Còn trái cây mốc ngoài vỏ? Tốt nhất, nên bỏ cả trái ấy. Nhưng những trái nào chung rổ mà không bị mốc vẫn có thể sử dụng an toàn.
Bài VŨ HẰNG
Lần trước chúng ta nói về chuyện Bác Sĩ Alexander Flemming, người đã khám phá ra thuốc trụ sinh Penicillin qua những đám mốc xanh. Mặc dầu không dám mơ được tài giỏi như bác sĩ, nhưng giới nội trợ chúng ta vẫn cần phải lưu ý, là vì những đám mốc của nhà bác học cũng không khác gì những đốm mốc đôi khi xuất hiện trên những mẩu bánh mì, những trái chuối và nhiều thực phẩm khác trong bếp nhà chúng ta. Trong khi mốc của nhà bác học thì có thể dùng để chế thuốc cứu người, chả lẽ mốc của chúng ta lại xấu?
Bánh mì nguyên ổ mà bị đốm mốc vài chỗ thì không thể chỉ cắt bỏ phần mốc, liệng bỏ cả ổ là an toàn.
Đốm mốc trên bánh mì?
Nếu còn phân vân khi nhìn thấy những nấm mốc trên ổ bánh mì, thì chúng ta đã có ngay câu trả lời đơn giản và dứt khoát: Không tốt! Bởi vì không là nhà bác học, chúng ta không có cách nào để phân tách những thứ hầm bà lằng có trong đám mốc xanh ấy được. Nên tốt nhất là tránh nó. Nhưng nếu chỉ cắt phần bị mốc đó đi rồi ăn phần bánh mì còn lại có được không?
Mặc dầu đó là việc nhiều người trong chúng ta thường làm, nhưng các thầy cô nói rằng làm như vậy chưa an toàn. Ngay cả khi đốm mốc đó vẫn còn nhỏ li ti, và phần còn lại thì trắng tươi, xem ra chưa hề bị ô nhiễm.
Là vì, bánh mì là một loại thực phẩm xốp, mà rễ nấm có thể âm thầm mọc xuyên bên trong không tỏ lộ dấu vết gì ra bên ngoài cả. Điều đó có nghĩa là nếu chỉ cắt bỏ phần mốc đã lộ ra bên ngoài thì vẫn còn cả tấn những rễ nấm nhỏ li ti bên trong ổ bánh, như vậy làm sao an toàn được? Tốt nhất là bỏ cả miếng bánh đó đi.
Nhưng nhiều khi đâu phải chỉ dư lại một miếng bánh đơn lẻ, mà chúng ta có thể quên cả một túi với rất nhiều lát bánh trong đó, đến khi lấy ra dùng thì miếng mốc miếng không. Làm sao bây giờ, chả lẽ vất cả những lát bánh không hề bị ô nhiễm? Trong trường hợp này, cô Marianne Graveley, một chuyên gia về thông tin kỹ thuật tại Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, cho biết có thể cứu vãn được đôi chút. Nếu một đầu ổ bánh bị hoen mốc, còn đầu kia sạch sẽ trắng trẻo thì … bạn có thể liệng bỏ miếng bánh hoặc những miếng bánh ở đầu bị mốc, cộng thêm một vài miếng trông còn sạch sẽ kế đó. Những miếng ở đầu sạch, sau khi soát lại kỹ càng mà không thấy tì vết, bạn có thể dùng được, nếu muốn. Còn nếu vẫn lo lắng thì liệng luôn cả bịch cho yên tâm, bánh mì bây giờ cũng rẻ mà phải không?
“Con bò cười” (laughing cow) là thứ phó mát mềm, mốc có thể mọc rễ, làm ô nhiễm cả miếng hoặc cả hộp.
Có một điều may mắn là, theo các thầy cô, thì mốc trên bánh mì không hại lắm. Nếu lỡ ăn rồi cũng không đến nỗi “die soon.” Thường chỉ là cảm giác khó chịu, dẫn đến cảm giác buồn nôn hoặc nôn ọe ra được là thôi. Đó là nói về mốc bánh mì thôi, không phải mọi thứ mốc đều giống nhau, có những thứ độc hại hơn nhiều.
Mốc trên phó mát (cheese)
Một vài loại cheese (như Gorgonzola) được nhà sản xuất cố tình cấy mốc vào để làm tăng thêm dược tính của cheese, chứ không phát sinh nấm độc. Nhưng đừng lầm nó với những đốm xanh phát triển sau đó. Khi phát giác những đốm mốc mới xuất hiện trên miếng cheese cứng, bạn có thể khoét phần mốc đi, và yên tâm sử dụng phần cheese sạch sẽ còn lại. Nhưng nếu đó là thứ phó mát mềm (như phó mát “con bò cười”) thì nên bỏ cả miếng, tốt hơn bỏ cả hộp đi.
Thứ phó mát này thì có đốm xanh ngay khi còn trên quầy siêu thị. Đó là thứ “mốc” có dược tính được nhà sản xuất cố tình cấy vào.
Còn trái cây mốc ngoài vỏ? Tốt nhất, nên bỏ cả trái ấy. Nhưng những trái nào chung rổ mà không bị mốc vẫn có thể sử dụng an toàn.
Nói chung, nếu thực phẩm thuộc loại mềm, xốp, chúng ta nên vất bỏ cả đi nếu khám phá thấy một phần bị mốc. Nếu thực phẩm thuộc loại cứng, chúng ta có thể cắt bỏ phần mốc và giữ phần còn lại để sử dụng.
Còn nhiều chi tiết rất hay và bổ ích về thực phẩm và nấm mốc trên mạng của bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ www.fsis.usda.gov. Ông Cả Đẫn hứa là khi nào “hưỡn hưỡn” sẽ đọc và dịch lại cho em nghe để mở rộng tầm mắt. Nghe ổng hứa là biết rằng phải chờ dài cổ rồi đó, bạn nào giỏi tiếng Anh đọc trước rồi chỉ lại cho Hằng với nghe.
Vuhang231@yahoo.com
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Vì sao đi khách sạn không nên cất quần áo vào ngăn tủ khách sạn?
Thuê khách sạn khi đi du lịch, nhiều người có thói quen dỡ quần áo ra khỏi vali và cất vào tủ ngăn kéo. Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo ...
Bạn thích hợp mặc váy hay quần? Chỉ cần nhìn vào 3 điểm này là sẽ biết ngay
Lựa chọn trang phục phù hợp sẽ giúp bạn tôn lên vóc dáng và che đi nhược điểm.
Cách chế biến vỏ chuối thành phân bón organic rất tốt cho cây trồng của quý vị
Mình là mình dành 1 cái máy xay sinh tố chuyên đề xay thức ăn thừa tưới cây. Vỏ chuối chín, vỏ trứng, lòng đỏ trứng, cơm canh thừa xanh ...