Một chút sẻ chia lặng lẽ, nhưng đủ để Sài Gòn trở nên đặc biệt. Người trả quên, người được trả cũng quên, nhưng cái tình thì còn mãi.
Ảnh Sài Gòn xưa
Ở Sài Gòn, thỉnh thoảng bạn đi ăn tiệm và lúc đứng lên móc bóp gọi tính tiền thì bạn nghe chủ quán nói, nãy có người/ anh kia/ chị kia... trả rồi, bạn khựng lại đôi chút, rồi cười. Đôi khi bạn biết người đã trả tiền cho mình vì nãy vào quán có nhận ra người quen hoặc nói đôi câu xã giao, nhưng cũng có lúc bạn chịu không nhớ ra là ai, bạn cố gắng hỏi chủ quán xem dung mạo người ấy thế nào, người ta có nói gì không, hỏi vậy thôi chớ dắt xe ra khỏi quán bạn cũng quên, người trả tiền cho bạn thì còn quên mau hơn, nhét cái bóp vô túi là họ quên, chủ quán cũng chẳng để ý đâu, mỗi ngày quán đó có hàng biết bao khách trả tiền qua lại kiểu đó, chuyện nhỏ mà.
Tôi cũng có vài lần được trả tiền "giùm" kiểu đó, mới đầu tôi ngại lắm, cứ mang tâm lý biết ơn mãi, nhưng sau thấy cũng bình thường, thay vì cảm kích người đã trả tiền cho mình, tôi chọn cách của Sài Gòn, là trả tiền cho người khác nữa, vậy đi.
Thường thì việc "có người trả rồi" này chỉ dừng ở mức nho nhỏ như tô phở, ly cà phê, dĩa cơm tấm... nhưng cũng có khi là chầu lẩu dê năm bảy người hay một bữa nhậu say ngoắc cần câu, dù số tiền trả là bao nhiêu thì nó cũng thành chuyện nhỏ, tôi chắc là không ai nhớ, người được trả không nhắc, người trả cũng không kể, chuyện chỉ có Sài Gòn và ông chủ quán biết mà thôi.
Có điều hay, như một cái luật, ở Sài Gòn, là người chủ quán không bao giờ ăn gian số tiền đó, ví như nếu người chủ quán nhận tiền của người trả giùm mà lát sau vẫn ra tính tiền của người được trả thì đâu ai biết nè, nhưng mà không có, ở Sài Gòn không có chuyện đó, chỉ là nụ cười đẫm mồ hôi dầu mỡ và cái khoát tay, bàn này có người tính tiền rồi.
FB Đàm Hà Phú
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Điều con cái đừng bao giờ được oán trách chính cha mẹ
Đối với văn hóa Á Đông nói chung và người Việt nói riêng thì yêu thương Cha Mẹ không chỉ là bổn phận mà còn là phúc phần cho chính ...
Đầu thai chuyển kiếp theo Phật Giáo
Khi Mimi rời xa tay ba, sự sống rời bỏ thân thể của con, ba biết là con đã đầu thai chuyển kiếp
Đức Phật quan niệm về cái chết, và sư Minh Tuệ cũng cùng quan niệm trên đường tu tập về đất Phật
Sư Thích Minh Tuệ đang trên đường tu tập theo 13 hạnh đầu đà của Đức Phật, nhân chuyện này ta hãy tìm hiểu quan niệm về cái chết của ...