Hôn Nhân, Cuộc Sống

Những Người Bỏ Học Ngang Đoạt Giải Nobel

Tuesday, 13/03/2007 - 04:10:15

John Steinbeck là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của văn học Mỹ thế kỷ 20. Ông đoạt giải Pulitzer năm 1940 và Nobel Văn chương năm 1962. Số ...

Hoàng Châu
Bỏ học ngang thường được coi là một lỗi lầm hay là một chứng bệnh nổi loạn của tuổi học trò. Tuy nhiên điều đó không phải là tuyệt vọng nếu biết tìm cách khám phá ra tài năng hay biết đi học lại để tìm ra hướng đi đích thực cho tương lai. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về vài cuộc đời bỏ học ngang, có người bỏ học tới hai lần,  mà vẫn à  “oai phong” đoạt giải thưởng Nobel!!!



Anh_J_Steinbeck.jpgJohn Steinbeck là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của văn học Mỹ thế kỷ 20. Ông đoạt giải Pulitzer năm 1940 và Nobel Văn chương năm 1962. Số lượng các nhà văn được vinh dự nhận hai giải thưởng này trong cuộc đời cầm bút thật sự hiếm hoi. Xin các bạn trẻ đừng bắt chước ông vì chúng ta không phải là những "thiên tài!"

Khi còn học trung học,  John Steinbeck là President (trưởng khối lớp) của lớp và đồng thời tham gia viết báo trường như một cây viết thường xuyên. Sau khi tốt nghiệp trung học, John Steinbeck được nhận vào đại học Stanford năm 1919. Điều này chứng tỏ trong lúc là học sinh trung học cậu có một học lực khá vững vàng nên mới được nhận vào trường đại học nổi tiếng này. Tuy nhiên, khi bước chân vào đại học với ý định học chuyên nghành về Anh văn cậu chỉ đạt được điểm C cho môn này ở năm thứ nhất và bỏ học ngang vào năm 1921 để làm nhiều nghề khác nhau như hái trái cây trong nông trại, phụ tá phòng thí nghiệm (dĩ nhiên là chỉ làm những việc lặt vặt) nhân viên bán hàng và công nhân nhà máy. Nhờ vào thời gian đi làm việc này, cậu có đủ vốn sống để mô tả những cực nhọc của tầng lớp lao động mà cậu đã một thời trải qua.

Cuối cùng, ê ẩm vì miếng cơm manh áo và nhằm mưu tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, cậu quay lại Stanford vào năm 1923, đổi qua học về báo chí nhưng cuối cùng lại bỏ ngang lần thứ hai năm 1925 khi chỉ còn một mùa cuối cùng nữa là tốt nghiệp.

Đọc đến đây hẳn quý vị phụ huynh thông cảm một phần cho con em mình đang đi học đại học. Thành công ở trung học chưa chắc là sẽ bảo đảm thành công ở đại học.  Vì rất nhiều lý do khác nhau, có những em học hành dễ dàng, nhẹ nàng vượt qua tất cả nhưng có những em vật lộn liên tục với "cơn ác mộng học hành." Đại học căng thẳng và khó khăn. Con em chúng ta cần những nâng đỡ và khuyến khích.

William Faulkner là một nhà văn đoạt giải thưởng Nobel Văn chương năm 1949, hai giải thưởng Pulitzer vào năm 1955 và năm 1963. Ông được coi như một trong những nhà văn có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong văn học Hoa kỳ.

Anh_W_Faulkner.jpgNgay khi đi học tiểu học, cậu William Faulkner đã chứng tỏ tài năng về văn thơ của mình và được một số văn thi sĩ trong vùng lưu ý nâng đỡ vun trồng cho năng khiếu văn chương của cậu. Tuy vậy, bắt đầu năm học lớp 6 cậu cảm thấy chán chường với lớp học. Dần dần khi lên tới lớp 8 cậu bắt đầu biết trốn học đi chơi lang thang. Năm học lớp 11 cậu quyết định bỏ học ngang (12/1914.) Qua năm sau, bị cha mẹ thúc ép cậu quay lại trường học chỉ với mục đích chính là chơi bóng bầu dục (football) rồi bị thương ở sống mũi. Thế là cậu có lý do nghỉ học chính thức mà không hề áy náy với ai. Sau thời gian này William Faulkner gia nhập không quân. Năm 1919 sau khi đi lính trở về, cậu được nhập học đại học Mississippi theo diện đặc biệt với lý do là cựu quân nhân. Lúc đó muốn học đại học phải học xong trung học.

Vào trường đại học Mississippi, William Faulkner vừa học vừa viết cho báo trường, cậu làm thơ, viết truyện ngắn và trình bày những tác phẩm nghệ thuật khác cho tờ báo trường tên là Mississippian. Đồng thời cậu viết kịch và thành lập một  câu lạc bộ nhưng cuối cùng kết quả không tới đâu. Vừa học hành vừa viết lách như vậy kể ra cũng thú vị, nhàn nhã nhưng rồi chỉ sau 3 học kỳ (semesters) William Faulkner lại bỏ học và không bao giờ trở lại mái trường nữa. Khuôn viên đại học dường như không phải dành cho tất cả mọi người. Điều này thật thú vị cho nền văn học Mỹ, một người bỏ ngang cả trung học và đại học đã trở thành một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Và trong nhiều trường hợp chính những tác phẩm do những tác giả không tốt nghiệp đại học đã được giảng dạy ở nhiều giảng đường trên thế giới.

Theo William Faulkner học vấn không phải chỉ đến từ học đường. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo The Paris Review ông ca ngợi việc tự học, tự mình khám phá, “Hãy học từ những lầm lỗi của mình, con người chỉ có thể học hỏi từ những sai lầm.”

Hai nhân vật được vinh dự nhận giải thưởng Nobel nêu trên là cho Văn chương. Tuy nhiên có những nhân vật được giải Nobel về khoa học cũng có thành tích dở chừng là bỏ học ngang. Điển hình là Peter Agre, một bác sĩ Y khoa đang nghiên cứu và giảng dạy tại Johns Hopkins, một trong những đại học Y khoa nổi tiếng của Mỹ.

Peter Agre đoạt giải thưởng Nobel Hóa học năm 2003 về công trình nghiên cứu aquaporins -  một hệ thống kênh - cho phép nước mau chóng vượt qua những màng tế bào trong quá trình thẩm thấu và dẫn nước tới những nơi cơ thể cần. Hệ thống kênh này thực hiện những chức năng giống như những ống dẫn nước trong nhà chúng ta. Khám phá này mở đường cho những trị liệu về thận, những rối loạn của tuyến nước mắt, tuyến mồ hôi cũng như giải thích cơ chế một số thuốc dùng cho việc chữa bệnh.

Anh_Peter.Agre.jpgPeter Agre sinh trưởng trong một gia đình học thức, cha là giáo sư dạy Hóa tại đại học. Tuy nhiên, khi còn là học sinh trung học năm cuối, cậu đã lãnh trọn một con D cho môn Hóa này. Và đây là điều vừa mỉa mai vừa buồn cười, một học sinh bị điểm D cho môn Hóa học lại đoạt giải thưởng Nobel về Hóa học 37 năm sau!!!

Xin nhớ rằng trong các môn học, Hóa nổi tiếng là một môn khó, trong một cuốn sách ghi tên những sinh viên ra trường cách đây hai năm tại một trường thuộc tiểu bang California người ta thấy có khoảng 1500 sinh viên đã tốt nghiệp ngành Thương mại (Business) trong khi đó chỉ có 7 người tốt nghiệp ngành Hóa. Nếu như khi học ở Việt nam chỉ cần nhớ các phương trình phản ứng, Hóa tại Mỹ học rất sâu, mỗi thí nghiệm đòi hỏi phải theo đúng những quy trình về pha chế, nhiệt độ, áp suất ... Chỉ cần hớ hênh một chút là thu lượm được sản phẩm không như ý và coi như mất công toi.

Quay lại với trường hợp của Peter Agre, tới gần cuối năm lớp 12 trong khi bạn bè chuẩn bị cho lễ ra trường cậu lặng lẽ bỏ ngang trung học do đam mê làm tờ báo tên Substandard cùng với vài người bạn. Tờ báo này không phải là báo trường, chỉ có tính cách như bút nhóm mà thôi. Điều đáng nói ở đây là sau đó cậu đã “tu tỉnh” và đi học lại một cách đàng hoàng, từ cao đẳng cộng đồng tới trường đại học rồi trường Y khoa.

Một học sinh nổi loạn bỏ ngang trung học đã leo lên những bậc thang cao nhất về khoa học là điều kỳ diệu đáng khâm phục. Trong một cuộc phỏng vấn báo chí khi đề cập tới sự kiện bỏ học ông cho đó là “một hành động thiếu trưởng thành” mà một học sinh nếu vấp phạm phải cần để cho qua đi rồi rút kinh nghiệm cho lần sau. Lúc quay lại trường trung học nói chuyện với học sinh thuộc thế hệ sau ông đã tâm sự, “Nếu các bạn không vào được một đại học tốt, các bạn không phải là người thất bại.”

Qua những bài học nêu trên chúng ta thấy rằng có nhiều con đường đi tới thành công cũng như  không có lỗi lầm nào không thể sửa chữa được. Là cha mẹ, ai cũng muốn thấy con em mình thành công trong học vấn. Tuy nhiên con đường đó không phải lúc nào cũng bằng phẳng và dễ dàng. Bản thân các em cũng đang vật lộn với chữ nghĩa và cố gắng. Nếu các em phải học lâu thời gian hơn, điểm không được tốt … Xin hãy kiên nhẫn chấp nhận. Còn đi học, còn tới trường là còn hy vọng. Phụ huynh nên thông cảm, khuyên bảo và khuyến khích khi các em gặp khó khăn. Trong khi khuyên bảo nên có thái độ tích cực; rầy la trách móc sẽ ít khi mang lại được kết quả như ý.

 

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT