Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Patricia Stiles hát Hồ Xuân Hương

Anvi Hoàng/Viễn Đông Tuesday, 29/05/2012 - 09:31:42

Ca sĩ có thể chọn hát các bài hát nổi tiếng trong các vở opera, hoặc các bài hát mới của các nhà soạn nhạc đương thời.

Hát không cần micro (kỳ 3)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


LTS:
Trong loạt bài nhằm tiếp tục giới thiệu và tìm hiểu về ngành nghệ thuật sân khấu opera, Viễn Đông đã giới thiệu đến độc giả ở kỳ 1 và 2 về kiểu hát “không cần micro” và quá trình huấn luyện của ca sĩ opera. Kỳ 3 này bàn về nghề đi dạy của ca sĩ opera.

Patricia Stiles là ca sĩ opera chuyên nghiệp. Hơn 20 năm làm việc ở Đức, bà đã đóng trên 70 vai diễn opera khác nhau với chất giọng từ trong, cao đến đậm đà, mạnh mẽ.
Ngoài hát opera, bà Stiles cũng đã từng hát solo với các dàn nhạc ở châu Âu. Đây cũng là loại hát không cần micro trong khán phòng nhỏ, một ca sĩ một nhạc cụ đệm; mà cũng có thể trong khán phòng thật rộng cả ngàn người với dàn nhạc lớn. Ca sĩ có thể chọn hát các bài hát nổi tiếng trong các vở opera, hoặc các bài hát mới của các nhà soạn nhạc đương thời.


Patricia Stiles trong vai Preziosilla, opera “La Forza del Destino” của Verdi 
ảnh tài liệu của Patricia Stiles

Nhiều ca sĩ opera chỉ chọn hát một số kiểu bài hát nhất định và không hát nhạc mới, nhưng Patricia Stiles thì sẵn sàng tiếp nhận thử thách mới. Khi quay lại Mỹ năm 1998, Stiles trở thành giáo sư thanh nhạc tại trường đại học Indiana University. Nay đã hơn 60 tuổi nhưng Stiles vẫn tiếp tục biểu diễn và ra CD.
Một thử thách mới đây của bà là biểu diễn loạt bài hát Hồ Xuân Hương của nhà soạn nhạc P.Q. Phan. Đây là một loạt gồm 6 bài hát phổ theo thơ của Hồ Xuân Hương đã được dịch sang tiếng Anh: Tự Tình I (Confession I), Tự Tình II (Confession II), Tự Tình III (Confession III), Bánh Trôi Nước (Floating Cake), Làm Lẽ (On Sharing a Husband), Quả Mít (Jackfruit). Cuộc đời và lời thơ của Hồ Xuân Hương mang tính khiêu khích đến nỗi để lại ấn tượng sâu sắc đối với khán giả. Âm nhạc cũng mang tính biểu cảm cao và kích động không kém. Nhiều người ra khỏi thính đường và hát ngân nga câu thơ “chém cha cái kiếp lấy chồng chung” của Hồ Xuân Hương.
Bà Stiles tâm sự về việc giảng dạy và hát Hồ Xuân Hương.

Anvi Hoàng: Có đúng là đàn bà Châu Á có khuynh hướng hát giọng cao (soprano)?
Patricia Stiles: Ngôn ngữ Châu Á đòi hỏi phải phát âm rất khác tiếng Anh. Khi nghe các sinh viên nói chuyện, tôi có thể nghe ra ngay rằng sinh viên Châu Á nói với cao độ cao hơn bình thường. Vì vậy họ cũng hát với giọng cao hơn.

Anvi Hoàng: Người không trong giới chuyên môn có thể dễ dàng nghe thấy sự khác biệt giữa hát pop và hát opera. Về mặt âm nhạc, thói quen hát nhạc pop và hát opera khác nhau như thế nào?
Patricia Stiles: Hát nhạc pop, người ta hay “cương” và thay đổi âm điệu nốt nhạc tùy thích - điều này không được chấp nhận trong hát opera hoặc hát cổ điển. Phần nhiều, yêu cầu của nhà sáng tác là phải giữ âm điệu của nốt nhạc trong một khoảng thời gian dài ngắn nhất định.
Hệ thống hỗ trợ sâu (deep support) trong hát cổ điển cũng khác. Thật ra không nhất thiết phải khác nhau, nhưng những người chưa từng học hát cổ điển sẽ không biết cách hát một câu dài với sự hỗ trợ sâu để tất cả các nốt nhạc đều có độ rung và vang như nhau. Sự hỗ trợ sâu này cần tới sự vận động của toàn bộ cơ thể, toàn bộ hệ hô hấp, các cơ bắp ở sau lưng, ở lồng ngực, bộ khung xương sườn. Những điều này đều phải được huấn luyện. Có một số người có năng khiếu bẩm sinh và họ tự học để hát rất tốt nhưng đến khi chuyển qua hát cổ điển cũng gặp khó khăn.

Anvi Hoàng: Mối liên hệ giữa giáo viên thanh nhạc và sinh viên có gì khác biệt hơn so với các ngành khác?
Patricia Stiles: Tôi cho rằng sự liên hệ mật thiết hơn các ngành khác, nhưng tôi không nói hộ cho tất cả mọi người người được. Đối với tôi, trong quá trình học hát, sinh viên hiểu biết hơn về bản thân mình. Họ khám phá ra những điều bi quan về bản thân làm họ bực bội, họ cũng khám phá ra những điều ngạc nhiên thú vị về bản thân. Đôi khi, những khám phá đó trở nên “quá tải” và họ rất nản. Ví dụ những lúc họ đang tìm cách phối hợp nhiều kỹ năng mới học để nhảy sang bước kế tiếp nhưng chưa làm được, hoặc họ không được nhận vai trong một vở opera. Nhiều chuyện như thế và rất nhiều cảm xúc xảy ra cùng một lúc. Do đó, cuộc sống sinh viên đầy biến động. Là thầy dạy, tôi chia sẻ cùng sinh viên của tôi trong cuộc hành trình này.
Họ tâm sự với tôi nhiều chuyện và tôi biết rất rõ về bản thân họ. Nhưng tất nhiên không phải lúc nào tôi cũng nói với họ về những gì tôi biết về họ. Phải tùy cơ ứng biến. Khác với việc học các nhạc cụ khác, trong học hát, bản thân mình là công cụ. Do đó nếu mình không tự tin vào bản thân thì sẽ không làm được việc. Khi lên sân khấu, họ không có cây đàn piano để mà dựa vào, tất cả những gì họ có là bản thân mình, hơi thở của mình, trí não của mình, những gì mình được huấn luyện, và tính cách của mình. Người ca sĩ opera trên sân khấu giống như là vũ công khỏa thân nơi công cộng. Chỉ mình với mình. Vì vậy có nhiều rủi ro và thách thức hơn.

Anvi Hoàng: Những thách thức trong việc giảng dạy là gì?
Patricia Stiles: Đó là phải tìm cách cân bằng nhiều yếu tố. Đôi khi người giáo viên giống như là nhà tâm lý học, phải cân nhắc mình có thể chia sẻ bao nhiêu sự thật với học trò, bao nhiêu là mức họ có thể chấp nhận được để giữ vững lòng tự tin - sao cho mỗi khi tôi khen họ thì họ biết là tôi khen thật chứ không phải khách sáo.

Anvi Hoàng: Niềm vui trong việc giảng dạy là gì?
Patricia Stiles: Là nhìn thấy học trò mình trưởng thành và cảm thấy mình giúp được họ, cũng như vui vì sự giao tiếp qua lại với người khác. Tôi học cách yêu mến tất cả các học trò của tôi và họ rất biết ơn tôi.

Anvi Hoàng: Kinh nghiệm trình bày loạt bài hát Hồ Xuân Hương của bà như thế nào?
Patricia Stiles: Về mặt ngôn ngữ, lời thơ thật tuyệt vời đáng kinh ngạc, đặc biệt là vào thời của Hồ Xuân Hương. Lời thơ cho thấy tính cách và con người thú vị của Hồ Xuân Hương. Về mặt âm nhạc cũng thú vị như thế, có nhiều giai điệu đẹp trong các bài hát. Tôi dành thời gian để nghiên cứu bài hát chứ không học vội. Tôi nghĩ đối với khán giả, lời bài hát mang nhiều ý nghĩa, và đã bộc lộ rất nhiều về suy nghĩ của người đàn bà rồi, hoặc của một số đàn bà vào thời điểm Hồ Xuân Hương.

Anvi Hoàng: Lời thơ có nhiều chỗ mang ẩn ý tình dục sâu xa, bà “vào vai” như thế nào?
Patricia Stiles: Tôi đã từng đóng những vai mà ẩn ý tình dục cũng cao. Đối với loạt bài hát Hồ Xuân Hương, quả là yếu tố tình dục làm tôi kinh ngạc. Đó cũng là điều làm tôi phải suy nghĩ để thể hiện trong bài hát. Nhưng phải nói ý nghĩa tình dục ở đây không thô thiển chút nào. Chỉ có một điểm là khi tôi phải hát và nhấn mạnh chữ “screw” [dịch nghĩa tiếng Anh của từ “chém cha” trong câu “chém cha cái kiếp lấy chồng chung”] nhiều lần, tôi cứ tưởng tượng cảnh gia đình tôi phải nghe câu này và họ sẽ cảm thấy ngượng ngùng. Tôi gởi cho mọi người CD bài hát và “khuyến cáo” họ trước về chuyện này. Tôi có nói với P.Q. Phan về việc liệu có thể tìm một chữ khác thay thế cho từ “chém cha” hay không nhưng ông không đồng ý. Về phần mình, tôi hát theo yêu cầu của nhà soạn nhạc, lên sân khấu thì việc của tôi là nhập vai để hát. Ngoài đời, tôi không xử sự như Hồ Xuân Hương nhưng trong vai của bà, tôi biểu diễn cảm xúc và suy nghĩ của bà. Tôi không nghĩ đến chuyện tình dục, mà chỉ thấy đó là ý chí và cảm xúc mạnh mẽ của bà chống lại nghịch cảnh.
Tôi rất vinh dự là nhà soạn nhạc P.Q. Phan đã đề tặng loạt bài hát Hồ Xuân Hương cho tôi, rằng tôi đã có cơ hội biết về Hồ Xuân Hương và giới thiệu bà với khán giả phương Tây.
* * *
Nghe Patricia Stiles hát loạt bài Hồ Xuân Hương (tựa đề tiếng Anh là “Spring Confession”) ở đây: http://pqphan.com/works.html

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT