Pháp Luật

Ly dị: Cấp dưỡng vợ chồng

Thursday, 28/01/2010 - 03:28:46

Theo luật của California, khi lập gia đình, hai bên đều có trách nhiệm săn sóc cho nhau, và chu cấp (support) cho nhau khi sống chung và ngay cả sau khi ...

Luật Sư Trần Khánh Hưng


Ở nước Mỹ, mỗi tiểu bang có những luật lệ riêng về luật gia đình.



Theo luật của California, khi lập gia đình, hai bên đều có trách nhiệm săn sóc cho nhau, và chu cấp (support) cho nhau khi sống chung và ngay cả sau khi không còn sống chung với nhau nữa. Điều này có nghĩa là cả người vợ lẫn người chồng, nếu là người có khả năng tài chánh hơn người kia, đều có thể là người cấp dưỡng cho nguời phối ngẫu. Sau khi ly dị, trách nhiệm về cấp dưỡng vợ chồng còn tùy theo từng trường hợp, và tùy thuộc vào nhu cầu của người nhận và khả năng chu cấp của người trả tiền. 


Tôi sẽ được lãnh tiền cấp dưỡng vợ chồng bao lâu?

Việc cấp dưỡng vợ chồng tuỳ thuộc vào thời gian hai vợ chồng chung sống.  Thông thường, những cuộc hôn nhân kéo dài dưới 10 năm, thì việc cấp dưỡng thường là nửa thời gian chung sống. Còn nếu hôn nhân dài từ 10 năm trở lên, thì cấp dưỡng sẽ kéo dài cho đến khi người phối ngẫu lập gia đình lại, hoặc họ có thể sống tự lập được. Ngay cả trong những cuộc hôn nhân lâu dài trên 10 năm, mục đích của việc cấp dưỡng vẫn là để cho người nhận cấp dưỡng có thời gian để tự lập


Những yếu tố nào ảnh hưởng đến số tiền cấp dưỡng vợ chồng?

 Số tiền cấp dưỡng sẽ còn tùy thuộc vào những yếu tố sau đây:

Khả năng kiếm tiền (earning capacity) của vợ hay chồng, để giữ mức sống trong lúc chung sống (standard of living during marriage), tùy theo kinh nghiệm, khả năng và thị trường hiện tại.

Khả năng chu cấp của người phải chu cấp dựa trên học vấn, kinh nghiệm, lợi tức và mức sống (standard of living).

Nhu cầu của người được cấp duỡng để duy trì mức sống lúc chung sống.

Tài sản và trách nhiệm, kể cả tài sản riêng, của hai bên.

Thời gian hôn nhân.

Tuổi tác và sức khoẻ của hai người.

Những bằng chứng về việc bạo hành vợ chồng.

Nếu đang giữ con nhỏ, khả năng tìm việc hay làm việc của người cần cấp dưỡng mà không ảnh hưởng đến con cái.

Quan tòa sẽ cân nhắc gánh nặng và trách nhiệm của đôi bên (balance of hardships).

Ngoài ra, quan tòa cũng sẽ xét đến khả năng tài chánh của người được cấp dưỡng và những tài sản riêng của họ để tự lậpï, hoặc khả năng tài chánh của người phải trả tiền cấp dưỡng, nếu chính họ cũng có những trách nhiệm cấp dưỡng cho vợ khác, hay con riêng của họ.


Nếu hai bên đồng ý thì cấp dưỡng vợ chồng có thể được miễn không?

Nếu có sự thỏa thuận của hai bên, thì cấp dưỡng vợ chồng sau khi ly dị có thể được miễn. Tuy nhiên, cho những cuộc hôn nhân lâu dài trên 10 năm, dù cấp dưỡng vợ chồng được miễn khi ly dị, thì sau này tòa vẫn có quyền thay đổi điều này nếu cần. Còn trường hợp hai người đang là vợ chồng và đang sống chung với nhau, thì không được miễn sự săn sóc, chu cấp cho nhau trong khi chung sống, dù là có hợp đồng thỏa thuận.

Ngoài ra, một trong những điều kiện để cấp dưỡng vợ chồng, là khi lập gia đình phải có sự chung sống, nghĩa là nếu hai bên thỏa thuận việc ở riêng bằng hợp đồng, thì cả hai bên đều không phải lo việc chu cấp cho nhau nữa, ngoại trừ trường hợp hai bên đồng ý việc chu cấp cho nhau, có ghi rõ trong hợp đồng.


Một người có thể trả tiền hay trao đổi tài sản của họ để bảo đảm sự săn sóc của người phối ngẫu khi họ bị bệnh sau này không?

Theo luật của California, trách nhiệm săn sóc và chu cấp cho người phối ngẫu là bổn phận của hôn nhân, vì vậy, không thể dùng điều này để đổi lấy những tài sản khác. 

Thí dụ, người chồng bị bệnh ung thư, ký hợp đồng ghi là nếu người vợ săn sóc ông trong khi ông bị bệnh, thì người vợ sẽ được hưởng nửa gia tài riêng của người chồng. Hợp đồng này sẽ không có giá trị trước luật pháp, vì săn sóc người phối ngẫu là bổn phận đương nhiên trong hôn nhân.


Tôi không đi làm, vậy tôi có thể xin tiền cấp dưỡng vợ chồng trong khi làm thủ tục ly dị không?

Bạn có thể xin tòa một buổi họp (hearing) để xin tiền cấp dưỡng vợ chồng tạm thời, trong thời gian làm thủ tục ly dị. Tòa thường có cách để tính tiền cấp dưỡng vợ chồng tạm thời, dựa theo mức thu nhập của hai bên, chứ không nhất thiết dựa vào những yếu tố nói trên. Tuy nhiên, nếu có con cái còn được cấp dưỡng, phần cấp dưỡng con cái sẽ được tính trước, rồi mới đến cấp dưỡng vợ chồng.


Hiện giờ tôi không có việc làm, nếu ra buổi họp để xin tiền cấp dưỡng tạm thời, quan tòa có bắt tôi phải kiếm việc không?

Trong những buổi hearing để xin cấp dưỡng tạm thời, mục đích chính của quan tòa không phải là việc tìm hiểu xem người cần cấp dưỡng có kiếm đuợc việc làm không, mà là để cho người cần cấp dưỡng đủ tiền thu nhập, để họ có thể sống tiếp tục với mức sống lúc hai người chưa ly dị. Tuy nhiên, nếu người nhận tiền cấp dưỡng là người bạo hành nguời phối ngẫu (abusive spouse), thì tòa sẽ không cho phán quyết cấp dưỡng cho họ.


Chồng tôi có gia đình trước khi lấy tôi, mà tôi không biết. Tôi nghe nói hôn nhân của tôi không có giá trị (nullity), vậy tôi có bị mất tiền cấp dưỡng vợ chồng không?

Ngay cả trong trường hợp hôn nhân bị hủy bỏ vì không có giá trị, nếu bạn không biết về việc người chồng có vợ trước, nghĩa là vẫn tin tưởng hôn nhân là hợp pháp, thì bạn được coi là người phối ngẫu vô tội (putative spouse), thì vẫn có thể xin được tiền cấp dưỡng như khi hôn nhân có hợp pháp.


Tôi muốn ly dị, nhưng chồng tôi nói sẽ không ra tòa, vậy tôi có thể đòi tiền cấp dưỡng vợ chồng không?

Nếu bạn là người đưa đơn ly dị (petitioner), và người phối ngẫu không ra tòa, thì bạn sẽ được xử theo hình thức khiếm diện (default), và được những điều bạn đòi trong đơn ly dị, nếu có sự chứng minh hữu lý. Tuy nhiên, nếu bạn không đòi trong đơn ly dị, thì sự cấp dưỡng vợ chồng không đương nhiên mà có. Hơn nữa, khi bạn không đòi tiền cấp dưỡng trong đơn ly dị, nếu bạn được xử theo hình thức khiếm diện, thì sau này tòa vẫn được quyền quyết định về vấn đề này trong tương lai.


Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về những vấn đề ly dị, không phải là cố vấn luật pháp.  Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT