Mẹo Vặt

Luật GMO đã thành hình tại Mỹ

Tuesday, 11/07/2017 - 07:51:39

Như vậy kể từ nay, giới nội trợ không còn băn khoăn khi phải chọn lựa thực phẩm nữa nhé! Nhưng những người đa nghi thì nói

Bài VŨ HẰNG

Cuộc bàn cãi về vấn đề hay dở của thực phẩm biến tính di truyền (GMO) vẫn là chuyện đang được bàn cãi ở nước Mỹ. Vì thế giới kinh doanh thực phẩm tận dụng thời gian còn được múa gậy vườn hoang để xả hết ra thị trường những gì họ có thể khai thác được từ kỹ thuật biến tính di truyền. Đến nỗi các nhà quan sát phải kêu lên: Có đến 75% thực phẩm mà người dân Mỹ mua từ siêu thị hiện nay đều là GMO cả! Trước áp lực của dư luận đòi hỏi quyền được biết, rốt cuộc nhà nước Mỹ cũng phải có tiếng nói. Cách đây gần 1 năm, chính xác là ngày 29 tháng Bảy, 2016, nguyên Tổng Thống Barack Obama đã ký một đạo luật buộc giới sản xuất nông phẩm phải làm cách nào đó để giới tiêu thụ được biết nếu thực phẩm có GMO. Như vậy kể từ nay, giới nội trợ không còn băn khoăn khi phải chọn lựa thực phẩm nữa nhé! Nhưng những người đa nghi thì nói: Khoan, đừng vội mừng! Chúng ta thử tìm hiểu về cái luật mà cả thế giới đang chờ đợi nơi nước Mỹ này xem sao.


Dân Mỹ xuống đường đòi hỏi “quyền được biết” để áp lực chính quyền ra luật buộc nhà sản xuất dán nhãn GMO

Luật mới về GMO

Luật mới buộc nhà sản xuất phải dán nhãn ghi rõ nguồn gốc GMO của thực phẩm bằng 1 trong 4 cách sau đây:
- Ghi chữ GMO trên nhãn hiệu
- Không ghi rõ chữ GMO, nhưng thay vào đó là một ký hiệu chung được thừa nhận. Ký hiệu này hiện chưa được phác thảo, nên không ai biết mặt mũi nó ra sao.
- Ghi số điện thoại 1-800 để khách hàng nào muốn biết thì gọi để hỏi xem thành phần GMO trong sản phẩm này như thế nào.

- Một mã số điện tử (barcode) mà khách hàng phải dùng điện thoại thông minh (smart phone) để “rà” mới được chuyển vào một trang mạng chuyên môn để tìm hiểu về thành phần GMO trong thực phẩm mình định mua.


Trong lúc này, nếu nghi ngờ về thực phẩm biến tính di truyền, tốt nhất bạn nên chọn những thứ có ghi rõ NON-GMO

Các bạn có thấy những qui định này thật đáng mắc cười không? Thay vì chỉ ghi một chữ GMO đơn giản là mọi người hiểu, luật của ông Obama lại “chỉ đường cho hươu chạy” bằng rất nhiều cách thức phức tạp làm lóa mắt những khách hàng ít chữ ít học như chúng ta! Ai có đủ tiếng Anh, tiếng “em” để quay số điện thoại 1-800 mà hỏi đây? Ai biết cách rà barcode để lên mạng Internet tìm hiểu đây? Những sự khó khăn này khiến những người không nghi cũng phải đặt câu hỏi: Có gì không hay cần giấu diếm mà phải làm khó nhau vậy ta?

Khi nào luật dán nhãn GMO có hiệu lực?

Nhưng cái luật này, nếu muốn coi là một quyền lợi của dân chúng, vẫn chưa được áp dụng. Trước tiên, bạn phải chờ hai năm kể từ sau ngày tổng thống ký ban hành để các cơ quan liên hệ có thời gian nghiên cứu hầu đưa ra những qui định chi tiết. Chúng ta đã chờ một năm, vậy chỉ còn chờ thêm một năm nữa là giới nội trợ có thể thấy nhãn hiệu GMO trên các mặt hàng ở chợ?

Không đâu! Luật mới không hề nói bao giờ sẽ được áp dụng.
Thêm nữa, ngay cả khi bắt đầu được áp dụng, những đại công ty - cỡ như công ty sản xuất sữa bột Nestle chẳng hạn - sẽ phải thi hành dán nhãn trước; Các công ty nhỏ - gọi là nhỏ theo tiêu chuẩn của nhà nước, tức là có dưới 500 công nhân – sẽ được trì hoãn thêm 1 năm. Những công ty thực phẩm nhỏ hơn – với doanh số dưới 1 triệu đô một năm, như nhà hàng, tiệm bánh, tiệm giải khát…. – thì không bao giờ phải thi hành luật dán nhãn cả.


Nếu các cuộc vận động thành công, bạn có thể tìm thấy nhãn hiệu GMO như thế này trên một số nông phẩm

Những thực phẩm nào sẽ được dán nhãn?

Nhưng dù có phải chờ đợi lâu đến thế nào, sớm muộn cái ngày mà công chúng được nhìn thấy cái nhãn GMO xuất hiện cũng phải tới. Ấy vậy mà nếu bạn sống tới ngày đó, có thể bạn cũng chẳng bao giờ nhìn thấy nó trên những thực phẩm rất đáng tình nghi. Là vì, luật nói rằng chỉ có những nông phẩm được biến tính di truyền ngay từ nguyên thủy – như bắp, đậu nành, củ cải đường, canola…. – mới buộc phải dán nhãn. Còn những sản phẩm đã được chế biến qua nhiều công đoạn thì dù có phải dùng tới những nguyên vật liệu GMO – như các loại dầu ăn, dù có làm từ bắp, từ đậu nành, từ canola… Thịt, sữa, bơ, trứng và các sản phẩm từ các loại gia súc được chăn nuôi bằng thực phẩm GMO – cũng không buộc phải dán nhãn.
Đó là theo ngôn ngữ của luật. Trên thực tế, thứ nào phải dán nhãn, thứ nào không lại sẽ được Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ lọc lựa một lần nữa trước khi công bố chi tiết vào ngày luật được chính thức áp dụng.

Kết luận

Như vậy thì … có luật cũng như không! Trong lúc này, nếu quá lo lắng về những rủi ro mà thực phẩm biến tính di truyền có thể mang lại, bạn đành phải đi tìm những thứ nào mang nhãn NON-GMO hoặc Organic vậy nhé.
Vuhang231@yahoo.com

 

Tags #GMO

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT