Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nghe Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn

Friday, 10/12/2010 - 09:55:58

Hoàng Ngọc Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc tại Hội trường Việt Báo Vào ngày Thứ Bảy 11-12-2010, từ 1 giờ trưa – (1) Hội thảo “Thực trạng và xu hướng của Văn ...

Trân Hương/Viễn Đông

HoangNTuan-IMG_0655.jpg

Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn đang trình diễn cho thân hữu tại tòa soạn Viễn Đông đêm 5-12-2010 – ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông




Hoàng Ngọc Tuấn và Nguyễn Hưng Quốc tại Hội trường Việt Báo
Vào ngày Thứ Bảy 11-12-2010, từ 1 giờ trưa – (1) Hội thảo “Thực trạng và xu hướng của Văn học Việt Nam hiện nay”, diễn giả: Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn và Phùng Nguyễn. (2) Chương trình âm nhạc “Hát thơ tình cờ”, gồm những ca khúc của Hoàng Ngọc Tuấn phổ thơ, do chính tác giả trình bày. Vào cửa tự do. Địa chỉ: 14841 Moran St., Westminster, CA 92683.

Nhiều người cho rằng viết lách là một cái nghiệp, mà không phải là một cái nghề, nhất là đối với người viết gốc Việt Nam ở hải ngoại; có lẽ vì viết khó và mất nhiều thì giờ, mà chưa chắc đã đem đến chút lợi nhuận nào cho người viết. Vậy mà người ta vẫn viết, nhiều người còn viết miệt mài để sau đó phải xin lỗi vợ (chồng) con, vì không dành cái thì giờ bỏ ra để viết lách đó cho người thân yêu của mình. Chỉ có thể nói, có lẽ với những người bây giờ còn cặm cụi viết lách, thì họ viết là vì có sự thôi thúc nào đó chứ không vì một cái gì khác.
Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn, đồng chủ biên trang mạng văn học được nhiều người đọc nhất là Tiền Vệ, là hai cây viết có thể nói là năng nổ nhất hiện nay. Những gì hai anh viết cũng được đánh giá cao, vì những chuyện hai anh viết không phải là ai cũng nói tới được, chúng đòi hỏi một công trình đọc và suy tưởng toàn thời gian, điều ít ai làm được, nếu đang theo đuổi một cái nghề để kiếm sống, mà hai anh lại viết ra đuợc rất rạch ròi dễ hiểu, chứng tỏ một nội công thượng thừa. Ngoài ra, Hoàng Ngọc Tuấn cũng là một nhạc sĩ guitar và một sáng tác gia, những cái “nghiệp” khác mà ít ai có được.
Vì vậy, tin hai anh vượt qua 14 giờ bay từ Úc đến Mỹ là một tin được đón nhận nồng nhiệt trong giới làm “văn học nghệ thuật” ở đây. Hai anh được xem là khách quý của quận Cam, cái nôi của người Việt hải ngoại. Buổi hội thảo với đề tài “Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam trong thời toàn cầu hóa” tại Viện Việt Học vào chiều ngày Chủ Nhật 5-12-2010, đã thu hút đông người ngồi kín căn phòng sinh hoạt của Viện, thường chứa đuợc khoảng hơn trăm người - một chuyện hiếm có cho một buổi hội thảo tại Viện - chứng tỏ sức hút và tiếng vang từ những gì hai anh đã viết. Một điều cũng khá hiếm cho những sinh hoạt ở đây, là buổi hội thảo bắt đầu thật đúng giờ, khiến cho tôi bị mất hết khoảng 10 phút nói chuyện của Trịnh Thanh Thủy, nhân vật đã dàn xếp để có được buổi họp hôm nay.
Hoàng Ngọc Tuấn được giới thiệu để mở đầu buổi họp. Anh nói sơ qua về “toàn cầu hóa”, dành phần lớn buổi nói chuyện cho Nguyễn Hưng Quốc.

NgHQuoc-IMG_0661.jpg

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc trong buổi gặp gỡ thân hữu tại tòa soạn Viễn Đông đêm 5-12-2010 – ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Nguyễn Hưng Quốc
Sau lời giới thiệu, một người hơi nhỏ nhắn có chiếc trán rộng và cặp mắt nhỏ thông minh giấu dưới đôi kính cận, buớc lên bục. Lần đầu tiên tôi được gặp tận mặt nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, người mà tôi hâm mộ từ nhiều năm qua về những bài viết rạch ròi sâu sắc, về những chuyện xưa nay tôi ít tìm hiểu vì cho là quá khô khan, dễ chán. Anh có dáng điệu tự tin, giọng nói vang, thẳng thắn và những điều anh nói ra cho thấy cái cảm tưởng ban đầu về anh là đúng.
Tiểu sử của Nguyễn Hưng Quốc trên trang Tiền Vệ: Nhà phê bình văn học; chủ bút tạp chí Việt (1998-2001), đồng chủ bút trang Tiền Vệ (2002~). Dạy các môn ngôn ngữ, văn học, văn hóa, và chiến tranh Việt Nam tại đại học Victoria University, Úc. Nguyễn Hưng Quốc đã khiêm tốn không nói đến học vị Tiến sĩ Văn Học của mình trong phần tiểu sử ngắn này.
Thật ra chủ đề hôm nay, Nguyễn Hưng Quốc đã viết thành một cuốn sách được xuất bản trong năm 2010 do nhà Văn Mới. Trong hơn 1 giờ ngắn ngủi, Nguyễn Hưng Quốc đưa ra những điểm chính khá thú vị, chứng tỏ có sự “toàn cầu hóa” trong tiếng nói và văn hóa Việt Nam hiện nay. Phân tích văn chương Việt, anh cho rằng trước đây văn hóa Việt vẫn là văn hóa làng, chưa được quốc gia hóa, có lẽ phải gọi là tiền hiện đại, và thống trị bởi miền Bắc. Nay bước một bước qua toàn cầu hóa, nhờ sự xuất hiện của những phương tiện truyền thông mạnh mẽ và hữu hiệu hiện nay, thành có một khúc gẫy gập đứt đoạn.
Nguyễn Hưng Quốc đưa ra những nhận xét về tiếng nói và văn hóa Việt thời “toàn cầu hóa”, với mặt nổi là dân chúng trong nước đi học ngoại ngữ rất nhiều, mà tiếng Việt ở hải ngoại cũng được dạy nhiều, nhất là ở nước Úc, nơi có chính sách đa văn hóa. Về mặt chìm, thì có những hiện tượng là sự vay mượn những danh từ ngoại quốc và sử dụng tiếng lóng rất quái đản, như một hình thức thách thức trong văn hóa. Toàn cầu hóa đồng nghĩa với thương mại hóa, cái gì cũng mua bán được, kể cả bằng cấp giáo dục, văn chương, thì không có loại cao cấp; cái gọi là cao cấp thì chỉ hơn bình dân chút xíu. Người ta viết văn nhanh để lấy nhuận bút, làm tuyển tập ra đều đều, nhưng toàn truyện cũ chỉ có 1, 2 truyện mới. Văn hóa số, văn hóa mạng phát triển dữ dội với các trang mạng, blog. Đi ra ngoài nhiều khiến người ta mở mắt, trí thức Việt Nam bây giờ phê phán chế độ gay gắt nhất ở Hà Nội. Nếu không có toàn cầu hóa thì còn lâu mới có chuyện này.
Nhiều nhận xét như trên đã được nói lên đây đó trong thời gian qua, nhưng Nguyễn Hưng Quốc đã làm một cuộc tổng hợp khá đầy đủ về tình hình văn hóa và tiếng nói Việt Nam hiện tại. Nhiều người trong khán giả đã lên đặt câu hỏi, đa số về cách sử dụng danh từ khi viết văn Việt trong thời “toàn cầu hóa” hiện nay và đã được Nguyễn Hưng Quốc trả lời một cách cặn kẽ.

Hoàng Ngọc Tuấn
Nếu Nguyễn Hưng Quốc là nhân vật chính cho phần đầu là buổi hội thảo, thì Hoàng Ngọc Tuấn là diễn viên của phần sau, phần văn nghệ với chủ đề Tặng Vật Cho Người.
Theo trang Tiền Vệ, tiểu sử của Hoàng Ngọc Tuấn: Nguyên chủ bút tạp chí Tập Họp (1987-1989). Nguyên phụ tá chủ bút tạp chí Việt (1998-2001); đồng chủ bút trang Tiền Vệ (2002~). Nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và sáng tác trong lĩnh vực âm nhạc và văn chương; đồng thời là nghệ sĩ trình tấu guitar, diễn viên sân khấu, và kịch tác gia. Hiện sống tại Úc. Từ năm 2004 cho đến nay, là thành viên của Ủy Ban Văn Chương và Lịch Sử, thuộc Hội Đồng Cố Vấn Nghệ Thuật, Bộ Nghệ Thuật New South Wales. Từ năm 2005, kiêm nhiệm trách vụ thành viên của Ủy Ban Sách Lược Phát Triển Nghệ Thuật Miền Tây Sydney, cũng thuộc Hội Đồng Cố Vấn Nghệ Thuật, Bộ Nghệ Thuật New South Wales.
Tự chứng tỏ là một nghệ sĩ dày kinh nghiệm, Hoàng Ngọc Tuấn làm chủ sân khấu với những lời tự giới thiệu và phần trình diễn kế tiếp. Anh cho biết, thích tìm hiểu về văn chương thế giới cũng như âm nhạc từ nhỏ. Anh đã tự học guitar và khi qua Úc đã tham dự một cuộc tuyển chọn người thực hiện chương trình phát triển “Innovative Music” một cách tình cờ và không chuyên nghiệp, tranh đua với những chức sắc âm nhạc vĩ đại nhất, nhưng cuối cùng đã được chọn.
Kế tiếp Hoàng Ngọc Tuấn cho nghe một  loạt ca khúc anh đã sáng tác hoặc dịch lời, như Bài Ca Chào Hàng, Nằm Trên Mặt Đất Nhìn Lên, Định Nghĩa Tình Yêu, Dường Như... Còn một số bài nữa mà tôi không nhớ tên hết. Nhạc Hoàng Ngọc Tuấn sôi nổi, mang nét trẻ trung, “hiện đại” và có ca từ thật thơ và đẹp, nói lên đuợc những tâm tình của người Việt hôm nay. Cộng thêm với lối đệm đàn thật điêu luyện, theo sát từng câu nhạc, những bài hát của anh, dù mới với khán giả quận Cam, vẫn nghe rất lọt tai, nhất là anh đã đọc lời và giới thiệu cặn kẽ từng bài hát. Khác với nhiều nhạc sĩ sáng tác  khác, thường không biết hát hoặc hát rất dở, Hoàng Ngọc Tuấn hát được và hát hay. Giọng ca của anh rất khỏe không thua gì những ca sĩ opera bệ vệ thường thấy, với lối phát âm cũng rất đúng và đẹp.
Ngoài viết bài hát, Hoàng Ngọc Tuấn còn là một soạn nhạc gia, viết nhiều bài tấu khúc cho độc tấu hoặc cho giàn nhạc lớn hay nhỏ. Hôm nay, Hoàng Ngọc Tuấn chọn trình diễn 2 tấu khúc guitar, mang nhiều âm hưởng bài dân ca việt Trống Cơm và dân ca Tây nguyên. Cũng như những ca khúc của anh, những tấu khúc này tuy mới nhưng rất dễ thưởng thức. Bài Trống Cơm có những giai điệu quen thuộc, còn bài theo nhạc Tây nguyên thì rõ ràng là có những nét Tây nguyên. Đó là nhờ anh đã “tune” đàn theo những âm giai khác với âm giai Tây phương, để chơi nhạc ngũ cung của Việt Nam. Qua hơn tiếng đồng hồ, Hoàng Ngọc Tuấn đã hoàn toàn chinh phục đuợc thính giả, bằng cớ là những những tràng pháo tay vang dội và những câu hò hét hào hứng.

Cảm tưởng
Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn tượng trưng cho những gì rất mới trong văn nghệ và văn học Việt Nam. Những ai theo dõi sinh hoạt của hai anh trên trang Tiền Vệ, đều có thể thấy rõ điều này. Hai anh là những người đưa ra giới thiệu lý thuyết, áp dụng và khuyến khích văn thi sĩ theo con đường sáng tác “hậu hiện đại”, lối sáng tác bứt phá khỏi hẳn những khuôn sáo xưa cũ, chẳng những trong cấu trúc của bài văn, bài thơ, mà còn trong những từ ngữ được sử dụng, gây “shock” cho nhiều người, trong đó có tôi.
Dù vậy, tôi biết ơn hai anh. Nguyễn Hưng Quốc đã giảng nghĩa và phân tích cho tôi thấy nhiều điều mà tôi không có khả năng tự tìm hiểu hay tự diễn tả. Hoàng Ngọc Tuấn phiên dịch và bình luận về những cây viết của thế giới, khiến nhãn quan tôi mở rộng. Dù rất ít đọc Tiền Vệ từ 4, 5 năm nay, vì không thưởng thức được văn thơ chứa khá nhiều những danh từ diễn tả chuyện truyền giống và bài tiết, cũng như các bộ phận sinh dục như những chuyện phải nói tới trong tất cả các sáng tác, tôi cũng đồng ý với anh Hoàng Ngọc Tuấn: mình không thưởng thức được, nhưng sẽ có những người thưởng thức được và sẽ cố duy trì nó. Cũng như những người không nghe được opera thuờng nói: “Hát gì mà cứ rống lên nghe the thé”. Những người nghe được opera đã nuôi dưỡng hình thái nghệ thuật này đến hôm nay.
Hôm nay tôi rất mừng được nghe Nguyễn Hưng Quốc nói chuyện với dáng điệu một người thầy dễ mến, giọng nói rõ ràng sang sảng, ý tưởng rạch ròi, thái độ hiền hòa cởi mở, lối trả lời câu hỏi rất thẳng thắn và minh bạch; và nghe Hoàng Ngọc Tuấn hát với tất cả tâm hồn của mình, những ca khúc đẹp và thơ trong tiếng đàn thật tuyệt vời. Nói cho cùng, những nét đẹp xưa cũ của con người và văn nghệ cũng vẫn còn đó và cũng vẫn còn có thể làm rung động con tim.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT