Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nhạc trưởng David Effron thích văn hóa Việt Nam

Anvi Hoàng Sunday, 31/03/2013 - 08:23:01

Được mời chỉ huy vở opera này là một điều rất quan trọng đối với tôi. Không những vì nhà soạn nhạc và gia đình ông là bạn tốt của tôi, mà còn vì tôi đã có dịp đi Việt Nam cách đây 5 năm và nhiều điều ở Việt Nam làm tôi mê.

Dàn dựng vở opera Thị Kính (kỳ 6)

Anvi Hoàng

Vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được trình diễn lần đầu tiên tại trường nhạc Jacobs School of Music thuộc đại học Indiana University vào tháng 2 năm 2014. Việc dàn dựng đã bắt đầu “chuyển động” từ nhiều tháng nay. “Chuyện Bà Thị Kính" là vở opera về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ, do đó Viễn Đông sẽ tường thuật những diễn biến này tới độc giả. Bài viết kỳ này là về những cảm nhận ban đầu của nhạc trưởng David Effron trước ngày mở màn.

 

Là một nhạc trưởng xuất sắc và đầy kinh nghiệm, David Effron bận rộn quanh năm với những lời mời đến từ khắp thế giới. Thế nhưng hiện nay, ông đang bù đầu với một dự án lớn và vô cùng hấp dẫn đối với ông là chỉ huy vở opera "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính" của nhà soạn nhạc P.Q. Phan. Khi hỏi rằng ông có thể nói sơ qua về những cảm nhận ban đầu của mình về vở opera trước khi mở màn được không, ông sẵn lòng ngay. Cảm xúc về Việt Nam tràn đầy và hứng khởi về "Chuyện Bà Thị Kính", ông nói ngay không cần câu hỏi.

David Effron: Được mời chỉ huy vở opera này là một điều rất quan trọng đối với tôi. Không những vì nhà soạn nhạc và gia đình ông là bạn tốt của tôi, mà còn vì tôi đã có dịp đi Việt Nam cách đây 5 năm và nhiều điều ở Việt Nam làm tôi mê.

Người Mỹ chúng tôi không biết nhiều về Việt Nam. Chúng tôi biết chút ít về những nước châu Á khác như Nhật, Đại Hàn. Nhưng Việt Nam để lại ấn tượng trong tôi bởi cái cảm giác thân thiện của người dân ở đó. Trước kia tôi nghĩ họ chống người Mỹ, nhưng họ lại rất tử tế và rộng lượng. Và tôi mê thức ăn Việt Nam. Tôi thích la cà với một số người mà tôi có cơ hội nói chuyện.

Khi dự án về vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” bắt đầu, tôi nghĩ: “Vở này dành cho tôi đây", bởi vì tôi quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Vả lại, tôi đã đi Việt Nam, có thể tôi đóng góp được một chút gì đó vào dự án này.

Tôi kinh ngạc khi biết rằng câu chuyện Việt Nam của thế kỷ thứ 10 này chưa từng được dựng trên sân khấu phương Tây và đây là lần đầu tiên. Tôi có chút ngạc nhiên là vì nếu muốn, người ta có thể biến các nhân vật thành người Mỹ và câu chuyện xảy ra ở Mỹ – vì những gì xảy ra trong câu chuyện mang tính nhân bản phổ quát cao. Sự ghen tuông, sự giả dối, điều chân thật, tất cả đều là những điều rất bình thường mà mỗi người trong chúng ta đều trải qua trong đời. Thị Kính là câu chuyện tuyệt vời mà chỉ có một người Việt Nam mới có thể viết nhạc cho nó được. Tôi không cho rằng có người nào có thể “sản xuất” ra được vở này – đây là “đồ thật” đấy.

Tôi thấy phần hoà nhạc rất hay. Rõ ràng là nó được sáng tác có chủ đích bởi vì phần nhạc không khi nào át tiếng hát của ca sĩ opera. Thế mà nó vẫn đầy màu sắc, nhiều lúc do bộ gõ tạo ra. Chúng tôi mừng là P.Q. Phan có ở đây để giúp đỡ chúng tôi trong quá trình làm việc. Vở opera cũng có nhiều kịch tính, cảnh đẹp, trang phục phong phú. Tôi nghĩ cần phải có một buổi hội thảo hoặc hội nghị về văn hóa Việt Nam bởi vì người Mỹ chúng tôi không biết nhiều về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Nếu mọi người đến tham dự buổi hội thảo, tôi có thể bảo đảm rằng họ sẽ thấy vở opera là một tác phẩm sân khấu hấp dẫn. Có biết bao nhiêu chuyện về các nhân vật để mà bàn: cách họ sống, lịch sử của truyền thống chèo. Điều này chắc chắn hỗ trợ cho việc thưởng thức vở opera sau đó.

Anvi Hoàng: Những người ngoài ngành nhạc sẽ thấy khó mà hiểu được tại sao ông có thể chỉ nhìn vào bản nhạc mà đã thấy được màu sắc âm nhạc, nghe được tiếng nhạc, và hình dung ra các nhân vật?

DE: Bạn muốn biết tại sao à? Tôi thì không biết tại sao [cười lớn]. Tôi không trả lời câu hỏi này được. Tôi nhìn bản nhạc và chuyển thể chúng qua lỗ tai. Nhiều người làm được chuyện này lắm. Nếu bạn ở trong nghề lâu như tôi thì bạn cũng làm được thôi. Ngược với cách các nhà soạn nhạc làm: họ nghe trong tai trước rồi viết xuống giấy, người điều khiển nhạc như chúng tôi nhìn thấy trên giấy trước rồi chuyển qua lỗ tai.

AVH: Đây là một tác phẩm mang tính đa văn hóa, vậy thách thức trong việc điều khiển đối với ông là gì?

DE: Tôi thì sẽ hướng về phía nhà soạn nhạc trong những vấn đề về phong cách. Tôi có ý tưởng riêng về phong cách của vở opera, nhưng nó có thể không trùng hợp với những gì nhà soạn nhạc có trong đầu. Hơn nữa, vở opera được sáng tác với nhiều âm hưởng dân tộc mà người Mỹ không hiểu nhiều. Nó không phải như nhạc của Brahm, hoặc Beethoven. Tôi chắc chắn rằng nhà soạn nhạc có ý riêng của ông về tiết tấu, nhịp độ của vở opera tùy theo tích cách của người Việt Nam và nhịp độ của tiếng Việt. Ông ta sẽ có thể giúp tôi về những chuyện này.

AVH: Sự hiểu biết của ông về văn hóa Việt Nam giúp ích bao nhiêu phần trong việc điều khiển tác phẩm, hoặc chỉ dựa vào phần nhạc là đủ?

DE: Ba tuần ở Việt Nam không phải là nhiều, nhưng nếu mình chưa bao giờ đến một nơi, thì trong ba tuần tôi học được rất nhiều. Nhiều hơn hẳn so với trường hợp tôi chưa hề đặt chân đến Việt Nam. Nói một cách khiêm nhường, chứ tôi có cảm nhận rất tốt về âm nhạc. Vì vậy tôi không lo rằng mình đang đâm đầu vào một dự án mà mình không hiểu. Điều quan trọng cần nhớ là nhà soạn nhạc ở ngay đây và ông ta có thể giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.

Cả đời, tôi đã điều khiển hết các vở opera bài bản trong ngành rồi. Đến giai đoạn này, điều tôi thích thú là những dự án vừa mới vừa thú vị vì một lý do nào đó. Trong trường hợp này, vở opera Thị Kính là vở không giống bất kỳ vở nào trước nó. Chưa ai từng chuyển thể một tác phẩm chèo. Hơn nữa, vì chuyến đi Việt Nam mà tôi thấy cần phải điều khiển vở opera này.

AVH: Ấn tượng sơ khởi của ông về thể loại nhạc phương Tây hiện đại cho câu chuyện Việt Nam cổ này như thế nào?

DE: Vở opera mang phong cách nhạc Tây nhưng trong nó cũng có yếu tố âm nhạc phương Đông. Nếu không có phần nhạc Tây chủ đạo thì vở opera không thích hợp ở Mỹ. Tuy nhiên, tôi thấy có yếu tố nhạc Đông trong điệu nhạc, trong nhịp điệu ngôn ngữ của vở opera. Tôi nghĩ ở đây có sự kết hợp của cả hai. Tôi cũng muốn nói rằng phần nhạc cho dàn đồng ca thật tuyệt, đặc biệt màn đầu và và màn cuối. Tôi có thể hình dung ra cách mà nhà soạn nhạc đã kết cấu tác phẩm: câu chuyện đi đến đỉnh cao thì kịch tính trong âm nhạc cũng tăng dần, đến màn cuối thì hoành tráng với cả dàn nhạc. Nhà soạn nhạc quả là hiểu rõ nghệ thuật sân khấu.

AVH: Ông hy vọng khán giả sẽ phản ứng thế nào?

DE: Tôi mong họ yêu thích câu chuyện và hiểu được nó, bởi vì một câu chuyện như thế có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu. Tôi hy vọng khán giả hưởng ứng kịch tính của câu chuyện, và họ sẽ thích nó. Tôi cũng hy vọng họ hiểu rằng đây là một tác phẩm mang tính lịch sử vì trước giờ chưa ai viết một vở opera như thế này – không phải dễ dàng mà lấy một câu chuyện ở một đất nước xa xôi rồi hòa vào nhạc sao cho nó đem lại cảm nhận theo phong cách Tây cho họ hiểu được. Nhưng cũng cần phải quảng cáo nhiều để người ta đi xem.

AVH: Liệu họ có thích âm nhạc của tác phẩm không?

DE: Opera là hình thức sân khấu toàn diện. Nếu không thích nhạc thì không thể nói là thích tác phẩm.

AVH: Điều gì giúp ông trong việc đem linh hồn của âm nhạc Thị Kính đến với khán giả?

DE: Ngoài việc nhận lời khuyên từ nhà soạn nhạc, tôi có cảm nhận sân khấu rất tốt. Do đó nếu tôi coi tác phẩm này như một tác phẩm sân khấu, thì coi như tôi giải quyết yên ổn phần âm nhạc. Khi dàn dựng trên sân khấu, vở opera sẽ đầy ắp hành động và kịch tính. Hiểu được kịch tính này, hiểu được tính cách nhân vật là điều tốt nhất đối với tôi, bởi vì trong vở opera này các nhân vật đều được phác họa tỉ mỉ và không có hai nhân vật nào giống nhau. Đây là điều tốt về tác phẩm và nó sẽ ảnh hưởng đến nhịp điệu và tiết điệu của vở opera. Tất cả đều là những yếu tố cần được xem xét.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT