Chân Dung Việt Nam

Một mùa Giáng Sinh lạnh

Friday, 23/12/2022 - 12:31:19

Thường thì năm nào Giáng Sinh cũng lạnh, bởi mùa Chúa sinh ra đời cũng là mùa lạnh lẽo nhất địa cầu, nên cái lạnh trở thành...


Mùa Noel đến với cái rét lạnh cắt da cắt thịt kéo qua mọi miền. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Bài NGUYÊN QUANG

Thường thì năm nào Giáng Sinh cũng lạnh, bởi mùa Chúa sinh ra đời cũng là mùa lạnh lẽo nhất địa cầu, nên cái lạnh trở thành bạn thiết của Giáng Sinh. Thế nhưng, ngoài cái lạnh của thời tiết, khí hậu, cái lạnh tâm hồn, cái lạnh của đói kém mới đáng nói, nhất là cái lạnh của trống rỗng và hoang hoải trước ngày mai, công việc đang ngày một co cụm, đất chật người đông và thức ăn ngày càng trở nên khó kiếm, một mùa Giáng Sinh như vậy đang đi qua những xứ đạo nghèo Việt Nam.

Ban đầu tôi định viết về các xứ đạo nghèo ở miền Trung Việt Nam, nhưng ngồi điểm một lúc, tôi giật mình nhận ra trên khắp đất nước này, đi đâu cũng có những xứ đạo nghèo, làng quê nghèo, nghèo đến chảy nước mắt, đâu riêng chi miền Trung!

Còn nhớ những mùa Giáng Sinh trước khi dịch cúm Vũ Hán hoành hành, gia đình tôi thường nhận ủy lạo của bạn bè, mang quà đến các giáo xứ nghèo để tặng. Vì chúng tôi tuân thủ đúng nguyên tắc của gia đình mình, tức không tặng quà mà tặng tiền, nhờ các vị linh mục đứng ra tặng và ghi lại con số đầy đủ, nhờ các Cha ký xác nhận để gửi số tổng về cho các vị hảo tâm tham khảo, và khi đi, chúng tôi đi như đang du lịch, cả gia đình vác ba lô lên đường, không hẹn trước với vị nào… Nhờ vậy, chúng tôi tiếp xúc được với rất nhiều thực tế sinh động, không bị diễn như một số nơi. 


Không khí buồn lạnh thoáng qua không riêng xóm đạo nào. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Cha H., một vị linh mục chăn xứ ở một huyện miền núi tỉnh Hà Tĩnh, buồn bã chia sẻ, “Tình hình năm nay ảm đạm, đặc biệt có những vấn đề nhạy cảm, khó nói.”

“Xin cha chia sẻ thêm về đời sống của bà con giáo dân chỗ mình ạ?”

“Thưa anh, tình hình nhiều năm liền dịch giã kéo qua, hơn nữa đây là một huyện miền núi của Hà Tĩnh, đời sống bà con dựa hoàn toàn vào nghề trồng rừng, mà thiên tai năm nay liên miên, rừng bị tàn phá bởi bão, rồi thêm nữa đời sống trì trệ nhiều năm do dịch, đã dịch thì nơi nào cũng phong tỏa, giãn cách, báo động như nơi nào, trên toàn quốc kia mà. Chính vì nhiều mũi nhọn khó khăn nhắm vào đời sống người dân, làm sao mà đỡ nổi chứ. Đã vậy, trước đây vài năm, tình hình bờ biển cũng chẳng tốt đẹp gì, ô nhiễm, ngư dân bỏ biển lên bờ, mọi thứ thoi thóp liên tục trong vòng gần chục năm như vậy, chỉ có những người quá giàu có, khá giả hoặc quan chức, có tiền bạc ổn định chứ dân nghèo thì lụy, đuối và đổ gục. Đó là chưa nói đến một vấn đề khác.”



Chúa có rủ lòng thương khi cuộc sống vẫn cứ khốn khó. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Xin cha cho biết vấn đề khác, liệu cha có thể chia sẻ về vấn đề khác vừa nêu không ạ?”

 

“Vấn đề khác chính là lòng người, chưa bao giờ lòng người lay chuyển như bây giờ, đáng sợ nhất là niềm tin, khi con người mất niềm tin, mất tâm linh thì câu chuyện trở nên tệ hại. Chẳng hạn như người ta tin ở Đức Chúa nhưng người ta hoài nghi sự trong sáng của các linh mục, các chăn chiên, và đáng sợ hơn là người ta thất vọng về các chăn chiên đội nón cối và người ta hoài nghi Chúa cũng có thể đang đội nón cối đứng đâu đó trong cuộc đời.”

“Như vậy, thưa cha, theo cha điều đó tích cực hay tiêu cực? Bởi nón cối không liên quan đến tình yêu và hòa bình, nón cối không thể gần với tiếng nói mặc khải, nhưng người ta tin rằng Chúa đội nón cối, tức là người ta có thiện cảm với chiếc nón này hay sao ạ?”

“Có một qui luật tâm lý mà đến nay các cha đều trăn trở nhưng không thể giải quyết được, đó là không hiểu sao đã là giáo dân yêu Chúa thì lại không ưa nón cối, và đạo Thiên Chúa dạy con người yêu thương, hòa ái, không phân biệt đồ vật, cho dù đó là vật dụng của quỷ sa tăng, bởi mỗi đồ vật đều có giá trị riêng của nó và ý nghĩa đó tùy thuộc vào nó đã phục vụ cho chủ nhân của nó, bản thân nó vô tri và không có lỗi. Thế nhưng…”


Bữa tối cận Noel đôi khi là chén cơm gói theo từ nhà. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Dạ, nhưng có nhiều hình ảnh và video clip cho thấy một số vị linh mục đội nón cối làm lễ, cha nghĩ gì về việc này ạ?”

“Điều này cha biết nói rằng thật tội nghiệp cho chúng ta, đến một lúc nào đó, Đức Chúa nhân từ sẽ rời bỏ chúng ta mà đi hoặc Ngài sẽ mãi mãi không đoái hoài đến lũ người bội bạc và hổ ngươi như chúng ta nữa. Việc dạy con chiên không phân biệt nón cối hay nón gì khác không có nghĩa là người chăn chiên được phép đội nó. Thế nhưng đã có nhiều người chọn nó. Bởi họ là những người khác thường, họ làm chăn chiên không phải sứ mệnh mục vụ của Chúa mà họ làm vì mục đích nào đó không liên quan đến Chúa.”

“Xin mạo muội hỏi cha một câu riêng tư và nhạy cảm, cha cảm thấy tình hình sinh hoạt tôn giáo bây giờ ra sao?”

“Nếu nói chung xã hội thì quá buồn rồi. Nhưng nếu nói riêng về Thiên Chúa, thì vẫn có nhiều phúc âm chứ không đến nỗi xám xịt, tuy rằng có nhiều biến thiên khó lường, nhưng nhìn chung đời sống vẫn tốt đẹp, lương thiện trong chừng mực những người cố gắng giữ lấy vẻ đẹp của tâm hồn.”


Lều cỏ hiếm hoi giữa một thị trấn miền Trung. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Dạ, thú thực là nghe cha chia sẻ, con có cảm giác cha cũng đang rất hoang mang và cố gắng nói một điều gì đó tốt đẹp?!”

“Ô anh đã biết sao lại còn hỏi cha?!”


Lạnh buốt thịt da


Có thể nói rằng mùa Giáng Sinh năm nay, dù ở thành phố hay thôn quê, cảnh đời vẫn buồn thảm, ảm đạm hơn mọi năm. Bởi lẽ, như Giáng sinh ở thành phố Sài Gòn chẳng hạn, có hàng ngàn trẻ em trở thành côi cút sau đại dịch. Và, cho dù có ăn uống đầy đủ, có thịt cá, kẹo bánh chăng nữa thì làm sao xóa được cái lạnh trong tâm hồn của những trẻ em tội nghiệp ấy. Và chúng tôi cũng không khỏi rớt nước mắt khi hỏi thăm một em bé, hỏi em ước mơ gì trong đêm Giáng Sinh, em trả lời, “Cháu chỉ cầu nguyện Chúa cho cháu nằm mơ thấy ba mẹ!”

“Vậy từ trước tới giờ cháu chưa được mơ thấy ba mẹ sao?”

“Dạ, cháu nhớ ba mẹ lắm, nhưng không hiểu sao cháu không mơ thấy ba mẹ được, các bạn đều mơ thấy ba mẹ. Ở đây các bạn mồ côi giống cháu cũng nhiều, các sơ thương tụi cháu lắm. Nhưng cháu nghe các bạn nói rằng nếu cha mẹ chết oan ức thì con cái sẽ không nằm mơ thấy nữa, cháu thương ba mẹ, cháu nhớ ba mẹ lắm (nói tới đây chỉ nghe tiếng sụt sịt trong điện thoại)…”


Bán bắp nướng mùa Giáng Sinh. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Lâu nay cháu được ăn uống đầy đủ không? Cháu có thèm món ăn nào không, chú sẽ mua gửi tặng, và cháu có cần cuốn sách gì không?”

“Dạ, cháu thèm được gặp ba mẹ, cho dù là mơ thấy vài giây thôi. Còn món ăn thì các Sơ và các nhà hảo tâm tặng nhiều lắm, cháu ăn không hết, hồi còn ba mẹ, cháu cũng không được ăn ngon như thế, nhưng hồi đó vui lắm, giờ ăn ngon, được các Sơ giúp đỡ và thương yêu nhưng cháu chỉ thèm gặp ba mẹ, dù mơ vài giây thôi!”

Đến đây, tôi không thể hỏi thêm được câu nào nữa, tôi chỉ thầm hỏi có bao nhiêu trẻ em đang đón một mùa Giáng Sinh lạnh như em bé kia và có bao nhiêu em còn may mắn mơ thấy mẹ cha mình trong đếm Giáng Sinh. Bởi, đối với các em, đây là giấc mơ, ước mơ thần tiên của thần tiên…

Gặp một người mẹ nghèo, tên Lý, ở miền núi tỉnh Quảng Nam, một con chiên ngoan đạo, chị chia sẻ về đời sống và niềm vui Giáng Sinh của mình, “May sao Chúa thương tình, gia đình em không bị thiệt hại gì trong mùa mưa bão, nên cũng đón được Giáng Sinh hoành tráng hơn mọi năm”

“Hoành tráng hơn mọi năm? Xin chị chia sẻ thêm một chút về mùa Giáng Sinh hoành tráng sắp tới được không ạ?”

“Dạ, thì em nướng một con vịt, ba tụi nhỏ vừa lấy được tổ ong rừng, nên em sẽ tẩm mật ong mà nướng cho các con mình ăn, có mua ít bánh kẹo. Với con chiên yêu kính Chúa thì Giáng Sinh lớn hơn Tết anh ạ. Như vậy năm nay thấy cũng ấm áp”


Những cửa hàng bắt đầu tung ra các chương trình giảm giá mùa Giáng Sinh, cuối năm nhưng vẫn không thấy mấy người ghé thăm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Thường mọi năm mình đón Giáng Sinh ra sao chị?”

“Khó khăn, mọi năm khó khăn, chỉ tưởng nhớ đến Chúa, ăn qua quýt bữa cơm đạm bạc gia đình, dành tiền đón Tết anh ạ!”

“Chị mới nói dịp Giáng Sinh lớn hơn dịp Tết?”

“Dạ đúng rồi, về ý nghĩa là vậy, trọng đại lắm, lớn lắm. Nhưng mình cũng không thể bỏ qua Tết. Vì lẽ, tết dân tộc thì nhiều người cùng ăn, đi tới đi lui, thăm thú xóm làng, nên không thể bỏ mặc được, rất khó coi với bà con làng xóm. Còn Giáng Sinh, rất ý nghĩa, rất lớn nhưng ít người trong làng chào đón giống mình, nên mình im lặng, giữ Chúa thật thanh sạch trong tâm hồn mình cũng đủ. Nhờ Chúa thương tình che chở và thấu hiểu mình!”


Giáng siNh lạnh hay lòng người ngày càng lạnh lẽo?! (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Các con của chị hiện đang học ở đâu?”

“Dạ, các con của em đứa học cấp ba (trung học phổ thông), đứa học cấp hai (trung học cơ sở), nói chung mấy cháu học giỏi nên cũng mừng. Chỉ phải tội mình nghèo, chắc rồi cũng hết 12 là ra trường đi làm thuê thôi!”

Lời chia sẻ như thể than vãn mà cũng như thể an ủi người đang nghe thôi đừng buồn về cuộc đời này, nó vốn vậy của chị Lý khiến cho cái lạnh của mùa Giáng Sinh càng thêm se sắt, khó tả. 

Chỉ còn vài ngày nữa thôi, mọi nơi đón Chúa, và cũng có những đứa trẻ lạnh thật lạnh, buồn thật buồn, có những người lớn cảm thấy trống trải vì góc ngồi lẻ loi, cô quạnh của họ chưa bao giờ được Chúa nhân từ đoái hoài, họ khổ vẫn hoàn khổ, trên xứ sở này, thế nên Giáng Sinh chẳng thể nào vui, Giáng Sinh lạnh và buồn!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT