Hôm Nay Ăn Gì

Mứt gừng, lâng lâng hơi Tết

Tuesday, 10/01/2023 - 03:08:40

Bàn về ẩm thực, tự dưng nói về mứt gừng thì nghe có vẻ đơn điệu quá, thế nhưng với những ai sống ở quê hoặc có gốc quê...


Mứt gừng (Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM

Bàn về ẩm thực, tự dưng nói về mứt gừng thì nghe có vẻ đơn điệu quá, thế nhưng với những ai sống ở quê hoặc có gốc quê với đất đồng khói rạ, với con rô con diếc hoặc giả từng được/bị bà sai ra vườn hái vài nhánh lá gừng vào để bà thái mỏng như thuốc rê mà kho cá kéo tủ thì mới cảm được phần nào hơi ấm của cây gừng ngày đông và của lát mứt gừng ngày Tết.

Có thể nói rằng gừng là cây có quá nhiều biến tấu trong đời sống con người, mệt người, tức thở, tay chân lạnh toát mồ hôi, thôi thì cắt một lát gừng mỏng, cho vào ly nước sôi, đậy nắp chừng vài giây rồi vừa thổi vừa uống, vài phút sau thì qua cơn khó chịu, thậm chí qua cơn “trúng gió” mà sau này khoa học mới giải thích rằng đó là tai biến mạch máu não. Trời lạnh, khí huyết không lưu thông, nhức mỏi, mệt, chán ăn, mỗi sáng chịu khó uống một lý trà gừng, đơn giản vậy thôi nhưng giải quyết được vô số vấn đề về sức khỏe.

Trong ẩm thực Việt, dường như củ gừng là thứ không thể thiếu, gừng giúp mọi thứ thịt trở nên thơm ngon, không còn mùi tanh sau khi chế biến có gia vị gừng, gừng giúp cho món ăn trở nên bắt cơm hơn, ngon miệng hơn và độ cay của gừng không ảnh hưởng đến người già và trẻ em như ớt. Nhìn chung, cây gừng dùng được mọi phần, từ lá, thân cây, rễ cây đều dùng tốt, dùng có hiệu quả. Lá gừng dùng để chế biến rau sống, kho với với cá vụn thì không gì ngon bằng, cây gừng dùng nấu nước xông, trong một nồi nước xông, nếu thiếu chừng ba cây gừng thì cho dù có đủ chanh, tía tô, ngải cứu, đinh hương, bạc hà, lá mơ… vẫn thấy thiếu vị ấm, chỉ cần có thêm thân cây gừng phơi khô hoặc tươi vào nồi nước thì bỗng dưng mọi thứ trở nên nồng nàn, ấm áp, dễ chịu…

Cây gừng, một số nơi còn mệnh danh là “sâm cay” bởi tác dụng tráng dương bổ thận, lọc độc của nó không hề nhỏ, đặc biệt, ai có tuổi thơ hay lang thang, quanh quẩn trong góc vườn nào đó, từng ngắt một nhành lá gừng vò đưa lên mũi ngửi, cay hít hà, thơm lựng và ấm thì sẽ càng yêu mến cây gừng hơn. Nghiệt là việc trồng gừng rất đơn giản nhưng chẳng mấy ai trồng, chỉ cần một ít lá cây mục hoặc vỏ trấu, lúa lép là có thể trồng gừng. Những mụt gừng nhú lên khỏi củ, tách từng mụt nhỏ ra, khâu chuẩn bị đất trồng cũng rất đơn giản, chẳng phân tro gì mấy. Đất được làm cho tơi, phơi khô một đến hai ngày, sau đó đánh rãnh trồng các mụt gừng xuống, khỏa một lớp đất bột mỏng lên trên và đổ đầy lá mục hoặc trấu, lúa lép lên bên trên. Việc còn lại là thi thoảng, nắng hạn tháng bảy gay gắt quá thì tưới lên luống một ít nước. Chừng hai tuần thì gừng nhú khỏi mặt đất, lá non xanh mởn, nhìn cứ như đứa bé ngây ngô, nhìn hoài cũng không chán, có thể xem giai đoạn này, cây gừng là một loại tiểu cảnh trong vườn nhà.


Mứt gừng (Tom/ Viễn Đông)

Vài tháng sau, qua mùa đông lạnh lẽo, ướt át, qua cái mùa mà đôi ba ngày thì bà hoặc mẹ sai ra vườn hái lá gừng vào kho cá kéo tủ (cá vụn, người ta kéo tủ bên các dòng nước chảy khi có nước lụt), rồi qua mùa tháng Chạp, bà quét sân, đốt lá, một ít lá gừng khô, vài cây gừng bị cố ý bứt gãy bỏ vào đống lá khô, lửa trở nên ấm áp và cay nồng, sâu thẳm…

Lúc này cũng là lúc thu hoạch các củ gừng, làm mứt Tết. Thường thì củ gừng quá già không thể làm mứt Tết vì độ cay sẽ rất cao, người ta chọn gừng giầy, tức vừa tới độ trổ hoa thì thu hoạch củ, rửa sạch, gọt vỏ, ngâm một chút nước muối rồi xắt lát mỏng, chần qua nước sôi, nếu gừng cay quá thì chần hai lần nước sôi, sau đó xả bằng nước lạnh, để cho ráo. Việc còn lại là cho đường cát vào, để qua đêm để đường ngấm vào gừng, sáng mai ra cho gừng ngâm đường vào chảo, trộn đều và cho lên bếp, nhỏ lửa, chỉ để lửa riu riu, thi thoảng (chừng hai phút) lại dùng đũa đảo đều, đến khi đường quyện vào gừng, nặng tay thì đảo liên tục cho đến khi đường trắng trở lại, lát mứt gừng khô ráo, giòn thơm thì ngưng tay, đưa ra khỏi bếp ngay và cho ra mâm lót giấy, hoặc cho vào cái giần, đợi mứt nguội rồi cho vào hộp, đậy kín. Một mẻ mứt gừng ngon, lành tính và an toàn đã ra đời.

Mứt gừng là món kén người dùng, không phải ai cũng ưa mứt gừng và không phải ai cũng ưa gừng mặc dù nó có mặt trong sinh hoạt mỗi ngày của con người mà chẳng mấy ai để ý. Một lát mứt gừng đầu Xuân, một chút hít hà vị cay, một chút gì đó khiến cho người ta trở nên mông lung và mạnh dạng mở miệng nói với ai đó một điều gì đó… Đương nhiên, cái này tôi hồi tưởng thời trai trẻ của mình, còn bây giờ, mứt gừng mà cay quá thì chảy nước mắt. Nhưng trong đời, có những lần chảy nước mắt vô cùng ấm áp, vô cùng đáng nhớ, nhất là khi mưa Xuân đang lất phất, tay bạn cầm lát mứt gừng, người thân đang lúi húi nấu cơm, pha trà cúng lễ gia tiên đầu năm mới.

Kính chúc quý vị có một mùa Xuân mới vui vẻ, hạnh phúc và có những phút giây ấm áp bên gia đình, bè bạn cùng lát mứt gừng cay cay vị quê!

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT