trên đó. Một đặc điểm nữa của lâu đài Amboise là đường xoắn ốc từ tầng dưới cùng lên tới tầng trên cùng. Xe ngựa có thể chạy từ dưới lên hay trên xuống, nhà vua không cần phải leo cầu thang chi cho mệt, một bước là lên xe xuống ngựa. Làm vua sướng như vậy đó. Phòng ốc bên trong đa số bỏ trống, ít đồ đạc, khó tưởng tượng được đời sống của vua trong ấy ra sao.
Hiện lâu đài được quản lý bởi hậu duệ của các vua ngày xưa, khai thác thành địa điểm du lịch.
Chateau Chenonceau
Cũng như những lâu đài khác, Amboise có một ngôi nhà thờ nhỏ dành riêng cho gia đình vua vào đó cầu nguyện, được coi như một hình ảnh tiêu biểu của kiến trúc Flamboyant Gothic. Leonardo da Vinci đã được chôn trong ngôi nhà nguyện này, có bia mộ ghi tên rõ ràng. Ngôi nhà nguyện tuy nhỏ nhưng trang trí thật đẹp, đầy những chạm trổ tỉ mỉ.
Thiệt phải nói là mấy ông vua hồi xưa “xài” người tận tình. Bao nhiêu là công trình xây cất to lớn, những điêu khắc đẹp đẽ dẫy đầy, tốn rất nhiều công sức của dân đen. Tôi nhớ tới những lời nhà văn Doãn Quốc Sĩ đã viết trong vài cuốn sách của ông: dân Việt mình không nên thấy những kiến trúc đồ sộ của người mà tủi thân. Nước Việt không có những lâu đài, dinh thự đồ sộ chứng tỏ vua mình thương dân, không bóc lột công sức của họ. Cũng là một cách để tự an ủi chăng? Chỉ biết đứng trước những lâu đài thành quách này, mình thấy biết ơn những người dân đã dựng nên chúng thuở xa xưa nào đó khiến mình có những cảnh đẹp mà ngắm bây giờ.
Chateau Chenonceau
Lâu đài Amboise nằm ngay bên con sông Loire. Đứng cạnh tường thành của một tháp canh, chúng tôi có thể thấy dòng Loire lặng lờ uốn khúc bên dưới. Hai bên bờ cây cối xanh tươi, nhà cửa thưa thớt nhưng rất đẹp với những mái ngói thật dốc, “để tuyết chảy xuống cho nhanh, không đọng lại ở mái”, tôi nghe ai đó giải thích với đôi tai lơ đãng.
Lâu đài Amboise cũng có khoảng trống chung quanh mênh mông, được chăm sóc cẩn thận với những đám cỏ mượt mà, những luống hoa đầy mầu sắc, những cây cổ thụ thân thật to và cành lá thật mượt mà.
Ngay vòng ngoài lâu đài là thành phố nhỏ hiền hòa Amboise, có những ngõ hẻm, tiệm ăn, cửa hàng... rất đẹp với một vẻ cổ kính nào đó.
Lâu đài Chenonceau
Chateau Chenonceau
Cách khoảng nửa tiếng lái xe là lâu đài Chenonceau, cái thứ ba chúng tôi đến viếng. Lâu đài có rất nhiều người thăm viếng hôm nay, ra vào tấp nập trông rất bận rộn mặc dù khuôn viên lâu đài thật rộng lớn, bao quanh bằng những rừng cây ngút ngàn. Từ cổng vào, chúng tôi đi qua hai hàng cây cao vút làm thành một vòm cổng chào ngoạn mục. Những hào nước chung quanh vẫn còn đầy ngập nước xanh, có cho mướn thuyền du ngoạn trên ấy. Lâu đài này mới hơn Amboise và vẫn còn nguyên vẹn, nằm vắt ngang con sông Cher, bên kia sông là rừng rậm. Bà hoàng Diane de Poitiers, bồ nhí của vua Henry II, đã sai ông kiến trúc sư xây như vậy để bà có thể vào rừng săn bắn thoải mái mà không cần phải qua sông. Diane de Poitiers là tay săn bắn có hạng. Trong khu vườn ở Fontainebleau, có tượng của Diane de Poitiers.
Lâu đài cao 3 tầng, được mở rộng cửa để du khách có thể vào xem ngày xưa vua chúa sống như thế nào. Có thể nói tòa lâu đài này được bảo quản rất kỹ lưỡng, phòng nào cũng trang hoàng đầy đủ, hoa tươi chưng khắp nơi, giường trải chăn màn đầy đủ. Đẹp nhất là những bức tranh trên các tường và những bức thảm thêu tapestries, công nghệ đặc biệt Tây phương, và trần nhà cũng được trang trí lộng lẫy. Có lẽ đặc biệt nhất là căn phòng của bà hoàng Louise, góa phụ vua Henry III, phủ toàn một mầu đen từ trần đến giường chiếu, chăn màn... Nghe nói bà đã trang hoàng như vậy, để tang ông vua suốt 11 năm trời.
Chateau Chenonceau
Lâu đài Chenonceau có khu bếp rất đẹp, nồi niêu xoong chảo đồng bóng loáng, chén bát thì hằng hà sa số, đến từ những nơi nổi tiếng nhất, từ đồ gốm cho đến pha lê, bạc, vàng...
Điều đáng nói là lâu đài thì cũng vừa tầm thôi, không có chi lớn lắm nếu so sánh với những lâu đài khác, nhưng hai bên lâu đài là hai ngôi vườn rộng mênh mông và tiêu biểu cho vườn Tây, nghĩa là đối xứng, vuông vức đến mực, trông như bàn cờ vua vậy. Bước đi trong những vườn này thì không thấy rõ sự đối xứng và cái mênh mông của chúng nhưng nhìn những hình chụp từ trên cao xuống thì rõ ràng là những bàn cờ với những đường ngang, dọc, chéo, những khoảnh tròn ở giữa hay ở những góc.
Cầu treo
Theo lời một người bạn thì nếu nói về vười kiểu Pháp thì phải nói đến ông Le Nôtre (sau Chenonceau gần một thế kỷ), làm vườn cho Château de Versailles, mới là đúng mẫu vườn Tây. Le Nôtre cũng thiết kế đại lộ nổi tiếng Champs Elysées.
Lâu đài nào thì cũng có những tiệm bán đồ kỷ niệm để móc túi mình. Nhưng thích nhất là những quyển sách in quá đẹp nói về tiểu sử của những lâu đài, hình chụp từng phòng, từng góc cạnh... của chúng. Đủ thấy dân Tây, sau bao biến chuyển của lịch sử, có lúc những tòa lâu đài này bị bỏ hoang, bị tàn phá tới bến, bây giờ họ ý thức quá rõ ràng cái di sản của người xưa để lại cho họ và tìm cách giữ lại cho đời sau. Điều thấy được là lâu đài của Tây xây toàn bằng đá, lại xây được hai ba tầng lầu nên quá bề thế và đứng vững, trơ gan cùng tuế nguyệt.
Xe tang
Ra về, thì bao giờ cũng vậy, trông người mà ngẫm đến ta, để thấy khá là ngậm ngùi cho quê hướng đất nước Việt Nam.
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
"Khe vực ma ám" ở Nhật Bản nơi từng vùi sác của 55 kỹ nữ hoa khôi thời phong kiến Nhật
Thời điểm đó 1570 là Shingen gần chết, lúc đó vừa làm hoà với nhà Uesugi để tiến đánh Tokugawa, ngoài gạo với muối ra thì kim loại, vàng cũng ...
Cảnh tượng thị trấn Sapa đỏ rực như chìm trong “biển lửa” khiến du khách hốt hoảng nhưng thích thú
Sự tương phản giữa ánh sáng đỏ vàng của đèn đường và những lớp sương dày khiến cả thị trấn như chìm trong một khung cảnh siêu thực.
Người Sherpa – những người hùng thầm lặng và cô độc trên đỉnh Everest
Dân Sherpa được biết đến là một trong những nhóm người leo núi giỏi nhất thế giới. Nhiều người Sherpa làm dịch vụ dẫn đường và khuân vác hành lý, ...