Hôn Nhân, Cuộc Sống

Những Chương Trình Vay Tiền Học Của Chính Phủ

Thursday, 20/09/2007 - 04:58:14

Khác với các hình thức trợ cấp tài chánh như Pell grants (của liên bang), Cal grants (của tiểu bang California) hay các học bổng khác, những chương trình cho vay tiền ...

Hoàng Châu
Theo một nghiên cứu cấp quốc gia của chương trình hỗ trợ đại học năm 2003 – 2004, các sinh viên thường ra trường đại học 4 năm với số nợ trung bình $20,000. Con số này dĩ nhiên cao hơn nữa với những sinh viên ở California là vùng đất đắt đỏ hoặc với những sinh viên không thể ra trường trong thời gian 4 năm.



Khác với các hình thức trợ cấp tài chánh như Pell grants (của liên bang), Cal grants (của tiểu bang California) hay các học bổng khác, những chương trình cho vay tiền (loan) có đặc điểm giống nhau là đòi hỏi sinh viên phải trả lại giống như vay tiền mua nhà hay mua xe.

Hai chương trình vay tiền được sự bảo trợ của chính phủ và được biết đến nhiều nhất là Perkins và Stafford. Đây là nguồn tài chánh có nhiều ưu điểm mà sinh viên nên nghĩ tới đầu tiên khi phải vay mượn trang trải cho học hành.

Mỗi trường đại học thường có một hoặc cả hai chương trình này.

I. Stafford

Năm 1988 quốc hội đặt tên thượng nghị sĩ Robert T. Stafford cho quỹ mượn tiền này nhằm vinh danh những đóng góp của ông cho giáo dục.

Muốn được vay tiền sinh viên phải ghi danh theo học ít nhất là nửa chương trình toàn thời gian (khoảng 6 đơn vị tín chỉ.) Tiền lời của chương trình thay đổi hàng năm nhưng không vượt quá 8.25%. Mức lời hiện nay là 6.8% được áp dụng từ 01/7/2006.

Khi mượn tiền sinh viên phải trả một chi phí nhỏ khoảng 3% - 4% trên tổng số tiền vay và phải hoàn trả 6 tháng sau khi sinh viên ra trường trong thời hạn 10 tới 25 năm tùy theo tổng số tiền nợ cũng như kế hoạch chi trả đã lựa chọn.

Chương trình vay tiền Stafford được chia ra làm 2 loại subsidized và unsubsidized.

1. Subsidized Stafford

Sinh viên được Bộ Giáo dục Hoa kỳ trả dùm (subsidized) tiền lời và chịu trách nhiệm thay cho sinh viên. Chương trình này chỉ dành cho con em những gia đình lợi tức thấp.  

Số tiền được vay thay đổi theo năm học của sinh viên. Đối với bậc Cử nhân, $3,500 cho năm thứ nhất, $4,500 cho năm thứ hai, $5,500 cho các năm sau đó. Tổng số tiền mượn không được vượt quá $23,000 cho bậc Cử nhân.

Sinh viên Sau Cử nhân (Cao học, Tiến sĩ … ) có thể mượn $8,500 một năm nhưng tổng số tiền không được vượt quá $65,000 cộng lại cho cả hai bậc Cử nhân và Sau Cử nhân.

2. Unsubsidized Stafford

Sinh viên không được trả dùm (unsubsidized) tiền lời cho số tiền mình mượn. Chương trình này cho mọi giới sinh viên vay mà không đòi hỏi phải là con em gia đình lợi tức thấp.

Số tiền được vay thay đổi theo năm học.  Đối với sinh viên bậc Cử nhân: $4,000 cho năm thứ nhất và thứ hai, $5,000 cho các năm sau. Tổng số tiền được vay cho cả hai chương trình unsubsidized và subsidized không quá $46 ngàn. Sinh viên Sau Cử nhân có thể mượn $12,000 một năm hay $20,500 nếu gộp chung subsidized và unsubsidized. Tổng số tiền không được vượt quá $138,000 cộng chung cho bậc Cử nhân và sau Cử nhân.

II. Perkins

Chương trình này được quốc hội đặt theo tên của dân biểu Carl D. Perkins để vinh danh đóng góp của ông cho giáo dục. Đây là chương trình vay tiền do Bộ Giáo dục trả dùm (subsidized) tiền lời cho sinh viên.

Thông thường sinh viên được vay tối đa $4,000 một năm và $20,000 cho toàn bộ các năm theo học bậc Cử nhân và tối đa $6,000 một năm cho các chương trình Sau Cử nhân. Số tiền tối đa được vay là  $40,000 tính chung cho hai chương trình Cử nhân và Sau Cử nhân.

Lãi suất của chương trình Perkins cố định ở mức 5%. Thời hạn hoàn trả lại tối đa là 10 năm tùy theo tổng số tiền vay nợ được bắt đầu 9 tháng sau khi ra trường.

Sinh viên phải là con em gia đình lợi tức thấp và không phải đóng lệ phí khi vay. Số tiền được vay tùy thuộc mỗi trường. Theo ước tính sinh viên phải trả $10.61 mỗi tháng cho mỗi $1000 vay mượn trong 120 tháng (10 năm) khi vay tiền theo chương trình Perkins.

III. Những điều nên lưu ý

Lãi suất của Stafford hiện nay là 6.8% và do vậy chương trình Perkins với lãi suất 5%  cộng với việc không phải trả lệ phí dường như là một lựa chọn thích hợp hơn. Vào thời điểm hiện nay các loại tiền vay nợ nên được cân nhắc theo thứ tự ưu tiên sau: Perkins, Subsidized Stafford, Unsubsidized Stafford rồi mới tới những chương trình có phân lời thấp khác.

Không phải đại học nào cũng có cả hai chương trình Stafford và Perkins. Sinh viên phải lựa chọn trong giới hạn mà Văn phòng Trợ cấp Tài chánh của các đại học đề ra. Đại học Stanford dành chương trình Perkins cho sinh viên bậc Cử nhân và Stafford cho Sau Cử nhân.

Dĩ nhiên, tùy theo nhu cầu, sinh viên có thể kết hợp vay tiền của nhiều chương trình khác nhau từ chính phủ liên bang đến những quỹ dồi dào của các đại học hay các ngân hàng liên kết với trường. Tuy nhiên các chương trình có sự bảo trợ của chính phủ vẫn được sinh viên lựa chọn đầu tiên vì có nhiều ưu điểm như sau:

1. Sinh viên chỉ phải trả tiền 6 – 9 tháng sau khi tốt nghiệp. Đa số những nhà tín dụng tư đòi sinh viên trả hàng tháng ngay sau khi mượn giống như trả các thẻ tín dụng.

2. Tiền lời thấp hơn ngân hàng và dĩ nhiên thấp hơn nhiều khi trả bằng thẻ tín dụng.

3. Không cần tiểu sử tín dụng khi vay tiền.

4. Không cần người đồng ký tên chịu trách nhiệm chung (Bộ Giáo dục lo việc này rồi.)

5. Có thể trả hết ngay khi đi làm do vậy không phải trả tiền lời mà không bị phạt.

Đối với các học sinh thuộc gia đình trung lưu, sự lựa chọn sai hệ thống trường có thể khiến chính các em hay cha mẹ phải lo lắng về phí tổn theo học. Nên cẩn thận khi quyết định chọn các loại trường: tư thục, CSU, UC hay cao đẳng cộng đồng. Mỗi loại trường đều có những ưu điểm riêng để sinh viên lựa chọn sao cho phù hợp với sức học và túi tiền của mình.

IV. Vài con số thống kê

Trong năm học vừa qua Bộ Giáo dục thuộc chính phủ liên bang đã dành ra $78 tỷ giúp đỡ tài chánh cho 10 triệu sinh viên.

Càng ngày càng có ít sinh viên có thể chi trả cho việc học hành mà không phải mượn tiền dưới một hình thức nào đó. Khoảng 2/3 sinh viên tốt nghiệp với gánh nặng nợ nần trên đôi vai. Theo trang web FinAid.org, một sinh viên ra trường nếu theo học tại một đại học 4 năm thường nợ trung bình $17,000 đối với đại học công và $25,000 đối với đại học tư.

Một phần tư sinh viên bậc Cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học nợ $25,000 và một phần mười nợ $35,000. Dĩ nhiên việc theo học các trường đại học tư vẫn sẽ tốn kém  hơn.

Số tiền trên không kể đến việc cha mẹ cũng phải vay để chi trả phần cha mẹ đóng góp (Parents Contribution.) Tổng số tiền mượn nợ tăng lên ít nhất 3% mỗi năm.

Giáo dục là một hình thức đầu tư. Cũng vì vậy sinh viên phải khôn ngoan lựa chọn chương trình vay tiền thích hợp. Đừng mượn nhiều hơn những gì mình thực sự cần và chỉ nên mượn cho việc học hành mà thôi. Sinh viên không cần mượn toàn bộ số tiền trong giấy đề nghị của Văn phòng Trợ cấp Tài chánh.

Cuối cùng xin tận dụng những học bổng về nghiên cứu hay những chương trình đặc biệt cho ngành sư phạm, điều dưỡng, dược … mà nhiều khi rất hào phóng đối với sinh viên. Các bạn trẻ nên dành thêm thời gian để săn lùng các học bổng hiện diện khắp nơi. Công sức bỏ ra cho việc tìm kiếm này giúp các em tiết kiệm tiền. Nó cho phép sinh viên tận dụng được các nguồn tài trợ ngoài gia đình cho việc học hành và ít lo lắng hơn sau khi ra trường.

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT