Hôm Nay Ăn Gì

Nhớ mít trộn tháng Ba

Monday, 25/04/2022 - 07:45:56

Mùa này tháng Ba, mít non không còn nhiều lắm, nhưng thường có những trái mít cuối vụ mới nhú, và cũng có...


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Mùa này tháng Ba, mít non không còn nhiều lắm, nhưng thường có những trái mít cuối vụ mới nhú, và cũng có một ít mít non trung vụ. Cây mít là cây khá đặc biệt, ra trái theo mùa nhưng lại có đến ba vụ, theo tiết khí của lịch pháp con người (hay con người đánh tiết khí cho lịch pháp của mình dựa trên qui luật của cây cỏ?!), tức cũng có Mạnh, Trọng và Quý. Đầu mùa xuân, trái mít ra vụ Mạnh Xuân, tức vụ đầu tiên, vụ này ít ai hái mít non bởi trái còn ít, và trái sẽ rất lớn, nhiều múi, không bị múi lép hay nhiều xơ. Đến vụ thứ hai là Trọng Xuân, ra vào tháng Hai âm lịch, đây là vụ ra sây trái nhất, người ta buộc phải hái bớt những trái mít non để dưỡng những trái còn lại. Và vụ cuối cùng là vụ Quý Xuân, vụ này ra trái nhiều tương đương với vụ đầu tiên nhưng người ta chỉ để vài trái thôi, bởi cây mít lúc này đã trĩu cành, thêm trái sẽ suy cây. Đây cũng là mùa mít non, các món ăn mít non thì cơ hồ là nhiều.

Nói tới món ăn chế biến từ mít non, hình như không nhiều lắm nhưng cũng không ít, bởi mít non biến tấu ít nhất cũng trên mười phiên bản, ví dụ như với tuổi thơ, chắc không ai từng là trẻ quê mà không biết món dớ mít (tức hoa mít đực) xắt trộn muối ớt, món tuy đơn giản, ăn chan chát ngòn ngọt, bùi bùi nhưng gây nhớ đáo để. Còn nói tới mít cái, mít non luộc để chế biến món ăn thì có món mít non phít tương ngọt của nhà chùa, ai từng ăn món này với cái vị thơm thơm của sả phi, mặn pha ngọt của tương và chút đường cũng như vị bùi bùi của mít non, chắc khó mà quên được. Nhất là được ăn bữa cơm ở chùa quê, một chùa nghèo, chùa làng, ông sư bà sãi phải cố gắng chắt chiu từng hạt gạo, từng trái mít non trong vườn để độ nhật. Một bữa cơm thanh đạm giữa buổi trưa, với mùi hương nhè nhẹ, với âm vang chuông ngọ… làm sao mà quên được.

Nhưng có vẻ như mít non kho cá chuồn vẫn là thứ gần gũi với nhà nông nhất, nó gần đến độ thành ca dao, thành lý lơi “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non em gởi xuống cá chuồn anh gởi lên.” Chỉ riêng hai câu này, cũng có lắm lời bàn vào tán ra trong ngôi vị anh/em. Bởi có người cho rằng mít non anh gởi xuống, cá chuồn em gởi lên mới đúng. Kỳ thực, trong hai câu này có tính âm dương, ngẫu tượng của nó và cũng có tính phân bổ nghề nghiệp rất rõ ràng. Tính âm dương, ngẫu tượng nằm ở chỗ mít non của em để dành cho anh và cá chuồn của anh dành gởi lên cho em. Rõ ràng, nó hàm chứa tính phồn thực, nó là câu hát giao duyên. Hơn nữa, tính phân chia nghề nghiệp, đàn ông thì ra biển, đàn bà thì lên rừng, đàn ông là con cháu Lạc Long Quân, đàn bà là con cháu Âu Cơ, đương nhiên tính tượng trưng, tính khế hợp và yếu tố tôn giáo ở đây thể hiện khá rõ nét. Nói tới nghề nghiệp, chỉ có đàn ông mới dám ra biển, mới đương đầu với sóng gió, còn phụ nữ thì ra rừng, kiếm mụt măng, buồng chuối hay hái trái mít non mà cải thiện bữa ăn.

Nhưng, có vẻ như mít non kho cá chuồn là món phổ dụng chứ chưa phải là món ngon, độc, lạ. Bởi mít non kho cá chuồn kiểu gì cũng ra một nồi cá kho mít để ăn với cơm và đương nhiên món này chỉ có thể xuất hiện trên mâm cơm, khi nó đứng một mình, thì chẳng giống ai, cũng chẳng thể ăn độc nhất mít non kho cá chuồn được. Ngược với món cá chuồn kho mít non, món gỏi mít non là món có thể ăn thay cơm, có thể ăn cho vui, có thể ăn vặt, có thể đặt trong nhà hàng sang chảnh, có thể đặt trên bàn ăn của vài ba trẻ thơ tóc còn để chỏm, có thể người già móm mém ăn vẫn thấy ngon. Chỉ có thể là mít non trộn gỏi!

Nói tới món mít non trộn gỏi, tôi nhớ tới nhà văn Cung Tích Biền và nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan, hai vị này là đôi bạn chân tình, làm gì thì làm, Biền uống bia phải gọi Nhan và Nhan uống bia mà thiếu Biền thì đâm ra bia nhạt thếch. Có lẽ do vậy mà sau khi nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan qua đời, nhà văn Cung Tích Biền ít giao du, sống ẩn dật gần như tuyệt đối và cũng chẳng còn thú vui rượu bia như trước.

Tôi nhớ những năm đầu thập niên 2000, tôi và mấy bạn văn nghệ sống lây lất ở Sài Gòn, trong đó có mấy người bạn tổ chức xuất bản tự do và phổ biến thơ Hậu Hiện Đại, như vậy là bị an ninh xua đuổi, rượt chạy tan tát, đứa đói đứa khổ… Hồi đó anh Biền thi thoảng vẫn cho tiền mấy anh em để độ nhật. Có bữa tôi bí tiền quá, gọi anh, nhờ anh cho mượn, anh gọi tôi lên một nhà hàng khá là đẹp ở Thanh Đa, Bình Quới, sau đó chừng mươi phút thì có anh Nguyễn Tôn Nhan. Và món đầu tiên, hình như cũng là món xuyên suốt của hôm đó là gỏi mít non. Anh Biền gọi một dĩa mít trộn (tức gỏi mít non) rồi giới thiệu đây là nhà hàng rặt món xứ Quảng, chỉ riêng gỏi mít nón có đến cả chục phiên bản khác nhau, phiên bản đầu tiên anh gọi là mít non trộn tôm đất rim đường. Sau đó thêm mấy món gỏi mít non trộn thịt bò phít cà chua, rồi mít non trộn da heo… Cuối cùng, anh tặng tôi một ít tiền để trả tiền phòng. Sau lần đó, anh Nhan qua đời, gần như tôi không có dịp ngồi uống với anh Biền nữa và anh cũng chẳng mấy khi ra quán. Và cứ mỗi khi nói tới món ăn này, tôi lại nhớ tới anh, một nhà văn gốc Quảng, nói năng từ tốn nhưng cũng sẵn sàng cãi cho tới cùng vấn đề, một người kĩ tính trong từng chi tiết nhưng khi xét cần thì bung hết độ, sẵn sàng vét những đồng cuối cùng cho anh em.

Chỉ cần chuẩn bị sẵn được một trái mít non rồi mang về gọt vỏ, cắt thành từng miếng nhỏ, luộc chín, hoặc cũng có thể mua mộtít mít non đã được luộc sẵn ngoài hàng, mang về luộc sơ lại cho mềm là coi như đã có nguyên liệu chính cho món mít trộn. Mít non sau khi luộc chín, để nguội thì xắt thành từng sợi nhỏ. Một chút dầu phụng phi thơm, giã thêm ít đậu phụng rang, chuẩn bị thêm ít tôm đất làm sạch, rim đường nhẹ, tức chỉ dùng ít đường đủ để tôm có vị ngọt của món rim, thêm ít da heo luộc chín, xắt mỏng là coi như hoàn thành phần chuẩn bị nguyên liệu.

Việc còn lại chỉ là cho mít non, da heo, dầu ăn, thêm chút nước mắm chanh đường ớt tỏi vào chung với nhau, trộn đều, sau đó rắc tôm rim lên trên rồi đến đậu phụng rang giã nhỏ, chuẩn bị thêm cái bánh tráng là đã có món gỏi mít trộn ngon lành!

Kính chúc quý vị một bữa ăn vui vẻ và ấm áp!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT