Điện Ảnh, Nghệ Thuật

“Nam Mô A Di Đà Phật” thăng hoa trên sân khấu Mỹ

Anvi Hoàng/Viễn Đông Tuesday, 24/01/2012 - 03:14:31

"Câu chuyện Thị Kính", vở opera đầu tiên của một nhà soạn nhạc gốc Việt, P.Q. Phan (Phan Quang Phục), sẽ ra mắt năm 2014...



Nhà soạn nhạc P. Q. Phan (Phan Quang Phục)  ảnh: Indiana University

LTS: Nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) cùng phu nhân Anvi Hoàng đến Nam California hồi đầu năm 2010, tòa soạn nhật báo Viễn Đông được hân hạnh đón tiếp, phỏng vấn ông Phục về vở opera “Câu chuyện Thị Kính” dài 3 chương mà ông đang soạn, và sẽ cho ra mắt năm 2014. Khi được biết vở nhạc kịch opera đã xong, cùng sự diễn tập, dàn dựng qua hình thức hội thảo opera, tòa soạn nhật báo Viễn Đông đã liên lạc với ông bà để mời bà, cũng là một cộng tác viên lâu nay của Viễn Đông, viết giới thiệu tác phẩm độc đáo “Câu chuyện Thị Kính” cho Giai Phẩm Xuân Viễn Đông Nhâm Thìn 2012. Và bà đã nhận lời. Nhật báo Viễn Đông xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

Vài nét về nhạc sĩ P.Q. Phan
Giáo sư nhạc sĩ P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sinh tại Việt Nam năm 1962, là một nhạc sĩ sáng tác nhạc cổ điển đương đại (contemporary classical music), hiện sống tại Mỹ. Trong lúc đang học về kiến trúc năm 1978, ông bỗng chú ý đến âm nhạc và tự học chơi dương cầm, sáng tác và hòa âm. Năm 1982, ông tới Mỹ và bắt đầu chính thức học nhạc. Ông tốt nghiệp bằng cử nhân âm nhạc (Bachelor of Music) tại đại học University of Southern California năm 1987, bằng cao học âm nhạc (Master of Music) năm 1989 và bằng tiến sĩ âm nhạc (Doctor of Music) năm 1993 tại đại học University of Michigan.
Sáng tác của ông đã được trình tấu tại Mỹ, Canada, Mexico, nhiều nước Âu Châu, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đại Hàn và Nhật Bản.
Những giàn nhạc nổi tiếng đã chơi nhạc của ông: Kronos Quartet, BBC Scottish Symphony Orchestra, Radio France, Ensemble Moderne, Cincinnati Orchestra, Seattle Symphony Orchestra, American Composers Orchestra, St. Louis Orchestra - Chamber Group, the Cleveland Chamber Symphony, Charleston Symphony, Greater East Lansing Symphony, Sinfonia da Camera, Pittsburgh New Music Ensemble, và Society for New Music.
Nhiều giàn nhạc nổi tiếng đã đặt ông soạn nhạc: Kronos Quartet, American Composers Orchestra, Cleveland Chamber Symphony, Greater East Lansing Symphony, Obscura Trio, Ensemble Alternance de Paris, Core Ensemble, Pittsburgh New Music Ensemble...
Ông đã liên tiếp nhận nhiều giải thưởng âm nhạc giá trị: Rome Prize, Rockefeller Foundation Grant, Meet the Composers: Music Alive Residency Award with the American Composers Orchestra, ASCAP Standard Awards, Ohio Arts Council Individual Artist Fellowships, Charles Ives Center for American Music, the Concordia Orchestra, và được mời đến MacDowell Colony để sáng tác.
Ông cũng được mời làm soạn nhạc gia tại nhiều đại hội âm nhạc lớn trên thế giới. Những nhạc bản được thu âm cũng như đĩa nhạc của ông gồm có: Tragedy at the Opera (”Kronos Quartet: 25 Years”, Nonesuch 19504), Nights of Memory for solo guitar (Michael McCormick, Plaxton - CD001, L.A., 1992), “Banana Trumpet Games” (gồm những bài Unexpected Desire, Banana Trumpets Games, My Language, Rough Trax, Beyond the Mountains, và Rock Blood).
Ông đã từng dạy nhạc tại University of Illinois at Urbana-Champaign và Cleveland State University. Hiện ông là giáo sư hàm “Associate Professor” ngành sáng tác tại nhạc viện Indiana University, Jacobs School of Music ở Bloomington.

---------

 “Nam Mô A Di Đà Phật” thăng hoa trên sân khấu Mỹ
  Anvi Hoàng/Viễn Đông

(1) Có rất ít người Việt ở Bloomington, tiểu bang Indiana. (2) Hoạt động văn hóa địa phương thì nhiều vô số kể: nào là nhạc giao hưởng, opera, kịch, ca nhạc kịch, Broadway show, hội chợ mỹ thuật, v.v.. Nhưng hiếm khi (1) và (2) hợp lại với nhau. Cho đến khi...


Đạo Diễn Sân Khấu mở màn chào khán giả – ảnh: IU Jacobs School of Music

Diễn tập vở opera “Câu chuyện Thị Kính” (The Tale of Lady Thi Kinh)

Biểu diễn hội thảo (*) (workshop performances) là vào tối Thứ Bảy và Chủ Nhật. Có nghĩa là tập dợt diễn ra trong 3 tuần liên tục, 5 ngày/tuần, từ 3-6 giờ chiều mỗi ngày, cho đến tận Thứ Sáu trước ngày trình diễn. Có nghĩa là trước khi tập dợt 1, 2 tháng, sinh viên phải lấy bài để học hát trước. Đến lúc diễn tập, họ đã phải thuộc lòng lời và nhạc rồi.
Các sinh viên ở đây là ca sĩ sinh viên opera đang theo học tại trường Jacobs School of Music thuộc Indiana University. Gọi là sinh viên chứ thật ra nhiều người trong số họ đã và đang tham gia vào các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp. Người trong ngành xem họ biểu diễn cũng khó nói họ là thầy hay là trò. Tác phong làm việc nghiêm túc và trình độ chuyên nghiệp của họ đáng nể, cho nên hãy gọi tắt họ là “ca sĩ” vậy.
Một buổi chiều, tôi đến xem họ tập dợt. Trên nguyên tắc, ai muốn đi xem tập dợt cũng được, không có chuyện cấm đoán gì. Nhưng trên thực tế chỉ những người có quan tâm đặc biệt mới đi xem tập dợt thôi. Thì là chuyện Quan Âm Thị Kính mà, làm sao tôi bỏ qua được. Vả lại, tác giả của vở opera này lại là ông chồng của tôi. Thành ra, gọi là đi “ủng hộ tinh thần”! Hơn nữa, có dịp phải đi xem các nghệ sĩ làm việc sau “hậu trường" như thế nào chứ. Một công đôi ba chuyện. Hôm nay, họ tập đến đoạn “Thị Mầu lên chùa”.


Thị Mầu sắp tán tỉnh Tiểu Kính Tâm – ảnh: IU Jacobs School of Music

Lạc vào một thế giới khác

Tôi tìm chỗ ngồi và bắt đầu quan sát. Ca sĩ trong vai Thị Mầu dợt phần nhạc trước. Có nghĩa là lúc này cô chỉ làm việc với nhạc trưởng và người đệm đàn piano thôi (vì là hội thảo nên chỉ dùng một đàn piano thay cho cả giàn nhạc). Cô cất tiếng hát được một đoạn, Nhạc Trưởng bảo, “Dừng lại. Tôi muốn cô hát láy chữ này và ngân dài ra một tí. Và vào câu sau nhanh hơn một chút”. Cứ như thế, hát-sửa-hát-sửa liên tục những đoạn mà Nhạc Trưởng cho là khó và cần chú ý đặc biệt. Các ca sĩ trong màn “Thị Mầu lên chùa” cùng giàn đồng ca 16 người lần lượt dợt hát. Sau hơn một tiếng, họ bắt đầu kết hợp hát và diễn.
Sân khấu dựng mang ý tượng trưng: một khung cửa gỗ to được dùng làm cửa đi ra-vô nhà hoặc ra-vô chùa. Nhân vật Nô đi qua khung cửa gỗ, bước vào nhà và bắt đầu than thở về thân phận hẩm hiu của mình. Anh vừa đi vừa hát được vài bước, Đạo Diễn Sân Khấu bảo, “Dừng lại. Ở chỗ này, cậu đừng cứng nhắc và trịnh trọng như thế”. Ông nói tiếp giọng nửa thật nửa đùa, “cậu phải dùng điệu bộ như thể cậu là thằng đầy tớ. Mà quả thật ở đây cậu là thằng đầy tớ!”. Mọi người đều cười ha hả vì câu nói đùa mà thật của ông.
Tôi cũng cười, nhưng cảm thấy hơi tội nghiệp cho các ca sĩ vì cứ bị sửa tới sửa lui như thế. Đồng thời tôi cũng cảm thấy nể họ. Chắc chắn là họ đã phải luyện được “thần kinh thép” rồi mới không để cho bản ngã và lòng tự tin của mình bị đè bẹp để mà tiếp nhận những sự điều chỉnh của nhiều người cùng một lúc như thế. Bởi vì ngoài Nhạc Trưởng và Đạo Diễn Sân Khấu, bất cứ lúc nào nhà soạn nhạc cũng có thể chen vào và góp ý nữa. Đồng ý đây là một phần của nghề nghiệp, nhưng trên đời này không ai thích bị chỉnh cả. Bởi thế mới nói tôi nể thái độ làm việc của các ca sĩ ở đây.
Tôi cũng thán phục họ bởi vì đến giai đoạn diễn tập này, họ vừa phải thuộc lời, vừa phải nhớ nhạc, vừa phải theo dõi điều khiển của nhạc trưởng, vừa phải nhớ đạo diễn muốn mình diễn như thế nào. Tập trung cao độ vừa tinh thần vừa thể xác. Ba tuần mà tập một vở opera dài hơn 2 tiếng như “Câu chuyện Thị Kính”, quả là công phu. Cực nhất có lẽ là vai Thị Kính, vì phải hát và diễn nhiều hơn cả.
Tất nhiên nếu có nhiều thời gian hơn để diễn tập thì áp lực sẽ giảm bớt. Nhưng nhìn cảnh các ca sĩ, nhạc trưởng, đạo diễn sân khấu, nhà soạn nhạc - những người hay mang tiếng là có thái độ diva - cùng làm việc với nhau nhằm tạo ra một vở opera hoàn chỉnh để trình diễn trước công chúng, tôi không khỏi cảm thấy “thế giới" này của họ quả là kỳ diệu.


Nhạc Trưởng làm việc – ảnh: IU Jacobs School of Music

Người họa sĩ miêu tả thế giới của mình phần lớn qua màu sắc và cây cọ. Nhà văn, nhà báo thì dùng ngôn ngữ. Kiến trúc sư thì dùng hình thể và vật chất, v.v.. Nhạc sĩ dùng những nốt nhạc. Khi các ca sĩ nhìn vào những nốt nhạc, họ đã “nghe” được điệu nhạc trong đầu rồi, và họ chỉ cần cất tiếng hát cho điệu nhạc thoát ra. Người nhạc trưởng nhìn vào bản nhạc thì anh đã “nghe” thấy âm thanh của cả một giàn nhạc – đàn violin phía trước làm nền, sáo bay bổng bên kia, đàn harp thủ thỉ bên trái, trống hào hứng phía sau, đàn double bass đằm đằm phía bên phải, v.v. – như là một bức tranh vẽ với chi tiết là những nốt nhạc biết hát.
Trong khi đó, nhìn cách đạo diễn sân khấu làm việc, tôi cho rằng ông suy nghĩ bằng hình ảnh, cách bố trí không gian, và điệu bộ diễn xuất là nhiều. Khi Thị Mầu tán tỉnh chú tiểu Kính Tâm ở chùa không thành, cô quay về nhà. Khi cô xuất hiện, cảnh tượng ông đạo diễn sân khấu “thấy” trong đầu mình là một căn nhà gỗ, tre trúc xung quanh, phía trước có khoảng sân trống. Thị Mầu đi vào trong sân từ phía bên trái, cùng lúc Nô đi từ trong nhà ra ở phía bên phải, và hai người gặp nhau bên ngoài cửa chính. Thị Mầu bèn tán tỉnh Nô. Mà phải là đứng gần cửa cơ, để khi cả hai hát xong, trong lúc nhạc chuyển vài giây, Thị Mầu chỉ cần đẩy nhẹ một cái là cả hai đã lọt qua cửa chính để vào trong nhà. Đạo diễn sân khấu phải nhắc nhở để các ca sĩ đứng đúng chỗ, giơ tay giơ chân và quay bước đúng nhạc và đúng hướng.
Như thế đấy. Tôi ngồi đó quan sát, như lạc vào một thế giới mới. Mắt nhìn, tai nghe, đầu óc suy nghĩ, toàn thân cảm giác. Mọi người đang hòa nhập các thế giới riêng của họ vào với nhau để tập vở Quan Âm Thị Kính - tôi cảm thấy một sự kích động mạnh, chen lẫn ngỡ ngàng và phấn khởi. Cảm giác y như tôi “ngộ” ra một điều gì bình thường lắm, nhưng ý nghĩa triết lý thì mới mẻ và sâu sắc vô cùng.


Chào khán giả sau khi vở diễn kết thúc – ảnh: IU Jacobs School of Music

Hội thảo vở opera “Câu chuyện Thị Kính” (The Tale of Lady Thi Kinh)

Sân khấu Auer Hall gần chật đầy và mọi người đang chờ đợi buổi diễn bắt đầu. Khi đèn sân khấu sáng lên, Đạo Diễn Sân Khấu bước ra cúi chào khán giả, rồi đứng trước khung cửa gỗ, giang rộng hai tay ông nói lớn: “Chào mừng quý vị đến Việt Nam!”. Chả là “Câu chuyện Thị Kính” là chuyện Việt Nam, mà cũng trùng hợp là mấy ngày hôm nay trời nóng lắm, để tiết kiệm điện, máy điều hòa được mở ít, nên trong phòng cũng nóng. Khí hậu coi như là cũng giống Việt Nam đi! Ông cũng nói đến chuyện cần thiết phải có biểu diễn hội thảo như là một phân đoạn quan trọng trong tiến trình dàn dựng một tác phẩm mới.
Thế là buổi diễn bắt đầu bằng những tiếng cười chào đón. Khán giả có nhiều dịp để cười, đặc biệt là lúc Thị Mầu lên chùa tán tỉnh chú tiểu. Khán giả cũng cười lớn khi nghe Nô bảo Thị Mầu rằng, “Cô Thị Mầu như quả mướp non / nằm bờ nằm bụi rồi đến sớm con muộn chồng”. Cười cũng nhiều, mà khóc cũng không ít. Có nhiều khán giả đàn bà lớn tuổi khóc vì câu chuyện cảm động quá, và chắc hẳn họ thông cảm cho thân phận người phụ nữ nhiều. Khi tôi nói chuyện với một anh bạn người Việt Nam hiện ở Bloomington cũng đi xem biểu diễn, anh bảo con gái anh, 13 tuổi, cũng khóc nhiều lắm.
Một điều tôi dám nói ở đây là sau khi buổi diễn kết thúc, khán giả người Mỹ nào cũng có thể phát âm được câu “Nam Mô A Di Đà Phật” và hiểu được “Nam Mô A Di Đà Phật” có ý nghĩa gì. Chả là sau khi Thị Kính cắt tóc đi tu, khán giả bắt đầu được nghe hát câu “Nam Mô A Di Đà Phật” đều đều. Thị Mầu “Nam Mô A Di Đà Phật” hy vọng tìm được tình yêu trong mùa trăng mới. Thị Kính “Nam Mô A Di Đà Phật” từ bỏ cuộc sống trần tục. Tiểu Kính Tâm “Nam Mô A Di Đà Phật” trăn trở chuyện đời chuyện đạo. Sư Cụ “Nam Mô A Di Đà Phật” đắn đo giữa truyền thống làng xã và công lý cuộc đời. Lần đầu tiên nghe hát “Nam Mô A Di Đà Phật” trên sân khấu Mỹ, không những tôi chẳng thấy lạ lẫm, mà còn cảm thấy rất tự nhiên và tự hào.

 “Nam Mô A Di Đà Phật” thăng hoa
Cũng giống như Hallelujah/Alelujah hoặc Amen – “Nam Mô A Di Đà Phật” là từ tụng niệm, không thể chuyển dịch ra tiếng Anh được nên được giữ nguyên – như vậy để không mất ý nghĩa, và không mất “hương vị” văn hóa của nó. Có ai mà chưa nghe hát Hallelujah bao giờ. Đặt biệt là vào dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới, đi đâu cũng nghe người ta mở nhạc Noel và nghe hát Hallelujah. Nghe nhiều thế nhưng không chán bao giờ. Thử nghe lại các ban đồng ca hát Hallelujah trong bài Messiah của Handel mà xem, dựng tóc gáy liền. Hoặc Leonard Cohen, Bon Jovi hát Hallelujah, mềm người ra ngay. Cho dù người hát là người Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ hay Châu Phi, v.v., câu hát Hallelujah đều đem đến cùng những cảm giác gần như nhau cho người nghe: hưng phấn, trang nghiêm, nhẹ nhàng, thanh thản, hoặc bình an.
Bây giờ hãy tưởng tượng, thay vì người ta hát Hallelujah thì người ta lại hát “Nam Mô A Di Đà Phật” - cũng hưng phấn, trang nghiêm, nhẹ nhàng, bình an như thế. Cả thính phòng im phăng phắc, tất cả tập trung vào những nghệ sĩ trên sân khấu. Họ căng người ra hát. “Nam Mô A Di Đà Phật”: âm điệu lúc thì uyển chuyển, vui tươi, lúc thì thành khẩn, thanh thản, hoặc trang nghiêm - đồng thời cũng rất đậm đà và sâu sắc đầy tính Việt Nam. Tôi nghe hát mà nổi da gà khắp người. Nếu được nghe người Việt Nam hát “Nam Mô A Di Đà Phật” như thế này, tôi tự hào mười. Đằng này, lại là nghệ sĩ Mỹ, hát trên sân khấu Mỹ. Nói là tự hào gấp ngàn lần cũng không quá đáng chút nào. Thật ra thì không thể đo lường được lòng tự hào Việt Nam trong giây phút này. Chỉ biết tôi động lòng muốn khóc. Từng tế bào trong người tôi muốn nổ tung vì sung sướng. Tôi muốn chạy nhảy tung tăng như đứa trẻ và rồi giang tay ùa vào lòng mẹ – để những cảm xúc sung sướng của đứa trẻ được truyền sang cho một người khác.
Đến lúc Thị Kính chuẩn bị lên Niết Bàn, “Nam Mô A Di Đà Phật” đang đi dần đến lúc cao điểm: thật thanh thản, thoát trần. Khi giàn đồng ca và tất cả các ca sĩ cùng hát tung hô Phật Quan Âm Thị Kính, “Nam Mô A Di Đà Phật” thật thống thiết, thành khẩn và dồn dập, mạnh mẽ - chuẩn bị cho một kết thúc như một trái pháo được bắn lên không để mà thả pháo bông xuống. Tôi căng người ra trong lúc này, để rồi mềm lòng xuống khi điệu nhạc chấm dứt bằng một “Nam Mô A Di Đà Phật” sau cùng. Thì cũng đương nhiên thôi, nhạc dâng thánh thần mà, người trần tục như tôi mềm lòng cũng phải. Ai mà có khóc cũng không phải mắc cở đâu. Khán giả vỗ tay liên tục trong mấy phút liền chúc mừng vở diễn thành công.
Nghĩ lại, âm nhạc quả có sức mạnh kỳ diệu: đau thương, hạnh phúc đều xuyên thấu cả. Tôi chợt nhớ tới một buổi trò chuyện đặc biệt với mấy người bạn. Chúng tôi bàn về lịch sử Việt Nam. Cứ nghĩ xem, lịch sử Việt Nam hơn 4 ngàn năm, biết bao nhiêu cuộc chiến tranh, biết bao nhiêu hy sinh và mất mát. Một anh bảo, “Không biết bao nhiêu người Việt Nam đã nằm xuống! Bao nhiêu oan thiêng như thế biết giải thế nào. Chỉ có âm nhạc mới làm được chuyện đó: một bài nhạc cầu siêu!”. Hùng tráng-trang nghiêm-đậm đà-sâu sắc-thoát trần-bình an. Đã nghe hát “Nam Mô A Di Đà Phật” rồi, tôi có thể hình dung ra một bài nhạc cầu siêu cho dân tộc Việt: một sân khấu ngoài trời một triệu người - tất cả các tấm lòng mở rộng và được kết nối qua điệu nhạc thiêng liêng của dân tộc…
Vở opera “Câu chuyện Thị Kính” (The Tale of Lady Thi Kinh) theo dự trù sẽ được chính thức mở màn tại sân khấu trường nhạc Jacobs School of Music thuộc Indiana University vào năm 2014. Nghe thì có vẻ lâu đấy, nhưng 2 năm là khoảng thời gian trung bình cần thiết để dựng một tác phẩm mới. Chuyên gia dựng cảnh và thiết kế trang phục cần hơn một năm để nghiên cứu và thực hiện tác phẩm – lúc đó, Thị Kính phải “bay” lên trời như thế nào, rồi trang phục cho tất cả các vai cùng hơn 30 người trong giàn đồng ca ra sao, v.v.. Đạo diễn sân khấu cũng cần nhiều thời gian để hoàn chỉnh các ý tưởng diễn xuất và dàn dựng của mình. Rồi tuyển chọn ca sĩ và tập dợt. Thời gian trôi cái vèo thôi.
Trong khi đó, các bà các cô hãy chuẩn bị áo dài đi nhé. Chào mừng quý vị đến Bloomington, Indiana! Trường nhạc Jacobs là một trong những trường nhạc lớn nhất và nổi tiếng nhất, không những ở Mỹ mà cả trên thế giới. Không bao lâu nữa, người Mỹ và thế giới sẽ được nghe hát “Nam Mô A Di Đà Phật”. Tôi đã bắt đầu mơ tới ngày đó rồi...

Ghi chú:
(*) Nói nôm na, hội thảo opera là trình diễn thử vở opera với sân khấu và trang phục rất đơn sơ để nhà soạn nhạc quyết định xem ông muốn thêm bớt chỗ nào hay không, cũng như để đạo diễn sân khấu, nhà thiết kế cảnh, thiết kế trang phục nghiên cứu vở opera xem họ muốn tiến hành phần việc của mình như thế nào.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT