Đời Sống Việt

Một cơ hội hiếm có để xem vở opera "Câu Chuyện Bà Thị Kính"

Wednesday, 28/12/2016 - 07:50:02

Tiếp theo là cảnh cuối của vở opera. Ở cảnh cuối này, âm nhạc của toàn bộ vở opera đã trở nên hoàn toàn hiện đại. Nếu mở đầu vở, nhạc gần với nhạc truyền thống Việt Nam, thì đến lúc này tính dân tộc giảm đi và âm nhạc đã đi gần đến chỗ phổ quát (universal).

Bài ANVI HOÀNG và TRÂN HƯƠNG


Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính) là vở opera lớn của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục), đã được mở màn tại sân khấu lớn chuyên nghiệp của trường nhạc Jacobs School of Music thuộc đại học Indiana University vào các ngày 7, 8, 14 và 15 tháng 2 năm 2014. Ngoài những khán giả ở thành phố Bloomington, cùng đến tham dự các buổi trình diễn mở màn là hàng trăm khách người Việt đến từ khắp nước Mỹ, và cả một số đến từ Việt Nam. Vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử âm nhạc phương Tây - đây là vở opera lớn về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của một nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ - và nó đã được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt. Vui nhất là câu chuyện Việt Nam này cũng đã nhận được sự đồng cảm từ khán giả bản xứ.

 

                                              Cảnh Thị Kính lên Niết Bàn (ảnh: Anvi Hoàng)

Hội VASCAM
P.Q. Phan ít được biết đến trong cộng đồng người Việt. Nhưng trong thế giới âm nhạc dòng chính (main stream), ông là một tên tuổi lớn vì đã sinh hoạt và sáng tác từ các trường đại học âm nhạc lớn của Mỹ từ nhiều năm qua. Hiện ông là giáo sư ngành sáng tác tại trường nhạc Jacobs (top 3 trong nước Mỹ và top 6 trên thế giới), thuộc viện Đại Học Indiana tại Bloomington. Đầu năm 2016, ông và vợ đã cùng vài người bạn sáng lập một hội bất vụ lợi có tên là VASCAM (Vietnamese American Society for Creative Arts and Music) tức Hội Sáng Tạo Nghệ Thuật và Âm Nhạc của Người Mỹ gốc Việt. Mục đích của Hội là tìm kiếm và hỗ trợ những tài năng nghệ thuật và âm nhạc người Mỹ gốc Việt để họ có điều kiện trình làng những tác phẩm của mình, nói lên sự đóng góp về nghệ thuật và âm nhạc của người Mỹ gốc Việt cho đất nước Hoa Kỳ.

                              Dàn đồng ca kết thúc phiên xử Thị Mầu chửa hoang (ảnh: Anvi Hoàng)

Trung Tâm Văn Hóa MUSCO
Hội VASCAM đã tổ chức thành công nhiều buổi hòa nhạc và triển lãm tại Houston và San Jose. Trong năm 2017, trùng với mùa khai mạc đại hí viện MUSCO thuộc Chapman University của thành phố Orange, Nam California, hội đã được trung tâm văn hóa MUSCO nhận cho tổ chức buổi nhạc ON LIFE hay CUỘC ĐỜI tại đây. Thật là một niềm hân hoan lớn khi cộng đồng chúng ta có thể trình diễn tại hí việc quan trọng này, một hí viện mới nhất với không gian âm thanh tốt nhất, có thể cho khán giả thưởng thức được âm thanh trung thực nhất từ các nhạc khí và tiếng hát của con người mà không phải qua trung gian của các hệ thống khuếch âm.

Buổi hòa nhạc CUỘC ĐỜI / ON LIFE
Chương trình hòa nhạc này sẽ được diễn ra ngày Chủ Nhật 26 tháng 3, 2017 vào lúc 4pm. Chương trình gồm có hai phần. Phần đầu trình diễn âm nhạc của Cung Tiến, Tôn Thất Tiết và một tác phẩm mới nhất của P.Q. Phan, một violin concerto viết cho vĩ cầm thủ tài năng Nguyễn Bảo Thi, cũng như vài tác phẩm khác của ông qua tiếng đàn dương cầm của Nguyễn Hải Hoàng.

                                    Sư Cụ tại phiên xử Thị Mầu chửa hoang (ảnh: Anvi Hoàng)


Phần thứ hai là những trích đoạn tiêu biểu từ vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính, hát bởi những giọng opera chuyên nghiệpBryan Arreola, Veronica Jensen,Teresa Mai, Bích Vn, Angela Yoon cùng dàn nhạc VASCAM Ensemble điều khiển bởi nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ và sự phụ họa hợp xướng của nhóm Ngàn Khơi. Hình ảnh chiếu trên màn hình là sự đóng góp của 2 họa sĩ Ann Phong và Trinh Mai.

Vâng có thể nói đây là một “show case” của những tài năng Mỹ gốc Việt hợp cùng những tài năng bản xứ để đem lại cho chúng ta, những khán giả may mắn, một bữa ăn nghệ thuật vô cùng thịnh soạn thông qua một câu chuyện hoàn toàn Việt Nam, phát xuất từ dân gian nhưng là một áng văn chương tuyệt tác thắm đẫm tình nhân loại.

Kể Câu Chuyện Đời Của Thị Kính

Đúng là câu chuyện Quan Âm Thị Kính của vở hát chèo cùng tên có giá trị nhân bản vĩnh cửu (universalism) về tình yêu (love), lòng độ lượng (compassion), và sự hy sinh không giới hạn (selflessness). Nhưng cảm nhận về các giá trị văn hóa, xã hội và cách tư duy của mỗi dân tộc rất khác nhau. Chính vì hiểu được điều này mà P.Q. Phan biết rằng muốn khán giả Mỹ hiểu được câu chuyện Việt Nam này theo cách mình muốn họ hiểu, ông phải diễn giải nó với loại ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được. Đây cũng chính là cách nhìn và cách diễn giải mới của P.Q. Phan về tác phẩm Thị Kính cho khán giả của thế kỷ 21. Không thể chối bỏ giá trị tôn giáo trong tác phẩm, nhìn từ góc độ xã hội, câu chuyện Thị Kính thể hiện những giá trị nhân bản vượt thời gian và rất gần với triết lý nhà Phật theo cách người Việt Nam thường biết.

                                                   Vợ Mõ và Lý Trưởng (ảnh: Anvi Hoàng)
 

Theo P.Q. Phan, các cảnh trong câu chuyện bắt đầu từ lúc Thị Kính ở nhà với cha, sau đó qua nhà chồng, rồi vào ở chùa, lang thang ở chợ, kiệt sức dưới gốc cây bồ đề, và lên Niết Bàn theo một thứ tự mang nhiều ý nghĩa. Đây là những dấu chấm mà khi được nối kết lại với nhau chúng sẽ kể một câu chuyện về hành trình của Thị Kính đi từ thấp—người con gái nghèo bình thường, đến cao—Phật bà. Chẳng khác nào quá trình thăng hoa. Do đó, “thăng hoa” sẽ là khái niệm của vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính cả về mặt thẩm mỹ lẫn âm nhạc. Các nhân vật khác như Thị Mầu, Sùng Bà, Thiện Sĩ đều là nhân vật phụ sau Thị Kính nhưng không thể thiếu vì họ chính là nguyên nhân gây ra tất cả những bi kịch và xung đột mà Thị Kính phải trải qua để rồi thoát trần thành Phật.

Nhìn gần, dưới góc độ thực tế của cuộc sống hiện đại, quá trình thăng hoa của Thị Kính không khác gì hình ảnh một người anh hùng bình dân tay trắng làm nên mà ở đâu, thời nào cũng có. Có lẽ vì thế mà khán giả Mỹ ngày nay có thể cảm nhận được sức hút của nó. Giải thích về ý nghĩa âm nhạc và khái niệm của vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính, P.Q. Phan đã nói như sau về các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời Thị Kính:
-Con gái:
Ngay từ bài hát đầu tiên, Thị Kính đã hát về vấn đề làm đàn bà nghĩa là như thế nào. Theo lời hát, đó là phục vụ gia đình, chồng, và xã hội. Câu nói này rõ ràng là về nghĩa vụ của một người đàn bà. Tuy nhiên Thị Kính lúc này là gái chưa chồng nên không hề đặt câu hỏi về vấn đề này mà chỉ hát lên những điều mình được dạy. Sự ngây thơ của Thị Kính ở giai đoạn này cũng được thể hiện qua âm nhạc ngây thơ và trong sáng.

-Đàn bà:
Bài hát tiếp theo khi Thị Kính đồng ý lấy Thiện Sĩ là về nghĩa vụ của một người đàn bà có chồng, là bài hát để giảng giải chứ không phải để giải trí. Thị Kính lúc này là đàn bà có chồng nhưng sự trưởng thành chỉ thể hiện ở tuổi tác chứ chưa qua kinh nghiệm cuộc sống. Vì vậy bài hát vẫn còn mang tính ngây thơ, trong sáng, vui tươi, không nghi kỵ, chỉ hơi nghiêm trang một chút thôi.

                                         Thị Mầu tán tỉnh Tiểu Kính Tâm (ảnh: Anvi Hoàng)


-Trưởng thành:
Từ bỏ cuộc sống đời thường và đi tu là giây phút Thị Kính trưởng thành. Thị Kính bắt đầu đặt câu hỏi không những về cuộc đời của người đàn bà mà còn về thân phận con người. Để thể hiện tâm trạng suy tư này, âm nhạc không đi vòng vo, không mục đích mà trực tiếp: nhạc đi từ thấp lên cao để diễn tả quá trình phát triển trong tư tưởng này. Đây chưa phải là giây phút giác ngộ lớn trong đời Thị Kính nhưng là giây phút quan trọng và âm nhạc cũng được giải quyết đúng mức như thế.
Ở cảnh Thị Mầu lên chùa ghẹo Thị Kính-Tiểu Kính Tâm, Thị Kính chỉ là vai phụ ở cảnh này nhưng trong lòng đã bắt đầu có sự đa nghi không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau vụ tán tỉnh này. Cho thấy đây là sự suy nghĩ của một người đàn bà trưởng thành biết rằng cuộc sống không đơn giản, và đi tu không phải là câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề. Bài hát của Thị Kính là về sự thay đổi và không biết chắc mọi việc sẽ tiến triển tới đâu.
-Chín chắn:
Tại phiên xử Thị Mầu chửa hoang, Thị Kính nhận tội thay cho Thị Mầu. Hành động vì người khác như thế này của Thị Kính cho thấy Thị Kính đã thăng hoa để trở thành một người tốt hơn, nhưng con đường phía trước vẫn còn mờ mịt, chưa biết chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo. Do đó để mô tả tâm trạng này, âm nhạc không mô tả sự chấm dứt, không diễn tả quá trình như đi từ A đến B, mà đơn giản diễn tả một sự việc đang diễn ra.

                                          Đám cưới Thị Kính và Thiện Sĩ (ảnh: Anvi Hoàng)
 

-Thăng hoa:
Đến khi Thị Kính bị đuổi khỏi chùa thì chùa không phải là nơi nương tựa của Thị Kính nữa. Về mặt khái niệm, yếu tố này quan trọng ở chỗ nó gợi lên liên tưởng về việc Đức Phật đã giác ngộ dưới gốc cây bồ đề chứ không phải trong chùa. Nếu không bị đuổi khỏi chùa, Thị Kính cũng không giác ngộ được. Vậy nên bài hát về việc Thị Kính bỏ chùa ra đi giống như một lời giới thiệu để dẫn đến bài hát lớn tiếp theo khi Thị Kính hát về việc bế trẻ đi xin ăn ở chợ.
Bài “Bế trẻ ra chợ” là bài hát quan trọng nhất của Thị Kính. Về mặt lời, việc đi ra chợ miêu tả sự di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, cũng như quá trình thăng hoa là đi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Về mặt âm nhạc, ban đầu bài hát ít cảm động nhưng dần dần tình cảm tăng lên, nhạc đi từ thấp lên cao, bắt đầu từ thư giãn và dần dần trở nên bức thiết hơn. Bài hát “Bế trẻ ra chợ” chính là bài hát miêu tả sự thăng hoa của Thị Kính.

Tiếp theo là cảnh cuối của vở opera. Ở cảnh cuối này, âm nhạc của toàn bộ vở opera đã trở nên hoàn toàn hiện đại. Nếu mở đầu vở, nhạc gần với nhạc truyền thống Việt Nam, thì đến lúc này tính dân tộc giảm đi và âm nhạc đã đi gần đến chỗ phổ quát (universal).

Quá trình thăng hoa của Thị Kính kết thúc với đỉnh cao của sự thăng hoa khi Thị Kính trên niết bàn kể lại chuyện đời của mình cho mọi người nghe. Bài hát “Bế trẻ ra chợ” được mở rộng và biến thành bài hát kết thúc của vở opera “Trên niết bàn”. Bài hát này có phần giống bài hát “Bế trẻ ra chợ” nhưng lớn hơn cả về lời, lớn hơn trong sự chuyển âm và chuyển thể, và lớn hơn cả về lượng. Nghĩa là vào những phút cuối của vở opera, tất cả các nhân vật cùng hòa vào hát và và biến “Trên niết bàn” thành bài hát ca tụng Phật Quan Âm Thị Kính và vẽ lên một bức tranh thực tế trộn lẫn ước mơ: rằng cuối cùng thì một người bình thường cũng có thể trở thành một đấng siêu việt. Có thể nói Thị Kính là nhân vật nắm giữ khái niệm chính của toàn bộ vở opera và quá trình thăng hoa về mặt âm nhạc được thể hiện chủ yếu là qua các bài hát của nhân vật này.

Mua vé ở đâu?
Vé có các hạng sau: $75, $60, $45, $30 đã có bán on line tại http://chapman.universitytickets.com/user_pages/event.asp?id=1289&cid=68
Khoảng 2 tháng trước ngày trình diễn (là ngày 26 tháng 3, 2017) sẽ có bán tại nhà sách Tú Quỳnh, nhật báo Viễn Đông và nhật báo Việt Báo. Nhưng nếu mua ngay từ bây giờ, quý vị sẽ chọn được chỗ tốt nhất.

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT