Hôn Nhân, Cuộc Sống

Một thửơ ôm... cần (câu)!

Monday, 27/08/2007 - 07:29:27

Và hơn hết trong số đó là câu cá! Câu cá không phải là đi câu cá nuôi ở những khu giải trí như thường thấy ở khuôn viên Hồ Nước ...

1127376746360.jpgCảm đề: Nhân đọc bài “Khi xưa ta bé” của Phương Quang, nhớ lại chuyện cũ, hôm nay ngồi viết lại đôi dòng ký ức, về những ngày thơ ấu, cắm câu, tắm sông (không mặc quần) oanh oanh, liệt liệt ngày nào!

Mới đó thôi mà đã hơn một thập niên rồi! Bấy nhiêu chưa thể xóa mờ những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ, của những tháng ngày hai buối cắp sách tới trường. Bọn chúng tôi ngày ấy, cũng như đa phần những đứa trẻ miền quê Nguyệt Giang tỉnh, được sống trong môi trường rất gần với thiên nhiên, giữa những cánh đồng lúa mênh mông, ở miền sông nước hiền hòa. Chúng tôi có khối trò chơi, những thú vui mà trẻ em thời @ thời bây giờ hầu như chỉ thấy trong sách báo, phim ảnh: tắm sông, leo trèo, bắn bi, đá dây thun, đốc lon, trốn tìm, đá banh tù, chạy rong ngoài đồng, giăng câu, bắt ốc, v.v…



Và hơn hết trong số đó là câu cá!8-9-PS2.jpg

Câu cá không phải là đi câu cá nuôi ở những khu giải trí như thường thấy ở khuôn viên Hồ Nước Ngọt hay Suối Tiên như bây giờ, mà là câu ở ngoài đồng, ở dưới sông, bắt cá của bà mẹ thiên nhiên, kiểu: “chim trời, cá nước ai bắt được nấy ăn”! Câu cá vừa là thú vui, vừa trò giải trí, và cũng góp một phần nho nhỏ cải thiện những bữa cơm gia đình. Còn câu cá vì những lý do cao siêu khác như Khương Thái Công hay Nguyễn Du thi hào trước những biến cố của thời cuộc thì bọn tôi nào có biết!

Câu cá cũng phải theo mùa vụ. Mỗi mùa có một kiểu câu riêng, nhằm vào từng loại cá khác nhau, nhưng cả bốn mùa trong năm đều câu được hết. Với chúng tôi, hai “vụ mùa” chính là lúc nghỉ hè và lúc Tết.

Vào mùa lúc lúa mới cấy - cũng là bắt đầu mùa mưa và cũng là mùa nghỉ hè nên bọn học sinh chúng tôi đều... phè phởn! Những năm đó, ruộng chỉ làm một vụ lúa mùa trong năm. Người ta phải gieo mạ, sau đó nhổ, cấy nhân ra rồi thu hoạch mà không dùng phương pháp sạ rồi thu hoạch và tiến hành trồng lúa quanh năm như bây giờ. Độ năm mười ngày sau khi cấy mạ là có thể câu được, hầu như ruộng cấy nào cũng đều ngập nước, độ ổn định của nước cũng bình ổn lại. Phương tiện câu là dùng loại câu cắm làm từ thân tre, đường kính thân câu cỡ đũa ăn, dài từ 40 - 60cm, đầu cần được chuốt mỏng đế tạo độ đàn hồi; Câu kiểu này không có nhiều đứa tham gia do tốn nhiều công vót câu, móc lưỡi để làm cần câu, phải thăm câu vào buổi tối, v.v… nên hợp với người lớn hơn. Tôi với ông anh cũng “tậu” được một ít, đa số là mua câu được vót sẵn có bán ở chợ; số còn lại thì đốn tre rồi tự vót nên hình thù thô lỗ, dùng câu cá mập chắc cũng được!

Khi trang bị đủ đồ nghề thì bắt đầu đi câu. Buổi câu bắt đầu lúc chiều, thường thì cắm câu mà không mắc mồi vào lưỡi để chiếm chỗ trước, cắm xong hết mới quay lại mắc mồi. Tất cả phải xong trước lúc trời sập tối vì lúc đó cá bắt đầu rời chỗ trú ẩn đi kiếm mồi. Mồi câu cá là nhái và dế, riêng trùng và tép chỉ được dùng khi không có hai loại mồi trên. Khoảng 19h là có thể đi dạo qua một lượt (thăm câu) xem có cá nào mắc câu hay không; vì đây là thời điểm cá ăn nhiều nhất, nếu không đi thăm để tóm ngay thì có thể cá vùng vẫy thoát khỏi lưỡi câu. Đến sáng sớm hôm sau thì đi thăm và nhổ câu đem về. Người lớn đi thăm câu thì soi sáng đường bằng cách đeo một bóng đèn tròn trước trán, năng lượng đốt đèn là từ bình ắc-quy đeo trên lưng. Bọn nhỏ thì đi nhóm 3,4 đứa, dùng đèn pin và đuốc để soi đường. Tôi với ông anh thì cắm câu ngay trong ruộng và mấy cái mương (líp) ở sau nhà nên khỏi phải đi xa. Có hôm cắm xong thì khoảng 20h đi thăm, còn bữa nào lười thì ngủ tới sáng mới đi. Lúc đó còn nhỏ nên bọn tôi đều sợ ma, thường có vài ba đứa đi chung, tự “vũ trang” đèn pin, đèn cầy (nến), đuốc, tay cầm sẵn khúc khúc cây, nếu ai có chó thì còn dẫn theo, v.v…

Lúc lúa sắp trổ đòng đòng, độ tháng 7-8 AL, lứa cá rô mới sinh hồi đầu mùa mưa lớn nhanh nhờ ăn những hoa, bông lúa rụng xuống lúc lúa trổ. Mồi câu chính là ổ trứng kiến vàng, ong non hoặc tép. Câu vào lúc xế chiều, dùng cần làm bằng trúc, mỗi đứa một cần, thả một ít cám rang vào chỗ trống giữa các bụi lúa để thu hút cá rồi thả mồi; cá cắn câu kéo đi thì mình theo phản xạ mà giật ngược lên. Thường chỉ câu được loại cá rô cỡ trung bình, ít có rô mề (loại to cỡ ba ngón tay trở lên). Nếu may mắn có thể câu được cả cá lóc, cá trê; cá trê rất khó bắt vì giật lên nó lại rớt ngay xuống ruộng do nó ăn kiểu “ăn mép”. Buổi nào có nhiều đứa đi câu, vui vẻ thì đến tận chạng vạng mới về, nếu chỉ một hai đứa thì dzọt về sớm cho chắc ăn vì sợ... ma!

Vào mùa nắng thì câu cá trên sông, ở những khu vực có chất chà, có cỏ, lau sậy hay dừa nước, vì chỗ này câu là có cá rô lớn, cá lóc, và cả loại cá chốt không mời mà cắn câu (loại giống cá tra nhưng bề ngang nhỏ cỡ một lóng tay). Câu cá trên sông bất tiện ở chỗ là ghe máy chạy qua lại hoài gây nước động làm cá khó ăn mồi. Tôi còn nhớ rõ chỗ thường câu ở chỗ đậu xà lan nhà ông Tú - ngồi trên xà-lan, gió mát rượi, xung quanh toàn dừa nước và những bụi cỏ nga lớn nên câu toàn rô lớn (cá rô mề). Đi câu trên sông thì chỉ đi lúc xế trưa, sau khi ăn cơm trưa.

Vào mùa nước lên thì đi câu quăng vào buổi tối để bắt cá lóc. Cách câu là dùng một cần câu dài bằng thân cây trúc, dây câu cũng dài cỡ thân cần câu, lưỡi câu là loại lưỡi lớn, móc mồi là nhái hơi lớn (nhỏ hơn ễnh ương) hoặc thằn lằn; quăng mồi ra tuốt phía xa rồi kéo lê trên mặt nước để gây tiếng động dụ cá lóc ăn mồi; khi cá táp mồi thì theo phản xạ hạ thấp câu xuống và giật câu về phía bờ để nếu cá nó bị tuột móc câu thì cũng bị bay lên bờ! Câu kiểu này chỉ đi vào buổi tối, dọc bờ sông nhất là những chỗ nông hay lở sâu vào bờ; còn ban ngày có thể câu ở những chỗ nước nông có cỏ, nhất là chỗ trồng rau muống.

Đấy là mới chỉ nói về câu cá! Thời đó tôi với ông anh còn chơi luôn vụ giăng lưới, đặt lờ bắt cá sặt; đặt trúm về bắt lươn (cái này làm không lại mấy ông lớn tuổi nên bọn tôi ít làm); đặt lọp bắt tôm; giăng câu; tát đìa, v.v... chơi xả láng sáng dzìa sớm.

Giờ ngồi ngẫm lại thấy hồi nhỏ ở nông thôn quả có quá nhiều thú vui, vừa vui vừa "kiếm chác" chút đỉnh! Những thú vui này gắn liền với mưa, với mùa nước lên! Không biết có phải vì thế mà mỗi lần mưa là tâm trạng của người xa quê thì ai cũng nhớ nhà, nhớ về quê hương chăng!?

Sài Gòn, đêm trăng thượng tuần tháng chín, năm Ất Dậu

Trích từ diemxua_hva's Blog

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT