Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nhà soạn nhạc P.Q. Phan trước khi mở màn

Anvi Hoàng Saturday, 20/04/2013 - 09:08:37

Nhiều khi người ta diễn giải ý tưởng về tác phẩm theo cách mà tôi không hình dung ra trong đầu, và tôi có thể thích hoặc không thích nó. Nhưng khi phần sáng tác đã hoàn chỉnh, người ta có quyền diễn giải tác phẩm theo ý mình, đó là chuyện tự nhiên và tôi phải chấp nhận chuyện này.

Dàn dựng vở opera Thị Kính (kỳ 7)


Anvi Hoàng


Vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được trình diễn lần đầu tiên tại trường nhạc Jacobs School of Music thuộc đại học Indiana University vào tháng 2 năm 2014. Việc dàn dựng đã bắt đầu “chuyển động” từ nhiều tháng nay. “Chuyện Bà Thị Kính" là vở opera về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ, do đó Viễn Đông sẽ tường thuật những diễn biến này tới độc giả. Bài viết kỳ này là về cảm nhận của nhà soạn nhạc P.Q. Phan trước ngày mở màn.

Chỉ còn 11 tháng nữa là lúc các buổi trình diễn của vở opera "Chuyện Bà Thị Kính" / "The Tale of Lady Thị Kính" của nhà soạn nhạc P.Q. Phan đến lúc mở màn. Trong những ngày này, nhiều người trong nhóm dàn dựng đã bắt đầu xắn tay áo lên làm việc, và nhiều ban ngành khác nhau trong nhà hát đang chuẩn bị để chạy hết tốc độ cho việc dàn dựng. Trong lúc đó, P.Q. Phan trở thành ‘rảnh việc' bởi vì ông không tham dự gì vào việc dàn dựng.

Rất thoải mái, ông từ từ ngả người vào ghế ngồi trong tư thế của một khán giả và thưởng thức với sự háo hức, và lẽ dĩ nhiên là pha chút hồi hộp, khi tác phẩm của mình đang sắp diễn ra trên sân khấu ngay trước mắt ông. Và như thế, với tâm tư cởi mở không chút giấu diếm, tác giả P.Q. Phan nói về cảm giác của mình trước khi mở màn.

Ông cảm thấy thế nào khi việc dàn dựng đang được tiến hành?

P.Q. Phan: Phấn khởi, và đồng thời một chút lo lắng. Phấn khởi là vì cuối cùng tôi cũng thấy được ‘cuộc sống' của vở opera của mình trên sân khấu, thấy được tác phẩm đi từ trí tưởng tượng của mình ra, rồi trở thành bản nhạc (scores) hai chiều, và cuối cùng vượt thoát lên biến thành tác phẩm không gian ba chiều trên sân khấu.

Mặc khác, vì những yếu tố nằm ngoài vòng kiểm soát và không đoán trước được, tôi cũng lo không biết màn trình diễn có ‘đậm đà’ hay không, hoặc nó có được dựng theo cách tôi muốn thấy hay không. Việc dàn dựng không nằm trong tầm kiểm soát của tôi, và tôi cũng không nên xen vào công việc của nhóm dàn dựng. Nhiều khi người ta diễn giải ý tưởng về tác phẩm theo cách mà tôi không hình dung ra trong đầu, và tôi có thể thích hoặc không thích nó. Nhưng khi phần sáng tác đã hoàn chỉnh, người ta có quyền diễn giải tác phẩm theo ý mình, đó là chuyện tự nhiên và tôi phải chấp nhận chuyện này.

Mối quan hệ trong công việc giữa ông và các thành viên khác trong nhóm dàn dựng ra sao?

P.Q. Phan: Hoàn toàn chuyên nghiệp. Chúng tôi thân thiện với nhau và không ai vượt qua ranh giới trong công việc. Chúng tôi tránh không xen vào công việc của người khác. Họ không xen vào việc sáng tác của tôi, thì tôi cũng không nên xen vào việc dàn dựng của họ. Tôi tin tưởng vào trình độ chuyên nghiệp và năng lực sáng tạo nghệ thuật của nhóm dàn dựng. Tôi biết rằng họ sẽ dàn dựng tác phẩm một cách tốt nhất và hoàn hảo nhất với hết khả năng của mình.

Ông có kỳ vọng gì ở họ?

P.Q. Phan: Ít nhất thì tôi hy vọng là mỗi người trong số họ dàn dựng tác phẩm theo cách chuyên nghiệp nhất mà họ có thể làm. Ba nhân vật chính của nhóm dàn dựng đều hết sức chuyên nghiệp và rất thành đạt trong nghề nghiệp. Về phần nhạc trưởng David Effron, ông đã điều khiển hơn trăm vở opera. Tôi cho rằng ông đã làm chủ khả năng điều khiển sao cho một dàn nhạc phải chơi hết sức mình. Ông cũng vô cùng nhạy cảm và thông minh trong việc điều tiết nhịp điệu của một vở opera.

Đạo diễn sân khấu Vince Liotta thì đã đạo diễn vô số vở diễn và cả một số vở thuộc loại mở màn lần đầu trên thế giới (world premiere). Những tác phẩm do ông đạo diễn rất thông minh, khéo léo, mới mẻ và đầy sức sống.

Với nhà thiết kế sân khấu, bản lý lịch nghề nghiệp ấn tượng của ông là bằng chứng cho thấy ông có hạng đến cỡ nào. Tôi chưa có dịp gặp mặt ông nhưng mức độ chuyên nghiệp của ông thì rõ như ban ngày và chắc chắn ông sẽ đem lại thành công cho vở diễn.

Linda Pisano đã thiết kế trang phục cho nhiều tác phẩm quan trọng và đầy thách thức. Trang phục của bà thiết kế là kết quả của việc nghiên cứu công phu và kiến thức dày dạn. Tôi tin rằng bà cũng sẽ làm như thế cho vở opera "Chuyện Bà Thị Kính".

Ông nghĩ đạo diễn sân khấu, thiết kế cảnh và trang phục cần làm gì để đem lại cảm giác Việt Nam cho khán giả?

P.Q. Phan: Đây là câu hỏi hay và khó trả lời. Trước hết, tôi thấy rằng, thông thường người ngoài có thể nhìn thấy rõ hơn và đúng hơn về bản sắc dân tộc của một nền văn hóa. Tôi hy vọng nhóm dàn dựng cũng như thế. Thứ hai, về phần mình, tôi cảm nhận rằng văn hóa Việt Nam chủ yếu dựa vào sự đơn giản và chân thật. Nghệ thuật và âm nhạc Việt Nam chưa bao giờ được sáng tác dựa vào khái niệm phô trương hoặc cố tình làm choáng ngợp khán giả, mà thường là để đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống hàng ngày và nhu cầu giải trí cá nhân, về việc khai sáng tinh thần, việc tế lễ, nghiên cứu học thuật, và sinh hoạt cộng đồng. Nhà soạn nhạc nào cũng muốn nhìn thấy tác phẩm của mình được dàn dựng thành những buổi trình diễn tráng lệ trên sân khấu. Tuy nhiên, tôi không tìm kiếm điều này cho tác phẩm của mình. Tôi mong muốn thấy tác phẩm của mình gây xúc động cho khán giả, muốn nó được dàn dựng đủ chân thật như thể mời gọi khán giả hòa nhập vào vở diễn. Thật tuyệt vời nếu khán giả có thể cảm thấy như mình là một phần của vở diễn, chứ không phải chỉ là khán giả đứng bên ngoài.

Khán giả có thể học hỏi được nhiều hay ít về văn hóa Việt Nam qua tác phẩm này? Và khía cạnh nào về văn hóa Việt Nam mà ông muốn khán giả cảm nhận được từ buổi diễn?

P.Q. Phan: Về văn hóa Việt Nam thì nhiều lắm chứ, tùy theo khán giả thả mình vào tác phẩm nhiều hay ít. Khán giả có thể học được rất nhiều về văn hóa Việt Nam qua vở opera này nếu như họ có một số hiểu biết sơ về nó. Có hai cách để học hỏi từ vở opera: quan sát, và so sánh đối chiếu. Quan sát là một cách học hỏi tuyệt vời. Nó đòi hỏi khán giả tiếp nhận những gì diễn ra trên sân khấu mà không có một phán xét nào.

Mặt khác, so sánh và đối chiếu thì đòi hỏi cao hơn: người xem cần có ít kiến thức cơ bản và một số hiểu biết nhất định về ngành khoa học so sánh. Và rõ ràng người ta có thể học được nhiều qua vở opera hoặc câu chuyện Thị Kính nếu họ có kiến thức sâu trong các ngành nghiên cứu về tôn giáo, dân tộc học và nhân chủng học.

Qua vở opera này, người ta có thể hiểu về giá trị của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam qua ba nhân vật chính của câu chuyện, Thị Kính là biểu hiện của lòng thương người bao la, Thị Mầu lột tả tinh thần tự do, và Vợ Mõ đại diện cho người đàn bà đáo để. Điều thú vị là câu chuyện không đề cao đàn ông, mà chỉ muốn nhắm đến việc đấu tranh cho quyền lợi cho đàn bà.

*****

Phấn khởi và hoàn toàn tự tin vào khả năng của nhóm dàn dựng, P.Q. Phan không còn nói thêm gì nữa về cảm nhận của ông trước khi mở màn. Quay lại tư thế ngồi của một khán giả, ông hồi hộp chờ đợi tấm màn sân khấu được từ từ kéo lên.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT