Mạn đàm với hai Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Ngọc Bích
Tuesday, 21/04/2009 - 11:24:35
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là cựu Giám đốc Việt Tấn Xã trước 1975 và cựu Giám Đốc Ban Việt ngữ đài phát thanh Á Châu Tự Do, cựu Giáo sư ...
(Giáo sư Nguyễn Ngọc
Bích (bên trái) và Giáo sư Nguyễn Văn Sâm tại Thư viện nhật báo Viễn Đông)
Bài và ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông
WESTMINSTER (California) - Nhân dịp đến Viện Việt Học tại Nam California ra mắt hai tác phẩm, Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn và Lộc Minh Đình Thi Thảo, vào ngày 11-4-2009 vừa qua, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Văn Sâm, hai trong số 7 soạn giả có công soạn bộ Tự điển nói trên, đã dành cho nhật báo Viễn Đông một buổi mạn đàm để tìm hiểu thêm về chữ Nôm mà hai vị đã dày công nghiên cứu và cùng 5 vị khác bỏ thời gian 5-6 năm trời để hoàn thành bộ tự điển quý giá này.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm nguyên là Giáo sư các trường Trung
học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, Petrus Ký Sàigòn, Giảng sư Đại học Văn Khoa
Sàigòn, Giáo sư thỉnh giảng các viện Đại học Cao Đài Tây Ninh, Hòa Hảo Long
Xuyên, Cần Thơ. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm
hiện định cư tại Texas và dành rất nhiều thì giờ nghiên cứu chữ Nôm. Ông là tác
giả gần 10 tác phẩm và hiện là Trưởng Ban Văn Chương của Viện Việt Học tại Nam
California.
Ngồi bên tách trà nóng chúng tôi hỏi hai vị Giáo sư:
- Những người không học, không nghiên cứu chữ Nôm thì thấy
chữ Nôm và chữ Hán giống nhau. Xin Giáo sư chỉ cách phân biệt.
Giáo sư Nguyễn Văn
Sâm nói:
- Tôi lấy một ví dụ, người Pháp họ dùng bữa bằng muỗng, dĩa;
người Việt mình dùng đũa, khác nhau chứ! Cũng tương tự, vì xưa kia nước mình
không có chữ sẵn nên các vị tiền bối của ta mượn chữ Hán mà làm ra chữ Nôm. Mặc
dầu vậy, người Hán không đọc được chữ Nôm của mình, mà họ dựa theo chữ Hán để đoán
nghĩa các bản văn Nôm của ta thì sẽ rất nhiều sai lầm tai hại.
Tôi lại hỏi:
- Thưa Giáo sư, trong buổi ra mắt hai tác phẩm hôm rồi, các
Giáo sư có nói rằng việc phiên âm các tác phẩm chữ Nôm sang quốc ngữ là một nhu
cầu cấp bách trong thời đại ngày nay. Tại sao lại nhu cầu cấp bách?
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm cho biết:
- Những người đi trước đã để lại một kho tàng chữ Nôm rất
quý, một số đã được phiên dịch sang chữ Quốc ngữ La tinh, nhưng còn một số
nhiều đang nằm rải rác trong các thư viện, ngoại quốc cũng có song nhất là
trong dân gian. Vậy nếu chúng ta không tìm tòi để phiên âm ra tiếng Việt ngày
nay thì rất uổng, vì người ngoại quốc khi tìm hiểu về chữ Nôm, họ sẽ hỏi “Văn
hóa cuả các anh chỉ có thế thôi sao?”
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích nói thêm:
- Chúng ta có rất nhiều bộ sách chữ Nôm về tôn giáo như Phật
giáo, Thiên Chúa giáo, nhiều sách thuốc giá trị hay những sách nói về nghệ thuật
hát Bội, hát Chèo, v.v.. Nhờ đó chúng ta tìm hiểu được cội nguồn của nhiều vấn đề.
Tiếc rằng nhiều văn bản chữ Nôm đã bị mối mọt ăn hoặc thất lạc, nên chúng ta có
bổn phận phải tìm và phiên dịch ra chữ Quốc ngữ, vì đó là thứ chữ được coi là
Quốc ngữ đầu tiên của ta.” Nếu không chỉ một thời gian nữa nhiều tác phẩm chữ
Nôm sẽ bị mai một.
Chúng tôi hỏi thêm:
- Thưa hai Giáo sư, liệu những thế hệ sau này có còn chú
trọng đến chữ Nôm như các vị đang làm nữa không?
Nhấp một hớp trà nóng, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích trả lời:
- Thời nào cũng có những người quan tâm đến văn hóa, văn học
nước nhà, vì thế chúng tôi tin các thế hệ sau vẫn còn nhiều người để tâm đến
kho tàng chữ Nôm.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm tươi cười thêm vào:
- Chính vì tin tưởng như vậy, bảy anh em chúng tôi mới soạn
ra cuốn Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn này đấy!
- Thưa hai Giáo sư, Cụ Trần Trọng Kim khi viết về tiểu sử
của cụ Nguyễn Du có ghi: Tác giả húy là Du – tự là Tố Như – hiệu là Thanh Hiên
– biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ. Xin hai Giáo sư cho biết vào thời đó, tại sao
một người phải dùng nhiều tên, hiệu như vậy?
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm:
- Tên thường cha mẹ đặt cho gọi là tên cúng cơm, thí dụ cụ
Nguyễn Du thời đó gọi là Cậu Bảy Du; tự là do cha mẹ đặt mà có dính dáng đến
một câu thơ nào đó trong chữ Hán mà các cụ thích, thí dụ cụ Đào Trinh Nhất tự
là Quán Chi là lấy bởi câu thơ: “Nhất Dĩ Quán Chi” còn hiệu là do mình tự chọn,
do lòng mình muốn, thí dụ cụ Nguyễn Du lấy hiệu là Tố Như, Tố Như nghĩa là
trong trắng; còn biệt hiệu là cái sở thích của người đó, Cụ Nguyễn Du lấy biệt
hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ là vì cụ thích săn bắn ở núi Hồng Sơn và cũng thích
câu cá nữa.
- Thưa các Giáo sư, Hiệu khảo, Hiệu đính và Hiệu chính khác
nhau như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm giải thích:
- Hiệu khảo là nghiên cứu – Hiệu đính là đã sửa sang lại –
Hiệu chính là phải đúng 100%.
- Cũng trong tiểu sử cụ Nguyễn Du, cụ Trần Trọng Kim ghi cụ
Nguyễn Du là con bà ‘trắc thất”; xin Giáo sư giải nghĩa giùm chữ trắc thất là
gì?
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm cho biết, trắc thất là vợ thứ, khác
với chánh thất là vợ cả.
Chúng tôi lại thưa với hai Giáo sư:
- Khi soạn bộ Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn, hai Giáo sư và các
soạn giả nhắm mục đích gì?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích:
- Chúng ta chớ quên, ngôn ngữ là linh hồn dân tộc. Chữ Nôm đã
có 7,8 trăm năm, nghĩa là gần gấp bốn lần lịch sử Hoa Kỳ, chữ Nôm rất phong
phú, ngày xưa các văn tự, giấy tờ trao đổi bằng chữ Hán không đủ nghĩa tiếng
Việt nên nhiều khi phải dùng chữ Nôm. Vậy nếu ta biết chữ Nôm sẽ biết nguồn gốc
phong phú trong chính sử. Nếu chúng ta quên không nghiên cứu thì có tội với
lịch sử.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm nói thêm:
- Nếu chúng ta không nghiên cứu chữ Nôm thì chỉ biết một
chút quốc ngữ. Ông bà mình để lại nhiều
sách chữ Nôm về nhiều thể loại khác nhau như Coi bói, Chữa bệnh, có bài thơ như
“Kê Kinh” coi tướng qua móng gà.
Nhờ để tâm nghiên cứu, năm 1971, Giáo sư Sâm đã tìm được bộ
“Kim Cổ Kỳ Quan” bằng chữ Nôm ở trên xà nhà của một tín đồ Hòa Hảo tại Long
Xuyên và một bản chữ Nôm khác là tuồng cổ Lộ Địch mà một gia đình ở Việt Nam coi là của gia bảo, đã đem sang Hoa
Kỳ. Ngoài ra, Giáo sư Sâm còn tìm được một bản văn chữ Nôm của Thượng tọa Thích
Quảng Đức trước năm 1963. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm nói:
- Tôi cho rằng ba tác phẩm chữ Nôm quan trọng hàng đầu trong
văn học Việt Nam là Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán Ngâm Khúc chỉ như
những tảng băng nổi lên trên mà thôi, còn kho tàng văn chương chữ Nôm phong phú
vẫn đang chìm ở dưới sâu mà chúng ta chưa đào lên được.
Chúng tôi hỏi tiếp:
- Thưa hai Giáo sư, khi soạn bộ Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn,
các soạn giả có gặp những khó khăn, trở ngại gì?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích tâm sự:
- Chúng tôi làm công việc này kể cũng “liều lĩnh”, vì ở
trong nước, người ta ngồi trên một kho tàng sách vở, người ta có Thư viện Quốc
gia, Thư viện Hán-Nôm và chắc chắn là trong dân gian còn lưu giữ nhiều tài liệu
quý giá về chữ Nôm, những người trong các cơ quan nghiên cứu của nhà nước, họ được
trả lương thế mà đến nay họ vẫn chưa làm được một bộ Tự Điển chữ Nôm như thế
nầy, trong khi ở hải ngoại, chúng ta thiếu thốn tài liệu, làm tay trái, tay
phải còn lo kế sinh nhai, nhưng vì lý tưởng và tinh thần trách nhiệm, chúng tôi
gom nhau mỗi người một ít tiền và vay mượn để in ấn, chúng tôi được cả những vị
như G.S. Nguyễn Ngọc Phách, Bác sĩ Bùi Trọng Cường ở Úc cũng như nhiều ân nhân
ở Mỹ, mỗi vị bỏ ra tặng 1000 đô; cảm động nhất là có mấy sinh viên tại Úc bán
sách trong dịp chợ Tết, họ góp tiền hoa hồng lại giúp cho việc in sách, thế là
chúng tôi vượt qua được những khó khăn để hòan thành bộ Tự điển này.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm còn cho biết, bộ Tự điển này được
hoàn thành do công lớn của cô Hoài Hương Trần Uyên Thi, cô là một người trẻ, đang
làm việc khảo cứu và phân tích tại Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Chính cô là người sáng
chế ra bộ gõ (tức cái keyboard) đánh máy chữ Nôm trên máy điện toán, một sáng
tạo độc đáo góp phần hòan thành cuốn Tự điển, và sau này còn giúp ích rất nhiều
cho những nhà nghiên cứu chữ Nôm. Cô Hoài Hương hiện là thành viên Ban Điều
Hành Viện Việt Học.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích bổ túc thêm một chi tiết khá lý
thú, là bảy soạn giả có người chưa hề biết mặt nhau, chưa gặp nhau bao giờ,
chúng tôi người ở nước này, người ở nước kia, các múi giờ khác nhau nhưng làm
việc với nhau hoàn toàn trên Internet.
Chúng tôi biết đã làm mất khá nhiều thời gian của hai vị
Giáo sư, nên xin hỏi hai Giáo sư câu cuối cùng:
- Là những người ở phương xa đến Nam California, nơi có đông
đảo người Việt định cư, xin hai Giáo sư cho một nhận định khái quát về Cộng đồng
người Việt ở địa phương chúng tôi.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích:
- Một cộng đồng sôi nổi.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm:
- Rất mừng thấy Cộng đồng ở đây có được nhiều vị dân cử gốc
Việt, đó là bước đầu để người Việt đi vào giòng chính của Mỹ.
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Sự thật gây sốc về Đường Tăng, nhân vật trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân
Trong truyện có nội dung là ai mà được ăn thi.t của Đường Tăng thì sẽ bất tử. Thực chất đã có nhân vật trong Tây Du Ký "ăn th.ịt ...
Phim ‘Super Mario Bros. Movie’ thâu hơn $1 tỷ mỹ kim toàn cầu
Chỉ chưa đầy một tháng, phim hoạt họa “The Super Mario Bros. Movie” của hãng Universal Studios đã đạt được một cột mốc quan trọng thứ hai, đó là vượt ...
Tiên nữ kiều diễm gốc Á thời AI
Chiêm ngững vẽ đẹp kiều diễm gốc Á Châu dước góc nhìn kỷ nghệ AI