Đời Sống Việt

Nghỉ hè ở bệnh viện

Kiều Mỹ Duyên Tuesday, 25/04/2023 - 09:26:48

Khi con ở trong bệnh tật, khổ nạn, cầu xin Ngài che chở, cứu giúp con. Con tin Ngài không bỏ con và con mong ước luôn được ở trong sự hiện diện của Ngài.

Nghĩ hè biệnh viện

Nghỉ hè ở đồi núi sẽ nghe tiếng chim hót líu lo, nghe tiếng suối thì thầm êm ả, nhưng nghỉ hè ở bệnh viện sẽ nghe tiếng xe cứu thương hú còi, tiếng khóc của nhiều người trong khi người thân tắt thở. Nghỉ hè ở bệnh viện sẽ bị lấy máu thường xuyên, cánh tay đầy dây nhợ. Nghỉ hè ở bệnh viện sẽ ngủ li bì, sẽ ngồi xe lăn, bỏ lên xe chở đến phòng chụp X- quang để làm xét nghiệm, nhiều thứ xét nghiệm cho nên bị lấy máu nhiều lần. Mỗi đêm y tá đến không biết bao nhiêu lần, canh bệnh nhân xem có tắt thở chưa nhất là bệnh nhân ở phòng cấp cứu. Bệnh nhân nặng mới vào phòng cấp cứu nhất là ban đêm. Than ôi, địa ngục ở trần gian, nghiêng tay trái đau, nghiêng tay mặt đau, hễ cử động là đau, không cử động, nằm yên nhìn chai nước biển nhỏ từng giọt cũng đau, đau từ chân đến đầu, đau từ cánh tay đến mặt, đến óc.

Hễ vào bệnh viện thì nhiều bác sĩ đến thăm bệnh hàng ngày, bác sĩ nội khoa, bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ chuyên khoa. Tôi đã từng mơ ước, nếu cái nghiệp mình ở trần gian đã hết thì xin Phật, xin Chúa cho được ngủ một giấc đừng bao giờ thức dậy. Có nhiều người được phước đức của ông bà, cha mẹ và của chính mình ngủ rồi đi luôn, không đau đớn triền miên ở bệnh viện, ở viện dưỡng lão. Con người ra đi bất thường lắm, cho nên nếu thương yêu ai khi còn nói được, phải nói ngay. Tay còn cầm bút viết được di chúc thì viết ngay đừng chần chờ, làm living trust (một hình thức di chúc) thì làm ngay đừng chần chờ, rủi mai này bất chợt không nói được, không viết được thì đã làm những gì mình muốn làm.


Muôn vật đều vô thường / Vạn pháp nương nhau thành / Tĩnh lặng vui bậc nhất.
Nghỉ hè ở bệnh viện không hấp dẫn chút nào, ban đêm cũng như ban ngày lúc nào cũng có y tá đến canh chừng, thêm thuốc, truyền nước biển 24/24, cánh tay đầy dây nhợ, ngủ liên tục trừ những lúc đi làm xét nghiệm, xét nghiệm cả người: tim, gan, phèo phổi. Bác Sĩ Phạm Hải, con của Bác Sĩ Phạm Văn Hoàng, có phòng mạch ở đường Bolsa, thành phố Westminster, là bác sĩ thế hệ thứ nhất mở phòng mạch đầu tiên ở Orange County. Bác Sĩ Hoàng có bốn người con, ba người là bác sĩ và một người là luật sư, có mẹ là sư cô tu ở chùa Huệ Quang, đặc biệt Bác Sĩ Hải nói tiếng Việt thông thạo, rất lễ phép. Bệnh viện ở Fountain Valley có rất nhiều bác sĩ, y tá, nhân viên là người Việt Nam. Thế hệ thứ hai nói tiếng Việt rất sành sỏi, ngay cả nhân viên ở phòng quang tuyến cũng nói tiếng Việt rất khá. Một chuyên viên của bệnh viện nói:

– Bệnh viện nào không nhận, đưa vào bệnh viện Fountain Valley đều nhận hết.

Khi đau quá, đau muốn đứt hơi thở mà chết, chuyên viên của tôi hỏi:

– Con phải chở cô vào nhà thương, cô đau quá không thể chịu nổi đâu. Cô muốn đến bệnh viện nào?

Không suy nghĩ, tôi trả lời ngay:

– Fountain Valley.

Thật ra, tôi đã làm phóng sự cho đài truyền hình SBTN về bệnh viện UCI, bệnh viện HOAG Memorial và nhiều bệnh viện khác, được bệnh nhân khen nhiều hơn chê.

Cô gái xinh đẹp, quen nhiều, đã từng làm người mẫu và đã hai lần trúng tuyển Hoa Hậu của tiểu bang California và Nevada nói:

– Bệnh viện Fountain Valley không tốt đâu, để con chở cô đi bệnh viện khác.

– Không sao, gần nhà cô.

Bệnh nhân đau quằn quại nhưng phòng nhận bệnh làm việc lờ đờ, hết chỗ nói. Có một điều rất vui là bác sĩ, y tá, nhân viên của bệnh viện rất nhiều người Việt Nam. Người trẻ nói tiếng Việt rất thông thạo như Bác Sĩ Phạm Văn Hải. Không biết trong gia đình Bác Sĩ Hoàng dạy con như thế nào mà Bác Sĩ Hải nói tiếng Việt rất thông thạo, lễ phép, vui vẻ, tận tụy với nghề nghiệp. Ngoài Bác Sĩ Hải, còn Bác Sĩ Lê Quý, Bác Sĩ Huân Nguyễn, y tá nói tiếng Việt cũng rất thông thạo như cô Uyên Trần, Mini Cao. Họ là những người trẻ. Y tá ở bệnh viện hay ở viện dưỡng lão làm việc một ngày 13 giờ 30 phút, họ chạy chứ không phải đi mỗi khi có bệnh nhân gọi, hàng ngày phải nghe tiếng rên la, than thở của bệnh nhân, nếu có người chết thì nghe tiếng gào thét của thân nhân của người vừa qua đời.

Kiều Mỹ Duyên và cô y tá Uyên Trần.
Kiều Mỹ Duyên và cô y tá Uyên Trần.

Vào bệnh viện mới thấy có sự khác biệt giữa người bệnh và người khỏe mạnh, người bệnh nhất là bệnh nặng biết thế nào mình cũng ra đi làm sao nở nổi nụ cười chứ?

Tôi gọi bác sĩ gia đình của chúng tôi là Bác Sĩ Hùng Nguyễn, Bác Sĩ Phùng Gia Thanh và nhiều bác sĩ nữa để nói về bệnh của mình, và gọi vị lãnh đạo tinh thần để đêm nay có ra đi thì sẽ có người cầu nguyện cho mình. Cứ mong ra đi nhẹ nhàng như giấc ngủ. Có ai đã từng nằm bệnh viện 24/24 với cánh tay đầy dây nhợ, nước biển, thuốc, y tá vào thăm bệnh thường xuyên, lấy máu, lấy nước tiểu, đo nhiệt độ, đo huyết áp, v.v.. Ôi thôi, đủ thứ phải làm, rồi ngồi trên xe lăn đẩy đến phòng quang tuyến để chụp tim, gan, phổi, bao tử, v.v.. Chưa chết mà cứ thấy xét nghiệm nhiều quá cứ tưởng mình sắp chết hay sẽ chết. Cùng trong bệnh viện có một tòa nhà tên là Hope Peace, đến đây thì không trở về nhà, chỉ chờ tử thần đến đón đi mà thôi.

Khi đau bệnh nhất là bệnh nặng thì niềm tin tôn giáo có sức mạnh vạn năng. Lời cầu nguyện của các vị lãnh đạo tinh thần vô cùng cần thiết cho người bệnh. Chúng ta, nhất là những người lớn tuổi đã bị bệnh, đã cảm thấy sự mầu nhiệm của lời cầu nguyện. Trong cuộc đời này, hạnh phúc thay cho những người có người thân để khi hữu sự gọi tới, có vị lãnh đạo tinh thần, có bác sĩ để gọi. Khi gần chết mới thấy mình cần có người thân. Khi khỏe mạnh, chạy nhảy tung tăng, muốn du lịch thì lên máy bay đi, muốn đánh quần vợt thì ra sân quần vợt, muốn bơi lội đến hồ, hoặc ra biển, muốn thăm bằng hữu thì leo lên xe, lái xe xuyên bang nào đó gặp bằng hữu ăn sáng, uống một ly cà phê rồi trở về. Cuộc đời thú vị là thế, hạnh phúc là thế, nhưng khi đau bệnh thì hạnh phúc khi có người để mình gọi.

Tôi có một số bạn thân hồi học trung học thường nói như sau:

– Hạnh phúc thay cho người nào trước khi nhắm mắt còn hơi thở để gọi tên của người mình thương nhất.

Tôi thường nói đùa:

– Hết nghiệp rồi thì cứ đi còn gọi người này, người kia làm phiền người ta.

Xin Đấng Tối Cao chữa lành và ban bình an cho bệnh nhân này đang phải chịu những cơn đau hành hạ thể xác.

Khi đau nằm nhà thương, ai cũng mơ ước có người thân đến thăm, nhưng tôi thì không muốn ai đến thăm vì bệnh viện là ổ vi trùng, chỗ nào cũng đầy vi trùng, người mạnh khỏe đến nơi này không bệnh sẽ thành bệnh, thế thì người khỏe mạnh không nên thăm người bệnh, phiền lắm.

Sống và chết rất gần nhau, vậy thì nên sống tử tế với nhau, đừng thù ghét nhau để mai này ra đi sẽ đi một cách nhẹ nhàng và sẽ có nhiều người cầu nguyện cho mình.

Cầu xin đừng ai bệnh, nếu bệnh thì đừng đau đớn quá sức. Xin Thượng Đế ban phúc lành cho những người tốt bụng, có lương tâm nghề nghiệp như các bác sĩ, y tá, chuyên viên làm việc ở bệnh viện hết lòng chăm sóc bệnh nhân.

Xin Chúa, xin Phật phù hộ cho các vị lãnh đạo tinh thần và những người có tấm lòng quảng đại sống vui, sống khỏe để giúp người, giúp đời. Nếu cuộc sống này thiếu những người tốt thì sẽ không có Thiên Đàng ở hạ giới.

Orange County, 4/2023
(kieumyduyen1@yahoo.com)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT